Sông Đông Êm Đềm

Chương 55 :

Ngày đăng: 17:26 19/04/20


Tháng ba năm 1914, Natalia về ở với bố mẹ chồng vào một ngày tuyết tan, cảnh vật rất vui tươi. Ông Panteley Prokofievich đang dùng một cành cây xam xám, rêu bám lờm xờm đan lại quãng hàng rào vừa bị con bò mộng húc đổ. Nước nhỏ giọt từ cái mái nhà tua tủa những que băng lấp loáng như bạc. Những chỗ nước chảy xuống từ xưa còn để lại ven đường gờ trên mái những dải đen như nhựa chưng.



Mặt trời bây giờ đã đỏ hơn, đang cọ mình vào khoảng sườn đồi tan hết tuyết, nũng nịu như con bò con. Cỏ đầu mùa mọc xanh rờn như đá khổng tước trên những mô dá phấn nhô ra như những cái đầu hói từ ngọn đồi bên bờ sông.



Natalia bước tới sau lưng bố chồng. Nàng gầy rộc đi, nom khác hẳn xưa. Nàng cúi xuống chào, cái cổ tàn tật vẹo sang một bên:



- Cha vẫn khỏe chứ ạ!



- Nataska! Khỏe lắm, con yêu của cha, khỏe lắm! - Ông Panteley Prokofievich luống cuống trả lời. Đoạn cành cây rời khỏi tay ông rơi xuống, cong lại rồi lại thẳng ra. - Tại sao con chẳng còn nhòm ngó gì đến nhà nữa thế? Thôi, ta vào nhà trong đi, rồi con xem mẹ con trông thấy con sẽ mừng như thế nào.



- Cha ạ, con về ở nhà đây… - Natalia khoát tay, không hiểu ý nàng định nói thêm gì, rồi quay người lại. - Nếu cha không đuổi con sẽ ở hẳn nhà.



- Sao con lại nói thế, sao lại nói thế con yêu của cha? Con có phải là người dưng nước lã đâu? Thằng Grigori có viết trong thư… Nó bảo phải chăm nom cho con đấy, con ạ.



Hai người đi vào nhà. Ông Panteley Prokofievich sung sướng quá cứ khập khiễng cuống quít đi lăng xăng.



Bà Ilinhitna ôm lấy Natalia, nước mắt ròng ròng. Bà hỉ mũi vào tạp dề, thì thầm với nàng:



- Mày có được đứa con có phải là hay bao nhiêu không… Có lẽ phải như thế mới giữ được nó. Thôi, ngồi xuống con. Con ngồi đấy để mẹ lấy bánh tráng cho con ăn nhé?



- Cầu Chúa cứu vớt, mẹ ạ, con bây giờ… về ở nhà đây…



Dunhiaska nhảy cỡn từ ngoài sân vào bếp, mặt đỏ như gấc. Cô bé chạy thẳng tới ôm lấy đầu gối Natalia.



- Chị không biết xấu! Quên hết cả nhà!



- Mày hoá rồ rồi à, con ngựa cái nầy! - Người bố quát, gíọng cố vờ nghiêm khắc.



- Em chị lớn thế nầy rồi cơ à? - Natalia nắm lấy hai tay Dunhiaska, dang rộng ra, ngắm mặt cô bé.



Mọi người cướp lời nhau nói cùng một lúc rồi lại cùng nín lặng.



Bà Ilinhitna đau lòng nhìn đứa con dâu bây giờ nom không còn giống Natalia xưa nữa.



- Chị về ở hẳn nhà đấy chứ? - Dunhiaska kéo tay Natalia và hỏi.



- Ai hiểu được anh ấy thế nào…



- Mặc xác nó, con là vợ chính thức của nó thì con còn ở đâu bây giờ! Con cứ ở đây! - Bà Ilinhitna nói dứt khoát và đẩy cái đĩa đất nung đựng đầy bánh tráng cho con dâu ăn.



Natalia đã lưỡng lự mãi rồi mới quyết định về ở với bố mẹ chồng. Bố đẻ nàng không muốn cho nàng đi, hết quát lác lại tìm cách nói cho nàng xấu hổ, và cố khuyên can nàng. Nhưng sau khi lành mạnh, nàng cảm thấy ngượng không muốn nhìn vào mặt những người trong gia đình, và cứ thấy mình gần như xa lạ trong cái gia đình trước kia xiết bao thân thiết. Lần nàng tự tử không chết đã làm nàng trở nên cách bức với bố mẹ anh em. Còn ông Panteley Prokofievich thì sau khi đưa tiễn Grigori ra lính, ông luôn khuyên nàng nên về ở nhà mình. Ông có quyết tâm sắt đá nhận Natalia về nhà ở và hoà giải với Grigori.



