Thiên Táng

Chương 10 : Hành trình trở về

Ngày đăng: 04:05 19/04/20


Đã đến lúc Văn rời khỏi vùng “Bách Hồ”, đỉnh núi Anyemaqen tuyết phủ và các núi khác của vùng Thanh Hải. Những đồng cỏ, sông hồ và núi thiêng vùng này đã xâm chiếm cả tâm hồn bà. Nơi đây bà nếm trải mọi vui buồn của đời người. Nơi đây tình yêu của bà với Khả Quân ngày càng mãnh liệt. Nơi đây bà tìm thấy quê nhà tinh thần của mình. Mặc dù thân xác bà ra đi, nhưng tinh thần bà sẽ ở lại nơi đang lưu giữ người chồng đã khuất. Trong khi bà chuẩn bị cho chuyến đi, trái tim bà giống như mặt nước lặng, mọi gợn lăn tăn của lòng khát khao hay nỗi buồn đã được nhẹ nhàng xoa dịu nhờ tác động của thánh thần. Văn biết rằng trong những tháng năm sắp tới, ở mọi nơi, mọi lúc, bà sẽ giống như cánh diều, gắn chặt với núi Anyemaqen bằng một sợi chỉ vô hình.



Bà chia làm đôi cuốn sách tiểu luận của mình, các trang trong đó ghi kín đặc tất cả những lời nhung nhớ khát khao của bà. Một nửa bà sẽ mang theo mình về Trung Quốc, nửa kia bà sẽ để lại cùng Lão Ẩn sĩ Cường Ba. Bằng cách này, một nửa của Khả Quân và một nửa của bà sẽ tiếp tục sống ở Tây Tạng.



Họ quyết định Văn, Zhuoma và Thiên An Môn sẽ đi đến Lhasa, thành phố cổ nhất và là thành phố thiêng của Tây Tạng. Ở đó họ có thể tìm các đại diện của quân đội Trung Quốc để xem người ta biết gì về số phận của Khả Quân. Họ cũng sẽ hỏi thăm đi về Trung Quốc bằng cách nào. Zhuoma quyết tâm làm một cuộc hành trình cuối cùng về quê nhà Văn, còn Thiên An Môn muốn thấy nơi từng là nguồn hứng khởi cho Zhuoma, sau đó mới quay về tu viện. Một trong các gia đình cắm trại bên hồ hứa rằng họ sẽ tìm gia đình của Gela và chuyển lời nhắn tới cho họ.



Chuyến đi về phía Nam thật gian khổ, họ hoàn toàn đơn độc trên suốt đường đi. Tuy nhiên, khi vượt qua dãy núi Tanggula, họ gặp thêm nhiều lữ khách khác trên đường, và cứ thế họ đến vùng đất đông người ở hơn. Thật ngạc nhiên, họ bắt đầu nhận ra những khuôn mặt Trung Quốc tại các phiên chợ. Có những nhà hàng và cửa hiệu có bảng đề chữ Trung Quốc. Thiên An Môn đặc biệt choáng ngợp trước những gì họ thấy. Như thể họ đã bước vào một thế giới khác hay một thế kỷ khác vậy. Một hôm thậm chí họ còn thấy mình đang ở trong quảng trường một ngôi làng nơi thanh niên nam nữ mặc quần áo nhiều màu sặc sỡ kết hợp giữa kiểu Trung Quốc và kiểu Tây Tạng đang khệnh khạng đi lên đi xuống theo tiếng nhạc. Một trong những người đứng xem bảo Văn rằng đây là một “chương trình biểu diễn thời trang.”



Văn không thể nào ngờ mình sẽ gặp nhiều người Trung Quốc định cư, xây dựng gia đình và lập nghiệp ở đây đến như vậy. Bà chưa bao giờ hình dung nổi rằng tất cả những khủng khiếp và đổ máu mà bà chứng kiến lại sẽ dẫn tới kết quả này. Quá nhiều điều xảy ra trong khi bà ở nơi thâm sơn cùng cốc. Những người Trung Quốc định cư đã làm gì đất nước huyền bí này cùng với nền văn hóa của nó? Một phần của bà mong muốn sao có thể bắt chuyện với vài người trong số đó. Phần khác của bà thì giữ bà lại, nhớ rằng đã phải khó khăn như thế nào khi trò chuyện với những người Trung Quốc ở buổi lễ Hoạt Phật.



