Quan Gia

Chương 1124 : Khó khăn của xí nghiệp quân dụng khi chuyển sang dân dụng

Ngày đăng: 01:34 20/04/20



Quan Gia

Tác giả: Bất Tín Thiên Thượng Điệu Hãm Bính

Chương 1124: Khó khăn của xí nghiệp quân dụng khi chuyển sang dân dụng

Nhóm dịch: PQT

Nguồn: Mê Truyện

Nhà máy rèn Hồng Tinh trong thị trấn Hồng Tinh khu Bình Thành thành phố Bình Nguyên.

Địa hạt thành phố Bình Nguyên tổng cộng có hai khu, khu Bình Thành nơi tọa lạc của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, trước kia được gọi là “đầu huyện”. Khu Bình Thành tuy trực thuộc thành phố Bình Nguyên, nhưng diện tích không hề nhỏ, khoảng gần 800 km vuông. Từ huyện vốn có chuyển cho thành phố Bình Nguyên đến nay còn nguyên như vậy, chưa từng thay đổi chia cắt. Hai năm trước, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Bình Nguyên đã báo cáo với tỉnh và Quốc vụ viện, phải chia khu Bình Nguyên làm hai. Nội thành chuyên phát triển công thương nghiệp, vùng ngoại thành và nông thôn thì lấy việc phát triển nông nghiệp và chăn nuôi là chính.

Phải nói, báo cáo này của thành phố Bình Nguyên cũng không phải hoàn toàn vô lý. Rất nhiều thành phố muốn gia tăng các khu hành chính cũng dùng lý do như thế. Tài chính thành phố có hạn, thép tốt phải dùng làm dao, tập trung tài lực vật lực để xây dựng xong nội thành, lôi kéo kinh tế vùng ngoại ô và nông thôn phát triển, có vẻ là ý tưởng không tệ.

Đây là lý do bên ngoài.

Lý do bên trong thì trong lòng mỗi người đều biết rất rõ. Tăng thêm một khu hành chính mới thuộc huyện thì được gia tăng bao nhiêu cán bộ? Đây mới là nguồn tài nguyên chủ yếu trong tay lãnh đạo, không lo không có người đến cửa cầu thần bái Phật.

Quan trường có câu nói thông dụng: “nếu muốn giàu thì trước tiên phải làm đường.”

Người dân cũng có câu nói: “nếu muốn giàu, gì cũng phải làm”.

Hiệu quả và lợi ích của việc gia tăng biên chế cán bộ cao hơn nhiều so với điều động cán bộ, lại ít phiêu lưu hơn.

Đây cũng là nguyên nhân mà các khu hành chính nhiều lên từng năm và biên chế cán bộ cũng nhiều lên từng năm.

Nhưng báo cáo này của thành phố Bình Nguyên cuối cùng không được phê duyệt. Nhưng Lưu Vĩ Hồng đoán, chỉ cần các lãnh đạo thành phố Bình Nguyên kiên trì bền bỉ, kiên trì không ngừng đệ trình báo cáo, thì có ngày sẽ được phê chuẩn.

Chỉ cần cố gắng thì có công mài sắc có ngày nên kim.

Thị trấn Hồng Tinh cách thành phố Bình Nguyên khoảng mười sáu km, lộ trình đều là đường xi măng, tình hình giao thông bình thường. Ba chiếc xe con, chiếc Mercedes Benz đi trước, chạy trên đường đến Hồng Tinh. Chiếc xe tiếp theo là chiếc Lexus màu bạc, là xe của Chủ nhiệm Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tỉnh Tôn Xương Bình, còn chiếc còn lại là chiếc Santana màu đen bảy phần mới.

Lưu Vĩ Hồng và Lý Cường ngồi sau xe chủ nhiệm Trương của Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tỉnh.

Đây đã là ngày thứ ba các đồng chí trong Cục Giám sát đến thành phố Bình Nguyên. Hôm qua gần như là một ngày để họp. Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Bình Nguyên mở một cuộc tọa đàm quy mô khổng lồ. Những người phụ trách chủ yếu của bốn bộ máy Thành ủy và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố đều tham gia. Các đồng chí trong Cục Giám sát và Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tất nhiên phải tham gia. Hạ Cạnh Cường đại diện chính quyền thành phố Bình Nguyên, báo cáo tình hình thay đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở thành phố Bình Nguyên trong hai năm gần nay với các đồng chí trong Cục Giám sát và Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước, rất khách sáo mời các lãnh đạo và các đồng chí trong Cục Giám sát và Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tỉnh chỉ ra chỗ sai sót.

