Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 36 :

Ngày đăng: 04:02 19/04/20


Rất lâu sau, khi Quỳnh nhớ lại, cô cảm thấy rất khó hiểu. Cô không phân biệt được đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Thậm chí cô ngờ rằng, từ khi nhà sách tìm cô để đặt hàng, đến khi cô viết xong, rồi bị Lâm Diệu Nghị cướp mất, rồi cô dù biết không có kết quả vẫn đến nhà tìm Diệu Nghị vừa đúng vào hôm Diệu Nghị tổ chức tiệc mừng... Từng sự việc một đều như được sắp xếp. Điều quan trọng hơn cả, không phải là cô bị cướp mất cuốn sách, mà là cô được đưa tới trước mặt người đàn ông đó, anh ta là Trầm Hoà.



Trầm Hoà khác rất nhiều so với tám năm trước. Ít nhất là tóc ngắn đi nhiều. Hồi trước anh ta để tóc dài, dáng vẻ của một nghệ sĩ trẻ bất cần. Giờ đây, anh trở nên sáng sủa rõ ràng, hơi béo, làm giảm bớt đi tính cách sắc sảo của tuổi hai mươi chín. Anh tỏ ra khoan hoà hơn rất nhiều. Quỳnh quên mất dùng logic vận động để nhìn nhận vấn đề, ngoài Trác ngày ngày ở bên cạnh cô ra, mọi người đều không có ai ở lâu trong cuộc sống của Quỳnh. Người nào cũng đến rồi đi, không kịp để cho Quỳnh kịp cảm nhận sự thay đổi không ngừng.



Khi Quỳnh biết được người trước mặt chính là Trầm Hoà, cô thấy nhớ Dật Hán vô cùng. Ông ra đi đã rất lâu rồi, nhưng trong lòng cô vẫn trống trải không sao lấp đầy. Cô luôn như bị thiếu một thứ gì đó thật quan trọng. Chúng dường như đã trở thành lý do để cô trốn tránh và tự tha thứ cho mình.



Ngoài sự nhớ thương đối với Lục Dật Hán, Quỳnh còn một chút an ủi, bởi Trầm Hoà chính là người biên tập cuốn sách Nụ cười như hoa của Lâm Diệu Nghị. Anh bảo, anh rất thích cuốn sách đó.



“Có gì đó rất gần với sự sắc sảo của Tùng Vy trẻ tuổi năm nào“. Trầm Hoà đã bình luận như thế. Mặc dù bản thảo không còn thuộc về mình nữa, nhưng mấy lời nói đó đã khiến Quỳnh thấy hài lòng. Cô cảm ơn Trầm Hoà.



“Cảm ơn tôi làm gì? Tôi cũng bị lừa, giúp cô ta xuất bản một cuốn sách ăn cắp“.




Giờ đây, là Quỳnh không muốn tự tiện nhắc chuyện Tùng Vy. Người tò mò về tình hình gần đây của Tùng Vy không chỉ một mình cô. Nhưng nếu Trầm Hoà nói tới thì đã sớm nói rồi, không nên làm khó cho anh.



Khi Quỳnh đứng dậy ra về, Trầm Hoà nói với cô, anh sẽ giúp cô nói chuyện với nhà sách kia để giải quyết vấn đề. Nói rồi, anh lại thở dài ngao ngán: “Hôm qua anh vẫn còn hài lòng vì mình vừa xuất bản được cuốn sách ưng ý nữa đấy, giờ đây anh lại thấy rất hổ thẹn, chẳng biết còn giúp đỡ em được gì không. Em viết cuốn sách này vất vả lắm phải không...“.



Nghe anh hỏi thăm, mắt Quỳnh lại đỏ hoe. Cô phẩy tay, ra ý anh đừng nhắc đến nữa. Nếu không xảy ra những chuyện vừa rồi, sách của em xuất bản ở chỗ nhà sách kia chắc gì anh đã thấy. Nếu vậy mình đã không gặp mặt. Có thể sự gặp lại đối với anh không có gì đáng nói, nhưng với em là cả một chuyện lớn. Những năm qua em đi tới đâu mất mát tới đó, giờ đây người thân và bạn bè mất mát gần hết cả rồi. Quỳnh mỉm cười, kết thúc câu chuyện, đi ra khỏi cửa.



Mặc dù Quỳnh vào ngay thang máy, nhưng Trầm Hoà vẫn đứng trước cửa nhà một lúc nữa mới như chợt tỉnh giấc mộng, quay lưng vào trong nhà.



Trầm Hoà ngồi trở lại ghế sôpha hút thuốc. Căn nhà này còn mới, mùi vị trang hoàng nội thất còn chưa hết. Lúc nãy Quỳnh ở đây anh còn chưa nhận ra, nhưng bây giờ ngồi một mình, bỗng thấy lạnh ngắt. Sự việc luôn vòng vèo rắc rối, không hề nhạt nhẽo như tiểu thuyết. Quỳnh khiến anh lại nhớ tới Lục Dật Hán. Đối với con người chỉ gặp vài lần, vài lần nói qua điện thoại và nói với nhau chẳng mấy câu, có lẽ hoài niệm là một từ quá nặng. Nhưng khi nghĩ tới ông, Trầm Hoà vãn thấy có gì đó không thoải mái. Trong mắt anh, Dật Hán thật đáng quý, cử chỉ mực thước, nhìn nhận vấn đề sâu sắc, nhưng không được ông trời thương, rõ ràng là một sự đáng tiếc. Trầm Hoà lại nghĩ tới mình. Công bằng mà nói, việc của Quỳnh không hề có trách nhiệm của anh, nếu anh mặc kệ cũng là điều bình thường. Nhưng giờ đây anh rất muốn đền bù cho cô chút gì đó. Không phải hoàn cảnh của Quỳnh khiến anh thương hại, cũng không phải cảm thấy thiếu nợ cô ở đâu đó, mà là một cảm giác về một sứ mạng. Nó khiến anh muốn giúp đỡ cô. Nhưng điều khiến Trầm Hoà thấy tiếc là, sứ mạng đó không bắt đầu từ đạo đức nghề nghiệp của một người biên tập, nó đến từ cuộc sống. Anh quyết định đi cùng cô một đoạn đường, nhưng anh lập tức nhắc nhở mình: chỉ là đi một đoạn.