Thần Thoại Hy Lạp
Chương 135 : Dionysos bị vua Licurgue bạc đãi
Ngày đăng: 00:48 19/04/20
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Thần Dionysos lãnh sứ mạng truyền dạy cho mọi người biết nghề trồng nho và nghề ép rượu. Cùng với một đoàn các vị thần tùy tùng đông đảo, Dionysos đi tới đâu là gieo rắc sự vui tươi, hoan lạc, cuồng nhiệt ở nơi đó. Các nữ thần Bacchantes quấn trên người một tấm da sư tử, ngực để trần, tay cầm gậy thyrse, một cây gậy dài như một ngọn lao có một dây nho quấn trên thân hoặc một dây trường xuân (lierre). Cùng đi với những nữ thần Bacchantes là những nữ thần Ménades. Có người bảo Bacchantes với Ménades chỉ là một và thực ra không phải là những nữ thần mà và những viên nữ tư tế, những cô đồng. Tiếp đến những Thyades, những thiếu nữ hiến mình cho những nghi lễ thờ cúng và các tập tục hành lễ diễn xuất thầm kín (mystère) của việc phụng thờ Dionysos. Sở dĩ gọi những thiếu nữ này là Thyades là do sự tích sau đây. Thya, con gái Deucalion được thần Apollon đem lòng yêu mến. Nàng sinh được một con trai tên gọi là Delphes. Chính tên người anh hùng này được dùng để đặt tên cho ngôi đền thờ nổi tiếng của đất Hy Lạp, ngôi đền hàng năm thu hút con dân Hy Lạp từ khắp mọi miền mọi nẻo đến để xin những lời sấm truyền, tiên đoán của thần Apollon. Cha của Thya vốn là viên tư tế thờ phụng thần Dionysos, vì thế Thya nối nghiệp cha cũng hiến mình cho việc thờ phụng vị thần này. Nàng là người đàn bà đầu tiên hiến mình cho việc thờ phụng Dionysos. Nàng cũng là người đặt ra những nghi thức cúng tế, trong đó có tập tục mỗi năm một lần phụ nữ Athènes phải lên đỉnh núi Parnasse ở miền Trung Hy Lạp để hành lễ, ca ngợi công đức của Dionysos. Từ đó trở đi những thiếu nữ hiến mình cho việc thờ phụng vị thần này mang tên là Thyades.
Nhưng nói đến những tùy tùng của Dionysos ta không thể quên thần Pan, những thần Satyre và ông già Silène. Satyre và những vị thần nửa người nửa dê (mặt người, đầu có sừng, tay người, chân dê và có đuôi dê, râu tóc bờm xờm), tính nết thô lỗ, ham mê tửu sắc, thường đeo trước ngực một cái dương v*t bằng gỗ. Vì lẽ đó ngày nay Satyre chuyển nghĩa chỉ những người hiếu sắc, dâm đãng, thô tục, phóng túng. Còn Silène là một ông già thân hình thô kệch, rậm râu, sâu mắt, trán hói, mũi tẹt, bụng to. Chính Silène đã có một thời gian được Zeus giao phó cho việc nuôi dưỡng và dạy dỗ Dionysos, vì Silène là người nổi tiếng về tài tiên đoán và học rộng biết nhiều. Nhưng ông già Silène chẳng ưa chuyện trí thức mà chỉ ham mê chuyện “nhậu nhẹt” khoái lạc. Miệng lúc nào cũng sặc hơi rượu, đi đứng lảo đảo, chân nam đá chân chiêu. Áo quần chẳng mặc chỉ quấn một miếng vải ngang hông thay cho chiếc quần đùi, trên đầu quấn một vòng dây nho, quả nho, lá nho rủ xuống trán lòa xòa. Chẳng mấy ai hỏi xin ông già này được một lời tiên đoán, bởi vì, không phải tại ông cụ khó tính, mà do ông cụ lúc nào cũng say mèm, ăn nói huyên thuyên. Chỉ có cách lừa lúc ông cụ đang ngủ, đến vật nài, khẩn khoản cầu xin thì, có lẽ vì tiếc giấc ngủ, ông cụ mới chịu nói để rồi được ngủ tiếp. Trong thời kỳ Hy Lạp hóa, người ta cho rằng ông già Silène là cha đẻ ra các thần Satyre và các thần Silène khác nữa.
