Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802)

Chương 645 : Kế sách của vợ chồng xã trưởng

Ngày đăng: 17:44 18/04/20


Y theo lời hẹn, lão Sâm đến Thanh Mai lâu, nơi nổi tiếng có nhiều ca kỹ xinh đẹp để gặp Thập Quý. Hắn hẹn lão ở đây, hòng tránh sự nghi hoặc của nhiều người vì chẳng ai bàn chuyện công mà lại đến thanh lâu. Nguyên nhân còn lại, thiết nghĩ, do hắn quá đam mê tửu sắc.



Lúc lão Sâm bước vào phòng đã thấy Thập Quý ngồi ngửa ra sau, miệng hút thuốc phì phò, xung quanh có mấy cô kỹ nữ. Lão đắng hắng ho một tiếng, bấy giờ Quý mới bừng tỉnh dựng người dậy, nhìn phó xã trưởng xong lại ra dấu cho nhóm kỹ nữ rời đi.



Lão Sâm phủi nhẹ vạt áo, ngồi xuống phía đối diện của cái bàn gỗ thấp tè. Thập Quý dẹp bộ dạng ăn chơi đàm đúm qua một bên, trở nên tỉnh như sáo, đon đả rót rượu mời khách quý. Lão Sâm từ tốn uống cạn, tiếp đã nghe Quý dọ hỏi:



"Ngài đã nhận được món lễ mọn của tôi chưa?"



"Hỏi thừa, nếu không nhận được thì sao ta biết mà đến đây gặp ngươi."



"À vâng, ngài nói cũng đúng. Thế chẳng hay, ngài nghĩ gì về món lễ ấy?"



Lão Sâm khẽ liếc mắt, trông thấy vẻ mặt gian manh và thăm dò đầy ngụ ý đó, liền kín đáo cười khỉnh. Đã đưa tiền hối lộ mà còn làm bộ làm tịch, xem ra hắn vẫn muốn thám thỉnh thử thái độ của lão đây mà. Đúng là hắn khá khôn khéo.



"Ta cần biết rõ, ý ngươi muốn gì, từ đó mới nghĩ thử món lễ ấy là ít hay nhiều."



Hiểu lão Sâm cũng có ý bắt tay với mình, Quý cười thầm trong bụng, rồi bảo:



"Đó chỉ mới là lễ ra mắt thôi thưa ngài, sau này tôi sẽ còn tặng ngài nhiều hơn. Tôi biết ngài chẳng ưa gì nhà họ Triệu. Trước là Triệu xã trưởng, giờ lại đến Tưởng, hai cha con đó tranh nhau giành chức xã trưởng. Trong khi ngài xứng đáng hơn tên Tưởng trẻ người non dạ."



Lão Sâm thở dài: "Ngươi cứ vòng vo mãi, chung quy là muốn cùng ta đối phó với Tưởng chứ gì". Thập Quý vẫn giữ điệu bộ cười nham hiểm:



"Sao lại không nhỉ? Chúng ta có chung kẻ thù, chẳng lý gì lại không bắt tay nhau. Hiện tại như ngài thấy, tôi và các bá hộ đang chống đối chuyện trưng thu lương thực. Tuy bọn tôi người đông thế mạnh nhưng những việc không lường trước được vẫn có thể xảy ra vì tên Tưởng đâu phải dạng tầm thường, chưa kể nghe đâu hắn có qua lại với Đỗ tri huyện."



"Vậy ngươi muốn ta làm nội ứng cho ngươi à?"



"Tôi biết ngài nhanh nhạy mà. Tưởng chẳng hề nghi ngờ ngài, ngài lại thường xuyên cùng hắn xử lý công vụ, xem như nắm rõ tình hình nhất. Nếu tên Tưởng tìm ra kế sách gì đối phó chúng tôi thì ngài chỉ cần báo với tôi một tiếng."




Nghe Tưởng đọc văn kiện về tội của mình mà những bá hộ lấm lét nhìn nhau, mặt xanh mày xám hết cả. Tức thì, một bá hộ lập tức lên tiếng:



"Rốt cuộc, ngài muốn gì?"



Tưởng ngừng lại, quan sát hết lượt dáng vẻ lo lắng của những bá hộ, rành rọt:



"Ta không định xử tội các vị tại đây đâu, mà là muốn để các vị lấy công chuộc tội."



"Ý ngài phải chăng muốn bảo, chỉ cần chúng tôi trưng nộp lương thực thì sẽ được xóa tội?"



"Đáng ra việc này là không thể nhưng đây là cách duy nhất để cứu vãn tình hình hạn hán hiện tại. Ta biết rõ thế lực cũng như phe cánh của các vị, vì vậy chẳng thể đối đầu cũng như không muốn tạo sự thù địch. Nhưng các vị lại không muốn trưng nộp lương thực nên ta đành dùng đến đối sách hai bên cùng có lợi này."



"Liệu ngài đủ sức xóa tội cho chúng tôi?"



"Trong đây có một số tội mà ta vẫn đủ quyền hành để không truy cứu, còn lại các tội trốn lính, đào ngũ thì ta sẽ trình lên triều đình xin miễn tội hoặc không thì chí ít cũng sẽ phạt nhẹ. Thể nào, cái lợi này ta cho các vị không nhỏ chứ?"



Ai nấy đều trầm tư nghĩ ngợi. Đúng là không ngờ Tưởng lại đem chuyện xử tội ra mà làm "khế ước" trao đổi. Dù tiền nhiều đến mấy, họ vẫn phải bị xử phạt với tội mình gây ra.



Trông vẻ lưỡng lự từ mọi người, Tằm mới theo đà lấn tới, khi nhẹ nhàng khuyên:



"Chỉ cần nộp lương thực là các vị đã được xóa tội. Lý nào các vị muốn bị phạt, và để con trai mình đi lưu đày hoặc bị nhốt vào ngục tối ư? Bên nào lợi, bên nào hại, ắt các vị hiểu rõ."



Câu nói khéo léo lẫn đúng lúc của Tằm trở nên hữu hiệu, khiến sự kiên quyết trong lòng những bá hộ đã bị đánh sập. Chưa kể, vài người còn nghe con trai van nài cha hãy cứu giúp. Họ biết, nếu đồng ý trưng nộp lương thực thì có nghĩa sẽ chống lại lệnh của Thập Quý. Nhưng một bên là người ngoài, một bên là bản thân mình và con cái, họ hiểu rõ cái nào quan trọng hơn.



Cuối cùng, kết quả ngả ngũ khi những bá hộ này đồng ý nộp lương thực.