Tiền Thế Kim Sinh Hệ Liệt
Chương 1 :
Ngày đăng: 11:33 18/04/20
Đó là một buổi chiều tà của Thượng Hải 1930, một ngày rất u ám, quyện theo cái hanh khô lúc đầu thu. Từ cửa sông Tùng[1], có tiếng con tàu rền rĩ cập bờ vọng đến. Những mái nhà đỉnh nhọn lẫn ống khói ở xa xa, những cầu tàu cùng bậc thềm đột nhiên bị dìm về phía sau đám đông trĩu trịt trên bến cảng, giống như đã chìm khuất xuống dưới, biến thành một bức tranh màu dầu tịch mịch và xám xịt.
Con tàu viễn dương vừa cập bờ xong, cả khách trên thuyền cùng những người ra đón lũ lượt ùa ra. Cao Kính dõi mắt nhìn về phía sau đám đông, nhanh chóng thấy người cậu ta muốn tìm. Đó là một thanh niên vận trường bào, thoạt trông rất tuấn tú. Làn da anh trắng trẻo, vầng trán đầy đặn, anh có một đôi mắt trong vắt, con ngươi đen lay láy, người khác nếu dõi nhìn vào đó sẽ tựa như không thể nào thấy đáy. Dù phía sau anh có mấy gã người mặc áo chẽn[2], đầu đội mũ nồi[3] đang ráo riết đảo mắt ra xung quanh, chừng như rất thiếu kiên nhẫn, nhưng anh không mảy may chú ý, thoạt trông như một người vô cùng nhẫn nại. Ánh mắt anh chỉ nhìn chăm chú vào lối xuất cảng, thảng hoặc trong mắt anh sẽ toát lên vẻ mừng rỡ, nhưng chỉ thoáng qua tích tắc rồi biến mất.
Cao Kính cười nhạt, cậu ta quay lại đưa tay ra với một người phụ nữ đang bế một đứa trẻ: "Người đông như vậy, chị để tôi giúp." Trên người Cao Kính vận một bộ Âu phục, những đường nét trên khuôn mặt cậu được tôn lên, trông ngời sáng kì lạ. Người phụ nữ kia luôn miệng nói cảm ơn, rồi giao đứa trẻ cho cậu.
Cao Kính bế đứa bé lên che khuất mặt mình, nhanh chân đi qua cửa ra khỏi cảng. Cậu trao lại đứa trẻ cho chị ta, nhìn thấy bóng lưng người thanh niên nọ, mỉm một cái cười mai mỉa. Cậu phủi hết lớp bụi bám trên vành mũ xuống, sau đó cứ thế nghênh ngang đi mất.
Một gã phía sau người thanh niên kia đột nhiên thoáng nhìn thấy bóng lưng Cao Kính, vội vã nói với anh: "Cửu ca, thiếu gia ở bên kia!"
Người thanh niên ấy vừa quay đầu lại, chỉ còn thoáng thấy được bóng lưng Cao Kính đã khuất xa, đám người phía sau anh chực đuổi theo nhưng đều bị anh ngăn cản. Anh hơi cúi thấp đầu xuống, nhẹ giọng: "Thôi bỏ đi."
Cao Kính nhảy lên một chiếc xe kéo, cười nói: "Đến quán Svena, mau". Ngồi trên xe kéo, cậu ta ngắm nhìn Thượng Hải ba năm xa cách, những tòa nhà kiểu Tây lẫn Hoa tiếp giáp nhau nhấp nhô cao thấp, biển quảng cáo thuốc lá sáng choang rực rỡ, kiểu chữ khải viết trên cửa trước hiệu thuốc Nam Dương, rồi cả một cô gái nọ đứng ở góc đường, đang mặc một chiếc sườn xám ngắn đỏ màu cà và được xẻ tà đến nửa bắp chân. Khuôn mặt của cô, những sắc thái nơi cô, giống như bài hát "Hoa hồng hoa hồng anh yêu em" đang lan đi trong không khí từ đài phát thanh Osborn[4], chứa đựng một hương vị ngọt ngào ủy mị.
