Quần Long Chi Thủ [Luận Anh Hùng]

Chương 101 : Mưa lớn gió lớn

Ngày đăng: 14:12 18/04/20


Đột biến.



Thẳng thắn mà nói, Thích Thiếu Thương bình sinh ghét nhất chính là đột biến.



Đột biến không phải chuyện tốt.



Đột biến thường thường chính là kinh biến.



Thích Thiếu Thương luôn cho rằng võ lâm phải biến, nên biến, không thể không biến.



Không biến sẽ trở nên cứng nhắc, không phát triển, mất đi sinh cơ.



Mất đi sinh cơ sẽ bị người ta đào thải.



Nhưng biến không nên thình lình đột ngột, mà là tuần tự tiến dần, đãi cát tìm vàng, tốt thắng xấu thua, bỏ yếu giữ mạnh.



Biến như vậy mới bình thường, mới có sáng tạo, mới có thể sừng sững không ngã, vĩnh viễn trường tồn trên trên giang hồ thay đổi từng ngày, mưa to gió lớn.



Đây là suy nghĩ của y, cũng là lập trường của y.



Cho nên, những tổ chức mà y quản lý, những đoàn thể mà y chủ trì, nhất định phải mưu cầu tiến bộ, không ngừng cố gắng.



Nhưng đây là “biến” giống như bốn mùa luân chuyển, gió thổi hoa trời, chứ không phải “đột biến”.



Y cực kỳ không thích biến hóa đột ngột.



Liên Vân trại do một tay y gây dựng nên, cũng bởi vì thủ hạ mà y tín nhiệm phát sinh biến cố, trong một lần “đột biến”, khiến cho y phải lưu vong chân trời, nhà tan cửa nát.



Võ công của y cũng như vậy.



Y không ngừng tìm cái mới, cầu biến đổi, nhưng dù thay đổi thế nào thì bản chất vẫn không thay đổi. Y tìm tòi sáng tạo, sửa cũ thành mới, nhưng vẫn dựa trên căn cơ võ học truyền thống của mình, hợp tình hợp lý.



Trên thực tế, y luôn cho rằng không có cũ thì nào có mới, không có già thì nào có trẻ, không có truyền thống thì nào có hiện tại.



Do đó truyền thống cơ sở của y rất tốt, công phu cũng rất vững chắc. Về điểm này, rất nhiều người chỉ cho rằng Thích Thiếu Thương trẻ tuổi xuất chúng, mà không để ý cơ sở của y rất dày, nỗ lực rất lớn.



Y thậm chí còn cố ý khiến người ta lầm tưởng công phu cơ bản của mình không đủ vững chắc. Người khác càng xem thường, đối với y lại càng có lợi.



Nhưng vẫn có người biết.




Làm đối thủ của hắn, thật sự rất thú vị.



Bởi vì có kẻ địch như Địch Phi Kinh, cho nên càng không thể lười biếng, cần phải cố gắng.



Đây là kẻ địch tốt.



Đây mới là kẻ địch tốt.



Kẻ địch này khiến cho y thường gặp phải “kinh biến”.



Mặc dù Thích Thiếu Thương luôn luôn không thích kinh biến, cũng không thích đột biến.



Mà hiện giờ y lại phải đối diện với kinh biến và đột biến trong nháy mắt.



Bởi vì Quan Thất lại làm một chuyện. Một chuyện mà vào lúc này, bất cứ người nào, bất kỳ cao thủ nào, võ công có cao đến đâu cũng không thể, không dám làm.



Y đột ngột biến chiêu, không phải tấn công Mễ Thương Khung, mà là tấn công một người đang đứng ngoài quan sát, Tôn Thanh Hà.



Tôn Thanh Hà đang nhìn đến lúc nhập thần nhất, chuyên chú nhất, kinh tâm động phách nhất, không ngờ Quan Thất lại đột nhiên tấn công hắn.



Lần này, chẳng những hắn không kịp chuẩn bị, ngay cả Thích Thiếu Thương bên cạnh luôn giỏi về ứng biến cũng không dự liệu được. Quan Thất lại giống như Mễ Hữu Kiều lúc trước, đối diện với cường địch còn ném côn về phía Chu Nguyệt Minh.



Nhưng Chu Nguyệt Minh và Tôn Thanh Hà không giống nhau.



Ít nhất, trong suy nghĩ của Thích Thiếu Thương là hết sức, vô cùng, cực kỳ không giống nhau, bởi vì Tôn Thanh Hà đã là bằng hữu của y.



Không đánh thì không quen biết, anh hùng trọng anh hùng.



Quan Thất phát ra một kiếm (đó chỉ là khí, nhưng còn sắc và nhanh hơn kiếm) về phía Tôn Thanh Hà đang ở một bên quan sát, đồng thời hét lên:



- Đánh với một người không đã ghiền, ngươi nhìn đến nhập thần nhất, vậy cũng đồng thời đến đây đi!



Y chỉ phát ra một kiếm, nhưng đối với Tôn Thanh Hà, cho dù trời lớn đất lớn, kiếm còn người còn, nhưng một kiếm kia phát ra, chỉ cảm thấy trăng tối sao mờ, mưa to gió lớn, trước mắt đều là ánh kiếm, kiếm khí, nhất thời không thể tránh, không thể né, không thể cản, không thể lùi. Trời lớn đất lớn đều là đường chết, đều là đường cùng.



Hay cho một Quan Thất.



Hay cho một kiếm.