Sông Đông Êm Đềm
Chương 77 :
Ngày đăng: 17:26 19/04/20
Nhà thương chữa mắt của bác sĩ Snegirov có mảnh vườn nhỏ. Các ngõ ở ngoại ô Moskva có rất nhiều mảnh vườn không làm người ta thoải mái với những cây bị xén tỉa như thế nầy. Trong các vườn ấy con mắt không được nghỉ ngơi, không quên được cái chán ngán nặng tựa đá đeo của thành phố và càng nhìn lại càng nhớ một cách sâu sắc và đau khổ hơn cái cảnh tự do man rợ của núi rừng.
Mùa thu đang ngự trị trong mảnh vườn nhà thương: màu đồng thau của lá rụng đã phủ đầy con đường nhỏ; sương muối ban mai làm những bông hoa héo rũ; mầu xanh mọng nước tràn ngập các thảm cỏ Những ngày đẹp trời, người bệnh đi dạo trên những con đường nhỏ, lắng nghe những hồi chuông nhà thờ dóng dả trên thành phố
Moskva ngoan đạo. Những ngày xấu trời (mà năm ấy phần nhiều lại là những ngày xấu trời), họ láng cháng từ phòng nầy sang phòng khác hoặc nằm dài trên giường, chẳng nói chẳng rằng, tự mình làm mình chán ngấy, hoặc làm nhau chán ngấy.
Người bệnh trong nhà thương phần lớn là dân thường, binh lính bị thương ở chung một phòng, tất cả có năm người: Yan Vareykit, một anh chàng tóc đỏ cao lớn người Ladvia có chòm râu xén tỉa vừa rộng vừa rậm; Ivan Vrublevsky, một gã long kỵ binh đẹp trai hai mươi tám tuổi, quê ở tỉnh Vladimir, gã khinh binh Kosyk người Sibiri; Burdin, một gã bộ binh nhỏ bé, da vàng ệch, động đậy luôn chân luôn tay và Grigori Melekhov. Đến cuối tháng chín lại có thêm một người nữa được đưa đến. Mọi người đang uống trà buổi tối thì có tiếng chuông réo rắt rất lâu. Grigori nhìn ra hành lang.
Ba người bước vào phòng ngoài: một người nữ y tá và một người mặc áo tréc- két 1 cùng xốc nách một người thứ ba. Chắc hẳn vừa ở nhà ga tới đây: chứng cớ rành rành là chiếc áo va- rơi bộ binh bẩn thỉu trên ngực đầy những vết máu nâu nâu. Ngay tối hôm ấy anh ta phải lên bàn mổ. Sau những công việc sửa soạn ngắn ngủi (tiếng luộc đồ mổ lách cách vẳng tới các phòng), người mới đến được đưa vào phòng mổ. Vài phút sau, từ trong đó vang ra tiếng khe khẽ: trong khi người ta nạo nốt phần còn lại của con mắt bị mảnh đạn bắn lòi ra anh ta được đánh thuốc mê, nên hết cất tiếng hát lại ú ớ văng tục. Mổ xong, anh ta được đưa về phòng thương binh. Hai mươi bốn giờ sau, đầu óc anh ta thoát khỏi trạng thái mê mệt li bì vì thuốc mê, và anh ta kể lại rằng mình đã bị thương ở gần Verberg trên mặt trận Đức Anh ta vốn là một tay bắn súng máy, họ là Garangia, người tỉnh Trecnigov. Chỉ vài ngày Garangia đã đặc biệt chơi thân với Grigori vì giường hai người kê cạnh nhau. Sau giờ kiểm tra buổi tối, hai người còn thì thầm to nhỏ với nhau rất lâu.
- Thế nào, anh chàng Cô- dắc, tình hình cậu ra sao?
- Trắng như bồ hóng ấy.
- Còn con mắt: hiện giờ thế nào?
- Mình vẫn đi tiêm.
- Họ tiêm cho bao nhiêu mũi rồi?
- Mười tám.
- Có đau không?
- Không, dễ chịu lắm.
- Sao cậu không xin họ nạo quách đi cho xong.
- Đâu phải ai cũng có thể mang con mắt chột được?
- Ừ phải đấy.
Chàng láng giềng của Grigori vưa dễ cáu vừa ác khẩu. Garangia không vừa lòng về tất cả: anh ta chửi chính quyền, chửi chiến tranh, chửi số phận mình, chửi các món ăn của nhà thương, chửi gã nấu bếp, chửi các bác sĩ, chửi tất cả những cái gì vô phúc vướng phải cái lưỡi cay độc của anh ta.
- Mình với cậu, hai cái thằng hạng bét nầy, đánh nhau làm gì nhỉ?
- Tất cả mọi người đánh nhau vì cái gì thì chúng mình cũng vì cái ấy.
- Thế cậu hãy nói rõ cho mình nghe xem, nói thật rõ vào.
- Thôi cậu hãy để mình yên?
Theo lời dặn của viên bác sĩ trợ lý, anh em thương binh giương mắt to hơn cả mức quy định trong hàng ngũ trả lời: "Bẩm hoàng thân điện hạ, đúng như thế ạ" hoặc "Bẩm không ạ", kèm theo cũng tước hiệu đó. Lão giám đốc nhà thương bình luận các câu trả lời, người oặn oẹo như con rắn nước bị mũi chàng nạng chặn xuống đất, đứng xa mà nhìn đến là đáng thương. Nhân vật trong hoàng tộc đi từ giường nọ sang giường kia, phân phát những bức tượng thánh nhỏ.
Đám người bận đồng phục choáng lộn đi tới gần Grigori giữa những làn sóng nước hoa đắt tiền xông ra nồng nặc như những làn sóng.