Cao Kính duỗi tấm lưng, nói nhỏ: "Tôi đã về đây." Chỉ một câu thì thầm khi lâu ngày gặp lại, nhưng với Cao Kính, cậu nói ra nghe như tuyên chiến.
Trong quán café Svena, người người túm tụm vào nhau huyên náo, mùi thuốc lá Ai Cập đặc sánh trong không khí. Nhưng trong cái quán chen chúc ấy vẫn có một người đang ngồi riêng lẻ ở một bàn. Một thước xung quanh gã hoàn toàn trống trải, toàn thân gã mặc quần áo sắc vàng của sĩ quan, cái chân vắt vẻo trên bàn xỏ một chiếc bốt màu đen. Nhưng điều khiến người khác phải dè chừng, chính là trong tay gã đang cầm một cái roi ngựa đen đúa.
Cao Kính dường như không sợ hãi con người này, cậu mỉm cười đi đến chỗ gã. Cậu ngồi xuống phía đối diện, nhìn thoáng qua chỗ rượu của gã, rồi gọi bồi bàn lại nói: "Lấy một chai Whisky đến đây."
Gã sĩ quan còn trẻ tuổi nở nụ cười mà nói: "Xem ra, Cửu Ca của Hồng Bang tống khứ cậu đi Tô Cách Lan là tống đúng chỗ rồi, cậu không ưa Vodka mà lại đi chuộng Whisky."[5]
"Nếu hắn làm được thì không chừng đã đẩy tôi đến Tây Bá Lợi Á[6] rồi." Cao Kính cụng một ly rượu vào ly của gã, rồi ngửa cổ uống cạn một hơi.
"Lão già nhà cậu chết quách rồi, có tính toán gì hay không?" Gã sĩ quan cầm lấy chai Vodka trước mặt, trông như không thể chịu được kiểu uống nhỏ giọt từng ly, nên cầm hẳn lấy cái chai mà nốc hết mấy hồi.
"Cũng còn phải cậy ông trùm Việt Quân[7] như anh giúp đỡ đã." Cao Kính cười bảo.
"Trùm Việt Quân chính là Trần Tề Đường, lão già không chắc gì sẽ chiếu cố cho cậu, huống hồ nơi này là Thượng Hải, lão cũng không giúp được cậu chuyện gì đâu!" Gã sĩ quan trẻ tuổi nọ lấy chiếc roi ngựa nhếch vành mũ nhà lính của mình lên một chút, để lộ một khuôn mặt với những đường nét sắc lẻm, lười nhác cười bảo: "Có điều thật ra Trần Hướng Đông này có thể chiếu cố được cậu chút đỉnh."
-
Trời càng lúc càng tối dần, trên đường Phúc Châu, đám kỹ viện, phòng hút[8], quán rượu, nhà hát càng thêm náo nhiệt. Tấm rèm che chỗ hậu trường của đệ nhất sân khấu Đan Quế bị xốc toạc ra. Một cậu trai hãy còn trẻ tuổi đang mơ màng ngủ trên ghế dựa sa sầm mặt mũi, xem ra đang muốn nổi cáu. Trên mặt y, lớp trang điểm diễn kịch chỉ vừa tô được phân nửa, mày ngài mới vẽ còn nhạt, mắt phuợng mảnh và dài, tướng mạo như vậy trông càng có vẻ quyến rũ của phái nữ.
"Đường Ngân Kiệt, cậu lại giở trò gì nữa đây!" Một thanh niên trẻ trung tuấn tú bước đến cười nói.
"Phạm Văn Cổ, cậu đến đây làm gì?" Sắc mặt Đường Ngân Kiệt có nguôi ngoai đôi chút. Y ngả đầu trở về nhắm nghiền hai mắt, từ miệng lại nói ra: "Làm Cửu ca Hồng Bang như cậu không lo trông chừng địa bàn mà lại đến chỗ nhàn hạ của tớ, cậu không sợ có ai đó quấy rối địa bàn của cậu à?"