Tất cả những “nữ thần”, quỷ thần hay tùy tùng này của Dionysos đi hộ tống bên cỗ xe của Dionysos do những con báo kéo, vì thế thường thì các thần tùy tùng cũng quấn da báo trên người thay cho áo quần. Trong các vị thần của thế giới Olympe chẳng có vị thần nào đi tới đâu mà lại ầm ĩ, huyên náo như Dionysos. Trống gióng, cờ mở, thanh la não bạt khua vang, đàn sáo, ca hát, hò hét nhảy múa cứ loạn cả lên. Đúng là một đám rước nhưng chẳng có quy củ, trật tự gì cả. Tự do, phóng túng, cuồng nhiệt, là “đức tin” của những tín đồ Dionysos. Các Satyre nhảy múa giậm giật quanh cỗ xe, ông già Silène ngồi ngất ngưởng trên lưng lừa, kè kè bên hông một bình rượu nho, tay cầm một chiếc cốc vại cứ khua múa huyên thuyên trước mặt. Các Satyre cũng cầm cốc, có “vị” cẩn thận dắt lừa cho ông già Silène và có “vị” đi kèm bên để đỡ cho cụ khỏi ngã.
Đám rước của Điônidôx (bên trái là ông già Xilen)
Với đoàn tùy tùng này, thần Rượu nho-Dionysos đi khắp mọi nơi. Và sau khi đặt chân lên không biết bao nhiêu xứ sở xa lạ ở phương Đông, thần trở về đất Thrace, Hy Lạp. Nhà vua Licurgue chẳng những không ra lệnh cho nhân dân phải đớn tiếp thần Dionysos trọng thể mà lại còn bạc đãi người con của thần Zeus vĩ đại. Licurgue cho rằng nếu để cho Dionysos đến cư ngụ ở xứ sở này thì dân chúng sẽ hư hỏng. Nhìn đám rước của Dionysos tiến vào xứ sở của mình, Licurgue lo lắng có ngày dân chúng của mình sẽ cuồng loạn, lố lăng, điên điên dại dại như những vị thần đó. Hơn nữa, Dionysos theo Licurgue nghĩ, là một vị thần nguy hiểm, nghe đâu ông ta có một thứ nước bùa mê, cho ai uống là người đó choáng váng, ngây ngất, đi không vững, nói không rành, tâm thần mê mẩn, người đang tỉnh táo khôn ngoan phút chốc bỗng hóa điên hóa dại. Nghĩ thế, Licurgue bèn ra lệnh tập hợp binh sĩ lại rồi bất ngờ tấn công vào đám rước của Dionysos. Các Satyre và ông già Silène bỏ chạy toán loạn mỗi người mỗi phương. Bình rượu, cốc vại, đàn sáo, thanh la, não bạt bị đập vỡ tung tóe. Dionysos cũng phải cắm đầu chạy thục mạng mới tránh khỏi bị bắt sống. Nhưng Licurgue không tha, ra lệnh cho quân sĩ truy đuổi bằng được, Dionysos cùng đường phải nhảy xuống biển. Nữ thần Thétis đón được, mời Dionysos về nghỉ trong một chiếc động xinh đẹp dưới đáy biển sâu. Nghỉ ngơi một ít ngày Dionysos phải trở lại đất Thrace để trừng trị tên vua vô đạo. Được các vị thần Olympe giúp đỡ, Dionysos giải thoát cho các nữ thần Bacchantes, dùng pháp thuật làm cho tên vua Licurgue mất trí, trở thành một kẻ điên rồ tệ hại. Nhìn đứa con trai của mình, tên vua này tưởng là cây nho, liền vung rìu lên giáng một nhát. Dionysos còn làm cho đất đai xứ Thrace trở nên khô cằn, kiệt quệ. Thần Zeus trên thiên đình thấy con mình bị bạc đãi cũng nổi giận, trừng phạt Licurgue, rút ngắn cuộc đời hắn lại. Còn nhân dân xứ Thrace thấy đất đai bị khô cằn, kiệt quệ đã kéo nhau đến đền thờ cầu xin thánh thần cho biết nguyên nhân, của tai họa và chỉ cho cách giải trừ. Một lời sấm truyền cho biết, chỉ có cách trừng trị kẻ đã xúc phạm đến thần Rượu nho-Dionysos thì mới chấm dứt được tai họa. Thế là Licurgue bị nhân dân bắt, xử theo hình phạt tứ mã phanh thây. Đất đai xứ Thrace trở lại phì nhiêu tươi tốt như xưa, nhân dân đón tiếp trọng thể thần Dionysos, tiếp nhận báu vật của thần ban cho với lòng biết ơn vô hạn. Và dần dần, người người, nhà nhà đều biết trồng nho ép rượu, ủ rượu. Đền thờ Dionysos và các nghi lễ tập tục cúng tế vị thượng đẳng phúc thần này được thiết lập.
