Thần Thoại Hy Lạp

Chương 219 : Chiến công và cái chết của dũng sĩ Bellérophon

Ngày đăng: 00:48 19/04/20


Khi còn sống, Sisyphe lấy một nàng Pléiades tên là Mérope làm vợ. Họ sinh được một con trai đặt tên là Glaucos. Sau khi Sisyphe chết, Glaucos lên làm vua tiếp tục trị vì trên đô thành Éphyre. Glaucos là một vị vua nổi danh vì tài cưỡi ngựa. Bất cứ con ngựa nào dù hung dữ bất kham đến đâu hễ vào tay ông là sớm muộn cũng phải khuất phục. Đàn ngựa của ông rất quý, nhất là những con ngựa được tuyển chọn để thắng vào cỗ xe của ông thì lại càng quý hơn nữa. Chúng phi như bay, vượt qua các chướng ngại một cách khôn khéo, đoán biết được ý định của chủ, thông minh đến nỗi người ta tưởng chừng chúng nghe được cả tiếng người. Chúng đã đem lại cho ông khá nhiều vinh quang trong những cuộc thi đấu ở các ngày hội Glaucos. Tuy vậy, ông vẫn không hề bằng lòng, thỏa mãn với bầy ngựa của mình. Ông muốn chúng phải bỏ xa, vượt xa những con ngựa danh tiếng nhất mà ông đã từng được biết, và ông nghĩ ra một cách để cho bầy ngựa của mình có thể vươn lên hơn hẳn cả đối thủ: ông không cho bầy ngựa của ông giao phối. Việc làm của ông khiến nữ thần Aphrodite bất bình. Vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp này tỏ vẻ không hài lòng trước một hành động vi phạm vào luật lệ của tạo hóa như vậy, hơn nữa như vậy tỏ ra độc ác và tàn nhẫn. Aphrodite bèn tâu với Zeus và xin Zeus trừng phạt, nhưng Zeus giao toàn quyền cho Aphrodite. Được Zeus cho phép, nữ thần Aphrodite tìm cách cho những con ngựa của Glaucos uống nước ở một con suối thần, vì thế những con ngựa trở nên rất khỏe, rất hung dữ đến mức chúng có thể ăn được thịt người, thèm khát ăn thịt người.



Thế rồi trong một ngày hội tưởng niệm vị vua Pélias, Glaucos được mời tham dự. Ông tham gia trò đua xe ngựa. Nhưng rủi ro thay, cỗ xe của ông phóng quá nhanh bị lật đổ! Những con ngựa của ông đã xéo chết ông và ăn thịt ông. Có chuyện lại kể, chính Glaucos đã nuôi ngựa của mình bằng thịt người. Việc làm này khiến các vị thần tức giận và quyết định trừng phạt ông. Tham gia thi đấu, xe của ông bị đổ và chính những con ngựa đã từng nhiễm cái thói quen ăn thịt người do chủ nó nuôi nấng lúc này hăng máu lên ăn thịt luôn chủ nó.



