Sông Đông Êm Đềm
Chương 95 :
Ngày đăng: 17:26 19/04/20
Các đơn vị thuộc quân đoàn kỵ binh số ba và sư đoàn Tuzemnaia điều về Petrograd chuyển quân với những khoảng cách rất lớn trên tám tuyến đường sắt: Rêven, Vêdenbéc, Nácva, Yamburg, Vưricha, Dno, Pskov, Luga. Tất cả các ga xép và ga tránh xe đều đầy những đoàn tàu nhà binh chạy chậm rề rề vì nghẽn đường. Các sĩ quan chỉ huy cấp trên không còn có thể tác động chút gì tới tinh thần các trung đoàn, các đại đội bị phân tán mất hết liên lạc với nhau.
Tình hình đã rắc rối lại càng rắc rối thêm, vì ngay trên đường hành quân, quân đoàn cùng sư đoàn Tuzemnaia phối thuộc với nó phải được biên chế lại thành một tập đoàn quân. Muốn vậy cần phải tiến hành một đợt điều thuyên chuyển khá lớn, phải tập hợp những đơn vị đang phân tán, phải sắp xếp lại các đoàn tàu. Tất cả những việc đó gây ra tình trạng rối như bòng bong, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, các mệnh lệnh nhiều khi không ăn khớp với nhau, không khí đã căng thẳng như đầu óc người lên cơn thần kinh lại càng bị hun nóng.
Tuyến đường nào cũng bị các công nhân và viên chức của ngành đường sắt hoạt động chống lại, các đoàn tầu của quân đội Kornilov cố vượt các khó khăn, từ từ bò về Petrograd có những lúc dồn ứ lại ở các ga đầu mối nhưng rồi lại tản ra.
Trong những ngày sơn đỏ của các toa xe, bên cạnh những con ngựa đói dở đã tháo yên cương, có những con người cũng ăn không đủ no bị lèn như cá hộp: những binh sĩ Cô- dắc các quân khu sông Đông, Usuri, Orelburg, Nectrisk và Amur, những người Ingus, Cherket, Kabarda, Oset, Dagestan. Các đoàn tầu nhà binh chờ đến lượt chuyển bánh, phải nằm lại hàng giờ ở các ga, bọn kỵ binh đổ ào ào từ các toa xe xuống, đứng lúc nhúc như châu chấu trong các phòng đợi, kéo đàn kéo lũ đi trên các đường tàu. Chúng ăn sạch tất cả những cái gì ăn được mà các đoàn tàu đi trước còn để lại, lấy cắp của nhân dân, phá kho lương thực.
Những nẹp quần Cô- dắc vàng vàng đỏ đỏ, những cái áo vét lộng lẫy của long kỵ binh, áo tréc- két- ca của các dân tộc miền núi… Phong cảnh thiên nhiên miền Bắc vốn dè sẻn mầu sắc, chưa từng thấy muôn mầu phối hợp phong phú như thế nầy.
Ngày hai mươi chín tháng tám, lữ đoàn ba của sư đoàn Tuzemnaia do công tước Gagarin chỉ huy đã tiếp cận với địch ở gần Paplovsk. Hai trung đoàn Ingusky và Cherket tiến trên đầu sư đoàn phát hiện thấy đường sắt bị phá hoại, bèn xuống tầu và hành quân đi bộ về hướng Traskoie Xelo. Những toán trinh sát của trung đoàn Ingusky len lỏi tới nhà ga Somrino. Hai trung đoạn từ từ triển khai tấn công, đánh đồn Xích vệ, chờ các đơn vị khác của sư đoàn đến đủ. Song các đơn vị đã tới ga Dno còn chờ tàu chuyển bánh. Một số đơn vị còn chưa tới được ga nầy.