Phạm Văn Cổ nhấc một giỏ hoa ở bên cạnh y lên, nói: "Cậu ta đã trở về, tớ cũng coi như có thể bàn giao nghỉ ngơi được rồi."
Hai mắt Đường Ngân Kiệt mở ra, quay sang sửng sốt: "Cậu nói chính là đại thiếu gia Cao Kính của Hồng Bang[9] các cậu?"
Phạm Văn Cổ gật đầu. Đường Ngân Kiệt lạnh nhạt cười một tiếng, "Cậu còn không si tâm vọng tưởng cậu ta nữa đi? Ngày xưa cậu ta dụ dỗ cậu đến tận sông Hoàng Phố, nhất quyết đẩy cậu vào chỗ chết, nếu không phải có lão gia Hồng Bang kia nắm rõ con trai lão như lòng bàn tay, khi đó cậu còn giữ được cái mạng hay sao?"
[1] Sông Tùng: Tùng Thủy, là con sông bắt nguồn từ Giang Tô, chảy qua thành phố Thượng Hải, đổ vào sông Hoàng Phố trước khi ra biển.
[2] Áo chẽn: Nguyên văn chính là "đoản quái" (短褂) Đoản là ngắn, quái là áo khoác ngoài. Là dạng áo ngoài đặc trưng của người Hoa đầu thế kỷ này.
[3] Mũ nồi: Nguyên văn là "áp thiệt mạo" (鸭舌帽): QT dịch là mũ lưỡi trai, nhưng theo những gì mình nhớ, nó là loại mũ vải kiểu beret ngày nay.
[4] E. G. Osborn: Ông là một ký giả người Mỹ, và là người đầu tiên lập nên đài phát thanh và các trạm phát tại thành phố Thượng Hải vào mùa đông năm 1923. Phiên âm tên ông sang tiếng Hoa là: 奥斯邦 (Áo Tư Bang)
[5] Tô Cách Lan: Scotland, đây chính là nơi khai sinh ra loại rượu whisky, nên Trần Hướng Đông mới nói đến sự liên quan giữa Scotland và whisky. Người dịch quyết định giữ nguyên cách gọi các danh từ gốc Latinh bằng phiên âm Hán Việt trong các lời thoại để giữ không khí giao thoa văn hóa đặc trưng của thời kỳ này.
[6] Tây Bá Lợi Á: Siberia, vùng cao nguyên miền trung nước Nga, nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt.
[7] Việt Quân: Chữ "Việt" ở đây ám chỉ vùng Lưỡng Quảng, tức Quảng Đông và Quảng Tây. Thời kỳ Dân Quốc, nơi này đã từng là địa bàn của chủ nghĩa quân phiệt, một trong những phe phái quân sự trong cuộc tranh giành quyền lực thống trị của Trung Quốc khi nền phong kiến suy vi. Quân phiệt ở Quảng Tây chia ra nhiều giai đoạn, trong đó có thể tóm gọn lại thành hai Tập Đoàn Quảng Tây (Quế Hệ - Quế cũng là tên gọi khác của vùng Lưỡng Quảng). Quế Hệ Cũ do Lục Vĩnh Đình và một số nhân vật khác lãnh đạo, đến đầu thập niên 1920 thì chuyển sang Quế Hệ Mới do Bạch Sùng Hi và Lý Tông Nhân lãnh đạo. Vào thập niên 40, Bạch Sùng Hi cũng trở thành tướng của Quốc Dân Đảng, tham mưu của Tưởng Giới Thạch.
[8] Phòng hút: Yên quán, là nơi kinh doanh ma túy. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhất là từ sau hai cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, Trung Quốc đã ký các hiệp định không bình đẳng với các nước Phương Tây. Người Trung Quốc xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao cho Phương Tây, và đổi lại, Phương Tây đã bán nha phiến cho Trung Quốc. Thuốc phiện từ đó xâm nhập vào đời sống của người Trung Quốc. Nơi trác táng này vừa là minh chứng cho sự ô nhục mà người Trung Quốc phải gánh lấy trong suốt gần một thế kỷ, vừa là địa bàn cho các phe phái đấu đá, thâu tóm và triệt tiêu nhau.
