Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 29 :

Ngày đăng: 04:02 19/04/20


Mỗi ngày, Quỳnh bôn ba giữa đại học, quán cà phê và văn phòng ở phố Cổ Xuyên. Mỗi sớm tinh mơ cô lên chuyến xe đầu tiên tới trường, nhưng thông thường cô chỉ học được nửa ngày, sau đó vội đến siêu thị làm công. Từ siêu thị về, cô đến quán cà phê. Quán đóng cửa lúc một giờ sáng, không còn một chiếc xe buýt nào. Quỳnh đi bộ vè nhà. Cô không cho Trác đợi mình, nhưng cậu vẫn luôn chờ cô làm về. Ban đầu cậu còn ra quán cà phê để đón cô, Quỳnh rất giận, cả chặng đường không nói gì với Trác. Thế là Trác không dám đến nữa, nhưng không bao giờ chịu đi ngủ trước. Cậu ở nhà nấu chè, nấu cháo đợi Quỳnh về. Quỳnh lại thúc giục Trác đi ngủ, nhưng cậu vẫn kiên quyết chờ Quỳnh ăn xong mới thôi.



Sau đó, hai người mệt mỏi ngủ thiếp đi, đặt chuông đồng hồ lúc sáu giờ sáng.



Thời gian tiếp xúc giữa hai đứa chỉ đủ ăn hết bát cháo. Cả hai đều không nhiều lời cho dù đều biết nhau có nhiều nỗi niềm. Họ đều rất ít thổ lộ.



Trường đại học S nằm ở góc Đông bắc của thành phố, trường rất rộng. Bởi có lịch sử lâu đời, những cây ngô đồng trong trường đều rất cổ kính. Những lớp vỏ cây mỏng thường xuyên bị bỏn trẻ ưu buồn khắc lên đó những dòng chữ sầu não. Hoa anh đào và đinh hương mọc rất tốt, khiến cho ngôi trường đượm vẻ đầm ấm đầy nữ tính. Nhiều toà học đường đã được tu sửa nhiều phen. Quỳnh chỉ rất ưa thích nhà thư viện. Đó là một trong không nhiều những công trình kiến trúc cổ được giữ lại. Quỳnh thường xuyên vào đó, đi trên hành lang đã bạc màu, lên tới tầng cao nhất. Ở đó có một phòng đọc nhỏ, cất giữ rất nhiều tuyển tập tranh vẽ, chỉ được xem tại chỗ. Cô thích thú mùi vị cũ kỹ của chúng. Quỳnh thường tự nhủ, đây là nơi Lục Dật Hán đã từng tới, có lẽ ông đã ngồi chính tại vị trí này, lần giở từng trang tuyển tập. Cô cảm thấy ông đang ngồi đối diện, ngắm nhìn cô trong ánh sáng vàng của buổi sớm. Quỳnh giơ tay ra, để trên mặt bàn, để cho nắng từ bên ngoài chiếu lên tay cô, tạo ra một vùng sáng rực. Phía đối diện chỉ là một chiếc ghế trống. Sáng sớm trong thư viện chỉ có một mình cô, chẳng còn ai khác.



Cô chỉ đi học, đi thư viện, ngoài ra, hầu như không có chút quan hệ nào khác với ngôi trường. Quỳnh thích nhìn những nữ sinh ăn mặc xinh đẹp nhuộm tóc màu cà phê, mặc váy ca rô chéo và áo len cổ cao đơn sắc, giày cổ thấp để lộ đôi mắt cá nhỏ. Họ ôm từng chồng sách dày, không chút vội vàng đi qua thảm cỏ dưới nắng sớm. Họ mỉm cười vừa phải, đủ để toát lên vẻ kiêu hãnh của mình. Có lúc họ đi cùng chàng trai của mình, che giấu đi niềm vui, họ dùng lời nói lơ đễnh để thăm dò trái tim của đối phương. Quỳnh thích thú nhìn ngắm những cô gái đó, cô đã từng tưởng rằng cuộc sống sinh viên đại học của mình cũng là như vậy. Trong những ngày tháng cấp ba tựa hồ như một cuộc chạy đua, Quỳnh đã vô số lần mường tượng đến trường đại học, như một niềm hạnh phúc sẽ đến. Cô ngỡ rằng cuộc sống với tháng năm vô tư bằng trái tim thanh thản, trong sáng. Thế nhưng bây giờ, ngay cả thời gian để soi gương kỹ lưỡng cô cũng không có, huống hồ là lững thững trong sân trường.