Công tước Bagraction, sư đoàn trưởng sư đoàn Tuzemnaia đang trong trang trại riêng cách nhà ga không xa lắm để chờ đợi các đơn vị còn lại tới tập trung đầy đủ, vì dại gì mà liều lĩnh cho binh sĩ cưỡi ngựa hành quân tới Vuricha.
Ngày hai mươi tám, Bagration nhận được của bộ tư lệnh Mặt trận miền Bắc bản sao bức điện sau đây:
"Đề nghị truyền đạt với quân đoàn trưởng Quân đoàn ba và các thủ trưởng sư đoàn sông Đông số một, sư đoàn Usuri và sư đoàn Tuzemnaia ở Kavkaz mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao là nếu vì những hoàn cảnh bất ngờ nào đó mà gặp khó khăn trong việc hành quân bằng đường sắt. Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh cho các sư đoàn tiếp tục vận dộng bằng cách hành quân trên đường cái. Ngày 27 tháng tám năm 1917. Số 6411. Romanovsky".
Khoảng chín giờ sáng, Bagration đánh điện báo cho Kornilov biết rằng
Tuy Bagration có nhận được quyết định của Kornilov nói rõ ràng: "Gửi công tước Baglation. Tiếp tục chuyển quân bằng đường sắt. Nếu không thể dùng đường sắt được nữa thì hành quân trên đường cái tới Luga, tại đấy sẽ hoàn toàn chịu quyền chỉ huy của tướng quân Krumov", hắn vẫn không quyết định cho các đơn vị dưới quyền hành quân trên đường cái và cứ ra lệnh cho quân đoàn bộ lên các toa xe.
Trung đoàn trong đó Evgeni Litnhiki đã từng phục vụ cùng các trung đoàn khác trong biên chế của sư đoàn Cô- dắc sông Đông số một được chuyển về phía Petrograd theo tuyến đường sắt Rêven - Vêdenbéc - Nácva. Năm giờ chiều ngày hai mươi tám, đoàn tàu chở hai đại đội của trung đoàn nầy tới Nácva. Viên chỉ huy đoàn tàu nhà binh được biết rằng đến đêm tàu không thể lại lên đường vì đoạn đường sắt giữa Nácva và Yamburg đã bị phá hoại, và một bộ phận của tiểu đoàn sắt đã được phái đến đấy bằng một đoàn tàu hoả tốc. Sáng mai, nếu kịp chữa xong đoạn đường, đoàn tầu sẽ chuyển bánh.
Dù muốn hay không, viên chỉ huy đoàn tàu nhà binh cũng bắt buộc phải đồng ý. Hắn vặc rầm lên một trận, leo lên toa xe của hắn, cho bọn sĩ quan biết tin rồi ngồi vào bàn uống trà.
Đêm hôm ấy trời u ám. Một làn gió đầy hơi ẩm, lạnh thấu xương thổi từ ngoài vịnh. Trên đường sát, anh em Cô- dắc âm thầm nói chuyện với nhau trong các toa xe. Những con ngựa lo lắng vì những tiếng đầu máy rúc còi, chốc chốc lại đập móng xuống sàn gỗ. Ở đuôi đoàn tầu có một gã Cô- dắc trẻ tuổi ngồi hát trong bóng tối, không biết hắn muốn kể khổ với ai.
Thôi vĩnh biệt tỉnh thành, thị trấn
Vĩnh biệt người, thôn xóm thân yêu
Thôi vĩnh biệt cô em tươi trẻ,
Vĩnh biệt em, đoá hoa biếc nhỏ nhoi! 1
Nhớ khi trước, sớm chiều gần gụi,
Bàn tay anh nắm chặt tay em,
Nhưng em hỡi, nay sớm chiều dòi đõi,
Dựa bên anh, còn khẩu súng nầy thôi…
Từ sau ngôi nhà xám xịt, to lù lù của kho hành lý, có một người bước ra. Người ấy đứng lại một lát, vừa lắng nghe tiếng hát và nhìn theo đoạn đường ray in lốm đốm những ánh đèn vàng ệch rồi mạnh dạn bước về phía đoàn tàu nhà binh. Chân anh ta bước nhẹ nhàng, khi dậm trên các tà vẹt còn có tiếng trầm trầm, nhưng khi bước xuống lớp đất sét nện cứng thì không còn nghe thấy gì nữa. Người ấy đi tránh toa xe cuối cùng, nhưng gã Cô- dắc đứng ở cửa xe ngừng tiếng hát và gọi anh ta:
- Ai?
