Thần Thoại Hy Lạp
Chương 117 : Héra và Io
Ngày đăng: 00:47 19/04/20
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Như ta đã biết, Héra thường phải chịu nhiều đau khổ, tức giận đến phát điên lên về cái tính “bướm ong” của Zeus, nói thẳng ra là cái thói đa tình hiếu sắc hay lăng nhăng, chẳng đúng với tư cách của một vị thần tối cao cai quản thế giới thần linh và loài người. Còn Héra vì là một vị nữ thần bảo vệ cho hôn nhân và hạnh phúc gia đình, cho nên nàng không thể nào chấp nhận được những cuộc tình duyên của Zeus, những cuộc tình duyên ngoài hôn nhân và làm tổn thương đến hạnh phúc gia đình. Héra đã từng trừng phạt những “người yêu” của Zeus, đã từng đánh ghen nhiều vụ mà tiếng để đến đời sau. Trong những vụ đánh ghen đó phải kể đến vụ đánh ghen với nàng Io.
Io là con gái của thần Sông Inachos, vua của đất Argos. Nàng có một sắc đẹp mà những người thiếu nữ cùng độ tuổi với nàng ít người có được. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, tiếng đất Argos có người con gái đẹp bay đến tai thần Zeus. Và thế là từ đó trở đi, đêm đêm những giấc ngủ của Io bị xáo trộn bởi những cơn mộng, không phải những cơn ác mộng mà là những cơn “tình ái mộng”. Io thường nằm mộng thấy một chàng trai đến nói với nàng những lời ái ân tình tứ. Chàng trai đó trách yêu nàng đã giam hãm tuổi xuân trong khuê phòng bưng bít mà nhẽ ra, với sắc đẹp của nàng, nàng có thể và phải tìm được một người chồng xứng đáng. Kỳ quái hơn nữa là chàng trai đó lại nói chính thần Zeus đã xúc động đến mê mẩn tâm thần vì sắc đẹp của nàng và muốn được gặp nàng để bày tỏ những tình cảm ngưỡng mộ và sùng ái, và... xin nàng hãy đi về cánh đồng cỏ bên bờ hồ Lerne để thần Zeus được chiêm ngưỡng dung nhan của nàng cho thỏa lòng bấy lâu khao khát. Những cơn mộng như thế đêm nào cũng đến, lặp đi, lặp lại, trong giấc ngủ của người thiếu nữ Io. Io thấy phải kể hết cho vua cha nghe để tính bề định liệu, nếu không thì những cơn mộng ấy cứ ám ảnh mãi suốt đêm này qua đêm khác. Và như vậy, chẳng phải là một niềm vui sướng gì cho cam, ngược lại là một tai họa khủng khiếp. Nhà vua Inachos bèn cho người đến các đền thờ Delphes và Dodone để cầu xin một lời chỉ dẫn. Lời chỉ dẫn thật ác nghiệt: nếu Io không thực hiện đúng như lời hò hẹn trong mộng thì thần Zeus sẽ giáng sét tiêu diệt sạch giống nòi Inachos. Có ai ngờ sinh con gái đẹp lại là một tai họa. Inachos chỉ còn cách đuổi Io đi, còn Io, để cứu giống nòi khỏi tai họa, tất phải chấp nhận lời hò hẹn của thần Zeus.
Zeus hóa thành đám mây đen đến với nàng Io
Về phía thần Zeus như vậy là ước sao được vậy. Chỉ còn việc làm sao đi thoát khỏi con mắt tinh quái của Héra là trọn vẹn. Zeus nghĩ ra một cách để che giấu cuộc tình duyên vụng trộm này. Thần cho một đám mây cực kỳ dày đặc, cực kỳ tối đen bao phủ lấy mặt đất khiến cho bầu trời u ám, tối mịt như đêm. Ở trên thiên đình, Héra dẫu có tinh tường đến mấy cũng không thể nhìn xuyên thấu qua những đám mây đen dày đặc. Zeus có thể hoàn toàn yên tâm để dốc bầu tâm sự với Io. Nhưng Héra chẳng phải người thường. Nàng thấy trời đất tối sầm, mây đen dày đặc kéo đến nhanh chóng khác thường là sinh nghi ngay. Nàng bèn đi tìm Zeus. Tìm khắp cung điện Olympe cũng như mọi nơi, mọi chốn ở bầu trời không đâu thấy Zeus, Héra hiểu ra ngay sự thật. Nàng vội vã xuống trần và không quên ra lệnh cho những đám mây đen dày đặc phải tan biến đi ngay tức khắc. Nhưng Zeus, mặc dù say đắm trong cuộc tình ái, vẫn không quên để ý đến ngoại cảnh. Và khi Héra xuống gặp Zeus, thì thấy Zeus đang đứng bên một con bò cái trắng muốt, đẹp đẽ vô ngần. Đó chính là Io mà Zeus đã kịp thời biến hình nàng để phi tang, chối biến với Héra. Làm bộ tự nhiên, Zeus nói với Héra là chưa từng bao giờ trông thấy một con bò cái đẹp đẽ đến như thế, dường như con bò này mới từ dưới đất hiện lên. Héra tươi tỉnh, tán thưởng lời khen của Zeus và nàng càng tỏ ra đặc biệt thích thú trước một con bò cái xinh đẹp, kỳ diệu như thế. Nàng vuốt ve, âu yếm con bò. Nàng ngỏ ý muốn xin Zeus con bò. Thật khó xử cho Zeus. Từ chối ư? Thế thì chẳng khác gì thú nhận tội lỗi. Một tặng vật tầm thường như thế mà không dám ban cho vợ thì... Zeus đành phải chiều vợ, cho vợ con bò cái trắng.
