Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm
Chương 176 :
Ngày đăng: 12:20 19/04/20
Nghe tin Man Nương bị tiễn bước, Minh Lan im lặng hôn lên gương mặt đứa con. Thường ma ma ngồi bên cạnh hớn hở đón lấy thằng bé, vừa dỗ vừa đùa, mấy ngày ưu phiền buồn bã bay biến, tươi cười rạng rỡ, bên cạnh bà ấy là Dung nhi, lặng lẽ ngơ ngẩn, mặt mày sầu não, hai ngày này cô bé đều thế.
Hôm đó, Mạn Nương thấy hết đường cứu vãn, liều mạng đòi gặp mặt con gái một lần. Cố Đình Diệp cười lạnh đồng ý. Thường ma ma vội vã đích thân đưa Dung nhi tới. Mẹ con xa cách mấy năm gặp lại, tình hình chỉ có thể dùng hai chữ “kỳ quặc” để hình dung: một đằng vận sức toàn thân, nước mắt nước mũi dào dạt biểu lộ tình thương của mẹ, kèm theo tỏ ra bất đắc dĩ vì quá khứ, còn một đằng cứ ngây ngẩn không biết đầu đuôi.
Không ngoài dự liệu của Thường ma ma, sau khi ca bài thương nhớ, Mạn Nương bèn khóc nhờ con gái cầu xin cha, lại lôi đứa con trai ra, nếu hai chị em nó ôm nhau khóc rống một hồi, cộng thêm bà mẹ tan nát cõi lòng, như vậy càng kích động.
Đáng tiếc Dung nhi được đưa vào phủ hầu lúc bốn, năm tuổi, Xương nhi còn nhỏ hơn nữa. Chị gái nhìn em trai thấy xa lạ, không biết nói gì, còn em trai hoàn toàn không nhận ra chị gái, tình cảnh lạnh lẽo khôi hài, căn bản kích không nổi.
“Mau đến xem em trai con đi.”
Thường ma ma cười đưa đứa nhóc lùi sang chút, Dung nhi nghển cổ nhìn, đứa bé “a a” không rõ, đôi mắt to tròn đen nhánh. Dung nhi nhoẻn cười, mặt vẫn vương nỗi buồn bã. Minh Lan không đành lòng, bèn dịu dàng bảo: “Hôm nay con cũng mệt rồi, về nghỉ ngơi đi. Nhàn nhi cũng vừa mới tới, bảo rằng tiên sinh sẽ kiểm tra bài cũ, con ôn lại bài nhé.”
Dung nhi “dạ” khẽ, nhẹ nhàng nhấc chân ra khỏi cửa, lúc xoay người đến cả góc váy cũng không phất, chỉ có dải lụa Như Ý bằng gấm xanh mỏng hơi hất lên, cô bé đã không phải đứa ngang bướng khó bảo chẳng rành lễ số.
Minh Lan nhìn bóng lưng Dung nhi mà thở dài khe khẽ, Thường ma ma thấy vậy bèn trấn an: “Phu nhân yên tâm, hai năm nay Dung nhi đâu có uổng phí công đọc sách, hiểu được tốt xấu thế nào.”
Mẹ con gặp lại, từ đầu đến cuối, Dung nhi đều cúi gằm chẳng nói chẳng rằng, Mạn Nương thoạt đầu khóc lóc nài nỉ, tiếp đến tức tối, lôi kéo con gái. Thường ma ma cho rằng, nếu không phải bên cạnh có người theo dõi, áng chừng cô ta còn véo cho Dung nhi vài cái. Tính toán thất bại tới nơi, Mạn Nương đành tuyệt vọng chất vấn Cố Đình Diệp, hắn nhẫn tâm để ba mẹ con ruột thịt chia lìa ư?
Bấy giờ, Dung nhi đột nhiên lên tiếng. Cô bé nói, nếu mẹ vui lòng, con bằng lòng rời phủ hầu, đến sơn thôn với mẹ và em trai. Lời này tựa hồ bắn trúng hồng tâm, dù Mạn Nương có khéo miệng đến đâu cũng nhất thời không đáp lại được.
