Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 9 : Tình bà cháu

Ngày đăng: 18:13 19/04/20


Tôi vùi mình trong nỗi đau đớn tột cùng của sự tách rời thể xác và linh hồn, càng nhớ tất cả mọi thứ của thời hiện đại thì càng trông mong có thể trở về sớm một chút.



Đúng lúc ấy, mẹ của Huyền Diệp, tức Đổng Giai thị bị bệnh, Huyền Diệp chăm sóc mẹ ngày đêm, bỏ cả cơm nước, cuối cùng, mẹ nó vẫn qua đời. Con muốn phụng dưỡng nhưng mẹ lại mất, Huyền Diệp rất đau lòng, chẳng màng ăn uống, Tô Mạt Nhi vội vã cầu khẩn tôi đến khuyên nhủ Hoàng đế. Lúc nhìn thấy Huyền Diệp khóc lóc thảm thương, bất giác như chạm phải nỗi đau của chính mình, tôi ôm lấy nó, bắt đầu nức nở đến khản giọng. Cha, mẹ, bây giờ con đã là Thái hoàng thái hậu nhưng lại chẳng thể đưa hai người đến đây hưởng phúc, con cũng không biết mình còn về được hay không, con rất nhớ hai người, con muốn về nhà lắm, huhu…



Bên này tôi ôm Huyền Diệp khóc đến đau lòng, hai mắt đẫm nước không ngừng rơi lệ, bên kia Tô Mạt Nhi cuống lên, bắt đầu nỉ non: “Thái hoàng thái hậu, nô tỳ biết Người rất đau lòng, lúc Tiên đế băng hà, Người vẫn chịu đựng để không phải rơi nước mắt, giờ đây Từ Hòa Hoàng thái hậu vừa mất, Người đã chẳng thể nén nổi, huhu…” Khụ khụ, sao tôi phải đau lòng vì mấy người đó chứ, lại hiểu nhầm rồi. Tôi được bọn họ tâng bốc đến xấu hổ lại chẳng thể giải thích, đành phải ôm Huyền Diệp chặt hơn, khóc lớn tiếng hơn nữa. Cung nữ và thái giám bên dưới cũng bắt đầu khóc, nhất thời cả Tử Cấm thành nhuốm màu tang thương. Dân chúng ngoài thành cũng rơi nước mắt vì hai kẻ cô nhi quả phụ chúng tôi.



Sau cảnh tượng “chí tình chí nghĩa” khóc chung với Huyền Diệp, nó có lòng bịn rịn không nỡ rời xa tôi. Trước đây, nó rất đáng ghét, chả giống con nít gì cả, ánh mắt sáng rực như đèn pha, soi chòng chọc vào tôi khiến tôi chẳng dễ chịu gì, quan hệ giữa hai chúng tôi cũng chỉ là tình cảm ngoài mặt, rất máy móc. Đến tận lúc này nó mới lộ ra sự yếu ớt con trẻ trước mặt tôi, ngước gương mặt đẫm nước mắt lên nhìn.



Tôi hơi thẹn, lại thương hại nó nhỏ xíu đã chả còn nơi nượng tựa, thế mà còn mất mẹ, nghĩ đến mình cũng là cô nhi ở thế giới này, đồng bệnh tương lân(1), thế nên chẳng thể ức hiếp nó được nữa, bắt đầu thật lòng bảo vệ. Tôi đành đảm nhiệm vai diễn bà nội thôi.



(1): cùng cảnh ngộ nên thấu hiểu nhau.




Huyền Diệp nước mắt chảy dài: “Hoàng tổ mẫu, chẳng phải bảo Hoàng thượng miệng vàng lời ngọc, bất luận kẻ nào cũng phải tuân theo Hoàng thượng sao? Cớ gì Ngao Bái càn rỡ đến vậy, ta thật muốn chém hắn ngay lập tức để giải mối hận này.” Tôi thở dài: “Hoàng thượng à, tuổi con còn nhỏ, không thể tự mình chấp chính, vài đại sự trong triều vẫn phải nhờ họ giải quyết hộ, thế lực Ngao Bái trải rộng khắp trong ngoài hoàng cung, bây giờ không phải lúc để diệt trừ hắn. Điển tích Câu Tiển nằm gai nếm mật hẳn con biết chứ, giờ đây, việc chúng ta có thể làm là nghỉ ngơi dưỡng sức, ra đòn đúng lúc, cho chúng một kích trí mạng.”



Sau này, Huyền Diệp càng lúc càng nỗ lực học tập, Tứ thư Ngũ kinh đọc một trăm hai mươi lần rồi lại một trăm hai mươi lần nữa, mệt đến ho ra máu, tôi nhìn mà lòng đau không dứt. Bất đắc dĩ rằng thằng nhóc này rất bướng bỉnh, có khuyên thế nào cũng vô dụng. Tôi hết cách, đành phải đốc thúc Phúc Toàn chăm chỉ học tập, dù sao thì nó cũng mang số làm Hiền vương rồi, cứ chuẩn bị sẵn sàng để phụ tá Huyền Diệp thôi. Về phần Thường Ninh, tôi vẫn thương tiếc, nên khi Huyền Diệp hỏi chí hướng của nó, Thường Ninh đáp: “Không được tự do, chi bằng chết đi.” Tôi rút kinh nghiệm từ vụ Phúc Toàn, không dạy nó hiểu nhầm lời đáp. Sau này cuộc sống của Thường Ninh rất tự tại.



Trong thời đại này, bệnh đầu mùa vẫn hoành hành, tôi nhớ đến kỹ thuật tiêm phòng thời hiện đại nhưng chỉ hiểu sơ sơ bèn thuật lại với Huyền Diệp, nó là một đứa có tài, lập tức phân phó thái y nghiên cứu. Thế nên vào thời Khang Hy, Trung Quốc đã có kỹ thuật tiêm ngừa, những kẻ sính ngoại nhớ kỹ nhé, người đầu tiên phát minh ra kỹ thuật tiêm phòng mang quốc tịch Trung Quốc. Người hưởng lợi là Phúc Toàn, Thường Ninh, còn có Tứ Tứ, Bát Bát sau này, vân vân…



Vì ở hiện đại tôi là người Hán, thế nên rất khó chấp nhận việc triều đình nhà Thanh trọng Mãn khinh Hán, Huyền Diệp hiện nay vô cùng kính trọng tôi, vì thế xem trọng Hán học, sau này lại trọng dụng Hán quan, thi hành Mãn Hán cùng chung một nhà, thống nhất lòng người trong thiên hạ.



Chẳng phải bảo phụ nữ tốt là trường học tốt nhất dành cho nam giới sao. Huyền Diệp biết ơn tôi một đời, nó thường bảo “Nếu không có tổ mẫu, ta đã chẳng nên người”, “Nếu không có tổ mẫu, đã chẳng có ngày hôm nay”.