Héra buộc Zeus phải cho nàng con bò cái trắng. Câu chuyện tưởng đến đó là xong, nhưng chưa xong. Để ngăn cản không cho Zeus tìm gặp lại con bò xinh đẹp mà Héra biết thế nào Zeus cũng tìm đủ mọi cách để gặp lại, nàng giao cho một gia nhân tâm phúc, tin cẩn canh giữ. Có thể nói trên đời này khó mà tìm được một người nào canh giữ cẩn thận chắc chắn hơn. Đây không phải là một người thường mà là một người khổng lồ có một trăm mắt, tên hắn là Argus73. Vì có một trăm mắt trên khắp người nên khi Argus ngủ thì không bao giờ ngủ hết, chỉ cần ngủ có năm mươi mắt thôi là đủ. Còn năm mươi mắt kia thức để canh giữ. Khó ai bén mảng được đến gần chỗ Argus. Chính nhờ sự tỉnh táo thường xuyên như thế nên Argus đã từng lập được một chiến công lừng lẫy. Dạo ấy không rõ Argus được các vị thần giao cho nhiệm vụ canh giữ báu vật gì hay có lẽ sau chiến công giết chết con bò tót, bò rừng hung dữ thường hay về tàn phá hoa màu ở vùng đồng bằng Argolide mà quái vật Échidna nửa đàn bà, nửa rắn muốn thử sức với Argus. Échidna lợi dụng lúc Argus ngủ, mò đến gần định giáng cho một đòn phủ đầu, nếu không kết liễu cuộc đời gã khổng lồ thì cũng cho hắn không gượng được mà đánh trả. Và đòn thứ hai là xong, cùng lắm chỉ đến đòn thứ ba. Nhưng Échidna có biết đâu Argus chỉ ngủ có một nửa số mắt. Vừa mon men đến gần Argus, Échidna chưa kịp hành động thì đã bị Argus cho một nhát kiếm đứt đôi người.
Giao cho Argus canh giữ con bò cái trắng muốt Io, nữ thần Héra tin chắc rằng Zeus không có cách gì mà đến gần Io được, Zeus lại càng không thể dùng bất cứ một vị thần nào để đánh tháo cho Io. Bởi vì hễ có một dấu hiệu gì khả nghi là Argus có thể báo ngay cho Héra biết.
Zeus giao cho thần Hermès nhiệm vụ giải thoát con bò cái trắng xinh đẹp. Với đôi dép thần có cánh Hermès nhanh chóng bay xuống ngọn núi mà Argus đang canh giữ con bò. Thần cải trang thành một chàng trai nông dân vừa đi vừa thổi sáo, những tiếng sáo du dương, véo von, réo rắt bay đến như rót vào tai gã khổng lồ. Thấy Argus có vẻ say mê, lắng nghe tiếng sáo, Hermès mới tiến lại gần. “Một anh chàng thổi sáo, thật chẳng có gì đáng ngại...”, Argus nghĩ thế và cất tiếng gọi:
- Này anh bạn! Làm sao mà anh lại cứ phải vừa đi vừa thổi thế kia? Lại đây, ngồi xuống tảng đá này dưới bóng râm mà thổi lại không hơn à?
Hermès đến ngồi bên Argus. Chàng nghiêng đầu say sưa thổi vào ống sáo những âm thanh trầm bổng man mác lòng người. Những ngón tay của chàng nhảy múa trên chiếc ống sáo như những người trần thế say sưa nhảy múa trong những ngày hội tế lễ thần linh. Gã khổng lồ Argus nghe như uống lấy từng âm thanh, mắt lim dim thả hồn phiêu diêu theo tiếng sáo bay đi trong gió rừng hiu hiu, xào xạc. Và rồi Argus ngủ lúc nào không biết, ngủ cả một trăm con mắt. Hermès kết liễu cuộc đời gã khổng lồ một cách dễ dàng và giải thoát cho Io, con bò cái trắng xinh đẹp, người bạn tình của Zeus. Có chuyện lại kể Hermès có chiếc đũa thần, nhờ nó khi ngồi bên Argus thổi sáo, chàng đã làm cho Argus ngủ say như chết chỉ bằng một động tác lướt nhẹ đũa trên người.
