Phế Đô
Chương 29 :
Ngày đăng: 17:46 18/04/20
Giám đốc Hoàng liền quát con:
- Đi đi, xéo ra đằng kia, trong lớp không chăm chú nghe thầy giáo giảng, về nhà lại làm bố lẫn lộn nốt – rồi nói với Hồng Giang – chương trình có thế này thôi ư?
Hồng Giang đáp:
- Ngồi cùng một ghế với danh nhân văn hoá, đó là loại người như thế nào. Mình làm nhà doanh nghiệp lẽ nào cứ mãi mãi là nhà doanh nghiệp nông dân. Tại sao không xoá bỏ chữ nông dân đi?
Giám đốc Hoàng liền cười hì hì, giục:
- Vào trong nhà ngồi đã!
Mời Hồng Giang vào trong nhà, rồi đưa rượu ngon trà ngon ra chiêu đãi, song hỏi kỹ Trang Chi Điệp gần đây đã dọn nhà chưa? Mẹ vợ Trang Chi Điệp nằm viện đã khỏi bệnh chưa? Cái nốt ruồi ở cằm của Trang Chi Điệp bảo là dùng tia la de tẩy đi, không biết dã mất hay vẫn còn?
Hồng Giang cười, trả lời:
- Giám đốc Hoàng này, giám đốc đừng nói những lời như tra khảo tôi như thế. Đòn này của giám đốc ghê gớm đấy, nếu đến đây là tên bịp bợm sẽ phải trả lời theo câu hỏi của giám đốc, vậy thì con cáo đóng giả bà già sẽ lòi đuôi ra! Giám đốc nhìn cái này, xem có giống với con dấu trên bức tranh chữ Trang Chi Điệp viết cho giám đốc treo trên tường kia không?
Hồng Giang liền lấy ra một con dấu bảng đá màu tiết gà. Giám đốc Hoàng nhìn con dấu, lại đóng lên giấy một cái, giống y hệt như trên bức tranh. Hồng Giang nói:
- Con dấu này, Trang Chi Điệp giao cho hiệu sách quản lý. Thầy Điệp vốn định bán sách ký tên, nhưng sau đó phải đi họp Hội đồng nhân dân, chân lại bị trẹo, mới bảo tôi cầm dấu đóng vào bìa phụ của cuốn sách bán ra, so với trước tốc độ bán sách nhanh hơn nhiều. Nay thầy giáo vốn định đi cơ, nhưng chân còn đau chưa đi được, nên tôi mới cầm con dấu này đến làm chứng để giám đốc nhìn thấy con dấu như nhìn thấy chính thầy giáo Điệp.
Giám đốc Hoàng nói:
- Tôi đâu phải không tin anh? Tôi cũng chẳng cần xem con dấu kỹ làm gì. Nếu đã không tin anh, thì tôi có thể tin một con dấu hay sao? Cục công an chẳng phải thường bắt một số người khắc dấu trộm đó sao?
Nhưng lại hỏi:
- Ông Điệp tại sao bị trẹo chân? Vết thương có nặng không?
Hồng Giang đáp:
- Lâu lắm rồi chưa thấy khỏi, thị trưởng cũng quan tâm, đích thân gọi điện thoại cho giáo sư bệnh viện thuộc Viện y học đi pha chế thuốc, nhưng cũng chưa thấy hiệu quả rõ rệt.
Giám đốc Hoàng nói:
- Phương thuốc dân gian làm danh y tức lên mà chết đấy, giá nói sớm với tôi, thì có lẽ vết thương đã khỏi từ lâu rồi. Tôi có quen một người, gia đình có nhiều phương thuốc dân gian và bí mật gia truyền, chuyên trị vết thương do ngã và đánh đập, chỉ một liều thuốc cao là khỏi liền.
Hồng Giang nói:
- Vậy thì hay quá, chúng ta đi mời thầy thuốc đến chữa bệnh và giám đốc cũng sẽ yên tâm tôi là thật hay giả.
Ngay tức thì hai người đạp xe đến nhà thầy thuốc, lại cùng thầy thuốc vẫy xe ô tô chở thuê đi đến Song Nhân Phủ. Thầy thuốc tháo băng trên chân Trang Chi Điệp, lấy tay ấn vào thịt cạnh cổ chân, thịt lõm xuống thành một hõm nhỏ, lâu lắm mới dần dần mất đi. Giám đốc Hoàng tức giận bảo:
- Thế mà cũng coi là giáo sư của viện y học, giáo sư, giáo sư ăn không của chế độ. Anh chờ đấy, thầy lang Tống dán cao cho anh, sáng sớm ngày mai anh có thể lên tường thành đi bộ và nhẩy tâng tâng được cho mà xem.
Người thầy lang kia nói:
- Anh Hoàng ơi, đừng gọi tôi là thầy lang này thầy lang kia nữa, tôi có phải là thầy lang đâu!