Các tiên nữ Nanhphơ đùa giỡn với xatia
Ngày nay những từ Dionysos, Bacchantes hoặc Bacchus trở thành một danh từ chung chỉ cảnh say sưa, chè chén nhậu nhẹt “tơi bời” vui như điên, say như điên, Những đồ đệ của Dionysos hoặc Bacchus, Những người tôn sùng Dionysos hoặc Bacchus chỉ những người nghiện rượu, hay chè chén say sưa tối ngày. Bacchantes (Bacchanteste) chỉ người đàn bà sống buông thả, rượu chè, sinh hoạt phóng túng.
[131] Tiếng Hy Lạp drus: cây sồi.
Dionysos trừng phạt những kẻ chống đối
Sự nghiệp của Dionysos quả thật là muôn phần gian truân. Lãnh sứ mạng truyền dạy nghề trồng nho và nghề ép rượu cho mọi người để cho cuộc sống của họ thêm phần văn minh, hạnh phúc nhưng đi tới đâu Dionysos cũng bị chống đối và không được thừa nhận là một vị thần nhân đức.
Đoàn xa giá của Dionysos trên đường trở về Hy Lạp qua đất Thrace rồi tới xứ Béotie. Trước khi vào đô thành Orchomène các vị thần tùy tùng của Dionysos đã đến yết kiến nhà vua Minyas xin nhà vua cho đoàn xa giá được vào thành. Các vị còn thân chinh đi mời các thiếu nữ, phụ nữ tham dự vào các lễ hội để chào mừng vị thần Rượu nho. Mọi người đều vui mừng hớn hở và ai nấy đều ra sức trang điểm cho thật đẹp và cho thật đúng với nghi lễ dự hội. Các thiếu nữ quấn trên đầu một vòng lá trường xuân hoặc lá nho. Họ cũng không quên làm những cây gậy thyrse và khoác trên người một tấm da dê, da báo cho giống với các vị thần tùy tùng của Dionysos. Riêng những thiếu nữ, con của vua Minyas mà người xưa thường gọi chung bằng cái tên Minyades132 tỏ ra thờ ơ trước sự kiện lớn lao và tưng bừng của nhân dân đô thành. Họ bảo nhau không tham dự hội lễ vì theo họ, Dionysos không phải là một vị thần. Họ cứ ngồi ở nhà thản nhiên kéo sợi, dệt vải. Suốt từ sáng sớm cho đến chiều họ không hề tỏ ra quan tâm hay xúc động trước niềm vui lớn, tưng bừng, rộn rã của nhân dân. Hành vi khinh thị thánh thần của họ đã bị trừng phạt. Vừa đúng lúc mặt trời tắt nắng thì bỗng nhiên trong cung điện nhà vua vang lên tiếng đàn sáo thanh la, trống, chiêng, nhộn nhạo, ầm ỹ. Những buộc sợi, guồng sợi tự nhiên biết cử động và vươn dài ra thành những dây nho leo trùm, bao phủ lên khung cửi. Dây nho vươn dài ra đến đâu thì những chùm nho chín mọng, trông thật là ngon mắt cũng buông rủ xuống đến đó. Khắp cung điện sực nức một mùi thơm ngào ngạt. Khi bóng tối của đêm đen vừa đến thay cho ánh hoàng hôn mờ xám thì tự nhiên trong cung điện xuất hiện những ánh đuốc bập bùng. Từ đâu nhảy ra các loại dã thú: sư tử gầm rống lên chạy sộc vào các phòng trong lâu đài, báo thì nhảy phắt lên ngồi chầu hẫu trên bậu cửa, bàn ghế. Gấu đi nghênh ngang dòm ngó hết chỗ này, chỗ khác. Mỗi lúc một đông, mèo rừng, sói, cáo tràn cả vào cung điện. Chúng kêu gào, gầm rống, rú rít làm cho cung điện chìm đắm trong một thứ âm thanh hỗn độn và ghê rợn. Những Minyades chạy hết phòng này đến phòng khác tìm nơi ẩn náu nhưng phòng nào cũng có thú dữ. Và họ cứ thế nháo nhác chạy xô vào phòng này rồi lại đảo ra phòng khác, sợ hãi, hoảng hốt mệt nhọc cuối cùng đến kiệt sức. Thân hình họ co rúm lại và mọc lên một lớp lông đen sì. Đôi tay biến thành đôi cánh rộng dài và mỏng. Còn chân thì teo lại và biến thành đôi chân có móng. Thần Dionysos đã biến những thiếu nữ Minyades thành những con dơi, những con vật rất sợ ánh sáng mặt trời và chỉ quen sống ở nơi tối tăm ẩm ướt trong hang trong hốc. Thật đáng đời cho những kẻ chống đối lại một vị thần nhân đức!