Qua hồi lâu, Mạn Nương tha thiết giải thích, lúc trước vì tiền đồ của Dung nhi nên mới để con ở lại phủ hầu, còn dặn đi dặn lại không bao giờ được quên cô ta và Xương nhi. Nào ngờ nghe vậy, Dung nhi ngơ ngẩn hỏi ngược lại: “Vậy tiền đồ của em con thì sao? Tại sao lúc đó mẹ không đồng ý.” Man Nương á khẩu. Dung nhi đờ đẫn: “Mẹ để con ở lại vì muốn phu nhân khó chịu đúng không?” Đây là câu nói duy nhất sau khi cô bé nhìn thấy bà mẹ ruột.
Lúc đó Mạn Nương dợm lao lên đánh, Thường ma ma nhanh chóng ôm Dung nhi tránh thoát, bà hầu đứng hai bên vội vã tóm cô ta lại, kéo ra ngoài, cô ta còn không cam lòng mắng điên cuồng “vô lương tâm”, “vong ân phụ nghĩa”…
Minh Lan khó tin: “Con bé nói thế thật ư?”
Thường ma ma nhẹ nhàng kêu “a” dỗ em bé, quay sang cười bảo: “Con nhện tinh ấy chỉ có chút tài cán đó thôi! Lúc đưa Dung nhi tới tôi đã dặn trước. Người mẹ vô lương tâm đó không ngoài hai ý đồ, hoặc muốn nhờ giúp đỡ cầu xin, hoặc bảo… nói thế nào nhỉ…” Bà ấy chau mày ngẫm ngợi giây lát, “A, bảo Dung nhi thân ở doanh Tào lòng ở Hán.”
Nghĩa là muốn Dung nhi một đằng được Minh Lan quan tâm chăm sóc mọi mặt, một đằng phải luôn luôn nhớ kỹ bà mẹ đáng thương là mình, nhắc nhiều tới mẹ con cô ta trước mặt Cố Đình Diệp, nếu giở vài trò ngáng chân với Minh Lan thì càng tốt.
Thường ma ma có kinh nghiệm dỗ trẻ phong phú, thủ pháp thành thạo, chao qua chao lại, đứa trẻ mới nãy còn hết sức hoạt bát đã buồn ngủ lảo đảo. Thường ma ma nhẹ tay nhẹ chân đưa em bé cho Thôi ma ma ôm sang cách vách.
Bà ấy đưa mắt nhìn đứa ở bà hầu ra ngoài, mới ngoảnh sang bảo Minh Lan: “Còn chưa chúc mừng phu nhân đâu. Cậu chủ trông tốt quá, mày rậm mắt to, người ngợm khoẻ khoắn rắn rỏi. Nhìn điệu bộ cậu ấy bú sữa liên tục kìa! Ăn được ngủ được là phúc!”
Minh Lan cười khổ lắc đầu, lượng sữa của nàng không đủ, đứa bé ăn được vài lần là cạn, đành phải nhờ giúp đỡ bên ngoài.
“Phu nhân.” Thường ma ma nhìn gương mặt lo lắng của Minh Lan, dè dặt thốt: “Ngài đừng bận tâm tới ả đê tiện đó, quê ả ở nơi hẻo lánh trong Miên Châu, núi cao nước xa, đường xá khó đi. Lần này ả đi rồi cũng không về được.”
Minh Lan ngẩn ra, cười bảo: “Ma ma đoán nhầm rồi, không phải tôi đang nghĩ tới chuyện này. Có điều…” Nàng than thở: “Lúc đầu, tại sao hầu gia lại gặp gỡ cô ta?” Chuyện đến nước này, nếu nàng không hỏi một câu thì có vẻ hơi giả dối.
Nhắc tới người đàn bà này, Thường ma ma tràn đầy cảm khái, chuyện đến nước này, cũng chẳng có gì phải giấu diếm. Bà vuốt tóc mai, ngẫm ngợi một lát mới mở miệng: “Đó là năm thứ hai khi phủ ta lên kinh, từ sau khi biết tiền căn hậu quả hai nhà Cố – Bạch kết thân, cậu Diệp và lão hầu gia càng ngày càng bất hoà.”
