Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 5 : Gặp lại cố nhân xưa

Ngày đăng: 18:13 19/04/20


Một hôm trời chiều quang đãng, Tô Mạt Nhi đưa tôi đến trang viên nọ, gác cổng kính cẩn mời chúng tôi vào hậu viện, dừng lại thưa rằng Vô Trần không thích gặp nhiều người, tôi phải vào trong một mình.



Tôi đẩy cửa viện, đập vào mắt là một hòn non bộ bằng đá ong, vòng ra sau, oa, một vườn hoa thật đẹp phỏng theo tạo hình của Tô Châu lâm viên, thế tựa núi, dòng suối uốn lượn từ trên cao chảy xuống đến giữa vườn thành hồ nhỏ, cạnh hồ có đình thủy tạ nghỉ mát và cả cầu khúc nối thẳng đến bờ kia, chỉ tiếc bấy giờ mùa đông cây cỏ trơ trụi, nếu không thì xung quanh đã trùng điệp một màu xanh mướt, chắc sẽ càng nên thơ. Tôi vốn là người miền Nam, nhìn thấy phong cảnh quen thuộc thân thương, bất giác, tính trẻ con lại trỗi dậy. Đến gần chiếc cầu, bốn phía không ai, tôi vén váy lên nhảy lò cò. Tấm thân già khằn này hãy còn dùng được, thế mà lại có thể nhảy đến tận bờ đối diện. Tôi đứng ở đầu cầu chống hông thở hổn hển, chờ sau khi hơi nóng trên mặt giảm bớt mới vuốt thẳng trang phục, trưng lên vẻ mặt nghiêm túc, bước loạng choạng đến thư phòng đằng trước.



Tôi gõ cửa, bên trong nói “Mời vào”, đẩy cửa ra, căn phòng hơi tối, mắt tôi không kịp thích ứng, chỉ mơ hồ thấy người đứng trước cửa sổ hẳn là Vô Trần, tôi kính lễ một câu “Ra mắt Nạp Lan công tử.” Người nọ xoay lại đáp: “Kim phu nhân đừng đa lễ, người có thể gọi vãn bối là Vô Trần.” Sau đấy, anh ta hướng tay về chiếc ghế kê cạnh bàn sách “Mời ngồi.” Giọng nói rất êm tai, tôi cảm ơn rồi ngồi xuống, thị lực từ từ khôi phục lại.



Thừa lúc anh ta rót trà cho mình, tôi nhìn quanh đánh giá căn phòng, chỉ thấy phía sau và bên trái chiếc bàn có hai giá dựa tường với đầy những sách, đối diện bàn là cửa, kề cánh cửa bày vài chậu cây xanh, còn bên phải, bên phải… Trời ạ! Trời ạ! Không phải chứ? Nhìn ra ngoài cửa sổ, toàn cảnh của cả khu vườn được thu vào tận đáy mắt, mà cửa sổ bấy giờ đang mở, lúc nãy anh ta đứng trước cửa sổ; nói trắng ra, tất cả hành động tôi đã làm đều “được” anh ta “thưởng thức”. Trời ơiiii! Sét đánh tôi đi! Nếu tôi trong thân xác cũ thì có thể xem là vẫn còn ngây thơ, biết đâu chừng có người còn bảo đáng yêu, còn hiện tại, trong cái vỏ mắt mờ mi bạc già khằn này, tôi như một trái dưa chuột héo quắt quét sơn xanh lè — giả dưa non thôi. Trời ơi! Cái tên quái thai này, mùa đông lạnh lẽo giá rét như vậy, anh mở cửa sổ làm quái gì thế?



Tôi há hốc mồm ngẩn ngơ nhìn cửa sổ, hồi lâu vẫn chưa thể tỉnh lại trong kinh hoàng. “Vừa nhóm lò, mùi than trong phòng rất nặng, mở cửa sổ thông gió.” Anh ta đi qua đóng cửa sổ, quay về nói với tôi. Tôi lắp bắp hỏi: “Ừm… Lúc nãy… Cậu đứng trước cửa sổ… bao lâu thế?” Khóe miệng anh ta run run, ánh mắt né tránh, mặt hồng hồng, cũng đáp lắp bắp “Chưa… Chưa lâu, tôi chưa thấy gì hết.” Đây chả phải giấu đầu lòi đuôi à? Thôi xong, anh ta nhìn hết rồi, bảo tôi phải giấu bản mặt già nua này vào đâu đây? Tôi che mặt than thở. Anh ta vội vàng giải thích: “Thật sự tôi chưa thấy gì mà.” Càng bôi càng đen, thấy anh ta bối rối hơn mình, tôi trấn tĩnh trở lại, ngẩng đầu liếc qua thì thấy hai tai anh ta đều đỏ cả, nếu anh ta muốn cướp cảnh thẹn thùng thì tôi đành nhường thôi, sách lược duy nhất bây giờ là ‘lấy mặt trơ ứng vạn biến’ vậy.