***
Nhưng kẻ chống đối Dionysos quyết liệt hơn cả là người anh gọi mẹ Dionysos bằng dì ruột. Tên hắn ta là Penthée vua thành Thèbes, nối nghiệp người ông ngoại là lão vương Cadmos. Dionysos từ Ấn Độ trở về, qua đất Thrace vào thành Orchomène rồi về quê mẹ là thành Thèbes. Với niềm vui bất tận của một vị thần đã sáng tạo ra rượu nho, một sản phẩm thần thánh làm cho con người tràn ngập trong sự kích động, hoan lạc, đoàn xa giá của Dionysos tiến vào thành Thèbes. Các nữ thần Bacchantes, Ménades, các Satyre vừa đi vừa ca hát, vừa nhảy múa:
Évohé, hỡi các nàng Bacchantes lại đây!
Lại đây! Lại đây! Lại đây!
Ca hát lên mừng dâng cho Dionysos,
Ca hát lên trong tiếng não bạt thanh la;
Tiếng thanh la vang âm, rộn rã.
Ca ngợi đi, Người đã đem lại niềm vui,
Đàn sáo trống kèn đang gọi các nàng đấy.
Đi, đi, đi! Mau lên, ra rừng ra núi!
Chạy đi thôi, hỡi các nàng Bacchantes có đôi chân thoăn thoắt, nhẹ nhàng!
Nhà vua Penthée nhìn đám rước đang đi vào đô thành của mình với một vẻ khó chịu. Tuy biết rằng mình với người ngồi trên cỗ xe kia, đang điều khiển đám rước kia, là họ hàng thân thiết nhưng Penthée cảm thấy rõ ràng, dứt khoát là không thể nào chấp nhận được một thứ sinh hoạt thô lỗ, nhố nhăng, kỳ cục như thế kia du nhập vào trong đô thành của mình. Penthée ra lệnh cho quân lính phải bắt ngay và tống giam hết thảy đám rước vào ngục tối, kể cả người cầm đầu. “Trông hắn đúng là một thầy phù thủy, mặt đỏ bự, tay thì không lúc nào yên, cứ múa loạn cả lên. Hắn mà vào thành này thì thần dân của ta chẳng mấy nỗi mà trở thành mất trí, điên loạn hết”. Penthée nghĩ thế.
Penthée vừa ra lệnh xong cho quân lính với ý nghĩ như thế thì bỗng nghe thấy có tiếng người gọi giật lại: “Bệ hạ! Bệ hạ! Xin bệ hạ hãy bình tâm nghe thần giãi bày đôi lời hơn thiệt”. Penthée quay lại thì thấy người nói là nhà tiên tri mù Tirésias. Đó là một lão tiên tri nổi danh khắp đất nước Hy Lạp về tài đoán biết được ý định các vị thần. Cuộc đời của Tirésias và nguyên do bị mù của lão thật dài và lắm chuyện rắc rối mà chúng ta chưa thể kể ra ở đây được. Nhìn thấy Tirésias quấn một vòng lá trường xuân trên mái đầu bạc, khoác trên người một tấm áo da nai, tay cầm cây gậy, Penthée nhếch mép cười khinh thị, dường như đã đoán biết được Tirésias sẽ nói với mình những gì. Tirésias nói: “Xin bệ hạ hãy nghĩ lại. Người mà bệ hạ định bắt chính là một vị thần con của Zeus và Sémélé. Chính vị thần mới này cùng với vị nữ thần Déméter là hai vị thần đem lại cho đời sống chúng ta bao nhiêu phúc lợi mà chúng ta phải luôn luôn bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn”. Penthée nghe xong vẫy tay ra hiệu cho ông già lui bước. Hắn không thèm nghe lời khuyên bảo của ông. Hắn đã tỏ vẻ kiêu căng, khinh thị thánh thần.
Quân lính áp giải Dionysos đến trước mặt Penthée. Một tên trong bọn chúng quỳ xuống, tâu:
- Muôn tâu bệ hạ! Chưa bao giờ chúng thần lại gặp phải một cảnh tượng kỳ lạ như hôm nay. Tên này đây - Hắn chỉ vào Dionysos - chẳng hề chống cự mà cũng chẳng hề mưu toan chạy trốn khi chúng thần vây bắt. Hắn lại còn giúp chúng thần, chỉ bảo cho chúng thần vây bắt tất cả những người đi hộ tống hắn. Nhưng kỳ quái làm sao chứ, bọn đàn ông và đàn bà mà chúng thần bắt trói tống giam vào ngục chỉ phút chốc là biến đâu mất. Chẳng rõ ai đã cởi bỏ xiềng xích cho chúng. Chẳng rõ ai đã mở cửa nhà ngục cho chúng. Nghe nói chúng đã chạy trốn vào rừng sâu rồi.