- Thế cậu đợi ai đấy? - Người kia miễn cưỡng trả lời nhưng không dừng bước.
- Đêm hôm khuya khoắt thế nầy còn láng cháng ở đây làm gì hử? Cái bọn đầu trộm đuôi cướp chúng mày, bọn ông thì nện cho nhừ tử! Định nhòm ngó xem có cái gì sơ hở để xoáy có phải không?
Người kia không trả lời, cứ đi tiếp đến giữa đoàn tàu, rồi ngó đầu vào khe cửa một toa xe và hỏi:
- Đại đội nào thế?
- Đại đội nhà pha - Trong bóng tối có tiếng cười khà khà.
- Mình hỏi có việc đấy, đại đội nào thế?
- Đại đội hai.
- Thế trung đội bốn đâu?
- Đếm từ đầu là toa thứ sáu.
Ba anh chàng Cô- dắc đang hút thuốc bên cạnh toa xe thứ sáu tính từ đầu máy. Một người ngồi xổm, hai người đứng cạnh đấy. Cả ba lặng thinh nhìn người đang đi tới gần họ.
- Chào anh em đồng hương.
- Ơn Chúa! - Một người nhìn chằm chằm vào mặt người lạ trả lời.
- Nikita Dulgin còn sống không? Cậu ấy có ở đây không?
- Mình đây - Người ngồi xổm trả lời bằng một giọng nam cao véo von như hát rồi đứng dậy, lấy gót ủng di di điếu thuốc. - Mình không nhận được ra cậu. Cậu là ai thế? ở đâu đến thế? - Anh ta vươn bộ mặt râụ ria xồm xoàm cố nhận ra người lạ. Người nầy mặc áo ca- pôt, đầu đội chiếc mũ cát- két binh sĩ nhầu nát. Bỗng anh lính Cô- dắc ngạc nhiên kêu lên - Ilia! Buntruc phải không? Người anh em thân mến của mình, ma quỷ nào xách cổ cậu về đây thế nầy?
Anh ta đưa bàn tay sần sùi ra nắm lấy bàn tay đầy lông lá của Buntruc một lát rồi cúi xuống khẽ nói:
- Đây toàn là anh em mình, cậu đừng sợ. Cậu từ đâu mò về đây thế nầy? Nói đi chứ, ma quỷ bắt cậu đi!
Buntruc chào hai anh chàng Cô- dắc kia rồi trả lời bằng một giọng yếu ớt, trầm trầm như tiếng gang:
- Mình ở Petrograd về, mất bao nhiêu công sức mới tìm thấy các cậu. Có việc phải làm đấy. Cần phải bàn với các cậu.
- Người anh em ạ, mình thấy cậu còn sống, còn khoẻ mạnh là mình mừng lắm.
Buntruc mỉm cười. Trên khuôn mặt rất to có vầng trán mênh mông, răng của anh hiện ra trắng loá, cặp mắt long lanh, ấm áp, vui vẻ, nhưng trầm tĩnh.
- Có việc bàn với nhau à? - Anh chàng râu xồm lại nói véo von với cái giọng nam cao. - Cậu là sĩ quan mà cũng đi lại chơi bời với bọn mình. Cám ơn cậu, và ơn Chúa, nếu không chúng mình đây đừng hòng được nghe một lời thân mật âu yếm… - Trong giọng nói của Dulgin thoáng có ý trêu chọc, nhưng hồ hởi, không có gì ác ý.