Glaucos có một con trai tên là Bellérophon. Thật ra cái tên này sau này mới có. Lúc đầu chàng trai này tên là Hipponoos. Hồi ấy ở thành Corinthe nổi lên một tên tiếm vương độc ác tên là Belléros. Hắn cướp ngôi vua, thực hành nhiều chính sách bạo ngược khiến cho nhân dân oán thán. Hipponoos đã tìm cách trừ khử tên bạo chúa này. Vì lẽ đó cũng từ đó, người ta không gọi chàng thanh niên dũng cảm ấy bằng cái tên Hipponoos nữa mà gọi là Bellérophon theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: “Người giết Belléros”. Nhưng theo luật lệ người xưa, sát nhân là một trọng tội, kẻ sát nhân phải đưa ra xét xử và phải chịu những hình phạt rất nặng. Bellérophon vì thế phải từ bỏ đô thành Corinthe trốn sang Tirynthe, xin nhà vua đô thành này tên là Proétos cho trú ngụ. Vua Proétos đã làm lễ rửa tội và tẩy uế cho chàng, cho chàng sống trong cung điện cùng với gia đình nhà vua. Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi bình yên và êm đẹp ngờ đâu lại xảy ra một chuyện thật xấu xa hết chỗ nói. Hoàng hậu Sthénébée vợ của vua Proétos vốn là một phụ nữ đa tình. Nàng đem lòng thầm yêu chàng trai cường tráng và xinh đẹp Bellérophon mà Bellérophon không biết. Bữa kia nhân lúc vắng chồng, Sthénébée lân la trò chuyện với Bellérophon và biểu lộ dục vọng của mình khá là thô thiển. Bellérophon, trước thái độ đó của Sthénébée, rất khó chịu. Nhưng chàng chỉ biết khéo léo khước từ. Bị cự tuyệt, Sthénébée nghỉ cách trả thù Bellérophon. Nàng chờ lúc chồng về, đến gặp chồng và đặt điều vu cáo cho Bellérophon đã có những hành động lả lơi, sàm sỡ với nàng, xúc phạm thô bạo đến danh tiết của nàng. Nàng đòi chồng phải giết Bellérophon để rửa nhục cho mình. Nghe vợ nói, nhà vua không mảy may một chút nghi ngờ. Ông vô cùng tức giận muốn giết ngay Bellérophon cho hả lòng hả dạ. Nhưng giết một người đâu có phải chuyện thường. Các nữ thần Eiréné sẽ truy đuổi và đòi trừng phạt. Thần Zeus làm sao có thể tha thứ được việc ám hại một người khách ngay tại nhà mình. Nghĩ mãi không tìm cách gì để hạ sát Bellérophon cho ổn, cuối cùng Proétos thấy tốt nhất là nhờ bàn tay ông cụ bố vợ mình, lão vương Iobatès trị vì trên đất Lycie. Nhà vua bèn viết một bức mật thư gửi cho cụ, trong thư nói Bellérophon đã can tội xúc phạm đến mình, xin cụ ra tay trừng trị giúp. Bức thư được viết bằng một ký hiệu bí mật trên một tấm “giấy” bằng đất nung mà chỉ riêng hai người hiểu được và giao cho Bellérophon mang đi.



Bellérophon lên đường sang xứ Lycie. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, chàng tới được mảnh đất nổi tiếng là giàu và đẹp này. Lão vương Iobatès mở tiệc thết đãi người khách quý, và theo như phong tục người Hy Lạp cổ xưa, Iobatès chỉ hỏi tên họ của khách sau khi khách đã ăn uống no say. Bellérophon dâng lão vương bức thư của Proétos. Đọc xong thư, Iobatès thấy ớn lạnh cả người. Con rể của lão đã nhờ lão làm một việc thật khó, khó hết chỗ nói. Dù sao thì lão cũng lưu giữ chàng trai ở lại cung điện ít ngày để liệu bề đối xử. Sống gần chàng thanh niên khỏe mạnh, trong sáng và hồn nhiên, lão vương Iobatès đâm ra thấy mến Bellérophon. Lão không thể tin được, ngờ được, con người hồn nhiên và trong sáng như thế lại có thể phạm vào cái tội xấu xa, ô uế như con rể của lão viết thư cho lão biết. Có phần nào, đúng ra, Iobatès cảm thấy hơi khó tin. Đó là một lẽ khiến lão không thể đang tâm giết một con người mà mình cảm thấy chẳng có gì đáng ghét, đáng thù hằn. Còn một lẽ thứ hai nữa là, giết người là một trọng tội. Thần Zeus và các thần Olympe cũng như các vị thần ở dưới vương quốc của Hadès chẳng thể nào tha thứ cho kẻ phạm tội tày đình đó. Nếu Bellérophon phạm tội đối với Proétos thì sao Proétos không đích thân tự tay trừng trị Bellérophon mà lại phải nhờ đến tay mình? Iobatès nghĩ thế. Đúng là hắn sợ phạm tội giết người. Nếu hắn đã sợ thì tại sao mình lại không sợ? Tại sao mình phải nhúng tay vào một tội ác đẫm máu để hứng chịu lấy mọi hình phạt? Nghĩ thế nên cuối cùng Iobatès quyết định tha cho Bellérophon. Nhưng không phải là tha bổng, tha hoàn toàn. Lão vương nghĩ ra một cách trừng trị: bắt Bellérophon phải thanh trừ con quái vật Chimère. Đây là một quái vật rất dữ tợn, khủng khiếp, đầu sư tử, đuôi rồng, thân dê. Có người lại nói Chimère có ba đầu: sư tử là một, rồng là hai, dê là ba, mọc chung trên một thân. Lai lịch của Chimère như sau: bố là Typhon, một ác quỷ khổng lồ có trăm đầu, cao như núi; mẹ là Échidna, một con quỷ cái có dễ to lớn không thua kém gì chồng, nửa người nửa rắn. Đối với lão vương Iobatès thì đây là một sự trừng phạt tránh được cho lão khỏi phạm tội ác. Còn đối với chàng thanh niên Bellérophon thì đây là một sự thách thức chí trai. Người xưa có chỗ còn kể, sở dĩ Bellérophon dám lên đường đi tiêu trừ quái vật Chimère là vì chàng vốn là con của thần Poséidon, bởi chỉ có con thần cháu thánh thì mới có được sức mạnh hơn người để chấp nhận cuộc thách thức. Mẹ của Bellérophon, nàng Eurynomé, tuy là một người trần tục nhưng đã được nữ thần Athéna dạy dỗ, đã từng là học trò yêu của nữ thần, cho nên về trí thông minh và sự khôn ngoan, hiểu biết nàng có thể sánh ngang các vị thần. Chính nàng đã truyền dạy lại những “báu vật” thần thánh ban cho ấy cho người con trai yêu quý của mình nên chàng mới có một trái tim dũng cảm mưu trí.



