Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn (Sân Không Vắng Vẻ Tàn Xuân)

Chương 23 : Giọt lệ mỹ nhân (ii)

Ngày đăng: 14:49 18/04/20


Đến trưa ngày hôm sau Lâm Lang mới dần dần tỉnh lại. Thân thể suy nhược. Nàng mở mắt nhìn, có người đi qua lại nhưng chỉ hiện lên bóng dáng mơ hồ, nàng cố gắng hết sức mà thì thào hỏi khẽ: "Ai đó?"



Cung nữ quỳ xuống thỉnh an, đáp nhỏ: "Bẩm chủ nhân, nô tì tên là Bích Lạc, là người của cung thái hoàng thái hậu." Giọng nói êm dịu khẽ khàng hỏi: "Bây giờ đã quá trưa rồi, chủ nhân ăn ít cháo nhé? Là Đồng quý phi sai người mang tới, còn nói nếu chủ nhân muốn ăn gì thì chỉ cần phái người đến phòng bếp của Đồng chủ nhân nói là được."



Lâm Lang hơi hơi lắc đầu, giãy dụa muốn ngồi dậy. Một cung nữ khác vội vàng đến đỡ nàng, lúc này Lâm Lang mới nhận ra là Cẩm Thu của Càn Thanh cung. Cẩm Thu cầm đến một cái gối to để nàng dựa người vào gối, xong lại vén chăn khắp người cho nàng. Lâm Lang mất máu nhiều, trên môi trắng bệch, nàng hơi run rẩy: "Sao người lại đến đây?"



Cẩm Thu đáp: "Vạn tuế gia phái nô tì tới, nói là nơi này ít người, sợ chăm sóc không đến nơi đến chốn."



Lâm Lang nghe nói đến hoàng đế, cả người bất giác run lên: "Vạn tuế gia về rồi?"



"Vạn tuế gia về tối hôm qua, vừa về đã đến đây thăm chủ nhân, còn đứng ở ngoài viện rất lâu." Cẩm Thu nói đến đây thì nhớ ra một chuyện liền đi ra ngoài, hai tay khe khẽ vỗ vào nhau, gọi tiểu thái giám vào: "Đi bẩm với Vạn tuế gia, nói là chủ nhân đã tỉnh lại rồi."



Bích Lạc cầm chuỗi tràng hạt tới: "Chủ nhân, người nhìn xem, thứ này là thái hoàng thái hậu ban cho đấy ạ. Thái hoàng thái hậu nói, chủ nhân phải dưỡng bệnh cho tốt, đừng nghĩ ngợi nhiều, phật tổ nhất định sẽ phù hộ cho người." Lâm Lang chẳng còn chút sức nào, Bích Lạc đem chuỗi tràng hạt đặt bên cạnh gối.



Có cung nữ bên ngoài gọi: "Cô cô." Cẩm Thu liền đi ra ngoài. Cung nữ kia nói: "Thê Hà tỷ tỷ ở cung của Đoan chủ nhân đến ạ." Thê Hà vào thấy Bích Lạc thì nói: "Thứ này là chủ nhân chỗ tỷ tặng cho Vệ chủ nhân." Bích Lạc mở tráp ra, là một miếng ngọc như ý bát bảo, màu sắc đẹp đẽ, sáng lấp lánh (hình ảnh). Nàng thốt lên ôi chao: "Sao Đoan chủ nhân lại khách sáo như vậy chứ."



Thê Hà đáp: "Chủ nhân của tỷ vốn định tự mình đến thăm Vệ chủ nhân, nhưng nghe ngự y nói Vệ chủ nhân cần yên tĩnh dưỡng bệnh, nên mới không đến nữa. Chủ nhân tỷ nói, xảy ra chuyện như vậy chắc chắn là Vệ chủ nhân rất đau lòng, nhất định sẽ khó ngủ. Miếng như ý này để chủ nhân đặt bên gối." Xong lại nhét vào trong tay Cẩm Thu: "Phiền tỷ tỷ dâng lên cho Vệ chủ nhân, muội không vào phiền tới chủ nhân nữa."



Cẩm Thu hơi mỉm cười: "Lúc này chủ nhân đang uống thuốc, ta phải vào với chủ nhân." Thê Hà vội nói: "Phiền tỷ tỷ rồi. Tỷ bận rộn, muội xin phép về trước."
Thái hoàng thái hậu thở dài: "Phong địa vị cho nó, cho nó mặt mũi, thưởng đồ cho nó, có thể làm gì ta cũng làm rồi. Chỉ là chuyện này cũng khó trách nó đau lòng."



Tô Mạt Nhĩ nói: "Vẫn nên bảo người đến khuyên nàng mới được, nếu không thì để Vạn tuế gia đến thăm nàng, người cứ giả vờ như không biết là được."



Thái hoàng thái hậu lại im lặng, xong mới nói: "Nếu như Huyền Diệp muốn gặp nó thì ai ngăn được?"



"Nô tì cũng không hiểu." Tô Mạt Nhĩ đáp.



Thái hoàng thái hậu nói: "Ngươi nhìn đứa nhỏ Huyền Diệp này lớn lên mà tính tình của nó ngươi còn không rõ sao? Mấy ngày nay đều lờ Lâm Lang đi luôn, đến lúc biết chuyện này mới điên cuồng chạy vội về. Chắc chắn có điều gì mà chúng ta không biết. Dù là gì đi nữa thì giờ nó như chim sợ cành cong, chỉ sợ là sẽ không dễ gì mà đi thăm nó."



Tô Mạt Nhĩ nghĩ nghĩ xong đáp: "Nô tì có ý này, chi bằng thái hoàng thái hậu ban cho ân huệ, cho nữ quyến (người thân là nữ) của nhà nàng tới gặp, không chừng có thể khuyên được nàng."



Thái hoàng thái hậu nói: "Cũng được, nó vào cung cũng đã lâu, giờ gặp được người thân chắc sẽ vui vẻ lên một ít." Lại cười bảo: "Ngươi nghĩ thay cho nó cũng thật là chu đáo."



Tô Mạt Nhĩ đáp: "Nô tì thấy nàng thật sự rất đau lòng, huống hồ phần lớn cũng vì Vạn tuế gia cả."



Thái hoàng thái hậu gật gật đầu: "Đúng vậy, sách dân tộc Hán có viết, lấy bài học từ vết xe đổ trước, còn viết, mất bò mới lo làm chuồng cũng chưa phải quá muộn."