Buntruc cũng thân mật pha trò:
- Được thôi, rồi sẽ có đủ chuyện cho cậu phá quấy! Cậu vẫn chẳng bỏ cái tính nghịch ngợm một chút nào! Nhưng cứ pha trò nữa đi râu cậu dài quá rốn rồi đấy.
Kalmykov nhảy ra khỏi chỗ mấy con ngựa, né nghiêng người chộp tay xuống bao súng, nhưng hắn không kịp rút khẩu súng ngắn ra: một viên đạn đã rít lên phía trên đầu hắn, và trước tiếng súng nổ ra, Buntruc đã quát lên bằng một giọng trầm trầm không báo trước điều gì tốt lành:
- Giơ tay lên!
Con chỏ của khẩu súng ngắn từ từ giương lên đến nửa, cho thấy đầu kim hoả. Kalmykov nheo mắt nhìn mũi kim hoả, rồi bật ngón tay đánh đét một cái và từ từ giơ tay lên.
Bọn sĩ quan trao vũ khí một cách miễn cưỡng.
- Thưa có phải tháo gươm ra không ạ? - Viên trung uý súng máy còn trẻ lễ phép hỏi.
- Có.
Anh em Cô- dắc tháo những khẩu súng máy trên lưng ngựa xuống, khiêng lên toa xe.
- Đặt thêm vọng gác ở chỗ nầy, - Buntruc bảo Dulgin - Trikamasev, bắt nốt những tên còn lại rồi giải đến đây. Có nghe rõ không, Trikamasev? Còn Kalmykov thì mình với cậu sẽ giải lên uỷ ban cách mạng của trại quân thành phố. Đại uý Kalmykov, anh bước lên trước đi cho.
- Cừ thật! Cừ thật - Một tên sĩ quan vừa tấm tắc khen vừa nhảy lên toa xe và đưa mắt nhìn theo Buntruc, Dulgin và Kalmykov đi xa dần.
- Các ngài ơi? Nhục quá các ngài ơi! Chúng ta hành động thật như một bầy con nít? Chẳng có ai nghĩ tới chuyện kịp thời cho thằng khốn kiếp ấy một phát. Lúc nó chĩa khẩu súng ngắn vào Kalmykov mà chúng ta hạ thủ luôn thì có phải xong xuôi rồi không? - Tên trung tá Sukin phẫn nộ nhìn bọn sĩ quan một lượt, những ngón tay của hắn run bắn lên, mãi không lấy được một điếu thuốc trong hộp thuốc lá ra.
- Nhưng chúng nó có cả một trung đội… chúng nó sẽ bắn chết hết, - Tên trung uý súng máy nhận xét, giọng như tự thấy mình có lỗi. Bọn sĩ quan lặng lẽ hút thuốc, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau. Mọi việc xảy ra nhanh như chớp làm chúng chưng hửng.
Kalmykov nhai nhai đầu hàng ria đen, đi một lát chẳng nói chẳng rằng. Cái má bên trái của hắn, với gò má gồ nhọn, đỏ ửng lên như vừa ăn một cái tát. Những người dân mà ba người gặp trên đường nhìn họ một cách ngạc nhiên và đứng lại thì thầm với nhau. Trên thành phố Nácva, bầu trời ảm đạm trước lúc hoàng hôn bạc mầu dần. Lá bạch dương rụng đầy các nẻo đường, nom như những thỏi vàng ròng; tháng tám sắp trôi qua. Vài con quạ nhỏ bay qua cái nóc tròn mầu xanh lá cây của nhà thờ. Ở nơi nào đó phía sau nhà ga, sau những cánh đồng nằm lịm dưới ánh hoàng hôn, màn đêm mang theo khí lạnh đã phủ xuống mặt đất, nhưng từ Nácva tới Pskov, những đám mây rách mướp được quét lớp son chì trắng bệch của buổi chiều tà vẫn lang thang không đường không lối trên nền trời chưa từng có ai động tới từ từ trôi về phía Luga. Màn đêm vượt qua một đường ranh giới vô hình đang đánh lui ráng chiều.