Nếu trước đó Cố Đình Diệp mới chỉ nửa tự ti nửa buồn bực cam chịu, thì khi biết được chân tướng, hắn đương nhiên bi phẫn khôn kể. Rõ ràng họ Cố vồn vã cầu hôn, nhưng ai nấy đều ghét bỏ mình, rõ ràng nhà họ Bạch cứu họ Cố trong lúc nguy nan, nhưng những kẻ tự cho là cao quý lại bàn tán về người mẹ đã mất của mình bằng giọng điệu khinh khỉnh.
Thường ma ma dậy nỗi thương cảm: “Cậu Diệp uất ức không trút ra được, đành phải đánh người sinh sự. Năm đó, cậu ấy gây chuyện với cậu ấm khác, dính dáng đến một con hát tuấn tú, thấy anh em họ sắp gặp nạn, cậu Diệp ngứa mắt bèn ra tay cứu giúp.”
Minh Lan khẽ khàng hỏi: “Con hát đó là anh trai Mạn Nương?”
Thường ma ma ngán ngẩm gật đầu: “Lúc ấy nhà chúng tôi ở vùng nông thôn ngoại thành, đến khi biết chuyện thì cậu ấy cũng thu nhận bọn họ rồi. Tôi khuyên cậu ấy, con hát dù gì cũng là hạng cửu lưu, không nên dính dáng, kẻo có kẻ bàn ra tán vào, cho ít bạc rồi đuổi đi. Dù tính cậu Diệp hơi nóng vội nhưng lại không hồ đồ, tức thì đáp ứng. Nào ngờ…”
Giọng bà ấy ngập tràn căm ghét, nghiến răng: “Con hát đó lại bỏ rơi em gái, cầm bạc chạy mất!”
“Thật sao?” Minh Lan ngạc nhiên, trên đời có người anh trai nhẫn tâm thế ư!
“Giả đấy!” Thường ma ma chớp mắt: “Sau này cậu Diệp mới tìm hiểu được, ả ta diễn trò, bảo anh trai cầm bạc đi làm ăn, còn ả ở lại quấn lấy cậu ấy.”
Minh Lan hơi sững sờ. Người đàn bà này thật dám nghĩ dám làm.
“Như vậy, một cô gái bơ vơ yếu đuối, tứ cố vô thân, không nơi dựa dẫm, chẳng ai biết nên xử lý thế nào, đành phải thu xếp cho ở lại trong nhà. Cậu Diệp còn đề nghị bà già tôi nhận ả làm con nuôi, tôi không đồng ý. Không hiểu vì sao, tôi không thích ả ta.” Thường ma ma hồi tưởng: “Tôi luôn cảm thấy đôi mắt ả không thành thật, không tuân bổn phận.”
Đối với một người phụ nữ trung niên lý trí, dù trong thời điểm sống khó khăn nhất cũng không muốn bán mình làm nô tài, lý tưởng vững chắc nhất là làm người dân lương thiện, thuận bước tiến tới, lại làm sao chịu nhận một cô em đào kép làm con nuôi.
Minh Lan mỉm cười: “Bà rất có mắt nhìn người.”
Thường ma ma cười gượng lắc đầu: “Nếu đoán được chuyện xảy ra về sau, thà lúc đó tôi thu nhận ả còn hơn, để cậu Diệp đỡ phải chịu khổ.” Bà hối hận: “Ả ta thật lắm thủ đoạn, suốt ngày gây rắc rối, khi thì giả ốm, lúc thì kêu cậu ấm kia dẫn người tới tìm, khiến cậu Diệp thường xuyên ghé thăm. Ôi, lúc đó cậu ấy mới mười mấy tuổi, thiếu niên tinh lực tràn đầy, ả ta lại quen dụ dỗ nịnh nọt, đến lúc này hai người họ…” Bà khó xử liếc Minh Lan, ra chiều khó tiếp tục.
Nào ngờ Minh Lan tỏ ra hết sức thông cảm, còn khuyên nhủ: “Ma ma cứ yên tâm, chuyện bao năm trước rồi, tôi sẽ không để trong lòng.” Có gì lạ đâu, chắc là phiên bản cô nàng hát rong này quyến rũ được chàng Bối lặc gia kia. Công tử phủ hầu buồn khổ, không biết trút oan khuất thân thế với ai, gặp được cô gái xinh xắn khéo hiểu lòng người, uống chén rượu, ôm tỳ bà, xướng khúc ca, sau đó rượu bốc lên đầu, rèm kéo, đèn tắt… bỏ bớt một đống chữ không hợp. Thế là sự thành.