Từ hôm ấy Natalia ở lại nhà Melekhov. Daria bề ngoài chẳng tỏ ra có gì không bằng lòng, Petro thì hồ hởi, thân mật. Nhưng Daria thấy Natalia được Dunhiaska quấn quít âu yếm và bố mẹ chồng thương yêu như con đẻ thì thỉnh thoảng cũng có lườm nguýt.



Natalia vừa về ở với bố mẹ chồng hôm trước thì hôm sau ông Panteley Prokofievich đã bắt ngay Dunhiaska viết cho Grigori một bức thư với những ý của ông.



"Grigori Panteleevich, con yêu quí của cha mẹ, cầu mong con được khỏe mạnh! Cả nhà gửi tới con lời chào thân thiết nhất, và với tâm lòng của người cha người mẹ, cha và mẹ con là bà Vaxilisa Ilinhitna gửi tới con lời chúc phước của cha mẹ. Anh con là Petro Panteleevich cùng vợ là Daria Matveevna gửi lời chào con, chúc con khỏe mạnh và bình an hạnh phúc; em gái con là Evdokaia cùng tất cả mọi người trong nhà cũng gửi lời hỏi thăm con. Bức thư con gửi ngày mồng năm tháng Hai, ở nhà đã nhận được và chân thành cám ơn con đã viết thư.



Con có viết là con ngựa đưa chân sau đạp lên chân trước. Nếu vậy thì phải lấy mỡ lòng lợn mà đổ cho nó như con đã biết. Và nếu đường trơn hoặc chỉ có băng mà không có tuyết thì đừng đóng móng sau. Vợ con là Natalia Mironovna đã về ở với nhà ta và vẫn khỏe mạnh bình an.



Mẹ con gửi cho con ít anh đào khô, một đôi bít tất len, có cả mỡ lợn và một số đồ ăn thức uống khác. Cả nhà vẫn khỏe mạnh như thường, chỉ có thằng cháu, con chị Daria đã chết, tin cho con biết.



Hôm kia cha và anh Petro con đã lợp lại mái nhà kho, Petro dặn con phải chăm nom giữ gìn con ngựa. Mấy con bò cái đã đẻ, con ngựa cái già bắt đầu căng vú, đúng là trong bụng nó có một con ngựa con đang đạp. Nó đã thụ tinh của con ngựa đực tên là Đanhết ở tàu ngựa trên trấn, ở nhà chờ nó đẻ vào tuần chay thứ năm. Cả nhà sung sướng thấy con làm việc quan đắc lực và được các quan trên khen ngợi. Con hãy làm việc quan cho mẫn cán. Phụng sự nhà vua thì không sợ uổng công. Hiện nay Natalia đã về ở nhà ta, việc nầy con phải để tâm suy nghĩ mới được. À mới xảy một việc chẳng may là hôm lễ tống tiễn mùa đông, có con thú rừng cắn chết mất ba con cừu. Thôi, chúc con khỏe mạnh và cầu Chúa cứu giúp con. Cha ra lệnh cho con là không được quên vợ. Nó nết na hiền hậu và là vợ chính thức của con. Con không được phá vỡ qui củ xưa 1 và phải nghe lời cha.



Cha của con



Thượng sĩ Panteley Melekhov".



Trung đoàn của Grigori đóng ở Radivilôvô, một thị trấn nhỏ cách biên giới Nga- Áo bốn vec- xta. Khi nghe tin Natalia về ở với bố mẹ mình, chàng trả lời rất dè dặt, chỉ gửi lời hỏi thăm nàng. Nội dung bức thư của chàng có vẻ lẩn tránh loanh quanh, rất không rõ nghĩa.



Ông Panteley Prokofievich bắt hết Dunhiaska đến Petro đọc đi đọc lại hàng mấy lần, cố đoán xem cái bí ẩn mà Grigori còn dấu sau những dòng chữ. Trước lễ Phục sinh ông bèn gửi một bức thư nêu toạc móng heo vấn đề Grigori hết hạn lính về nhà thì sẽ ở với vợ hay vẫn ở với Acxinhia.