Những gì họ thấy trên đường đi chẳng là gì so với phố phường náo nhiệt của Lhasa, Điện Potala khổng lồ trắng toát sừng sững phía trước họ. Khi ba người bạn tiến vào thành phố, họ thấy chóng mặt vì sự nhộn nhịp huyên náo, vì tiếng ồn và những mùi xa lạ. Văn tràn ngập nỗi buồn nhớ quê nhà. Nếu không có những ngôi đền và những con người mặc quần áo Tây Tạng thì bà thấy hầu như mình đã về lại Trung Quốc, nhất là những con phố của khu chợ Bát Giác[15], nơi các dân buôn người Trung Quốc và người Tây Tạng chen lấn nhau để bán hàng. Thiên An Môn hết sức kinh ngạc trước những gì ông thấy. Ông gãi gãi gáy, sửng sốt. Với ông, việc sử dụng tất cả những đồ vật lạ lẫm kia là một điều bí ẩn hoàn toàn. Zhuoma thì một phần bối rối, một phần lại thích thú trước quang cảnh đó.



“Chẳng giống Tây Tạng tí nào,” bà nói.



Thiên An Môn chỉ vào một nhóm lạt ma nơi một quầy hàng đang rao bán những vật dụng tôn giáo - tràng hạt, phướn, sọ bò khảm ngọc và đồ cúng tế.



“Họ tụng kinh gì vậy?” ông hỏi. Mặc dù Văn và Zhuoma biết không phải các lạt ma đang tụng kinh, nhưng họ cũng ngạc nhiên chẳng khác gì ông khi thấy các lạt ma mà lại đi bán hàng.



Ở chợ, Zhuoma đổi một chuỗi hạt quý lấy một cây bút cho Văn, một cái áo dài mới cho Thiên An Môn, và một chiếc khăn choàng cùng ít tiền lẻ cho chính bà. Qua nhiều năm, chỗ nữ trang tổ tiên để lại của Zhuoma đã vơi nhiều, nhưng bà vẫn còn giữ được vừa đủ để ba người có thể đi Trung Quốc.



Trời đang tối dần và họ nhận ra mình phải tìm chỗ nào đó để trú. Trong một phố nhỏ, họ tìm được cái nhà khách nhỏ do một ông giáo về hưu người Trung Quốc làm chủ, ông ta chỉ cho họ nơi để ngựa. Ông ta bảo họ rằng người ta cử ông lên Tây Tạng từ hai mươi năm trước. Ban đầu ông ta thấy rất khó ở lại định cư, nhưng ít nhất thì ở đây không khí đấu tranh giai cấp và học tập chính trị cũng đỡ căng thẳng. Văn vờ hiểu những gì ông ta nói, nhưng tâm trí mệt mỏi của bà khó lòng hiểu được gì. Ông ta nói “đấu tranh giai cấp” và “học tập chính trị,” mấy cái đó nghĩa là gì vậy?



Giữa đêm, Văn và Zhuoma nghe có tiếng gõ gấp gáp vào cửa phòng họ. Theo bản năng, Văn sờ tìm nửa cuốn sách tiểu luận của mình cùng với ảnh và cuốn nhật ký của Khả Quân mà bà để dưới gối trước khi đi ngủ. Khi Văn mở cửa ra, họ thấy Thiên An Môn đứng đó trong trạng thái rất phấn chấn.



“Lại mà xem,” ông nói. “Chúng ta đang ở Thiên đàng.”



Văn và Zhuoma theo ông vào căn phòng áp mái của ông. Ông đứng cạnh cửa sổ. Bên ngoài, Lhasa sáng rực ánh điện.



Văn và Zhuoma nhìn nhau. Mỗi người đều từng qua đêm ở Nam Kinh và Bắc Kinh. Khó mà tưởng tượng được một thành phố hiện đại trông như thế nào đối với một người chưa hề nhìn thấy điện.



