Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 9 :

Ngày đăng: 04:02 19/04/20


Quỳnh trước nay vẫn thầm phục mình có khả năng đoạn tuyệt với chuyện xưa đồ cũ một cách triệt để. Cô ta có một khả năng thích ứng hoàn cảnh mới thật tuyệt vời. Bởi vì cô ta không hề lưu luyến với cái đã qua. ngày đầu tiên Mạn đem Quỳnh đến nhà số 3 phố Đào Lý, khi họ còn đứng trước cửa, Mạn đã trịnh trọng tuyên bố với Quỳnh, rằng từ hôm nay trở đi, đây sẽ là nhà của mày. Nhưng ở đây hoàn toàn khác với nhà trước kia, mày phải biết phép lịch sự, phải có kỷ luật, lễ phép, biết chưa? Quỳnh đáp rằng biết. Mạn lại nói tiếp, mày phải nhớ, từ hôm nay trở đi, không bao giờ gặp lại những chuyện trước đây. Vào năm học này mày lên cấp hai rồi. Trong trường mày sắp đi học toàn là con em những người giàu ở xung quanh phố này, chúng rất có giáo dục. Mày không được chơi bời với lũ trẻ con trước đây nữa, càng không được rủ bọn chúng đến đây. Chúng nó sẽ ăn cắp đồ đạc trong nhà này, biết chưa? Quỳnh nhủ thầm, ai thèm vào đồ đạc của bà, nhưng miệng Quỳnh vẫn đáp biết rồi. Mạn lại nói, sau này bất kể ở nhà hay ở trường, đều không được bép xép, không được kể chuyện trước đây, cũng không được ngơ ngác như ở trong rừng mới ra, gặp cái gì cũng lạ lẫm, đã biết chưa? Quỳnh lại đáp, con biết rồi. Mạn bỗng nổi giận, quát, mày làm gì mà mặt mếu máo như vậy. Tao đem mày đến đây để sống sung sướng, có phải đem bán làm người ở đâu mà khóc.



Nhưng Quỳnh lại là người "hoài cổ". Trong những tháng năm đã qua, cái gọi là hạnh phúc chỉ chiếm khoảng thời gian thật ít ỏi. Còn lại là biết bao điều chua chát, khiến con người trở nên nhếch nhác, hèn kém. Nhưng cũng chính cuộc sống giản đơn, tằn tiện - giống như một người rất gầy tự gõ vào xương mình - cuộc sống ấy vẫn hiển hiện, như tiếng gõ lốc cốc rất vang, tiếng rõ và đanh. Cô thường nhớ về ngôi trường tiểu học nhỏ bé và hỗn loạn, nhớ đến con đường từ trường về nhà, xuyên qua khu chợ và dãy hàng xép bán đồ ăn khói lửa nghi ngút đen ám. Con đường ấy còn đi qua cổng sau của một bệnh viện, cách đó vài chục mét còn có một gian nhà xác. Hồi đó bà nội cũng bị đưa tới đây. Đoạn đường ngắn về nhà Quỳnh như bị thu gọn vào trong nó tất cả hình ảnh trần trụi nhất của cuộc sống dân thường, từ chợ rau, hàng sửa chìa khoá, hàng may vá, trà lá, tới bệnh viện, nhà xác v.v...



Trong khi đó, ngôi trường mới của Quỳnh chỉ cách phố Đào Lý không xa. Xung quanh không chút "khói lửa trần ai", chỉ có những công trường xây dựng khuất sau những đoạn tường rào bị phá vỡ. Trên tường có hình ảnh của công trình đang xây. Những toà nhà thương mại cao tầng màu trắng sữa đó chính là mục tiêu chiến đấu của rất nhiều các công nhân xây dựng đang miệt mài lao động cả đêm lẫn ngày. Họ nói rằng nơi đây mười năm sau sẽ trở thành trung tâm tài chính thương mại lớn nhất thành phố. Nhưng bất kể khu vực này có bị phá vỡ, hay được xây dựng thế nào đi nữa, trường cấp hai của Quỳnh sẽ được giữ nguyên. Là trường cấp hai có lịch sử lâu đời nhất thành phố, nó tiếp nhận các học sinh con em những gia đình giàu có và danh giá sống xung quanh, một bộ phận khác là con em lãnh đạo của thành phố, của tỉnh, đi học có xe hơi đưa đón.




Một ngày đầu hè, Quỳnh tan học về nhà. Trong nhà rất yên tĩnh. Mạn đi chơi, Dật Hán dự buổi thi học sinh tiểu học đọc thơ của Trác. Nhà chỉ có một mình cô. Khi đi qua ban công đang phơi đầy quần áo của Mạn, cô nhìn thấy váy và áo lót. Cô đi tới phía dưới chúng, ngửa mặt lên ngắm nghía. Động tác tựa như đang chào cờ. Cô lấy chúng xuống, đem về phòng. Cô để chúng lên giường, lật ra từng chiếc một.



Quỳnh cầm chiếc xu chiêng, đặt lên mũi hít một hơi thật dài. Vẫn còn mùi vị của nắng. Quỳnh mặc chúng lên người, chật căng, nhưng nhìn vào gương, cô cảm thấy mình đẹp hơn. Cô sờ mó ngực mình cách qua lớp gấm, chỗ đó xuất hiện một hạt nhỏ cưng cứng, cảm giác thấy hơi đau. Quỳnh thấy vừa sợ vừa có chút cảm giác phấn chấn. Dường như nó đang bọc chặt một bí mật lớn nào đó. Nó đang đấu tranh để thoát ra khỏi sự ràng buộc và che đậy, từng lớp từng lớp một. Quỳnh sờ nhẹ, bụng nghĩ trong này có bí mật gì nhỉ?