Thệ Bất Vi Phi

Chương 6 : Gian lận (1)

Ngày đăng: 23:53 21/04/20


Nhưng thật ra dung mạo của Tư Đồ so với nàng không kém là bao nhiêu nhưng tại sao khí chất lại không thể so sánh được? Ngươi xem khí chất của người ta, rồi nhìn lại khí chất của nàng sẽ biết, quả thực chính là thất tiên nữ so với một nha đầu quê mùa thô lỗ mà.



Nhìn thấy bộ dáng thâm tình chân thành của Hoàng thượng cùng Nhàn Phi, lòng ta không khỏi trầm xuống. Cơ hội Tư Đồ được sủng ái thật quá xa vời rồi. Ta nghĩ, có nên hay không thay đổi sách lược, lừa nàng trốn khỏi cung đi thôi, miễn phải chết già trong cung, cả đời buồn bực không vui?



Nghĩ đi nghĩ lại cũng không dám làm. Tư Đồ đại tướng quân kia chính là nhất đại trung thần đó nha. Nếu hai ta mà bỏ trốn, đoán chừng Tư Đồ đại tướng quân nhất định sẽ trước tự trói mình thỉnh tội, sau phân thây xẻ thịt làm gương.



Đang lúc nghĩ ngợi, Hoàng thượng đã hành xong đại lễ với Thái hậu, an vị trên long ỷ (ghế của vua), mắt hướng về phía chúng ta: “Nghe nói Tư Đồ ái phi là tài nữ danh khắp kinh thành, xuất khẩu thành thơ. Trẫm cũng đã đọc qua không ít đại tác phẫm của ái phi!” Lại quay qua Nhàn Phi nói: “Ái phi, lần này ái phi đã có đối thủ rồi. Tư Đồ ái phi mặc dù xuất thân từ nhà tướng quân nhưng tài nghệ thơ văn cũng không hề thua kém tài nữ xuất thân từ gia đình đại học sĩ như ái phi đâu!”



Chúng phi nhìn hai người này giống như đang xem kịch vui. Ta bỗng nhiên cảm thấy, Hoàng thượng không phải là cố ý đấy chứ?



Cũng như lẽ thường, lúc này người trợ giúp đều sẽ đột nhiên xuất hiện. Quả nhiên, Nghi Phi đã nói: “Sao không kêu hai vị muội muội lấy thọ yến hôm nay làm đề, thi thố một phen xem ai hơn ai?”



Lúc này ta sẽ xuất quân. Ta cúi đầu, làm bộ tìm kiếm khăn tay bị rơi xuống đất, thấp giọng nói với Tư Đồ nương nương: “Nói với Hoàng thượng muốn cược tiền, tốt nhất là hoàng kim (vàng) bạc trắng…” Cũng đừng nên thưởng mấy thứ linh tinh không thể bán được.




Ngón giữa và ngón trỏ của ta đều có đeo một chiếc nhẫn. Trên chiếc nhẫn có khảm một viên bảo thạch. Bảo thạch này tên là Đá Bất Khiếu, thoạt nhìn cũng chỉ là một viên đá bình thường. Nhưng có một ngày, ta lật sách cổ xem được, nó có một loại tác dụng kỳ lạ khác. Chính là nó có thể phát ra âm thanh cộng hưởng. Nếu như gõ một khối, khối khác cũng sẽ vang lên theo. Nếu như trong sơn cốc có nhiều khối đá như vậy, chỉ cần gõ một khối trong số đó thì khắp nơi trong núi sẽ đều vang lên tiếng kêu. Ta nghĩ, truyền thuyết trong sơn dã có quỷ, có thể phần lớn đều có nguyên nhân từ nó mà ra! Đương nhiên, loại đá này chỉ có tác dụng trong một khoảng cách hạn chế, xa hơn một chút sẽ không còn tác dụng nữa. Khoảng cách giữa hai tảng đá nhiều nhất cũng chỉ có năm thước (một thước = 1/3 mét). Nhưng khoảng cách này đối với chúng ta mà nói cũng đủ rồi.



Ta tìm công tượng (thợ thuyền, công nhân) đem tảng đá này tỉ mỉ chế tác thành một đôi vòng tai và một chiếc nhẫn. Đôi vòng tai đeo trên lỗ tai của Tư Đồ Minh Châu, chiếc nhẫn thì ta đeo vào ngón tay giữa, ngón trỏ ta còn đeo thêm một chiếc nhẫn kim làm vật gõ. Hai viên Đá Bất Khiếu khảm trên hai món trang sức này cũng thật nhỏ, nhưng phát ra tiếng vang kề sát bên tai vẫn cảm giác hơi chấn động một chút.



Ta còn làm thêm một bản mã hóa, đem mấy ngàn văn tự thường dùng chuyển thành các âm thanh hoặc dài hoặc ngắn viết ra. (Tương tự như phương pháp truyền tin được sử dụng trong các hoạt động đoàn đội bây giờ) Cứ như thế, một vũ khí gian lận tuyệt hảo liền ra đời.



Trong quá trình gian khổ luyện tập, Tư Đồ Minh Châu có vài lần nói với ta. Nếu như sau này nàng học được công phu truyền âm nhập mật sẽ không cần phải vất vả như vậy nữa. Ta trừng mắt lườm nàng một cái, cười lạnh nói: “Nếu như ngươi chịu học thi từ, vậy thì ta cũng không cần phải vất vả như vậy. Còn dám nói, ngươi học truyền âm nhập mật có ích lợi gì?” Ta ngầm ý nói với nàng rằng. Chỉ có ta học mới dùng được, bởi vì bình thường là do ta làm thơ viết văn. Nhận được ý chỉ, Tư Đồ Minh Châu giật mình tỉnh ngộ, đành phải ngậm miệng lại.



Dù sao, cái loại công phu này ta chẳng qua cũng chỉ nghe truyền thuyết kể lại, vẫn là thực tế một chút còn tốt hơn.



_________________