Buổi sáng, chủ nhà khách cho Văn biết bà có thể dùng buồng tắm của ông ta. Trong khi đứng dưới cái vòi hoa sen thô sơ - một cái ống cao su mỏng thòi ra từ một ống nước trên đầu bà - Văn nhớ lại lần tắm gội sang trọng ở căn cứ quân đội tại Trịnh Châu, đã bao nhiêu năm trước, lúc cuộc hành trình đi Tây Tạng của bà mới bắt đầu. Nếu ngay lúc đó bà biết rằng phải bao lâu nữa mình mới lại bước vào một buồng tắm thì sẽ thế nào nhỉ? Cái tôi nay đã già của bà kinh ngạc trước sự hồn nhiên và dũng cảm của mình hồi trẻ.



Zhuoma nói bà không hiểu gì mấy món đồ Trung Quốc ấy, nên chỉ lấy bát múc nước xối người từ trên xuống dưới. Thiên An Môn thì tuyên bố ông chỉ có thể tắm ở ngoài sông, và hai người phụ nữ không thể làm gì để thuyết phục ông đổi ý.



Gần trưa, họ đến hành lễ tại Điện Potala. Văn đứng dưới chân những bậc tam cấp dốc đứng dẫn lên tòa điện cao chót vót. Đó là tòa nhà khác thường nhất mà Văn từng thấy - rộng mênh mông, đẹp đẽ và cao đến nỗi bà chẳng bao giờ tưởng tượng được. Đằng trước bà, hàng hàng đám đông đang trèo lên các bậc tam cấp để lên cổng điện, cứ ba bước lại dừng mà phủ phục xuống. Có lẽ Khả Quân đã luôn luôn muốn đưa bà đến nơi này. Có lẽ số phận định sẵn rằng bà phải đi suốt từ đồng bằng châu thổ sông Dương Tử tới Tây Tạng để trèo lên đây và được tiếp nhận vào tôn giáo của các thánh thần. Bà bắt đầu trèo, việc vừa trèo vừa cúi thấp mình như mọi người xung quanh và thầm niệm “Án ma ni bát mê hồng.”



Khi đã vào trong điện, ba người bạn đi dọc theo những hành lang tối, đầu tiên băng qua một phòng họp rộng thênh thang, sau đó đi qua những sân trong và nhà nguyện. Có những phòng chứa hàng dãy sách quý, cả bức trướng thêu tinh tế treo trên tường, những tượng Phật mặc quần áo đẹp đẽ bằng lụa thêu kim tuyến và quàng khăn nhiều màu sắc, cùng nhiều điện thờ. Đâu đâu cũng ngời ánh sáng màu vàng hắt ra từ những ngọn đèn thắp bằng mỡ bò.



Ở nơi gọi là Bạch Điện họ sửng sốt trước cảnh lộng lẫy của khu phòng ở dành cho Đạt Lai Lạt Ma. Kiến trúc và thiết bị nội thất thật là tao nhã. Trên các bàn trà là ấm trà bằng vàng và tách ngọc được chế tác tinh xảo. Những chiếc khăn thêu kim tuyến lộng lẫy đến lóa mắt. Trong Xích Điện họ thấy những ngọn linh tháp khảm vàng và đá quý đựng di hài các vị Đạt Lai Lạt Ma quá cố. Có tới hàng ngàn phòng. Văn chưa bao giờ nghĩ rằng xứ Tây Tạng lại có thể giàu có đến như vậy. Đầu bà quay cuồng. Bà dừng chân để lấy hơi. Bên cạnh bà là bức tranh tường mô tả một đám cưới. Bà nhận ra đó là đám cưới giữa Songtsen Gampo với Công chúa Văn Thành, ngôi điện này, xây vào thế kỷ thứ bảy, khởi thủy vốn dành cho bà công chúa này. Bà nghĩ tới những lời cuối cùng của Khả Quân: “Chúng tôi chỉ muốn làm mỗi một điều là đưa tri thức Trung Quốc đến cho các người, cải thiện cuộc sống của các người, như Công chúa Văn Thành đã làm hơn ngàn năm trước.” Trong khi bốn phía quanh bà những người hành hương đang tụng kinh, bà ngồi xuống cầu nguyện cho tới khi Zhuoma kéo bà đi.
“Tôi tới đây mười năm trước,” người bán rong đáp. “Tôi chẳng làm được trò gì khác thành thử chỉ còn nước đi gõ phách tre thôi. Nhưng việc này chẳng phải việc tồi đâu, ngày nào cũng có chuyện mới cả. Ngay cả con đường tôi đi lại cũng mỗi năm một khác.”



