Quái Phi Thiên Hạ

Chương 276 : Tiếng thét chói tai

Ngày đăng: 11:19 30/04/20


Hai mươi lăm tháng tám mới chính thức vào học, từ giờ đến lúc đó còn bảy ngày. Dạ Dao Quang và Ôn Đình Trạm tới sớm như vậy cũng chỉ bởi vì muốn làm quen trước với cuộc sống ở đây một chút, hầu hết các học viên cũng đều như vậy, nhất là tân sinh. Công việc lúc bắt đầu nhập học đặc biệt nhiều, đầu tiên là đi đến khuê phòng của học viện nhận đồng phục. Đồng phục này cơ bản được may trên số đo khi học viên đến báo danh đã báo lên, bây giờ chỉ cần dựa theo thẻ tên của học viên mà phát. Thẻ này được làm từ trúc, một khối nho nhỏ bên trên có khắc tên học viện Bạch Lộc và tên của học viên, mỗi người đều có. Ngày nào đi học cũng phải đeo ở bên hông, làm mất thì phải báo ngay để bổ sung, nếu như buổi sáng đi học quên mất không đeo thẻ trúc, đến lớp cũng chỉ có thể đứng ngoài cửa mà nghe. 



Tấm thẻ trúc này là vật tương đối quan trọng, vì vậy Dạ Dao Quang liền niêm phong trên tấm thẻ một lớp khí ngũ hành. Ngay cả Ôn Đình Trạm cũng vậy, để phòng kẻ gian. Tiêu Sĩ Duệ thấy thế cũng ầm ĩ đòi bằng được. Dạ Dao Quang tất nhiên cũng không để Tần Đôn phải chịu thiệt thòi. 



Đồng phục có bốn bộ, phân làm hai loại mặc vào mùa thu và mùa đông, mỗi mùa hai bộ để tiện cho việc tắm giặt. Bởi vì là đồng phục nên tất cả đều giống nhau, vạt áo trắng viền xanh, bên ngoài là áo khoác màu lam nhạt. Bây giờ vẫn đang là mùa nóng, có thể không cần khoác áo đến lớp. Bên trong trang phục thêu tên, cũng là để tiện việc phân biệt, tránh trường hợp nhầm lẫn lộn xộn. 



Nhận quần áo xong tiếp đến là nhận lớp, Dạ Dao Quang vẫn cho rằng cổ đại thì sẽ không phân lớp, cũng không biết có phải là do Nguyên Thái Tổ ban hành hay không, dù sao hiện tại cũng đã phân lớp phân cấp rồi. Lớp được chia thành bốn từ Giáp đến Đinh, còn cấp thì được chia từ sơ đến cao, thường được phân biệt bằng cách gọi ngoại xá, trung xá và thượng xá, đây chính là “Tam xá pháp” vô cùng lưu hành ở Tống triều. Các môn đều phải học của mỗi học viên ban đầu giống nhau, từ dễ đến khó. Càng cấp cao tự nhiên càng có nhiều môn phải học, chỉ cần vượt qua bài thi sát hạch, đều có thể nhảy lớp bất cứ lúc nào. 



Nhận lớp xong, phải đi tìm thầy phụ trách giảng dạy các môn mình đăng kí học để báo danh, quà gặp mặt là không thể thiếu. Đây không phải là đút lót mà là lễ độ. Sau đó ngoài các môn học bắt buộc ra, phải đăng kí học thêm các môn bổ trợ. Những môn học chính bây giờ đã không còn là Lục nghệ, mà là Tứ thư ngũ kinh, Chư tử bách gia, Sử học, Toán học, Ngự, Nhạc, Thư. Mỗi ngày vào giờ Mão, cũng chính là sáu giờ buổi sáng, bắt đầu vào lớp. Mười hai giờ buổi trưa tan học. Môn học chính học ba tiết, sau mỗi tiết bảy khắc được nghỉ một khắc. Buổi trưa nghỉ ngơi. Giờ Thân cũng chính là ba giờ chiều bắt đầu vào lớp, giờ Dậu hay là sáu giờ tối tan học. Buổi chiều là hai tiết học bổ trợ, không có lớp buổi tối. Giữa tháng nghỉ một ngày, cuối tháng nghỉ ba ngày. 