Penthée nghe xong, đùng đùng nổi giận, quát hỏi Dionysos:
- Ai giải thoát cho lũ người bị giam? Nói mau!
Dionysos bình tĩnh trả lời:
- Thưa ngài, một vị thần.
- Nói láo! Được, thế còn mày đang ở trong tay ta, ai sẽ giải thoát cho mày?
- Xin ngài tin chắc ở lời ta nói: không một ai có thể giam giữ được ta, sẽ có một vị thần giải thoát cho ta.
- Một vị thần? Mày dọa tao chắc?
- Không, ta không hề dọa ngài. Vị thần đó đang ở đây, đang chứng kiến những nỗi đau khổ của ta.
- Tại sao ta không trông thấy?
- Thưa ngài, vị thần đó, ta ở đâu thì vị ấy ở đó. Ngài không thể thấy được vì tâm tư ngài không trong sáng.
Đến đây thì cuộc đối chất kết thúc. Penthée hạ lệnh cho quân lính tống giam Dionysos vào ngục tối. Nhưng chỉ một lát sau Dionysos đã thoát ra khỏi ngục và tìm đến gặp Penthée, thuyết phục Penthée từ bỏ ý định ngông cuồng, tuyên chiến với thần thánh bằng những hành động xúc phạm mù quáng. Thần khuyên Penthée nên tiếp tục những nghi thức và những tập tục thờ cúng vị thần mới và có muôn vàn sức mạnh. Mặc dù Dionysos dùng hết lời hết lẽ thuyết phục Penthée nhưng hắn vẫn không nghe. Ngược lại, hắn còn đe dọa và lăng nhục Dionysos. Chưa hết, Penthée ra lệnh cho quân sĩ vào rừng, lên núi truy tìm những vị thần hộ tống của Dionysos, những Bacchantes, Ménades, v.v. Nhưng khá nhiều phụ nữ thành Thèbes đã gia nhập vào hàng ngũ những tín đồ của Dionysos, trong đó có mẹ của Penthée. Tới đây là lúc thần Dionysos không thể nín nhịn được nữa. Thần bày tỏ quyền lực và sức mạnh của mình cho tên vua vô đạo biết. Thần làm cho tất cả những người thiếu nữ, phụ nữ thờ phụng Dionysos nổi một cơn điên. Họ hoàn toàn mất trí đến nỗi nhìn Penthée họ tưởng đó là một con sư tử hung dữ ở trên núi lạc bước xuống tìm mồi. Thế là mọi người lao vào trừ khử con thú đó. Và bà mẹ Penthée là người lao vào trước tiên. Người ta dùng gậy gộc, lao nhọn, giáo sắc băm vằm Penthée. Penthée trong những phút cuối cùng của đời mình mới nhận ra tội lỗi. Nhưng Dionysos ác nghiệt hơn làm cho những người phụ nữ bị điên hồi tỉnh lại. Và bà mẹ của Penthée đã nhận ra hành động kinh khủng của mình. Các nữ thần Bacchantes cũng hồi tâm, sáng trí nhớ lại. Họ vừa đi vừa nhảy múa vừa hát:
Các vị thần đến với những người trần thế bằng nhiều con đường kỳ lạ,
Những người trần thật khó nhận ra.
Các vị thần làm biết bao điều kỳ diệu,
Những điều dường như chẳng thể hy vọng, chẳng thể tin;
Nhưng ai có công chờ đợi ắt tìm được một lối thoát khác hiển nhiên.
Vì thần thánh chỉ cho chúng ta con đường mà chúng ta chưa biết,
Chính vì thế mà ta thấy những điều đã xảy ra để răn để biết.
Dionysos còn trừng phạt ba người con gái của vua Proétos xứ Tirynthe, thường gọi chung là Proétides. Những người thiếu nữ này đã khước từ sự thờ cúng Dionysos trong khi đó nhân dân Tirynthe đều hân hoan chờ đón. Họ đã bị Dionysos làm cho hóa điên, tưởng mình là loại bò cứ thế chạy lang thang trên khắp cánh đồng, kêu rống lên suốt đêm ngày. Có người kể họ bị Héra trừng phạt chứ không phải Dionysos, vì tội đã dám tự cho mình đẹp hơn Héra... vợ Zeus.
[132] Minyades gồm ba chị em Alcithoé, Leucippé và Arsippé.