Sắc mặt Thường ma ma cực kỳ khó coi, tựa hồ bị ép uống một hũ xì dầu: “Tôi từng khuyên cậu Diệp không nên làm thế. Chưa kể tới việc cậu ấy còn chưa lấy vợ lập gia đình, chỉ tính riêng xuất thân của Man Nương cũng khó bước vào phủ hầu. Chi bằng cho ít tiền, để ả ta đi nơi khác kiếm chồng. Cậu ấy vốn cũng không thích ả nhiều nhặn gì, sao lại không nỡ rời, lập tức đồng ý. Lần này, bà già tôi đi cùng khuyên nhủ ả ta. Đâu ngờ ả lại đòi sống đòi chết! Dọa nhảy giếng, đâm đầu làm loạn, cuối cùng đè trâm lên cổ, quỳ xuống đất cầu khẩn, ả nói, ả nói…” Trí nhớ người già thường kém, nhất thời không nhớ ra.
Minh Lan hảo tâm tiếp lời: “Cô ta chắc là bảo ma ma coi cô ta là hạng người nào chứ gì! Tưởng cô ta là loại con gái dùng tiền mua được chắc? Sau khi tìm cái chết, lại biểu lộ một phen, bảo rằng không cần danh phận, không cần tiền tài, không cần gì hết, chỉ mong hầu gia rủ lòng thương xót, thi thoảng nhớ tới là được…” Suy nghĩ chốc lát, Minh Lan vui sướng nhồi thêm: “Cứ coi cô ta là con chó con mèo cũng được, vứt ở một bên không cần để ý tới, lúc cần tâm sự thì gọi. Có phải không?”
Minh Lan sửng sốt, bật cười: “Xử lý thế nào?”
“Muốn lấy tính mạng cô ta?” Nàng từ từ ngồi dậy, Cố Đình Diệp cũng nhổm lên, ngồi đối diện nhau: “Nói thật, nếu hầu gia giết cô ta, em cũng không dám giữ Dung nhi bên cạnh, chắc chắn phải đưa nó đi xa. Dù con bé có hiểu rõ lý lẽ đến đâu, dẫu sao cũng là máu mủ ruột rà. Em không dám đánh cược vào may mắn.”
“Nhưng nếu thật sự giết chết, lại có vẻ phạt hơi nặng.” Việc này Minh Lan đã sớm nghiền ngẫm kỹ càng. Yên Hồng chết, Mạn Nương chỉ có thể khép vào tội lừa gạt đe doạ, còn việc va chạm với bản thân mình thì chưa thành công, hai tội khác nhau này đều chưa đủ xử tử hình.
“Nếu phải phạt, thì làm thế nào đây?” Minh Lan cười khổ: “Nói thật, với tính cách của Mạn Nương, dù có đánh mắng, thậm chí tra tấn, cô ta cũng chẳng biết hối lỗi.” Cô ta không giống bà Khang, ít ra bà ta còn yêu thương con cái, có điểm yếu, có thể bắt chẹt. Nhưng tựa hồ ngay cả an nguy của con cái cũng không thể khiến Man Nương lùi bước. Kỳ thực, đối với thể loại bệnh tâm thần có sức sát thương này, cách xử phạt tốt nhất chính là giam cầm chung thân, nhưng nàng không thể nói ra được.
Minh Lan nhún vai, cười bảo: “Hầu gia đưa cô ta đi xa cũng là một cách.”
Cố Đình Diệp sững sờ, hắn không ngờ tới bây giờ Minh Lan còn có thể tỉnh táo phân tích, lại rành rọt đâu vào đấy, chẳng hề nhuốm màu tức giận, trong lòng hắn đột nhiên dâng lên trăm mối.
“Hơn nữa còn chuyện triều chính, bên ngoài phủ, việc này kết thúc càng nhanh càng tốt.” Hắn không nén được bèn giải thích thêm.