Chàng đứng bên giường của chàng, râu chưa cạo, mặt gấy rộc, mắt đỏ ngầu. Hai cái gò má nâu nhọn hơi run run lộ rõ cả một niềm phẫn nộ trong lòng.
"Chính chúng nó đây, chính vì sự sung sướng phè phỡn của bọn nầy mà chúng mình bị lôi cổkhỏi nhà, khỏi cửa và bị ném vào chỗ khác. Chà, cái lũ rắn độc! Những thằng đáng nguyền rủa! Quân ăn dơ! Chính cái lũ chấy rận hút máu trên sống lưng mình đây rồi! Chẳng phải vì cái bọn nầy mà chúng mình cho ngựa dẫm nát hoa mầu lúa má của người ngoài, mà chúng mình đi giết người hay sao? Còn chính mình phải bò trên những cuống rạ, mà kêu la, phải chịu những cơn kinh hồn khiếp đảm, phải rời bỏ gia đình, tới chịu cực chịu khổ trong trại lính, chẳng phải vì chúng nó hay sao? "Một mớ bòng bong những ý nghĩ sôi sục quay lộn trong đầu chàng. Cơn tức giận hung dữ làm miệng chàng méo xệch". Tất cả chúng nó đều sao mà béo tốt thế, sao mà hào nhoáng thế. Cái quân ba lần chết tiệt nầy, phải cho chúng mày ra ngoài ấy mới được! Phải cho chúng mày lên ngựa, đeo súng, cho chúng mày chấy rận đầy người, phải nuôi chúng mày bằng bánh mốc, thịt giòi mới được!"
Grigori nhìn như xuyên thủng bọn sĩ quan tuỳ tùng ăn vận lộng lẫy rồi dừng hai con mắt đục ngầu trên cặp má lũng nhũng như hai cái túi của nhân vật trong hoàng tộc.
- Binh sĩ Cô- dắc sông Đông, đã được thưởng huân chương thánh Gióoc. - Lão giám đốc nhà thương khom người chỉ Grigori. Nghe giọng lão nói thì có thể tưởng như chính lão đã được thưởng huân chương.
- Trấn nào? - Nhân vật cao quý hỏi, tay cầm sẵn một bức tượng thánh.
- Bẩm hoàng thân điện hạ, trấn Vosenskaia.
- Được thưởng huân chương vì công lao gì?
Cặp mắt sáng của nhân vật cao quý nom trống rõng, đầy vẻ âu sầu chán ngán và phè phỡn thoả thuê. Hàng lông mày hung hung bên trái giương lên đúng như đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để gây ấn tượng, Grigori bất giác thấy lạnh nhói trong ngực, y như cảm giác lúc bắt đầu xung phong. Môi chàng không giữ được bình thường nữa, vẹo đi, run lên.
- Tôi muốn… Tôi cần phải đi… cần phải, bẩm điện hạ… đi tiểu tiện… - Grigori lảo đảo như người kiệt sức, khoác rộng tay chỉ xuống gầm giường.
Hàng lông mày bên trái của nhân vật cao quý dựng đứng lên, bàn tay cầm bức tượng thánh đưa ra đến nửa đường thì sững lại. Ngài ngạc nhiên trễ cái môi dưới của một người quen cằn nhằn, quay lại nói một câu tiếng Anh với viên tướng tóc bạc theo hầu. Đám tuỳ tùng chỉ hơi để lộ vẻ lúng túng: một viên sĩ quan cao lớn đeo dây ngù vai đưa bàn tay đeo chiếc găng trắng như tuyết lên mắt; viên thú hai cúi đầu, viên thứ ba nhìn vào mặt viên thứ tư như muốn hỏi gì…
Viên tướng tóc bạc cung kính mỉm cười, dùng tiếng Anh thưa với hoàng thân điện hạ không biết những gì, và nhân vật cao quý cũng gia ân nhét bức tượng thánh vào tay Grigori, thậm chí còn ban cho chàng một cái ơn tối cao nữa là khẽ chạm tay vào vai chàng.
Sau khi các vị khách cao quý đã ra về, Grigori nằm vật xuống giường. Chàng vùi đầu vào gối, nằm liền mấy phút, hai vai rung lên. Không thể nào biết được là chàng khóc hay cười, nhưng lúc chàng đứng dậy thì hai con mắt ráo hoảnh và sáng ra. Viên giám đốc nhà thương gọi ngay chàng lên bàn giấy.
- Mày là một thằng lưu manh! - Hắn đã mở miệng như thế, những ngón tay nắm chặt chòm râu màu lông thỏ.
- Đồ chó đẻ, tao không phải là một thằng lưu manh như mày nói đâu! - Grigori vừa nói vừa đi tới trước mặt viên bác sĩ. Hàm dưới trễ xuống, chàng cũng không kéo lên được. - Ngoài mặt trận có trông thấy mặt chúng mày đâu? - Rồi chàng tự chủ được, giọng nói đã trầm tĩnh - Cho tôi về nhà thôi!
Viên bác sĩ lùi lại tránh Grigori, lão bước ra sau bàn giấy và nói bằng một giọng nhẹ nhàng hơn:
- Chúng tôi sẽ cho về. Thôi xéo đi cho khuất mắt!
Grigori bước ra ngoài, miệng run run cười, mắt long lên vì điên tiết với hành động quái đản, không thể tha thứ được của Grigori trước mặt nhân vật cao quý, ban giám đốc nhà thương đã truất phần ăn của chàng ba ngày ba đêm liền. Nhưng các bạn cùng phòng và người nấu bếp tốt bụng mắc bệnh sa đì đã cho chàng ăn.
--- ------ ------ ------ -------1 Một kiểu áo ngoài của đàn ông vùng Kavkaz bó sát người trên ngực có khâu nhiều lỗ mắc đạn (ND