Cầm thời khóa biểu thời cổ đại mà Dạ Dao Quang đau lòng mấy ngày liền: “Trạm ca, buổi chiều muội chọn không học bổ trợ có được không?” 



Môn tự chọn là không bắt buộc, có thể lựa chọn không học bổ trợ. Nếu đã chọn học thì phải thi. Dạ Dao Quang nhìn thoáng qua các môn học tự chọn, ngoại trừ Dịch học là cô yêu thích, còn lại cô đều không hứng thú. Cô cảm thấy thời gian không phải đi học mới là lúc tốt đẹp nhất, giống như cuộc sống đại học thảnh thơi trước kia. 
Diện tích mấy trăm ngàn mẫu đất, Dạ Dao Quang và Ôn Đình Trạm dùng cả ba ngày mà vẫn chưa đi hết toàn bộ. Phía sau núi còn có một khu vực dành riêng cho việc săn bắn, hàng năm mỗi khi mùa thu đến, học viện cũng sẽ tổ chức cho học viên đi săn bắn theo quy cách, ngoài ra còn có một sân chơi đá cầu, hai hoạt động này là để tổ chức cho học viên vào mùa thu. Đến khi mùa đông có băng còn có thể tổ chức một số các hoạt động diễn ra trên băng, chính là vừa lao động vừa học tập kết hợp. 



Tại thời kỳ Thánh Tổ, học viện Bạch Lộc đã thiết lập hệ học dành cho nữ giới, cùng với hệ cho nam giới chia ra hai bên. Có một con sông vừa hay chảy qua nối hai khu vực này lại với nhau. Nhưng bởi vì để phân cách hai hệ nam, nữ, giữa khúc sông này người ta xây tường vây rất cao, hai bên đều có. Khoảng cách ở giữa ước chừng rộng một mét, trên tường rào là bụi gai quấn quanh, chính là để ngăn nam sinh lẻn vào khu vực của nữ sinh. Hơn một trăm năm đã trôi qua như vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa phát sinh bất kỳ chuyện không tốt nào. 



Vẫn có những chuyện cả nam cả nữ gửi hoa gửi thuyền qua sông, hoặc là thiên đăng, hoặc là đứng ở dưới tường vây luận đàn, làm thơ gì đó, tuy là đôi bên không được gặp mặt, càng không biết đối phương là người phương nào nhưng vẫn thu hút không ít nam nữ tụ tập lại nơi đây cùng giao lưu tinh thần. Ở điểm này học viện hoàn toàn không hề hà khắc, chỉ cần không vượt quá giới hạn đều có thể nhắm một mắt mở một mắt cho qua. Thế nhưng từ sau khi có đôi ba giai thoại đẹp đẽ truyền ra, sau này nơi đó được gọi là sông Tương Tư. 



Dạ Dao Quang vô cùng muốn kéo Ôn Đình Trạm đến xem sông Tương Tư: “Muội chỉ muốn nhanh chân đến xem sông Tương Tư tiếng tăm lừng lẫy ấy có hình dạng dài ngắn thế nào. Nếu như chàng cố ý đưa muội qua hệ nữ học, muội cũng chỉ đành cách sông mà tương tư thôi.” 



Ôn Đình Trạm dở khóc dở cười, tùy ý mặc Dạ Dao Quang  kéo đi nhưng bọn họ còn chưa đến gần, đã nghe thấy một tiếng hét chói tai: “A…” 



Tiếng kêu sợ hãi tuyệt vọng ấy khiến người ta kinh hãi không thôi, không chỉ Dạ Dao Quang và Ôn Đình Trạm, những học sinh gần đó cũng bị thu hút mà chạy tới.