“Việc này vốn dĩ không nên làm ầm ĩ.” Minh Lan tức thì đồng tình, còn bổ sung: “Mạn Nương không phải vợ lẽ của chàng, lại không phải đứa hầu trong phủ, cô ta là dân lành đứng đắn, chúng ta dựa vào đâu mà đòi đánh đòi giết. Nếu lương dân phạm sai lầm, cũng không nên xử lý bằng hình phạt riêng, mà phải ra công đường thẩm vấn sau đó định tội, đến lúc đó, làm loạn ở trên công đường, chúng ta có còn cần thể diện hay không. Đêm dài lắm mộng, nếu để lâu, đối thủ của chàng tóm được lại phiền phức ra.”
Nếu nàng là đối thủ của hắn, chắc chắn sẽ thừa cơ làm ầm lên. Nếu bị vạch tội ‘không rèn đạo đức’, áng chừng Cố Đình Diệp lại giống Thẩm quốc cữu, ở nhà đóng cửa suy ngẫm. Hai vị tâm phúc cùng nhau đóng cửa, Hoàng đế lại chả lửa sém lông mày đến nơi.
Cố Đình Diệp yên lặng ngắm Minh Lan, sắc mặt phức tạp, trầm ngâm hồi lâu mới lên tiếng: “Ở Miên Châu, tôi đặt mua trăm mẫu ruộng đất cho Xương nhi, lại bảo người trông nom, chỉ mong cô ta niệm tình con trai mà yên ổn cho tôi nhờ.” Nói rồi, nét mặt hắn đột nhiên biến đổi, tàn khốc nói: “Cô ta dám giở trò lần nữa, tôi mặc kệ tất thảy, lấy mạng rồi tính sau.”
Minh Lan gật đầu, lập tức xua tay, kêu: “Ai da, kỳ thực đây không phải mấu chốt! Nghiêm trọng hơn là vị ấy kìa, chàng nghĩ ra cách chưa.” Nàng tỏ ra sợ hãi: “Em không dám ở cùng một nhà với bà ta đâu.”
Bề trên trên danh nghĩa, không đánh được, không mắng được, đúng là cản trở khắp nơi.
Nhìn nàng đang thản nhiên bình tĩnh, nhác trông lại tựa như con thỏ sợ hãi, Cố Đình Diệp bật cười: “Yên tâm. Dù em dám ở, tôi cũng không dám. Tôi đã bố trí xong, ở riêng thôi!”
Lời tác giả: Khu bình luận thảo luận hừng hực, tôi mà cứ yên lặng thì thật xấu hổ. Bèn nói rõ vài việc. Đầu tiên, không ít độc giả cho rằng Man Nương quá hạnh phúc, làm tổn thương nhiều người đến vậy còn có thể cầm tiền đi làm địa chủ hưởng phúc.
Có thể thế sao? Sự thật rốt cuộc thế nào?
Quê nhà của một đào kép đương nhiên là cằn cỗi, nếu không người ta bỏ xứ làm gì. Hơn nữa, ruộng đồng ở thời cổ có tỷ lệ lợi nhuận khoảng 3% (nghèo) đến 10% (trừ khi đất đai cực kỳ màu mỡ). Ví dụ, nếu tính 10 lượng bạc một thửa đất, vậy 100 thửa đất là 1000 lượng bạc, chiết khấu trung bình 5% lợi nhuận thì mẹ con Mạn Nương thu nhập hàng năm khoảng 100 lượng bạc.
Xin hỏi, tiền sinh hoạt một năm có từng đó, Man Nương làm sao sống được xa hoa thoải mái?
Mặt khác, chúng ta đang sống ở hiện đại, không biết cái gì gọi là thâm sơn cùng cốc.
Lúc tôi viết về cuộc sống lưu đày của em Tào, có rất nhiều độc giả đáng yêu phân tích cặn kẽ tình hình lưu đày ở cổ đại, thật sự thì nơi hoang vu hẻo lánh thời xưa thật không phải chuyện đùa.
Ở hiện đại, cuộc sống ở thành phố nhỏ, bất tiện nhất chắc là không xem được phim IMAX hoặc mua đồ trên Taobao, bán đồ của mình phải tốn thêm cước phí, nhưng thời cổ, chất lượng cuộc sống ở nơi xa xôi hoàn toàn bất đồng.