Giám đốc Hoàng nói:
- Anh cũng bảo thủ lắm cơ, chết đến đít còn không đi cầu xin, tay bưng bát vàng, nhưng lại đòi đi ăn mày, làm đếch gì trong cái trường trung học ấy, mỗi ngày chẳng kiếm nổi ba đồng. Thật chẳng thà xin từ chức, lập ra một phòng khám bệnh tư nhân có phải ăn thơm uống cay không nào? Anh cứ chịu khó chữa khỏi cho ông Điệp đi, chữa khỏi rồi, ông Điệp là danh nhân lại không giúp anh kiếm được giấy phép hành nghề hay sao?
Trang Chi Điệp liền hỏi tại sao không phải là thầy thuốc?. Giám đốc Hoàng nói anh ấy luôn luôn chưa được cấp giấy phép làm nghề y, hiện nay vẫn làm quản lý bếp ăn ở một trường phổ thông cơ sở, chỉ dâm dúi pha chế thuốc cho người bệnh. Trang Chi Điệp cảm động lắm, liền bảo:
- Anh có tay nghề nổi trội, đúng là nên tự phát huy thế mạnh của mình. Đương nhiên là giấy phép hành nghề y phải được Cục y tế xét cấp. Tôi không có người thân quen ở Cục y tế, nhưng cũng biết chủ nhiệm Vương ở văn phòng uỷ ban đường phố Đại lộ Thượng Hiền. Anh họ ông Vương làm Cục trưởng Cục y tế.
Giám đốc Hoàng nói:
- Thầy lang Tống, anh nghe thấy chưa? Thế nào là danh nhân? Danh nhân có khác phải không nào? Chúng mình chớp thời cơ, rèn sắt đang lúc còn đỏ, hôm nay mời thầy Điệp tiên sinh dẫn anh và tôi đi gặp ông chủ nhiệm Vương cái đã, cứ chấp nối với Cục y tế trước. Sư phụ dẫn vào cửa, tu hành ở cá nhân, sau này không phiền tóai đến Điệp tiên sinh nữa, anh trực tiếp đi bám ông Cục trưởng.
Thầy lang Tống nghe xong cũng phấn khởi vô cùng, song lại nói:
- Liệu có được không? Hôm nay làm sao Điệp tiên sinh đi được?
Thấy giám đốc Hoàng tiện cột trèo cao, đặt vấn đề đi tìm chủ nhiệm Vương như vậy, Trang Chi Điệp không vui vẻ lắm, nhưng thấy thầy lang Tống nét mặt lúng túng khó xử, lại cảm thấy con người này thật thà. Anh nghĩ, ở bệnh viện hiện nay, nói chung thầy thuốc tây y thấy bệnh chỉ đưa đẩy, thầy thuốc đông y thấy bệnh lại chỉ nói bốc. Còn anh Tống này, thấy chân đau không nói anh có chữa được hay không, Trang Chi Điệp liền biết ngay anh ấy có tấm lòng chạy chữa. Sở dĩ có tay nghề như thế này mà không có giấy phép hành nghề, có lẽ là do anh ấy vụng về trong giao tiếp liền nhận lời có thể đi được. Thầy lang Tống liền đứng lên bảo là định đi đại tiện. Trang Chi Điệp bảo trong nhà có cầu tiêu, ngồi bô thoải mái hơn ngồi xổm ở nhà xí công cộng. Thấy lang Tống nói:
- Chính là tôi ngại ngồi bô không quen.
Liễu Nguyệt liền dẫn anh Tống ra cổng, chỉ hướng để anh ấy đi. Lâu lắm không thấy anh Tống về, giám đốc Hoàng liền nói đến tình hình sản xuất của nhà máy 101, cứ cảm ơn rối rít bài viết của Trang Chi Điệp. Tự nhiên Hồng Giang nêu ra chuyện hội đồng quản trị cửa hàng tranh. Trang Chi Điệp vẫn bảo việc này cậu cứ bàn với Triệu Kinh Ngũ. Giám đốc Hoàng định nói câu gì, thì Hồng Giang đã vội vàng giục:
- Giám đốc Hoàng này, người giám đốc mồ hôi mồ kê nhẽ nhãi, giám đốc đi rửa cái mặt cho mát.
Giám đốc Hoàng kéo vạt áo lên ngửi. Dường như có phần nào ngường ngượng, nói:
- Tôi béo, không chịu được nóng nực mà!
Nói xong cô đứng lên, tập tễnh đi không nổi. Chủ nhiệm Vương định ra cửa hiệu giày dép ở đầu phố mua một đôi mới, thì A Lan vội vàng nói:
- Thôi thôi, chủ nhiệm ạ, đã rơi, thì cứ để rơi một thể, anh rể em sửa được giày mà!
Nói xong cô nhặt một hòn gạch đập luôn gót sau của chiếc giày còn nguyên, đập một cái rơi ngay, cô bỏ luôn hai gót sau vào trong túi xách tay, nhìn bọn người của Trang Chi Điệp nói một câu:
- Tạm biệt.