Khi tới bên cạnh nhà ga, bất thình lình, Kalmykov quay phắt lại nhổ vào mặt Buntruc:
- Đồ đê tiện!
Buntruc né người tránh được bãi nước bọt. Anh giương cao hai hàng lông mày, đưa tay trái sang giữ chặt rất lâu bàn tay phải vừa thọc rất nhanh vào túi.
- Đi! - Buntruc phải cố gắng lắm mới nói được.
Kalmykov vừa đi vừa chửi rất tục tĩu và thở ra những lời hết sức bẩn thỉu.
- Mầy là một thằng bán nước! Một thằng phản bội. Rồi mầy sẽ phải đền tội! - Chốc chốc hắn đứng lại, xông tới trước mặt Buntruc, quát lên.
- Đi đi! Tôi khuyên anh đi đi… - Lần nào Buntruc cũng chỉ bảo hắn thế.
Và Kalmykov lại nắm chặt hai tay, vùng vằng đi một đoạn, nom cứ như con ngựa chạy đã kiệt sức. Ba người đi gần tới cái tháp nước.
Kalmykov nghiến răng gầm lên:
- Chúng mầy không phải là một chính đảng, mà là một bầy những cặn bã xã hội, nhơ nhớp bẩn thỉu! Kẻ lãnh đạo của chúng mày là đứa nào? Là bộ tổng tư lệnh quân Đức? Bolsevich h- h- hà Một lũ quái thai! Đảng của chúng mày, một bọn lưu manh, chúng nó thả tiền ra mua được như một lũ bán trôn… Những thằng đểu cáng? Những thằng đểu cáng! Chúng mày đã bán rẻ Tổ quốc… Tao thì treo cổ tất cả chúng mày lên cùng một cái giá. Ô- ô- ô- ô! Rồi sẽ đến lúc thôi! Tên Lenin của chúng mày đâu chỉ đem nước Nga đi bán lấy ba mươi đồng Mác Đức! Nó đã đút túi hàng triệu đồng rồi chuồn thẳng… cái thằng đã tù mọt gông ấy!
- Đứng sát vào tường! - Buntruc quát lên, giọng anh lắp bắp, kéo dài.
Dulgin cuống lên, hốt hoảng nói:
- Ilia Mitơrit, hượm đã! Cậu định làm gì thế? Hượm đã nào?
Cơn giận điên cuồng làm mặt Buntruc đen xạm, nom không còn ra hình thù gì nữa. Anh nhảy xổ tới bên Kalmykov, đánh cho hắn một cái rất mạnh vào thái dương. Anh dẫm lên cái mũ cát- két lăn từ trên đầu hắn xuống, rồi lôi hắn xềnh xệch tới bức tường gạch tối đen của tháp nước.
- Đứng vào kia!
- Mày làm gì hử? Mày! Mày không được! Mày không được đánh! - Kalmykov vừa chống cự, vừa gầm lên.
Lưng hắn đập đánh bịch vào tường tháp nước. Rồi hắn vỡ lẽ, bèn dướn thẳng lên:
- Mày muốn giết tao à?
Buntruc khom người, hấp tấp kéo khẩu súng ngắn ra vì con chỏ bị vướng vào lần lót túi.
Kalmykov vừa bước tới vừa cài rất nhanh tất cả các khuy áo ca- pôt:
- Mày bắn đi, đồ chó đẻ! Cứ bắn đi! Giương mắt lên mà xem những người sĩ quan Nga biết chết như thế nào… Ngay trước khi chết ta- a- ao…
Viên đạn cắm phập vào mồm hắn. Tiếng vọng khàn khàn của phát súng vang dần mỗi lúc một cao phía sau tháp nước. Kalmykov bước thêm được một bước thì vấp chân. Hắn đưa tay trái ôm đầu, ngã lăn kềnh. Hắn gập đôi người, nhổ xuống ngực mấy cái răng đen sì những máu, lưỡi đánh chặc chặc như đang nuốt một cái gì ngọt.