Thật ra Lưu Vĩ Hồng cho rằng không cần mở một cuộc họp lớn như vậy. Chức trách công tác của Cục Giám sát vô cùng rõ ràng, chính là đôn đốc theo dõi tình hình doanh nghiệp nhà nước thay đổi cơ cấu. Không liên quan đến công tác của hắn, chỉ cần Chủ tịch thành phố và các phó Chủ tịch trong Ủy ban nhân dân, hay nhiều hơn nữa là các phó Bí thư phụ trách thay đổi cơ cấu tham gia cuộc họp cũng đủ rồi, ngay cả Bí thư Thành ủy cũng không nhất thiết phải tham dự.

Nhưng Trần Kiếm đã sắp xếp như vậy, Lưu Vĩ Hồng cũng không tiện tỏ ý kiến gì khác. Các đồng chí ở địa phương vô cùng coi trọng “cấp bậc”. Dường như bất kỳ công tác nào, chỉ cần nhân vật số một là Bí thư Thành ủy đích thân tham dự, mới được xem là quan trọng. Hơn nữa, về phương diện tiếp đãi, điểm này lại càng quan trọng hơn. Lưu Vĩ Hồng và Tôn Xương Bình đều tới đây, ngày đầu tiên họp mà Trần Kiếm không đến, chẳng phải là có ý lơ là khách quý sao? Trần Kiếm không đến nỗi không hiểu quy tắc đối nhân xử thế như vậy.

Tôn Xương Bình ngẫu hứng phát biểu về công tác doanh nghiệp nhà nước thay đổi cơ cấu ở thành phố Bình Nguyên, khẳng định một cách “mơ hồ”. Nói là nói chuyện ngẫu hứng, thật ra là cũng đọc bản thảo, nói chuyện rất đứng đắn không sai một câu. Có lẽ vì bản thảo này mà Tôn Xương Bình hao phí không ít tinh thần.

Tình hình ở thành phố Bình Nguyên thật phức tạp.

Vừa không thể quá khẳng định, nhưng cũng không thể quá phủ định. Nếu quá khẳng định, thì Lưu Vĩ Hồng đến đây làm gì? Rảnh rỗi đi tìm việc làm sao? Còn quá phủ định, thì chắc chắn mặt Hạ Cạnh Cường sẽ rất khó coi.

Cuối cùng chỉ có thể lựa chọn lời lẽ mơ hồ để miễn cưỡng cho qua

Lưu Vĩ Hồng cũng không hề phát biểu, chỉ nói rằng hắn mới đến Bình Nguyên, công tác nghiên cứu điều tra còn chưa triển khai. “Không điều tra sẽ không có quyền lên tiếng”.

Những lời này của phó Cục trưởng Lưu, mới nghe quả thật rất có nguyên tắc, thật ra che giấu huyền cơ. Nhiều người nghe được, trong lòng thầm cao hứng.

Lưu Nhị đúng là Lưu Nhị, tính cách sắc bén, ngay cả hình thức cơ bản nhất cũng không muốn làm. Những lời này, nhiều người nghe được, chính là nhằm vào Hạ Cạnh Cường.

Hạ đại thiếu gia anh và chính phủ thành phố Bình Nguyên khoe khoang tự tâng bốc mình, Lưu Nhị tôi không cần hầu tiếp.

Chờ tôi điều tra xong rồi nói sau.

Buổi chiều, sẽ có một cuộc họp nhỏ, chủ yếu là xác định trong lúc các đồng chí Cục Giám sát và Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tỉnh điều tra nghiên cứu ở thành phố Bình Nguyên, thì Thành ủy và Ủy ban nhân dân nên hỗ trợ những gì.

Trần Kiếm đề xuất việc chính của Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước thành phố Bình Nguyên là cùng đi với các đồng chí trong Cục Giám sát và Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tỉnh tiến hành điều tra nghiên cứu. Trong lúc điều tra nghiên cứu, thành phố sẽ cấp cho Cục Giám sát năm chiếc xe con, năm người lái xe, do các đồng chí trong Cục Giám sát tùy ý sử dụng.

Riêng Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tỉnh thì không cần phải nhận xe. Tôn Xương Bình đã mang theo ba chiếc xe tới, không cần phụ thuộc.

