Ti Mệnh
Chương 37 : Sư môn như quê hương
Ngày đăng: 11:53 19/04/20
Nhĩ Sanh cọ qua cọ lại một hồi cảm thấy cũng đủ, lại đúng lúc nghe được Trầm Túy trêu Trường Uyên như vậy, liền dụi mắt nói: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha, Trường Uyên gọi người một tiếng nhạc phụ, không có gì sai.”
Thấy tiểu đồ đệ che chở Trường Uyên như vậy, Trầm Túy cảm thấy câu nói của mình có điểm thất lễ. Híp mắt đánh giá Trường Uyên một lượt, bên cạnh đó âm thầm dò xét sức mạnh nam nhân trước mắt, nhưng càng dò xét ấn đường Trầm Túy càng nhíu chặt. Vẫn biết vị “phu quân” Nhĩ Sanh luôn miệng nhắc đến không phải một kẻ tầm thường, từ thanh kiếm người nọ đưa Nhĩ Sanh, hắn có thể nhìn ra được, nhưng Trầm Túy không bao giờ ngờ tới, vị phu quân của Nhĩ Sanh lại thâm sâu khó lường như vậy.
Trường Uyên đương nhiên biết Trầm Túy đối với mình có phòng bị, hắn thản nhiên đứng một bên mặc cho Trầm Túy dò xét. Trầm Túy dò xét một hồi, kết quả chẳng thu được gì, lắc đầu than thở, “Con gái lớn quả nhiên không giữ được trong nhà. Tiểu Nhĩ, ra ngoài không bao lâu mà tay ngoài đã dài hơn tay trong rồi ?”
Nhĩ Sanh xoay đầu lại, biện giải: “Trường Uyên là người trong nhà, tay ngoài tay trong gì chứ sư phụ.”
Dưới ánh nắng mặt trời, nơi vầng trán trơn bóng của Nhĩ Sanh mơ hồ lộ ra ấn ký ngọn lửa màu đen nhàn nhạt. Tễ Linh thoáng thấy được, còn tưởng là mình hoa mắt, đang định nhìn kỹ hơn thì chợt nghe có tiếng “cốc cốc” đập cửa.
Bốn người trong viện đồng thời quay đầu nhìn ra cửa thì thấy một nam nhân mặc y phục màu bạc, vẻ mặt chính trực đang đứng đó. Tễ Linh cùng Trầm Túy vừa trông thấy người nọ, cả hai đều giật mình ngạc nhiên. Nhĩ Sanh ở Vô Phương ba năm, chưa bao giờ gặp qua người này, đang hiếu kỳ quan sát, chợt nghe Trầm Túy gọi một tiếng: “Hiên Viêm.”
Nghe vậy, Nhĩ Sanh ngẩn ra, “Hiên Viêm” là tên thanh linh kiếm của tiên tôn, từ lúc người sáng lập Vô Phương đến nay, nó đều được đặt trên điện Ngôn Quy. Kiếm trải trăm năm hấp thu linh khí của trời đất, cuối cùng hóa thành linh[1], trở thành biểu tượng của Vô Phương. Nhưng trăm năm qua, rất ít người có thể thấy được hóa thân của Hiên Viêm kiếm.
Hiên Viêm thản nhiên gật đầu, hướng Trầm Túy nói: “Tiên tôn lệnh cho ta tới bắt tội đồ Nhĩ Sanh.”
Lời này vừa nói ra, mọi người đều ngây ra.
Trầm Túy ngoảnh đầu nhìn Nhĩ Sanh: “Tiểu Nhĩ? Con ở bên ngoài lại gây ra đại họa gì?”
Nhĩ Sanh đưa tay lên vuốt trán, gật đầu, nhỏ giọng thừa nhận. Nàng không giải thích nguyên nhân, một mình lẻ loi đi về hướng Hiên Viêm: “Ta và ngươi đi gặp tiên tôn, nhưng phải để Trường Uyên đi cùng.”
Trầm Túy thở dài một tiếng: “Ta rốt cục là tạo cái nghiệt gì, sao lại thu hai đồ đệ như thế này …” Hắn nhìn Trường Uyên đang ôm Nhĩ Sanh, lại nhìn lên bầu trời xanh trong bên ngoài Ngôn Quy điện, có chút cảm khái nói, “Nói không chừng trên tầng cao nhất của Tàng Thư Các, bên dưới lớp thư tịch phủ đầy bụi bặm còn cất giấu những câu chuyện cũ xa xưa.”
Trên đỉnh núi cao nhất ở Vô Phương.
Tiên tôn chắp tay đứng đó, phóng mắt ngắm nhìn phong cảnh nghìn dặm chung quanh. Khuôn mặt người trong trẻo nhưng lạnh lùng, nhìn không ra đang nghĩ ngợi gì.
“Trường Võ.” Hiên Viêm trôi nổi trong không trung, trầm giọng nói, “Cô gái đó đã nhập ma, tuy nhiên ma tính vẫn chưa hoàn toàn bộc phát, ngươi hẳn nên một kiếm trảm chết cô ta, không nên buông tha dễ dàng như vậy. Giải trừ ma ấn nào có đơn giản như vậy. Ma khí một khi đã nảy sinh rất khó tiêu trừ, nếu không vì sao Trường An ba lần thành tiên, ba lần đọa ma.”
“Hai tháng sau, nếu như nó vẫn không cách nào loại bỏ ma ấn, ta sẽ ra tay.” Tiên tôn trầm mặc nhìn về phía xa, hồi lâu mới nói tiếp:“Ta tuyệt đối không cho phép trên thế gian này lại có một Trường An nữa.”
Hiên Viêm biết hắn tâm ý đã quyết, cũng không nói nhiều, lặng lẽ lui xuống.
[1] Chữ linh này nghĩa là linh hồn. Ý chỉ thanh kiếm này có linh hồn, có thể hóa thân thành hình người.
[2] Câu này ý chỉ sự tâm đầu ý hợp giữa đôi bên nam nữ trong tình yêu, không cần phải nói bằng lời hai người cũng có thể ngầm hiểu suy nghĩ của nhau.
[3] Nếu ta không nhầm thì đây là bức “Thập bát ứng chân đồ” của họa sĩ nổi tiếng Ngô Bân đời nhà Minh, Trung Quốc. Tác phẩm đã được chính Càn Long phong tặng bốn chữ “Du nghệ thần thông”, ngoài ra ngài còn đề thêm một bài trường thi thất ngôn lên cuốn họa thư này, không cần nói cũng biết, Càn Long yêu thích tác phẩm này như thế nào.
[4] Sách cổ.