Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy
Chương 21 : Chiếc hộp Pandora
Ngày đăng: 18:13 19/04/20
Tôi chẳng còn tâm trạng ngắm hoa, ủ rũ quay về Từ Ninh cung, Huyền Diệp ù ù cạc cạc theo sau tôi.
Đến Từ Ninh cung, chiếu theo lệ thường mà trong phòng chỉ còn mỗi bọn tôi.
Huyền Diệp hỏi: “Tỷ sao vậy?” (Sau nhiều lần tranh cãi, cả hai bỏ cả kính ngữ.)
Tôi rầu rĩ trườn dài lên bàn, nghĩ mãi không thông: “Biểu cảm hung hãn hơn tẹo thì đấy rõ ràng là gương mặt của ta, môi chu thêm một tẹo thì y hệt miệng của ta rồi.”
Huyền Diệp đứng cạnh chen vào: “Tỷ trông giống như thế?”
Tôi đảo mắt sang nhìn cậu ta: “Giống thế thì sao? Tốt xấu gì vẫn là thanh niên, ít ra cũng đẹp hơn mỹ nhân già òm.”
Huyền Diệp chìm trong đăm chiêu, còn tôi vẫn tiếp tục trút giận: “Chẳng công bằng chút nào, cái xác ấy rõ ràng là được chuẩn bị riêng cho ta cơ mà, tại sao ta lại không thể xuyên vào đấy?”
Huyền Diệp đứng cạnh thì thào: “Đúng vậy, sao không xuyên vào đấy nhỉ?”
Tôi thấy cậu ta còn rầu rĩ hơn cả mình thì đạp một phát, “Ê, ta mới là người trong cuộc, cậu ở ngoài biết gì mà than ngắn thở dài chứ?”(1)
(1): nguyên văn: Ta mới là người ăn phải củ cải mặn, cậu chê nhạt chê đậm cái gì?
Huyền Diệp không đáp, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, sau đó bỏ đi.
Chả hiểu ra làm sao!
–
Ở thời hiện đại, công việc của tôi bỗng dưng khởi sắc ngoài dự đoán.
Trong một lần tình cờ, tôi và chồng đến nhà một người bạn chơi, anh chàng ấy là một người thích sưu tầm đồ cổ, hôm ấy anh ta lấy một quyển sổ ra khoe với chúng tôi, bảo rằng đó là bản do chính tay Khang Hy chấp bút. Tôi lật xem, đấy là quyển sổ chúc thọ năm mươi chín tuổi của Hiếu Trang, cũng vào lần đầu tiên tôi xuyên không.
Người xưa thường bảo “làm chín không làm mười”(2), buổi lễ ấy được tổ chức rất linh đình, tôi vẫn nhớ mãi. Sau này có lần chơi mạt chược, tôi lấy quyển sổ này kê chân bàn, Huyền Diệp có vẻ hơi bị sốc.
(2): số chín (九) đồng âm với lâu dài (久), và người ta thường cho rằng 10 là số tròn, là vẹn toàn, là đỉnh điểm, sẽ dễ bị tổn hao, thế nên thường người ta chỉ tổ chức lễ thọ năm 59, 69, 79 tuổi, v.v… cho người già thôi.
Nét chữ được bắt chước rất giống, nội dung cũng không thay đổi gì nhiều, có điều thiếu mất dấu chân bàn, tôi khăng khăng đấy là đồ giả, bấy giờ anh bạn kia mới thay đổi sắc mặt, có vẻ không vui. Chồng biết những gì tôi đã trải qua, thế là nghiêng về phe tôi. Kết quả là chúng tôi cụt hứng ra về.
Tôi và chồng thở dài, người có tâm lại bị nhầm là lòng lang dạ sói. Vài ngày sau, anh bạn kia bất thình lình khiêm cung nhận lỗi, bảo rằng mình đã nhờ chuyên gia giám định mới biết đấy đúng là đồ giả, đoạn đưa tôi đến gặp vị chuyên gia kia.
Sau đó, họ phát hiện ra rằng tôi rất nhạy với văn kiện thời Khang Hy, phương diện khác thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng tôi lại tinh thông chữ Mãn và chữ Mông, là nguồn lực to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu sử nhà Thanh. Thế là, tôi trở thành một nhân viên thuộc phòng nghiên cứu khoa học Thanh sử.