Cảm thương người đầy tớ trung thành tâm phúc, nữ thần Héra lấy những con mắt của Argus đính vào đuôi con công và cho con vật này theo hầu bên nàng để lưu giữ lại kỷ niệm về một người đầy tớ hiếm có trên thế gian này.
Ngày nay trong văn học thế giới, Argus trở thành một danh từ chung chỉ người sáng suốt, nhìn xa trông rộng, có tinh thần cảnh giác cao hoặc một người bảo vệ, canh gác rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Mở rộng nghĩa Argus còn chỉ người soi mói, kẻ làm nghề chỉ điểm, gián điệp hoặc một người quá ư cẩn thận, quá cảnh giác nghiêm ngặt. Mắt Argus/Argos là một thành ngữ trong văn học Pháp chỉ một cách nhìn thấu đáo bao quát được toàn bộ sự kiện.
Hermex dâng đầu Arguyx cho Hêra
Một chuyện khác kể, thật ra thì thần Zeus không biết đến Io. Nhờ có nàng Jynx, con của thần Pan và nữ thần Écho, môi giới nên mới sinh chuyện. Nàng Jynx mách cho Zeus biết ở đất Argos có người thiếu nữ xinh đẹp khác thường. Jynx mách cho thần Zeus uống một thứ nước bùa mê khiến sau khi uống xong Zeus thương nhớ Io đến bồn chồn, khắc khoải. Sau này Héra biết chuyện, trừng phạt Jynx biến nàng thành một con chim, có người nói biến nàng thành một bức tượng đá.
Io được giải thoát khỏi sự canh giữ của Argus. Nhưng số phận nàng chưa hết gian truân. Nữ thần Héra sai một con ruồi trâu bám riết trên thân thể nàng luôn luôn dùng vòi sắc nhọn châm đốt khiến cho Io đau đớn khôn xiết, lồng lộn điên cuồng chạy hết nơi này đến nơi khác. Nàng đã từ đất Argos đi ngược lên phía Bắc tới cao nguyên Dodone, rồi lại chạy theo ven biển phía tây Hy Lạp thuộc vùng biển Rhéa đi ngược mãi lên tới vùng hoang dại thuộc xứ Scythe và gặp Prométhée trong cảnh bị xiềng xích, bị đóng đanh vào núi đá rất đỗi thương tâm. Prométhée đã tiên đoán cho số phận tương lai của Io, chỉ đường cho nàng đi về đất Ai Cập, nơi nàng sẽ gặp lại thần Zeus và thoát khỏi lối sống của kiếp bò. Cuộc tình duyên của nàng với Zeus sẽ sinh ra người anh hùng Épaphos, vị vua đầu tiên của xứ Ai Cập. Con dòng cháu giống của người anh hùng này thay nhau trị vì trên mảnh đất của thần sông Nile vĩ đại, lập nên biết bao chiến công. Trong số những người anh hùng đó, người anh hùng vĩ đại nhất lập nên những chiến công chói lọi, rực rỡ nhất là dũng sĩ Héraclès, người sẽ lãnh sứ mạng giải phóng cho Prométhée.
Hành trình gian truân của Io từ châu Âu sang châu Á rồi xuống Ai Cập được người xưa ghi dấu lại bằng những địa danh: vùng biển ở phía Tây bán đảo Hy Lạp, dưới phía Nam, biển Adriatique mang tên là biển Ionie, ghi lại nơi Io đã lưu lạc tới. Tuy nhiên cũng có những nhà nghiên cứu cho rằng cái tên “Biển Ionie” không phải ghi lại quãng biển mà Io đã đi qua mà ghi lại vùng biển những bộ lạc người Ionieens đã chinh phục. Những bộ lạc này đã cư trú ở vùng biển này từ sớm. Eo biển Bosphore74 (Biển Adriatique ngày nay), cửa ngõ của Biển Đen, là nơi Io đã bơi qua từ châu Á sang châu Âu. Tiếng Hy Lạp “Bosphore” có nghĩa là “Chỗ bò đi qua” một địa danh gắn liền với cuộc hành trình ba chìm bảy nổi của người thiếu nữ nhan sắc Io.
[72] Hespérides gồm có Églé, Érythie và Hespérie.
[73] Argus hay Argos, còn có tên là “Panoptès”, nghĩa là “người nhìn thấy hết”.