Ví dụ ở khu vực Tây Bắc, rau củ thiếu thốn, mặt mũi ai đều phủ một lớp bụi, nước không có vị mặn thì cũng có vị kiềm, nhập ngũ mới có thể ăn thịt, lại dễ mắc bệnh bởi vì cằn cỗi, không mời nổi bác sỹ, còn việc học, đành để trẻ con đến thị trấn phụ cận, hoặc vào nhà giàu học ké.
Độc giả tức giận, nói rằng Cố Nhị còn bảo quan địa phương chiếu cố mẹ con Man Nương.
Nhưng tại cổ đại, đàn ông mới làm chủ hộ được, một phụ nữ độc thân dắt theo đứa bé, lại có khá nhiều tiền, vậy điêu dân vùng khỉ ho cò gáy còn không ăn tươi nuốt sống bọn họ?! Đâu phải cố tình để mẹ con họ tới hoành hành ngang ngược.
Địa phương nhỏ, hẻo lánh, bế tắc, không có tiêu khiển, không có gánh hát, không có một cửa hàng, mỗi tháng hoặc mỗi năm họp chợ mới được giải trí hoặc mua nổi một cây trâm.
Trừ mỗi ngày ngắm mặt trời mọc mặt trời lặn, nghe gà chó kêu sủa, cuộc sống của Mạn Nương coi như kết thúc, cho nên cô ta mới tuyệt vọng đến thế.
Đối với Cố Nhị, đó chính là lưu đày, tách hẳn nhân tố bất ổn ra xa, từ bỏ con trai, đương nhiên, trong này có yếu tố tình cảm cá nhân.
Nhiều bạn thảo luận rất hay, trong chuyện này Cố Nhị đích thực có sai lầm trí mạng (cái này nói sau), nhưng không phải là “vấn đề lễ giáo” hay “vấn đề pháp luật”!
Vì mấy bạn này, tôi cố ý viết thêm một đoạn. Vốn tưởng mọi người đều rõ nên mới không viết, không ngờ có vài cô bé xinh xắn lại móc nối việc Cố Nhị không xử lý mạnh Man Nương với vấn đề lễ pháp, nguyên tắc gì đó.
Cho tôi xin, Man Nương là lương dân mà, cô ta được bỏ tiện tịch từ đời nảo đời nào, lương dân phạm tội được tự ý đánh phạt ư? Nếu Cố Nhị dám làm thế, các đối thủ của hắn nhất định vui mừng nhảy dựng lên!
Như vậy, Man Nương có thể lên công đường thẩm vấn ư? Sau đó ấn tội xử phạt ấy hả. Cho tôi xin, đến lúc đó thể diện của Cố Đình Diệp cũng mất hết, đối thủ của hắn càng mừng rỡ, bàn tán sôi nổi, làm hắn càng xui xẻo càng tốt.
Cho nên mới thấy, khi xử lý Man Nương, Cố Nhị đã phải suy nghĩ cẩn thận, đương nhiên có tình cảm cá nhân trong đó, nhưng không giống như độc giả tưởng tượng là vẫn còn vương vấn, muốn cho Man Nương được hưởng phúc, suy ra hắn bạc tình bạc nghĩa thế nào đối với Minh Lan….
Như vậy lệch lạc quá rồi.
Song tất nhiên Cố Nhị có phạm sai lầm, hơn nữa lại ảnh hưởng sâu sắc, dẫn tới sóng gió cuối cùng. Tác giả là mẹ ruột nữ chính, sẽ không bỏ qua Cố Nhị, mọi người yên tâm.
Cho nên, cho tôi xin, quần chúng hạ hoả đi nhé, đừng ép tôi phải hé lộ tình tiết nha!
Tình yêu sét đánh chỉ tồn tại ở thời thanh xuân tràn ngập hormone thôi. Tôi hiểu mọi người yêu mến nữ chính, nhưng mà, là một người đàn ông dạn dày sương gió, đặc biệt từng nếm mùi đau khổ vì Mạn Nương, lại dễ dàng tin tưởng, dốc hết tấm lòng yêu một người phụ nữ khác thì thật vô lý. Cho dù là nữ chính cũng không thể có bàn tay vàng như thế đâu. Không nói nữa, không nói nữa, kẻo lại hé lộ tình tiết.