Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm
Chương 8 : Minh lan, mặc lan, như lan, hoa lan…
Ngày đăng: 12:18 19/04/20
Hè qua thu tới, ở phương Bắc không giống như phương Nam, tiết trời dần dần khô lạnh, Thịnh phủ không tránh khỏi phải cho nấu những thang thuốc chữa ho bổ phổi. Kể từ sau khi đến nơi đây, hơn phân nửa thời gian Minh Lan vẫn luôn ốm yếu. Thời tiết càng biến đổi thì nàng càng suy nhược, thường xuyên ho khan khó thở, mời đại phu tới cùng lắm cũng chỉ được kê vài thang thuốc bổ. Minh Lan vẫn cứ luôn luôn ghét cay ghét đắng mùi vị thuốc Đông Y, nàng tha thiết nhớ nhung món bối mẫu Tây Xuyên sơn trà trần và thuốc ho hiệu Ninh. Càng nghĩ như vậy nàng lại càng tẩy chay thuốc Đông y, uống một chén là ói ra nửa chén. Bệnh tật cả ngày quấn thân, một chút sức lực cũng không có, đối với một người thân thể khỏe mạnh đã từng luyện võ phòng thân như Minh Lan, quả thực là bực bội mà không có chỗ trút giận.
Thịnh Hoành và Vương thị cân nhắc mãi, hỏi thăm khắp nơi về nhân phẩm và năng lực của Viên văn Thiệu, cuối cùng vẫn quyết định chọn người này. Lễ nạp thái [‘] vừa qua, tức thì ngày sinh bát tự [‘] của Hoa Lan được đưa ra để làm lễ vấn danh[‘]. Suy nghĩ của Vương thị rất thần bí, không ngờ lại mời riêng một vị cao tăng đắc đạo và một vị đạo sĩ đầy triển vọng đến xem bát tự. Cả vị sư lẫn vị đạo sĩ kia đều nói hai bên bát tự trăm năm hòa hợp, Vương thị lúc ấy mới yên lòng. Thịnh Hoành nhìn Vương thị đang ngồi trên chiếc hương kỷ trong phòng, bên trái bày một cây phất trần, bên phải bày một cái mõ, thì không khỏi phá lên cười: “Phu nhân, rốt cuộc là nàng tin phật hay tin đạo đây, cứ phán một số, theo số đó mà bái phương [‘] thì linh nghiệm hơn chút đó.”
[‘] – [‘] Các nghi lễ trong 6 lễ cưới hỏi cổ đại. Theo như 6 lễ cưới hỏi, muốn nói cho có văn vẻ thì có 6 lễ như sau:
Lễ Nạp Thái
Theo tục lệ Trung Hoa thì sau khi nghị hôn rồi, nhà trai mang sang nhà gái một cặp “nhạn”. Sở dĩ đem chim nhạn là vì chim nhạn là loài chim rất chung tình, không sánh đôi hai lần.
Lễ Vấn Danh
Là hỏi tên và họ của cô gái là gì, được bao nhiêu tuổi, đã có hứa hôn với ai chưa.
Lễ Nạp Cát
Là sắm sửa lễ phẩm đem sang nhà gái cầu hôn. Tùy theo nhà giàu thì lễ quí, còn nghèo thì chút đỉnh gọi là.
Lễ Nạp Chưng
Lễ Nạp Chưng hay là Lễ Nạp Tệ (“chưng” nghĩa là chứng, “Tệ” nghĩa là lụa) là lễ đem hàng lụa hay vật phẩm quí giá đến nhà gái làm tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn, rồi chỉ chờ ngày cưới dâu.
Lễ Thỉnh Kỳ
Là Lễ xin định ngày giờ làm Lễ Cưới, nhưng ngày giờ cũng do bên trai định, rồi hỏi lại ý kiến bên gái mà thôi, song thế nào nhà gái cũng tùy ý bên trai.
Lễ Thân Nghinh
Là đã được nhà gái ưng thuận, ngày giờ đã định của bên trai. Bên trai đem lễ vật sang làm lễ rước dâu về.
[‘] Bát tự Hà Lạc (có sách ghi là Tám chữ Hà Lạc) là một hình thức bói toán được xây dựng trên cơ sở triết lý của Kinh Dịch với các thuyết Can Chi, âm dương, ngũ hành,… bằng cách lập quẻ Tiên thiên với hào nguyên đường và quẻ Hậu thiên; căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính.
[‘] Bái phương – phong tục dân gian ngày xưa. Người nuôi dê ngày xưa chọn một ngày đẹp nhất tháng giêng, theo một hướng nhất định tế bái thần linh tại địa phương đó, dâng hương, châm pháo, dập đầu lạy, cầu mong thần linh phù hộ chăn thả thuận lợi.
Lâm di nương khẽ vén tóc mai, sóng mắt đung đưa, cười nói: “ Con người lão thái thái mẹ vẫn hiểu, bản tính bà cao thượng, ngay thẳng, càng thích thương hại kẻ yếu ớt. Tuy rằng có hơi ngạo mạn chút nhưng không khó hầu hạ. Em Minh sáng sớm đã xuất phát, con phải tới trước mặt lão thái thái thỉnh an hầu hạ. Nhớ kỹ, phải cẩn thận ngoan ngoãn, làm ra vẻ áy náy đau lòng, nghìn vạn lần không được gọi mẹ, phải gọi là dì, có lúc nhỡ mồm hai ba câu cũng không sao, tự vả nhẹ mấy cái, động tác nhanh nhẹn vào, chắc là lão thái thái sẽ không tính sổ mẹ lên người con đâu. Hài, lại nói tiếp, đều là mẹ liên lụy đến con, nếu con đầu thai trong bụng phu nhân, thì cũng nhất định không phải mong chờ lấy lòng bà già ấy…”
“Mẹ nói cái gì thế? Con là cốt nhục của mẹ, nói gì mà liên lụy với không liên lụy”. Mặc Lan trách yêu ngả vào lòng Lâm di nương. “Có mẹ ở bên dạy dỗ, con gái tự có bản lĩnh làm cho lão thái thái vui vẻ, tương lai có thể diện, cũng có thể khiến mẹ được hưởng chút thanh phúc.”
Lâm di nương cười nói: “Con ngoan, chờ sắp tới sau khi lão gia thăng chức quan, không biết chừng con còn danh giá hơn cả chị cả con, đến lúc ấy còn có lộc trời chờ con đấy.”
Tác giả nói ra suy nghĩ của mình: Quan hê nhân vật
Thịnh lão thái gia (thám hoa lang)+ thịnh lão thái thái (Dũng Nghị hầu phủ đích nữ)
Thịnh hoành: Con vợ kế ( mẹ cả nhận làm con trên danh nghĩa), mẹ đẻ Xuân di nương đã chết.
Vương thị: Thê tử, quan lại thế gia đích nữ,
Lâm di nương: Thiếp, vốn là bé gái mồ côi thịnh lão thái thái nuôi
Trưởng nữ: Thịnh Hoa Lan, con vợ cả
Trưởng tử: Thịnh Trường Bách, con vợ cả
(ở giữa chết non hai người một nữ một nam)
Con trai thứ ba: Thịnh Trường Phong, Lâm di nương sinh
Tứ nữ: Thịnh Mặc lan, Lâm di nương sinh
Ngũ nữ: Thịnh Như Lan, con vợ cả
Lục nữ: Thịnh Minh Lan, Vệ di nương sinh, mẹ đẻ đã chết
Tứ tử: Thịnh Trường Đống, Hương di nương sinh, nhỏ nhất, còn chưa biết đi.