Mặt cô vẫn chưa hết ngượng còn đỏ ửng. Chiếc xe thuê đưa Trang Chi Điệp về nhà trước. Qua đêm ấy, vết thương ở chân, tuy giẫm vẫn còn cồm cộm, song không phải chống gậy nữa, cả nhà mừng lắm. Bà mẹ vợ cứ bảo nhờ cái bùa.
Lại trong đêm thứ hai, Liễu Nguyệt đang nằm ngủ mơ màng, thì nghe thấy bà già nói:
- Trị được quỷ dữ rồi, thì anh lại tuỳ tiện bừa bãi, trong nhà còn có một người ở, để gái tân người ta chê cười cho à?
Liễu Nguyệt tưởng có ai đến, lúc mở mắt ra, ánh trăng ở ngoài cửa sổ mờ mờ ảo ảo, đang là canh ba nửa đêm, liền hỏi:
- Bà ơi, bà lại lẩn thẩn rồi phải không?
Bà già ngồi dậy trong cái quan tài nói:
- Cô dậy rồi à? Vừa mới tỉnh hay tỉnh từ lâu rồi?
Bà lại quở trách người nào đó, đồng thời cầm cái dép nhỏ trong lòng ném đi, cười khanh khách. Bà già có một thói quen, khi ngủ thường tháo đôi dép ra ôm vào lòng, nói:
- Ôm dép ngủ không mất hồn. Con người ta hễ nhắm mắt ngủ là y như người chết. Nhưng đấy không phải là chết thật, hồn vía rời khỏi thân, nhưng vẫn quanh quẩn trên đầu. Mơ là hồn vía đấy! Nếu không ôm giày dép, sẽ không nằm mơ nữa, không nằm mơ sẽ không có hồn vía, người sẽ sắp chết thật.
Liễu Nguyệt không tin lời bà song cũng không dám động đến dép của bà. Thường thường buổi tối xem tivi, xem được một lúc bà ngủ luôn, trong lòng vẫn ôm đôi dép. Liễu Nguyệt không thể gọi bà, chỉ lấy tay hươ hươ trước mắt bà, xem bà có phản ứng gì không, rồi bế cả bà lẫn dép lên giường quan tài ngủ. Thỉnh thoảng có lúc bà vẫn chưa ngủ, Liễu Nguyệt hươ tay trước mắt, bà bảo:
- Ta chưa ngủ đâu! Nhớ đấy, nếu ta ngủ thì dép phải ở trong lòng.
Bây giờ thấy bà ném dép đi, Liễu Nguyệt vội hỏi tại sao, bà đáp:
- Lão bá cô đã về đây, ông ấy vừa đứng ở bên tường, ta đã đánh ông ấy.
Liễu Nguyệt tóat hết mồ hôi, vội bật đèn. Cạnh tường không có ai, chỉ có cái que gỗ cô đóng treo quần áo lúc chiều nay vẫn còn ở trên tường.
Bà già bước tới cứ sờ mó cái que gỗ mãi và bảo đây là cái số ta của lão bá, tại sao lại biến thành que gỗ như thế không biết? Bà chửi:
- Cái đồ chết rẫm này,sao nó cứng thế nhỉ?
Bà nhổ cái que đi, vứt ra ngoài cửa sổ, lẩm bẩm một mình cho chó nó tha đi, sẽ không hại được người nữa.
Trời sáng, một mình Trang Chi Điệp ra cổng uống sữa bò, lại ngồi nghe một lúc tiếng huyên của Chu Mẫn thổi trên tường thành. Bởi lâu ngày bị giam hãm một chỗ, hôm nay chân đã đi được, nên cũng vui vẻ đi ra chân tường thành, song Chu Mẫn đã ra về, thế là nhìn thấy mặt trời mới mọc đang gậm nhấm một mảng tường gạch, đỏ tươi trông rất đẹp. Trở về nhà, anh hỏi Liễu Nguyệt:
- Có ai đến đây không?
Liễu Nguyệt đáp:
- Không.
Lại hỏi:
- Cũng không ai gọi điện thoại chứ?
Liễu Nguyệt đáp:
- Cũng không có điện thoại.
Trang Chi Điệp liền lẩm bẩm:
- Tại sao cô ấy không đến nhỉ?
Liễu Nguyệt sinh nghi, nhớ tới cử chỉ của anh chủ với Đường Uyển Nhi hôm trước, liền suy nghĩ, chắc là họ hẹn nhau hôm nay đến, bèn hỏi dò:
- Có phải thầy giáo nói Đường Uyển Nhi không ạ?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Sao em biết? Chu Mẫn đi tìm bí thư trưởng, không biết tình hình thế nào? Chu Mẫn không đến, cũng không báo Đường Uyển Nhi đến nói một tiếng.
Liễu Nguyệt thầm nghĩ, quả nhiên chờ Đường Uyển Nhi, cô nói:
- Em nghĩ Đường Uyển Nhi sẽ đến.
Lại ngồi một lúc, vẫn không thấy đâu, Trang Chi Điệp trở vào phòng sách trước, viết một bức thư dài.