Grigori lần lữa mãi chưa trả lời. Sau lễ Lá, ở nhà mới nhận được của chàng một bức thư ngắn. Dunhiaska nuốt bớt chữ, đọc liếng thoắng. Ông Panteley Prokofievich phải vất vả lắm mới nắm được ý chính sau khi bỏ qua vô số những lời chào mừng thăm hỏi tràng giang đại hải. Mãi cuối thư mới thấy Grigori đả động đến vấn đề Natalia:



"Cha bảo con viết thư nói rõ con có ở với Natalia nữa hay thôi nhưng con xin thưa với cha rằng miếng bánh đã cắt ra thì không thể làm cho liền lại được nữa. Con sẽ ăn nói với Natalia thế nào bây giờ, vì chính cha biết đấy, con đã có con rồi? Còn hứa hẹn thì con chẳng có thể hứa gì cả, mà nói đến chuyện nầy thì con rất đau khổ. Trước đây ít lâu ở biên giới có tóm cổ được một tên buôn lậu. Chúng con có dịp gặp mặt nó. Nó bảo sắp có chiến tranh với nước Áo đến nơi rồi và hình như vua bên đó đã đến biên giới quan sát xem sẽ bắt đầu chiến tranh từ nơi nào và sẽ chiếm lấy những vùng đất nào. Nếu chiến tranh sắp bùng nổ thì có lẽ chính con cũng sẽ không còn sống, vì thế không thể quyết định trước một chuyện gì cả".



° ° °



Natalia đến lao động và sống ở nhà bố mẹ chồng, đồng thời ấp ủ một niềm hy vọng mà nàng không ý thức rõ ràng nhưng vẫn ngày càng tăng: chồng nàng sẽ trở về với nàng, hơn nữa trái tim rạn nứt của nàng cũng phải có niềm hy vọng ấy làm chỗ dựa. Nàng không viết cho Grigori bức thư nào, nhưng có lẽ trong nhà không ai mong thư Grigori với một lòng buồn nhớ và đau khổ như nàng.



Cuộc sống trong thôn vẫn trôi theo nhịp thường, một nhịp tưởng chừng không bao giờ đổi khác: tráng đinh Cô- dắc đi lính mãn hạn lại trở về. Thời gian trôi đi lúc nào không biết qua những công việc nhàm toái hàng ngày. Chủ nhật đến, từ sáng sớm, nhà nào nhà nấy lại lốc nhốc kéo nhau đi lễ nhà thờ; đàn ông thì mặc áo quân phục và những chiếc quần rộng dùng trong những ngày hội, đàn bà thì quét bụi đường bằng gấu của những cái váy dài loạt soạt đủ các màu, có người bó chặt trong những chiếc áo hoa vai bồng, tay nhăn nhúm.



Trên cái bãi vuông, những chiếc xe tải vẫn cứ vươn càng lên trời, những con ngựa hí, đủ các hạng người qua qua lại lại; cạnh nhà kho chữ các đồ chữa cháy, những người Bungari trồng rau vẫn bán các thứ la- ghim bày trên những giá hàng dài; sau lưng họ, những đứa trẻ con vẫn xúm đông xúm đỏ, tròn xoe mắt nhìn những con lạc đà dỡ hàng ngạo nghễ lướt mắt qua bãi chợ cùng những đám người nhốn nháo với những chiếc mũ cát- két vành đỏ và những cái khăn phụ nữ lấp loáng muôn màu. Mấy con lạc đà được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc liên miên với cái xe chở nước nhai trầu món cỏ đã ăn, sùi bọt mép, mắt mơ màng với ánh thiếc mạ xanh xanh.



Tối tối các dãy phố lại rên xiết dưới những bước chân người rầm rập, bãi chơi rạt rào tiếng hát, tiếng nhảy múa theo nhịp accordeon, và mãi thật khuya những tiếng hát cuối cùng ở các chỗ ven lề thôn mới tan dần trong làn gió khô ấm áp.



Natalia không ra bãi chơi, nàng sung sướng lắng nghe những câu chuyện Dunhiaska kể rất ngây thơ, mộc mạc. Dunhiaska đã lớn lên lúc nào không biết và đã trở thành một cô gái cân đối, có vẻ đẹp riêng. Cô bé cứ như một quả táo chín sớm. Năm nay, Dunhiaska đã từ giã thời kỳ thiếu niên đi không bao giờ trở lại, và được những bạn gái lớn tuổi hơn nhận vào đám các cô chưa chồng. Dunhiaska giống bố như lột: người cũng thấp thấp, da ngăm ngăm.
- Nếu thế thì ông đến đây làm gì?



- Tôi thấy ở đây cần có người làm công việc thợ nguội.



- Vì sao ông đã chọn đúng khu nầy.



- Cũng với lý do trên.



- Hiện nay ông có quan hệ, hay trong thời gian ấy ông có liên hệ với tổ chức của ông không?



- Không.



- Họ có biết rằng ông đến đây không?



- Chắc hẳn là có.