Các bạn cùng lớp đều cảm thấy Quỳnh hết sức kỳ quặc, lúc nào cũng rất vội vàng. Ngồi nghe giảng cũng nhấp nha nhấp nhổm. Hầu như cô lúc nào trông cũng mệt mỏi, dùng một tay đỡ lấy đầu, rồi thiếp dần đi. Cô thường xuyên quên đem theo sách vở cần thiết. Trên bàn thường chỉ có mấy tờ giấy trắng rời rạc. Những lúc không ngủ, cô hay ngồi bần thần, kế rồi lại muốn viết cái gì đó. Cô bèn lôi trong ba lô ra vài tờ giấy trắng, cây bút mực, viết hỗn loạn lên đó. Có lúc bỗng nghĩ đến một chi tiết nào đó liền vội vàng viết ra. Chẳng hạn như cô nhớ lại những người trước đây, hoặc giả trong óc bỗng hiện ra một sự vật đã qua. Quỳnh bóp chặt đầu bút, vẽ thật nhanh lên giấy. Đó là thời gian duy nhất cô tin rằng mình vẫn còn niềm khát khao được giãi bày. Sau bao nhiêu việc xảy ra như vậy, có biết bao nhiêu cảm xúc uất kết, đè nặng lên lồng ngực mà cô không thể nói ra, thậm chí còn không thể viết. Cuộc sống bận bịu khiến cô không hề có thời gian để viết, nhưng những con chữ vẫn xuất hiện, tập trung, lắng đọng trong tim cô, như một căn bệnh của riêng Quỳnh. Trong một hoàn cảnh sống dường như không có bạn, không có chuyện trò, có lẽ viết là lý do duy nhất để cô tiếp tục cuộc sống mong manh này.




Xin lỗi Trác, xin lỗi. Nhưng Quỳnh còn có thể làm thế nào nữa? Bây giờ không còn giống trước đây. Hai đứa không còn là những đứa trẻ núp dưới cánh tay che chở của chú Lục Dật Hán. Lúc đó Quỳnh ăn hết mọi thứ trong tủ lạnh, rồi co ro trong một góc mà thổn thức. Thực ra lúc đó cô không tuyệt vọng, không đơn độc. Cô có bé Trác, có chú Dật Hán, có một ngôi nhà to để ẩn mình. Nếu phát hiện ra sau đêm ăn điên cuồng, mặt mũi mình phù thũng khó coi, bộ dạng tàn tạ xấu xí, cô có thể trốn học và giấu mình trong phòng, sau tấm rèm cửa. Như vậy sẽ không còn ai nhìn thấy cô. Nhưng nỗi khổ sở kia có thể dần dần tiêu tan trong góc không gian nho nhỏ của riêng cô, cho đến khi cô hoàn toàn vui vẻ trở lại. Thời gian đó, Quỳnh rất thích sự quan tâm của Trác. Cậu thường đột nhiên xuất hiện mỗi khi Quỳnh có chuyện buồn. Cậu lặng lẽ ngồi xuống trước mặt, như một bức tường thành Athen dưới ánh trăng. Cô chưa bao giờ quên đêm mùa đông hôm đó, Trác đập vỡ con lợn đất của mình, kéo tay cô đi tìm mua sôcôla. Quỳnh là một chị nhỏ vô dụng nhất trên đời, bây giờ cũng vẫn thế. Chỉ có cuộc sống tạm bợ gần đây thôi, chị cũng đã sắp sửa kiệt sức. Bởi thế, chị nhỏ đã không đủ sức để đứng lại giãi bày tâm sự với Trác, nếu không chỉ có thể sẽ là một sự sụp đổ hoàn toàn. Cô biết rõ là nếu dừng lại, cô sẽ không bao giờ bước tiếp được nữa. Phải, Trác không thể biết, trong đêm cô mơ tưởng đến vòng tay của cha cậu, mơ thấy ông hôn lên trán cô, ông khen ngợi cô đã chăm sóc chu đáo em Trác.



Cứ như thế, Quỳnh lăn lộn giữa hai trạng thái đói kém và ăn cuồng. Tâm trạng của cô cũng phập phù lên xuống. Cô không biết liệuu có ai có thể chịu đựng nổi sự u uất và nóng nảy của mình. Cô đành che đậy con người mình lại, đóng kín trong căn phòng mình. Mỗi khi như thế, cô đều tự hỏi phải chăng sự cách biệt này sẽ là chia rẽ tình cảm giữa cô và Trác. Ngày tháng cứ thế trôi qua trong thầm lặng. Cô và Trác ngày càng không biết nói gì với nhau. Trác lén xem vở sáng tác của Quỳnh cũng khiến cô nổi xung thiên. Cậu hết sức kinh ngạc trước phản ứng của Quỳnh, bởi trước đây Quỳnh rất thích Trác đọc truyện do mình viết. Cô thích thú nhìn Trác đọc những dòng chữ nằm trên giấy nhưng vẫn như đang thở dài thật mạnh, khi đó miệng cậu bất giác ngậm rồi lại mở ra. Những âm thanh nhè nhẹ đó thôi cũng là niềm an ủi lớn nhất của cô gái có hoàn cảnh bất hạnh. Thế mà bây giờ lại khác, cô không thể để cho Trác biết cô mềm yếu biết bao. Nếu cậu đọc ra những dòng ấy, cô sẽ lại phải bật khóc. Cô hung hãn giật lấy cuốn vở, nhét phắt vào ba lô của mình. Quỳnh chỉ đành giả vờ như không biết đến ánh mát nghi hoặc và oan ức của Trác.