Lưu Vĩ Hồng vẫn không phản đối.

Có thể thấy được Tôn Xương Bình hơi thất vọng với hắn. Y cho rằng, Lưu Vĩ Hồng sẽ bất đồng ý kiến, yêu cầu cho Cục Giám sát độc lập tiến hành điều tra nghiên cứu. Nói trắng ra là, Cục Giám sát và Lưu Vĩ Hồng đến đây, trên danh nghĩa là điều tra nghiên cứu, trên thực tế là điều tra. Nghe nói rằng, có người thật danh tố cáo Hạ Cạnh Cường, phải điều tra rõ ràng chân tướng, đương nhiên là độc lập điều tra thì tốt hơn. Kể từ đó, Tôn Xương Bình có cớ để “lui quân”, không quan tâm đến nữa.

Y thật sự không muốn xen vào.

Không ngờ phó Cục trưởng Lưu lại không phản đối, dường như trong lòng Lưu Vĩ Hồng mong có người cùng đi.

Dù sao, điều tra Hạ Cạnh Cường, vị con cháu thế gia cách mạng ba đời này, cũng có phần kiêng kị. Lưu Vĩ Hồng không muốn bỏ qua chuyện này, cứng rắn muốn kéo Tôn Xương Bình y xuống nước.

Cục Giám sát chúng ta điều tra nghiên cứu rất đường đường chính chính. Chẳng những có các đồng chí của thành phố Bình Nguyên cùng đi mà còn có lãnh đạo Văn phòng quản lý giám sát tài sản nhà nước tỉnh cùng đi, rất rõ ràng, không có gì mờ ám.

Nếu chẳng may điều tra ra kết quả bất lợi với Hạ Cạnh Cường, Lưu Vĩ Hồng chẳng khác nào trực tiếp chống đối với Hạ Cạnh Cường, đến khi khởi kiện thì Lưu Nhị cũng cần một ít “bằng chứng phụ” để giảm bớt áp lực cho chính mình.

Đám con cháu quý tộc này, có gan bước lên chính đàn thì sẽ không là ngọn đèn cạn dầu.

Họp xong, sáng sớm hôm nay, các đồng chí trong Cục Giám sát đều chia năm xẻ bảy, tiến tới mục đích ban đầu của chính mình để điều tra nghiên cứu. Mục đích của Lưu Vĩ Hồng hôm nay là Nhà máy rèn Hồng Tinh.

Trong vòng nửa năm nay, thành phố Bình Nguyên đã bán đi hơn mười doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhà máy rèn Hồng Tinh, nhà máy có quy mô lớn nhất, và cũng đặc biệt nhất.

Nhà máy rèn Hồng Tinh, tên như ý nghĩa, ban đầu là một xí nghiệp công nghiệp quân sự. Trước kia chủ yếu là rèn vỏ ngoài xe thiết giáp. Nó có hơn một ngàn công nhân viên chức, xây dựng từ hơn ba mươi năm trước, vào khoảng thập niên 50, 60, là công trình đại tam tuyến. Trong hàng loạt các công trình đại tam tuyến và các nhà máy quân sự, đừng nói quy mô bao nhiêu, kỹ thuật cũng không tiên tiến gì, từ ngày thành lập đến này đã có điểm “yếu”.

Thời đại kinh tế có kế hoạch, Nhà máy rèn Hồng Tinh đạt 100% chỉ tiêu, dù hạn hay lụt đều đảm bảo thu hoạch, trực tiếp trực thuộc Bộ công nghiệp binh khí, không liên quan đến địa phương nhiều lắm. Nhưng từ khi bắt đầu mở cửa cải cách không bao lâu, nhà máy rèn Hồng Tinh cơ bản không có đơn đặt hàng công nghiệp quân sự, chỉ có thể sửa chữa và sản xuất các sản phẩm dân dụng. Nhưng từ sản xuất các sản phẩm quân sự sang sản phẩm dân dụng thì nói dễ hơn làm.

Xây dựng đại tam tuyến vào lúc đó có ý nghĩa là phòng ngừa chiến tranh, phòng không tập kích, phần lớn nhà xưởng đều xây dựng nơi vùng núi hẻo lánh. Điều đầu tiên khi chọn địa điểm là mảnh đất quanh nhà máy phải có lợi cho việc cải tạo thành trận địa phòng không. Cho nên rất nhiều nhà máy trên thực tế được xây dựng ở khe suối, hai bên sườn núi, chính là lá chắn tự nhiên cho trận địa phòng không.