[9] Hồng Bang: Theo những gì mà sử sách ghi lại, vào đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, xã hội tội phạm ở Thượng Hải phân thành hai bang phái chính liên tục đấu đá nhau, đó là Hồng Bang (红帮) và Thanh Bang. Ở cấp độ thấp, Hồng Bang và Thanh Bang đạt đến sự cân bằng quyền lực và phân chia địa bàn ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên càng về sau, Thanh Bang càng mở rộng và đẩy lùi vị thế của Hồng Bang. Các tư liệu tiếng Anh tìm thấy trên mạng cũng không nói nhiều lắm đến The Red Gang của Thượng Hải. Đây có thể xem như là một tư liệu lịch sử để Triệt Dạ Lưu Hương hư cấu nên tổ chức Hồng Bang của chị (洪帮 - Chữ Hồng được viết khác và có nghĩa là "To lớn", như Đại hồng thủy). Trong truyện, Hồng Bang là tổ chức tội phạm có thế lực ngang ngửa với Thanh Bang, và trong một vài khía cạnh còn vượt trội hơn cả Thanh Bang. Bằng chứng là ở chương 5, Đỗ Nguyệt Sanh nói lão đã biết Phạm Cửu ngần ấy năm mà chưa từng đánh bại được anh. Ngoài ra, Hồng Bang (洪帮) trong thực tế còn chỉ đến các tổ chức với đường lối phản Thanh phục Minh mà chúng ta hay biết đến với những cái tên như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn, Hồng Hoa Hội...
[10] Đàm Phú Anh (1906-1977), Kỳ Lân Đồng (Tên thật: Chu Tín Phương, 1895 - 1975),Mai Lan Phương (1894-1961) là là những diễn viên kinh kịch nổi tiếng của Thượng Hải thời kỳ này. Ở Việt Nam chúng ta biết nhiều đến Mai Lan Phương thông qua phim ảnh, sách báo và nhiều nguồn tư liệu khác. Còn Cao Tào và Đổng Lương Thư có vẻ như là nhân vật được hư cấu, hoặc do người dịch chưa tìm được tư liệu tin cậy để xác minh. Các vở diễn thì có Định Quân Sơn, Tam Tư Hội Thẩm Ngọc Đường Xuân đã xác minh là có thật, còn lại thì vẫn đang trong quá trình tìm hiểu.
[11] Đỗ Nguyệt Sanh (1888 - 1951): Ông ta là một nhân vật có thật trong lịch sử, là con người quyền lực nhất trong thế giới ngầm của Thượng Hải thời kỳ Dân quốc. Thanh Bang (The Green Gang) của Đỗ Nguyệt Sanh đã có lúc lên đến 20.000 bang chúng, với phạm vi hoạt động rộng rãi, từ các ngành thương mại dịch vụ đến buôn bán ma túy và bạo lực. Đỗ Nguyệt Sanh có quan hệ sâu rộng với giới chức Thượng Hải bấy giờ, và là một nhân vật quan trọng dưới trướng Tưởng Giới Thạch. Bản thân Tưởng cũng đã từng tham gia Thanh Bang. Có thể tìm đọc tiểu sử Đỗ Nguyệt Sanh và Thanh Bang qua Google.
[12] Đỗ công quán: Từ công quán có thể hiểu là dinh thự. Như vậy, Đỗ công quán là dinh thự của Đỗ Nguyệt Sanh. Tòa nhà này nằm ở số 66 phố Hoa Cách Niết ngày xưa, người dịch đã đi tìm nhưng không thấy tên Latinh của con phố này, đó có thể là phố Haigue, tuy không chắc chắn lắm. Tuy nhiên, hiện tại đây là con đường Ninh Hải Tây của Thành phố Thượng Hải.
[13] A Bối Nhĩ: Albert.
[14] Âm "A" trong phiên âm "A Bối Nhĩ" đọc giống với chữ "Áp" (Vịt). Âm Cơ của "Cơ Đức Mạn" (rất có thể là Kidman) lại đọc giống với chữ "Kê." Nên có sự trêu chọc ví đàn ông và phụ nữ Tây Phương như gà vịt.