Nhưng để chiến thắng được quái vật Chimère chạy nhanh như gió, phun ra lửa, Bellérophon phải có một vũ khí gì ưu việt. Chàng được biết người anh hùng Persée trong cuộc đọ sức với ác quỷ Méduse đã chiến thắng rất oanh liệt nhờ đôi dép có cánh. Chàng thấy có lẽ chàng cũng phải tìm được đôi dép thần như thế để có thể bay trên trời cao sà xuống giao đấu với quái vật. Nhưng tìm đâu ra đôi dép kỳ diệu ấy? Bỗng Bellérophon nhớ đến con thần mã Pégase từ cổ ác quỷ Méduse khi bị chém bay vụt ra, bay vụt lên trời. Phải tìm bằng được con thần mã đó, Bellérophon nghĩ thế, và chàng bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho cuộc hành trình đi chinh phục Pégase. Muốn chinh phục Pégase, Bellérophon, theo như người ta nói, phải lần mò tới đỉnh núi Hélicon, ngọn núi của các nàng Muses. Nơi đây có con suối Hippocrène, bắt nguồn từ một thác nước, chảy uốn khúc giữa hai bên bờ cỏ xanh rờn. Pégase thường từ trời cao hạ cánh xuống đỉnh núi và đến uống nước ở dòng suối đó. Lại có người nói, Pégase còn xuống uống nước ở suối Pirène trên núi Acrocorinthe173. Nhưng làm thế nào để bắt được con ngựa thần ấy, một con ngựa mà khi thoáng thấy bóng người là nó đã vỗ cánh bay thẳng lên trời? Bellérophon sau nhiều lần rình bắt không được đành phải tìm đến nhà tiên tri Polyidos để xin một lời chỉ dẫn. Polyidos khuyên Bellérophon nên đến đền thờ nữ thần Athéna, cầu khấn nữ thần và ngủ lại đền thờ để chờ linh nghiệm. Tuân theo lời chỉ dẫn, đêm hôm đó ngủ lại đền thờ, Bellérophon đã nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Các vị thần Olympe uy nghiêm ngự trị trên đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ, truyền cho Bellérophon sức mạnh chinh phục con thần mã Pégase. Nữ thần Athéna tiến đến bên chàng và bảo:




Ngày nay, Amazones trở thành một danh từ chung chỉ: nữ kỵ sĩ; một loại váy dài của phụ nữ mặc khi cưỡi ngựa; và người phụ nữ có tính cách như nam giới, thiếu vẻ hiền dịu, vị tha của nữ tính, hung bạo, hay gây gổ.



[173] Acrocorinthe nghĩa là “thành Corinthe ở trên cao”. Tiếng Hy Lạp acros: trên cao.



[174] Truyền thuyết này giải thích từ “Amazone” theo tiếng Hy Lạp cổ là “không có vú”. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì sự giải thích này không đúng.



[175] Tiếng Hy Lạp pégase: ngọn nguồn.