Văn hỏi ông ta liệu ông ta có biết chị cùng cha mẹ của bà không, rồi bà mô tả cho ông ta căn nhà mà trước kia họ sống. Người bán rong ngẫm nghĩ một lát.



“Tôi e là không,” ông ta nói. “Trong mười năm tôi ở đây, khu này đã bị giật xuống rồi xây lại ba lần. Lần đầu là trong thời ”Ba xây dựng“ hay gì gì đó. Rồi người ta làm đường và xây cầu, rồi sau đó lại phá. Kế đến họ bán một khu đất to cho Singapore. Quanh đây nhiều người đến rồi lại đi. Dạo này càng ngày càng ít nghe giọng địa phương hơn.”



Ông ta lại tiếp tục gõ phách.



Văn đứng ngay giữa đường, đờ đẫn bởi sự xa lạ của thành phố quê hương. Bà quá đắm mình trong suy nghĩ đến nỗi không nghe thấy cả tiếng gõ phách lẫn âm thanh những ôtô xe đạp chạy vù vù qua chỉ cách bà mười phân. Tất cả những gì bà có lúc này là hồi ức. Liệu bà sẽ có lại lòng can đảm để khởi đầu một cuộc tìm kiếm thứ hai quá muộn màng trong đời bà không? Nếu không thì bây giờ bà sẽ đi đâu?



Bà đút tay vào túi áo nơi cất ảnh Khả Quân. Đặt mấy ngón tay lên bức ảnh từng chia sẻ ngọt bùi cay đắng, sẻ chia những đổi thay lớn lao của cuộc đời bà, bà thì thầm mấy chữ “Án ma ni bát mê hồng.”



Trên cao, một gia đình ngỗng trời bay về quê hương. Nơi đây không có kền kền thiêng, Thiên táng cũng không.



○○○



Thư Văn ngừng nói, nhưng tôi không thể ngừng suy nghĩ. Nghĩ về chuyện bà đã chuyển hóa từ một phụ nữ Trung Quốc hai mươi sáu tuổi thành một Phật tử có tuổi người Tây Tạng. Về mối quan hệ giữa tự nhiên và tôn giáo. Về không gian và im lặng. Về chuyện bà đã mất mát bao nhiêu, đã nhận được bao nhiêu. Về ý chí của bà, sức mạnh và tình yêu của bà.



Thư gửi Thư Văn



Thưa bà Thư Văn thân quý!



Bà đang ở đâu?



Cuốn sách này nằm trong tim tôi đã mười năm, ngấm dần như rượu vang. Giờ đây, rốt cuộc, tôi có thể đưa nó cho bà xem.



Tôi hy vọng rằng một lúc nào đó, bà sẽ nghe được những tiếng trầm trồ khâm phục người ta phải thốt lên trước vẻ đẹp trong câu chuyện của bà.



Tôi hy vọng rằng một lúc nào đó, bà sẽ trả lời được vô số câu hỏi mà tôi muốn hỏi bà. Ít nhất, tôi muốn biết Zhuoma và Thiên An Môn, Saierbao và gia đình cô ấy, họ giờ đây ra sao.



Tôi đã bỏ nhiều năm để tìm bà, những mong chúng ta có thể lại ngồi với nhau nơi vùng châu thổ sông Dương Tử ngát hương chè để bà kể tôi nghe chuyện cuộc đời bà sau Thiên Táng.



Thư Văn thân quý, nếu bà thấy cuốn sách và lá thư này, tôi khẩn thiết xin bà liên lạc với tôi qua nhà xuất bản của tôi càng sớm càng tốt.



Hân Nhiên, London, 2004



_________________