Sở trường của tôi là phân biệt bút tích thật của Khang Hy, bí quyết là sau lần xuyên không nọ, tôi tặng Huyền Diệp một chiếc nhẫn bằng ngọc xanh, bề mặt khắc nổi vài nốt tròn nhỏ theo quy luật, tôi yêu cầu cậu mỗi lần viết xong một thứ gì đó thì phải bôi mực đặc biệt lên, rồi đóng dấu ở bất kỳ chỗ nào. Chẳng biết đây có phải là con dấu chống hàng giả đầu tiên hay không? Những thứ cậu ta viết trước đó cũng đã được tôi lần lượt đóng dấu bổ sung. Mỗi lần, tôi chỉ cần tìm dấu hiệu nọ là đã có thể phân biệt thật giả.
Huyền Diệp nhận ra có điều bất thường, ngoái đầu lại, tôi vội vã thối lui, cuộn tròn mình dưới bậc thềm. Thường Ninh thì cười hô hố bước đến.
Tôi ra dấu với Thường Ninh, ý bảo nó đánh lạc hướng Huyền Diệp, nó nháy mắt tỏ vẻ đã hiểu.
Tôi lẩn ra sau lưng Huyền Diệp. Thường Ninh đứng chắn trước mặt Huyền Diệp, hành lễ chào bọn họ.
Tôi nghe thấy giọng nói dịu dàng của Huyền Diệp: “Nàng vào trong trước đi.” Sau đó lại nghe được giọng tinh tế dịu dàng cáo lui của con bé kia, âm thanh dần khuất xa.
Huyền Diệp nghiêm khắc hỏi: “Thường Ninh, đệ lại đang quậy phá gì đấy?”
Thường Ninh bắt đầu cợt nhã: “À, thời tiết hôm nay thật đẹp! Ha ha!”
Tôi tiếp tục trườn đi, hỏng bét, váy bị vướng, tôi thì đang bò vội bò vàng, chỉ nghe “roẹt” một tiếng, lộ mất rồi!
Sau đó, một đôi giày hoa văn rồng xuất hiện trước mắt tôi, tôi quỳ rạp dưới đất, không dám ngẩng đầu. Thiên linh linh, địa linh linh, động đất một trận ngay đi mà! Tách thành cái hố cho tôi chui vào với.
Huyền Diệp nghiêm nghị hỏi: “Ngươi là kẻ nào?”
Thường Ninh vội vàng phản ứng lại, lập tức tiếp lời: “Là người bắt dế cho đệ đấy.” Cái thằng ngu này! Giờ là mùa thu, đâu ra dế mà bắt?
Quả nhiên, giọng của Huyền Diệp lại càng lạnh lùng hơn: “Rốt cuộc ngươi là ai? Ở đây có mưu đồ gì?”
Tôi kéo cao giọng: “Hồi bẩm Hoàng thượng, nô tỳ đang quét đất.” Ặc, sao tôi cũng ngu quá vậy, có ai lại dùng quần áo quét đất chứ?
Sau hồi lâu im lặng, Huyền Diệp bảo Thường Ninh lui ra. Thường Ninh đòi đưa ả nô tỳ là tôi đi theo, Huyền Diệp chẳng ừ hử gì.
Tôi tưởng cậu ta đã ngầm đồng ý, trở mình đứng dậy, đầu vẫn cúi gằm xuống, chuẩn bị rời đi.
Sau đó, bước chân của tôi bị kìm chặt, Huyền Diệp thốt lên bằng giọng vô cùng cung kính: “Hoàng tổ mẫu, xin để nhi thần đích thân đưa Người trở về.”
Thường Ninh tặng cho tôi ánh mắt tự-cầu-phúc-đi rồi cười to chạy mất.
———— Tôi phân ———— Tôi cách ———— Tôi là phân cách ————
Viết thế này có biến thái không? Tôi vừa viết vừa thầm tạ tội với Huyền Diệp và cả Lâm Lang, cô phải chịu thiệt thòi rồi.
Mạch lô gíc là, Huyền Diệp vốn có lẽ chỉ là hơi bị Thanh Thanh thu hút thôi. Đến sau khi thấy được bản thể thật của cô ấy thì hình ảnh của Thanh Thanh đã trở thành 3D, vì vậy mà tình cảm hơi bị biến chất. Nhưng dù gì thì cậu ấy vẫn là người thời xưa, vẫn bị đạo đức trói buộc, nên đành phải uốn nắn Lâm Lang thành vẻ bề ngoài mà cậu muốn.
Lâm Lang sống trong tình huống này, xuất thân lại thấp, thế là hình thành thói quen yếu đuối, mãi không dám càn rỡ trước mặt vị hoàng đế như trời như đất. Sau cùng Huyền Diệp thất vọng, và Lâm Lang đương nhiên đã bị thất sủng.