Tên dự thẩm chẩu môi gọt bút chì bằng con dao chuôi sà cừ, mắ không nhìn Stokman.



- Ông có thư từ đi lại với ai trong số đồng đảng không?



- Không.



- Còn bức thư tìm thấy trong khi khám xét?



- Bức thư ấy là của một người bạn, người nầy, xin lỗi ông, chẳng có quan hệ gì với một tổ chức cách mạng nào cả.



- Ông có nhận được những chỉ thị nào ở Rostov không?



- Không.



- Mấy tên thợ nhà máy xay đến tụ tập ở nhà ông với mục đích gì?



Stokman nhún vai, có vẻ ngạc nhiên trước một câu hỏi vô nghĩ lý đến như thế.



- Chẳng qua chỉ là đến ngồi với nhau để giết thì giờ trong những buổi tối mùa đông… Đánh vài ván bài…



- Và đọc những sách mà pháp luật đã cấm đọc. - Tên dự thẩm nhắc.



- Không. Anh em toàn là những người rất ít chữ nghĩa.



- Thế mà tên thợ máy nhà máy xay cùng tất cả những tên khác đều không phủ nhận sự thật nầy.



- Không phải như vậy.



- Tôi có cảm tưởng như ông hoàn toàn không có một nhận thức sơ đẳng nào…



Nghe đến đây Stokman mỉm cười. Tên dự thẩm bất giác ngừng lại một lát, rồi hắn nói nốt với một vẻ bực tức cố nén:



- Thật quả ông không còn có đầu óc khôn ngoan thông thường nữa ông khăng khăng không nhận tội thì chỉ có hại cho mình thôi. Hoàn toàn dễ hiểu là ông đã được đảng của ông phái đến đây để làm công việc phân hoá dân Cô- dắc, để dành lấy họ khỏi tay chính phủ. Tôi không hiểu chúng ta cứ đánh bài mò như thế nầy làm gì? Đằng nào cũng không giảm bớt được tội cho ông chút nào cơ mà…



- Đó mới chỉ là ông ước đoán thôi. Ông cho phép hút thuốc? Cám ơn ông. Đó chỉ là ước đoán, hơn nữa chẳng có căn cứ gì.



- Xin ông cho biết ông có đọc cho bọn thợ đến nhà ông nghe cuốn sách nhỏ nầy không? - Tên dự thẩm đặt bàn tay lên một cuốn sách nhỏ, che mất đầu đề. Phía trên có dòng chữ đen trên nền trắng: "Plekhanov".



- Chúng tôi đọc thơ, - Stokman thở dài, hít một hơi thuốc, mấy ngón tay bóp chặt cái bót xương có những vòng tròn.



Hôm sau, một buổi sáng rầu rĩ đầy sương mù, có chiếc xe thư thắng hai con ngựa chạy ra khỏi thôn, Stokman ngồi ngủ gà ngủ gật phía sau, chòm râu rúc hẳn vào trong cái cổ ngắn bê bết dầu mỡ của chiếc ghế bành tô. Vài người tuần đinh đeo gươm đứng chen chúc hai bên Stokman. Trong số đó có một tên mặt rỗ tóc xoăn. Những ngón tay sần sùi, bẩn thỉu của gã nắm chặt khuỷu tay Stokman, hai con mắt trắng đã đầy vẻ hoảng sợ nhìn anh trô trố, tay trái nắm khư khư chiếc vỏ gươm bạc màu.



Xe chạy long xòng xọc tung bụi mù mịt trên dãy phố. Một người đàn bà nhỏ bé, đầu trùm khăn, đứng tựa vào hàng rào sân đập lúa nhà Melekhov.



Chiếc xe cuốn bụi chạy qua. Người đàn bà đưa hai tay lên ôm ngực, chạy lao theo:



- Anh Oxia… Anh Yosif Davydyt! Trời ơi, sao lại thế nầy?



Stokman muốn giơ tay vẫy vợ, nhưng gã tuần đinh mặt rỗ chồm ngay dậy, kẹp chặt lấy tay anh trong những ngón tay bẩn thỉu, chắc như gọng kìm. Gã quát lên khàn khàn, giọng man rợ:



- Ngồi yên! Tao chém bây giờ!



Trong cả cuộc đời đơn giản của gã, đây là lần đầu gã thấy một người chống lại cả vua Nga.



--- ------ ------ ------ -------



1 Nguyên văn: "Phá vỡ luống cày" (ND).



2 Một thượng đẳng thiên sứ (archange), theo truyền thuyết Do Thái làm nhiệm vụ chỉ huy "lực lượng vũ trang nhà trời" chống các hung thần ác quỷ (ND).