Bình tĩnh lại, tôi khụ một tiếng: “Vô Trần, hôm nay chúng ta phải học những gì?” Vô Trần thấy tôi thản nhiên cũng từ từ định thần, ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi, lấy một quyển sách ra. Bấy giờ tôi mới nhìn rõ diện mạo của anh ta. Chộ ôi! Soái ca nha! Định luật xuyên không chắc chắn gặp trai đẹp rốt cuộc cũng ứng nghiệm, tôi suýt nữa mừng đến bật khóc, đôi mắt đáng thương của tôi rốt cuộc cũng có thể mãn nhãn rồi.


Từ lúc bại lộ thân phận thật, tôi lộ bản chất du côn, chẳng có gì làm liền đến chửi nhau với ông ta, xem ra lão hòa thượng ấy có đạo hạnh rất cao, tôi bất kính nhưng ông toàn cười trừ. Nếu người ngoài thấy được chắc chắn sẽ bị tôi dọa, một bà già năm mươi tuổi có hành động và biểu cảm như một thiếu nữ đôi mươi, cảnh ấy kỳ quái đến mức nào. May là ở đây chẳng ai lui tới, một con vật gì cũng chưa từng bắt gặp, thế nên tôi vẫn duy trì tình trạng này.



Vô Trần tiếp nhận nguồn gốc kỳ lạ của tôi một cách rất dễ dàng, từ đó tôi không cho gọi mình là ‘Kim đại nương’ nữa, bảo anh ta gọi ‘Thanh Thanh’, quả thật nếu không nhìn vào gương, tôi suýt nữa đã cho rằng mình vẫn còn là Lâm Tử Thanh ngày nào. Hòa thượng già đứng bên cười không nói.



Ngày nọ, sực nhớ ra Vô Trần giống Sở Y Phàm đến thế thì chắc chắn hai người phải có mối liên hệ, tôi liền đến hỏi lão hòa thượng kia, bấy giờ ông ta chả vòng vo nữa, nói thẳng với tôi rằng Vô Trần là kiếp trước của Sở Y Phàm. Tôi vội hỏi người dây dưa nợ nần với mình có phải anh ta không, hòa thượng già lại cao thâm khó lường nhả một câu: “Hà tu canh vấn phù sinh sự, chích thử phù sinh thị mộng trung.* (Đừng mãi hỏi về kiếp phù du, tất cả đều là giấc mộng.)” Ông già trọc lại dùng mấy lời mông lung nửa thật nửa giả này lòe mắt tôi.



Sau khi nghĩ lại, tám chín phần mười đó là Vô Trần. Đắn đo một lúc, kiếp sau của anh ta hại tôi kiếp trước, vậy thì đời này tôi đến để đòi nợ rồi; hơn nữa bây giờ anh ta trốn chui lủi như này chắc hẳn là để tránh nợ, cái gì mà trước hai lăm tuổi không được gặp thiếu nữ, rõ ràng thiếu nữ đó chính là tôi; chỉ vì người tính chẳng bằng trời, chả ngờ rằng tôi nhập vào xác một bà già, cuối cùng cũng thất bại trong gang tấc, thế nên hòa thượng già kia vừa thấy tôi liền bảo rằng ‘ý trời’. Đúng thế, chắc chắn là anh ta! Nhưng phải làm sao để trừng trị anh ta đây? Giết thì hơi quá đà, cũng chả thể ngộ sát. Đến hỏi lão hòa thượng? Quên đi, ông ta chắc mẩm sẽ tụng kinh tôi nghe, không thể cho ông ta cơ hội lôi thôi được, tôi sắp bị đống thi từ ấy quấn tới khùng rồi. Nhưng dù có hỏi thì, với khuôn mặt tuấn tú của tên Vô Trần kia, tôi đủ nhẫn tâm à? Hầy, thôi thì thuận theo tự nhiên vậy.



Bấy giờ tôi lại nảy ra nghi vấn, là do kiếp sau của Vô Trần hại tôi, tôi mới đến đây hại anh ta; hay là vì tôi hại anh ta ở đây nên kiếp sau, anh ta mới hại lại tôi? Gì là nhân, nào là quả? Tôi đặt tên cho vấn đề này là “phỏng đoán của Thanh Thanh”, các bạn rảnh rỗi thì ngẫm nghĩ thử xem, không chừng có thể thành một triết gia nổi tiếng ấy chứ!



Cuối cùng không dằn được ý nghĩ, tôi gọi Vô Trần là ‘người chim* (điểu nhân)’, Vô Trần khó hiểu hỏi lý do, tôi nói: “Trong Đường thi, ‘điểu’ đối với ‘tăng’, như câu ‘Điểu túc trì biên thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn* (Chim ngủ cây bên ao, Sư gõ cửa dưới trăng)’, hay câu ‘Thì văn trác mộc điểu, Nghi thị khấu môn tăng* (lúc nghe thấy tiếng chim gõ kiến, tưởng chừng như hòa thượng gõ cửa nhà), v.v… Ngày nào anh cũng đối mặt với ông già kia, chả phải người chim à?” Vô Trần bất bình, bảo: “Còn cô thì sao, bây giờ cô cũng lượn lờ chung với sư phụ cùng tôi mà?” Tôi đáp mình cũng là chim thôi, ừm thì phượng hoàng…