[15] Tưởng ủy viên trưởng: Chính là Tưởng Giới Thạch, tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc. Tưởng Giới Thạch đã là nhân vật quyền lực nhất của Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ 20, trước khi Đảng Cộng Sản chiến thắng và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949. Sau đó, Tưởng cùng chính quyền Quốc Dân Đảng rút lui về Đài Loan và mãi đến tận năm 1979, Trung Hoa Dân Quốc vẫn được công nhận là chính quyền hợp pháp của Trung Quốc, là đại diện chính thức tại LHQ. Tưởng Giới Thạch cũng đã gây ra cái gọi là căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan - một vấn đề về ý thức hệ - với hệ lụy còn tồn tại đến ngày nay. Về nhân vật này, có thể tìm hiểu qua nhiều nguồn tư liệu. Người dịch cũng sẽ có một bản tóm tắt ngắn về ông ở cuối truyện.
[16] Du Tác Bách (1889 - 1959): Tướng lĩnh cao cấp của Tập Đoàn Quế Hệ Mới.
[17] Bạch Sùng Hi (1893 - 1966): Xem chú thích số 7. Bạch Sùng Hi là người lãnh đạo của tập đoàn Quế Hệ Mới và sau này cũng về dưới trướng của Tưởng Giới Thạch.
[18] Gia Cát Lượng thu phục Mach Hoạch: Vào thời Tam Quốc, nước Thục lấy Tứ Xuyên làm căn cứ. Nhưng ở Tứ Xuyên lại có Mạch Hoạch triệu tập quân mã để chống Thục. Gia Cát Lượng dùng kế thu phục Mạch Hoạch, Mạch Hoạch không phục, cho đó đều là quỉ kế của Gia Cát Lượng. Gia Cát đã thả Mạch Hoạch. Cứ như vậy đến lần thứ bảy Mạch Hoạch mới khâm phục và biết ơn không giết của Gia Cát Lượng. Ở đây dùng chữ "trở mặt" là có hơi dịch thoáng so với điển tích, nghiêng về phía chỉ trích Lữ Hoán Viêm.
[19] Câu mà Trần Hướng Đông Trích là lời thoại nổi tiếng trong vở hài kịch Đêm Thứ Mười Hai (Twelfth Night) của Williams Shakespeare. Nguyên văn: "If music be the food of love, play on; Give me excess of it, that, surfeiting, The appetite may sicken, and so die". Vở kịch này đã được dịch sang tiếng Việt và in trong tuyển tập William Shakespeare. Rất tiếc người dịch chưa có điều kiện tiếp cận với bản dịch đáng tin cậy trên, đành phải tự dịch theo hiểu biết cá nhân.
[20] Quế Hệ: Tập Đoàn Quân Phiệt Quảng Tây (xem chú thích thứ 7), ở đây chính là Quế Hệ Mới của Bạch Sùng Hi.
[21] Hiệu buôn Sa Tốn: Là Sassoon House, tòa nhà cao tầng đầu tiên của Thượng Hải, được hoàn thành vào năm 1929 do công ty Cathay Land Co.Ltd của Sir. Victor Sassoon, một người Anh gốc Ả Rập định cư tại Thượng Hải đầu tư Tòa nhà tọa lạc ở ngay Bến Thượng Hải và nhìn ra sông Hoàng Phố trên phố Nam Kinh - trung tâm thương mại lớn nhất thành phố. Độ cao của tòa nhà là 77m, ban đầu tòa nhà có vài tầng được lấy làm khách sạn Cathay, số còn lại được cho thuê, riêng các tầng phần mái dạng kim tự tháp là một nhà hàng, bản thân Sir Victor Sassoon sống ở tẩng trên cùng. Về sau, tòa nhà được dùng làm khách sạn Peace Hotel. Có lẽ, tấm ngân phiếu được phát hành ở đây hoặc là từ ngân hàng hoặc một cơ sở dịch vụ tiền tệ có văn phòng tại tòa nhà Sassoon House, thông tin vẫn đang được xác minh.