Nhà máy rèn Hồng Tinh cũng không ngoại lệ.

Nhà máy như vậy, từ lãnh đạo đến công nhân, nhiều năm nay vẫn phải sống và làm việc trong những nơi nghèo nàn hẻo lánh, lại xa thành phố. Ít tiếp xúc với bên ngoài. Tin tức nhận được chủ yếu dựa vào báo chí và văn kiện của cấp trên. Đột nhiên đổi nghề, đa số mọi người rất hoang mang, không biết sản xuất thế nào mới tốt.

Tình hình này, vào lúc đầu cải cách mở cửa, hầu như là vấn đề phức tạp nhất của tất cả các lãnh đạo nhà máy công nghiệp quân sự. Theo Lưu Vĩ Hồng biết, tỉnh Liêu Bắc có một nhà máy chế tạo máy bay nổi tiếng, là nhà máy chủ lực sản xuất máy bay chiến đấu, lúc này đang sản xuất linh kiện linh tinh của máy may.

Không phải toàn bộ máy may, mà chỉ là linh kiện thôi.

Tình trạng nhà máy chế tạo máy bay còn quẫn bách như thế, nhà máy rèn Hồng Tinh, dù là về giao thông tiện lợi, quy mô nhà máy hay lực lượng kỹ thuật đều khó thể theo kịp. Sau khi các quân nhân chuyển ngành, có thể nghĩ được khó khăn của họ ra sao.

Mấy năm trước, nhà máy rèn Hồng Tinh trực tiếp chuyển sang cho địa phương, hoàn toàn rời khỏi hàng ngũ các nhà máy công nghiệp quân sự, chịu sự quản lý của thành phố Bình Nguyên. Nhưng thật ra cơ cấu hành chính vẫn không thay đổi, vẫn thuộc cấp huyện đoàn.

Theo tài liệu trước mắt, mấy năm nay nhà máy rèn Hồng Tinh làm ăn thua lỗ, tài chính địa phương hàng năm đều phải trợ cấp phân nửa. Đây là chuyện khó cho thành phố Bình Nguyên.

Hạ Cạnh Cường đảm nhiệm chức Quyền Chủ tịch thành phố Bình Nguyên, việc đầu tiên là nhằm vào công tác thay đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chém ngay vào nhà máy rèn Hồng Tinh. Anh ta cũng không cần làm gì cả, chỉ trực tiếp bán đi. Nói cho cùng thì cũng không phải bán toàn bộ, mà tổ chức lại tài nguyên. Từ bên Việt Trung, có người tiến cử một ông chủ xí nghiệp tư nhân rất có thực lực, cùng hợp tác với nhà máy rèn Hồng Tinh. Nhà máy rèn Hồng Tinh được định giá hai chục triệu, Ủy ban nhân dân thành phố Bình Nguyên là cổ đông chính, chiếm 40% cổ phần sau khi xác nhập của công ty mới, ông chủ xí nghiệp tư nhân kia giữ 50%, nắm quyền khống chế cổ phần.

Toàn thể công nhân viên chức nhà máy rèn Hồng Tinh bị sa thải một thời gian, sau khi tối ưu hóa tổ hợp thì cạnh tranh vị trí.

Tình hình không có gì khác với nhà máy thuộc da.

Thành phố Bình Nguyên đã bán đi hơn mười doanh nghiệp nhà nước. Có vài doanh nghiệp được xử lý cùng phương thức.

Là xí nghiệp công nghiệp quân sự uy tín lâu năm, các công nhân viên chức của nhà máy rèn Hồng Tinh có rất nhiều ý kiến, cáo trạng cũng rất nhiều. Việc thay đổi quy mô và cơ cấu của nhà máy rèn Hồng Tinh gây nên ảnh hưởng rất lớn, Lưu Vĩ Hồng quyết định đích thân đến nhà máy rèn Hồng Tinh để tìm hiểu tình hình thực tế.

Đương nhiên, trừ chuyện đó ra, còn có một nguyên nhân là các bức thư thật danh tố cáo do Lưu Vĩ Đông bí mật chuyển giao cho Lưu Vĩ Hồng. Trong đó có một bức đến từ nhà máy rèn Hồng Tinh. Hơn nữa, người tố cáo chính là nguyên giám đốc nhà máy rèn Hồng Tinh, Đoàn Hoằng Nghị.