Lưng hắn duỗi thẳng ra vừa sát lớp đá dăm ẩm sì thì Buntruc bồi thêm cho hắn phát nữa. Kalmykov giãy mạnh một cái, oặt người sang bên, nấc lên một tiếng ngắn ngủi, đầu ngoặt xuống vai như con chim đang ngủ.
Đi đến ngã tư thứ nhất, Dulgin đuổi kịp Buntruc.
- Mitơrit… Cậu vừa làm gì vậy, Mitơrit? - Sao cậu lại giết nó?
Buntruc nắm chặt lấy hai vai Dulgin, hai con mắt đanh thép rất kiên định xuyên thẳng vào mắt Dulgin, rồi nói bằng một giọng mất tiếng nhưng bình thản lạ lùng:
- Một là chúng nó giết chúng mình, hai là chúng mình giết chúng nó? Không có con đường nào ở giữa. Nợ máu phải trả bằng máu. Vấn đề là ai diệt ai 4 … Hiểu chưa? Những đứa như thằng Kalmykov thì phải tiêu diệt, phải dẫm chết chúng nó, như loài rắn độc. Cả những kẻ giỏ rớt nước rãi thương tiếc chúng nó thì cũng phải cho ăn đạn… cậu hiểu chưa? Tại sao cậu lại chảy rớt chảy rãi ra như thế? Phải cứng rắn lại! Phải dữ tợn lên? Thằng Kalmykov nầy, nếu nó nắm được quyền hành thì nó sẽ bắn anh em mình mà chẳng cần nhả điếu thuốc lá khỏi miệng đâu, thế mà cậu… Chà, chỉ được cái mau nước mắt?
Đầu Dulgin lắc một thôi một hồi, hai hàm răng đập vào nhau lập cập cặp chân to đần đẫn đi đôi ủng đã chuyển thành màu hung hung không hiểu sao đi cứ vướng vào nhau một cách rất vô lý.
Hai người lặng lẽ đi theo một dãy phố hẹp không một bóng người. Chốc chốc Buntruc lại ngoái nhìn về phía sau. Trên đầu hai người, những đám mây đen lồm xồm như sủi bọt bay rất thấp về phía trời đông. Trong một mảng trong nhỏ xíu của bầu trời tháng tám, vành trăng lưỡi liềm vừa được trận mưa hôm qua rửa sạch, ghé nhòm xuống đất như một con mắt lác xanh lá cây. Ở ngã tư gần nhất có một gã bộ binh và một người đàn bà choàng trên vai một chiếc khăn màu trắng đứng sát vào nhau. Gã bộ binh ôm lấy người đàn bà, ghì chặt vào mình và rỉ tai ả những gì không biết. Chỉ thấy ả kia đưa hai tay đẩy vào ngực gã, ngửa đầu ra sau, hổn hển trả lời "Em không tin! Em không tin đâu!". - Nói xong rúc rích cười, tiếng cười nghe rất trẻ.
--- ------ ------ ------ -------
1 Người vùng sông Đông gọi loài uất kim hương trên đồng cỏ là hoa biếc (ND).
2 Hội đồng các đại biểu nhân dân được dân Cô- dắc bầu ra dưới chế độ vua Nga (ND).
3 Cain là con của Adams và Eva, vì giết em là Aben nên bị rủa sả, phải lang thang khắp nơi, đến đâu cũng bị lòng hối hận dãn vặt. (ND).
4 Một luận điểm nổi tiếng của Lenin trong thời kỳ cách mạng và nội chiến (ND).