Quỳnh và Trác đều là những con người hướng nội và rất bướng bỉnh. Sự trầm lặng với nhau này lại có vẻ gióng với một sự ổn định. Những ngày như thế thấm thoát đã được một năm. Những thay đổi tỏng năm này thực ra cũng không nhỏ. Trác học tập xuất sắc, được vào lớp điểm. Tranh sơn dầu tham gia triển lãm của Trác được đoạt giải toàn quốc. Quỳnh trở thành người chuyên viết cho một tạp chí đời thường, vĩnh viễn chỉ quan tâm những đề tài kiểu thời trang của mùa này là gì hoặc những chuyện đời tư của những người nổi tiếng, những chuyên trang thường bàn về phong thuỷ hay tầm quan trọng của đời sống tình dục. Tuy nhiên, nhuận bút của tạp chí này rất cao. Quỳnh thường viết những bài phỏng vấn các diễn viên điện ảnh hoặc ca sĩ. Đó là những chuyện rất xa vời đối với cô, chẳng bao giờ len sâu được vào nội tâm của cô. Điều đó khiến cô tìm được sự an toàn. Quỳnh viết loại bài này đến độ thành thục, thường xuyên được tổng biên tập khen ngợi. Ngoài ra, Quỳnh còn dùng một bút danh không ai biết để viết truyện cho một tạp chí văn học mà cô ưa thích. Ở đó cô viết về những ngôi biệt thự sang trọng, chính là ngôi nhà vấn vương trong mộng mị, nhà số 3 phố Đào Lý.



Người có đôi mắt rực sáng là Ưu Di, cô đứng trong bếp của nhà tù, hát véo von. Mùa xuân lại đến, nhưng tóc cô lại bị cắt ngắn một lần nữa. Có một ngày cô lén rút thỏi son Quỳnh dấu cho mình ra, bôi cẩn thận lên đôi môi bị nứt nẻ, rồi bật cười thoả mãn. Cô bảo rằng bắt đầu thấy thích những màu sắc đậm đặc thế này rồi, bởi vì trông chúng rộn rã như ngày hội. Niềm vui đó đủ để giúp cô sống qua cả một tuần lễ buồn tẻ, thậm chí khi bị một nữ phạm nhân điên khùng bắt nạt, cô cũng không cảm thấy buồn rầu.



Quỳnh cũng đã xem hầu hết sách trong hiệu sách, bèn thôi không làm công ở đó. Quán cà phê cũng mở một quán con ở gần nhà cô hơn, cô đi làm vì vậy gần hơn nhiều. Để việc viết lách được thuận tiện, Quỳnh mua lại một chiếc máy tính xách tay cũ, rất thô và nặng. Nhưng chính chiếc vỏ ngoài dày nặng lại mang đến cho cô cảm giác an toàn dễ chịu. Hơn nữa cô chỉ cần dùng nó để gõ chữ. Quỳnh lúc nào cũng làm việc một cách khẩn trương, cố gắng hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất. Thời gian buổi đêm tiếp sau, cô có thể viết những gì cô muốn. Tiểu thuyết dần dần đã khiến Quỳnh mê mẩn, bởi chúng nửa thật nửa giả. Những hiện thực tô đắp bởi mộng tưởng và những giấc mộng đầy ắp sự việc đời thường luôn khiến Quỳnh có cảm giác bay lên khỏi mặt đất. Vào những lúc đó, Quỳnh luôn cảm thấy có ai đó đang mang cô đi. Tiểu thuyết trong mắt cô, mỗi chữ đều là một hạt mưa, trông nhẹ bỗng, nhưng một khi chúng lặng lẽ tựu trung vào một nơi, lớn lên thành cả một đám mây nhiều màu mềm mại, Quỳnh phát hiện ra mình đã ở trên mây rồi. Cảm giác khoan khoái khi bất giác được bay lên mây thật giống niềm vui của cô bé Lọ Lem được hoàng tử đón đi, và Quỳnh cứ thế chìm đắm trong đó. Quỳnh dần dần quen với việc từng đêm, từng đêm ngồi gõ từng hàng chữ vào trong máy tính của mình. Âm thanh nho nhỏ mà chiếc máy phát ra tựa như những hồi đáp về những tâm sự đang được giãi bày. Cô thấy xúc động.