Tiếng Người

Chương 16 :

Ngày đăng: 00:50 19/04/20


Hà Nội lúc tám giờ tối mùa đông nhoèn nhoẹt ướt. Những bóng người trên đường nhòa trong mưa phùn và ánh đèn cao áp vàng. Hà Nội nhỏ nhoi và xa xôi.



Khi Duy trở về nhà vào buổi tối thứ Sáu thì M đang ở trong bếp. Nàng mặc một cái tạp dề màu xanh nước biển đã cũ. Nàng đứng chống một tay vào sườn, tay kia cầm cái thìa gỗ dài đảo nồi súp. Mùi tỏi và thịt bò thấm đẫm không khí. Ánh đèn điện từ trên trần bếp hắt những ánh vàng ấm lên mặt nàng. Nàng nhìn anh cười tin tưởng. Anh ôm nàng. Rồi anh đi tắm. Và họ ăn tối.



Để chào mừng anh về, M bày biện bàn ăn đầy đủ trong bếp. Nàng trải khăn ăn. Rượu. Nến.



Sống với nhau bốn năm, Duy vẫn còn ngạc nhiên vì những thú vui bất thần hình thành ở M; nàng sẽ tuân thủ nó tuyệt đối; cho đến lúc nàng bất thần dứt bỏ và hăm hở làm một cái mới. Ví dụ như từ lúc M bắt đầu thích nấu nướng, thì nhất định trong nhà bếp phải có những cái lót nằng gỗ ép. Rồi hai cái găng tay lớn màu đỏ để lấy thức ăn nóng từ trong lò. Rồi các loại muôi to nhỏ khác nhau. Những hộp gia vị. Những cái chén thủy tinh để đong bột, sữa, đường hoặc nước.



Chỉ có một thứ không đổi từ lúc anh biết M: Nàng có một đống những lọ muối khoáng dùng để tắm (anh đã nhìn loáng thoáng những chữ Dead Sea và Lust). Hàng tuần, vào tối thứ Sáu, nàng đổ nước đầy buồng tắm và thả những hạt muối này vào để chúng sủi lên như mạch nước khoáng tự nhiên. Nàng đóng cửa, ngâm người trong đó rất lâu. Bận mấy thì tối thứ Sáu cũng phải làm thế.



Những thứ vô thưởng vô phạt nho nhỏ này thường làm cho Duy buồn cười. Chúng là nguồn để anh trêu chọc M. Chúng là những thứ quý giá với anh.



Hồi mới biết M, anh thấy nàng buồn cười vì nàng cứ vớ vớ vẩn vẩn. M rất ít nói nhưng thỉnh thoảng lại thốt ra một câu làm cho anh giật mình. Ngày hôm đầu họ gặp nhau tại bữa tiệc rất đông du học sinh ở New York, nàng giới thiệu nàng học tin học. “Đàn bà con gái cũng tin học!” – anh đã nghĩ thầm. Anh mặc định nàng cũng như những cô gái khác mà anh từng gặp; anh làm bộ cảm thán vớ vẩn với nàng rằng anh gần 30 tuổi đầu rồi mà chẳng làm được việc gì cả.



- Tại sao lại cứ phải làm gì? – nàng nhìn anh bằng con mắt trong trong.



Rồi nàng hỏi tại sao bây giờ nàng mới thấy anh trong hội du học sinh.



- Anh không thích chơi với dân Việt Nam – anh nói – Đàn đúm vô bổ. Mất thời gian.



- Thế một người Việt Nam là em thì anh có chơi không?



- Còn tùy em có xứng đáng không.



Một lúc sau, trong cao trào của câu chuyện gì đó lẫn lộn đủ thứ triết học nhân sinh, khoa học kỹ thuật và sự tán tỉnh ỡm ờ, anh hỏi:



- Thế nào, em học cao thế thì ai dám lấy em?



- Anh có dám không? – M hỏi lại.



- Anh đang có vợ hờ rồi.



- Tội nghiệp anh nhỉ.



“Tội nghiệp”. Chỉ một chữ đó thôi. Dường như anh là một ngôi nhà bê tông cốt thép và M vừa mới làm sập nó bằng cách lấy một que tăm chọc khẽ – thậm chí nàng không hề chủ ý chọc nó đổ; nàng chỉ nói chính xác điều nàng cảm thấy, tức là “tội nghiệp” cho anh. Tội nghiệp, tội nghiệự sụp đổ làm anh thích thú. Anh nén cười và kể với M rằng về danh nghĩa, anh đang kết hôn với một cô gái người Honduras hơn anh 4 tuổi. Hôn thú chỉ là hình thức. Anh làm thế để giúp cô kia có thẻ xanh vì cô ấy là chị gái của bạn anh. Ngoài ba lần đi chung đến sở nhập cư để làm giấy tờ, anh đi chơi với cô này 4 lần; lần nào cũng là cô ta gọi điện mời anh đi ăn tối, và lần nào anh cũng là người trả tiền.



- Không muốn trả cũng phải trả – anh tặc lưỡi – Kể thì tội nghiệp thật. Anh làm quái gì có tiền.



Bây giờ người vợ trên hôn thú của anh đã có thẻ xanh rồi, thậm chí đang sống chung và có con với một người Mexico, nhưng anh cũng chẳng buồn làm thủ tục li dị.



- Li dị làm quái gì? – anh cười cười – Có vợ thế cũng vui.
- Chẳng thế nào cả. Em có cảm giác trong đầu em có sẵn một cái công tắc. Khi nào có người nổi nóng quanh em, em bật công tắc. Thế là em chẳng nghe thấy gì cả. Haha, em phải bảo vệ em trước thôi.



“Em phải bảo vệ em trước thôi”. Anh biết cảm giác này. Biết rất rõ l



- Mẹ em bảo em vô tâm. Tại vì lúc nào mẹ em nói xấu bố em, em chỉ ậm ừ… Nhưng anh nghĩ kỹ mà xem, nghĩ thật kỹ mà xem, thực ra thì có thể nói gì? Nguyên tắc của em là “khi không thể nói lời tử tế, hãy giữ sự im lặng cao quý”.



M nói rành rọt như đọc một câu kinh thánh. Rồi cười:



- Hay không?



- Hay! – anh cũng cười và nhìn M.



Trông M lúc này chững chạc hơn tuổi 22 của nàng rất nhiều; nhưng nàng cũng lại trẻ hơn tất cả những cô gái 22 tuổi mà anh biết.



Từ Los Angeles, họ đi Las Vegas. Một đêm khuya, sau khi lang thang qua các sòng bạc, họ lái xe về hướng nam của xa lộ I – 15. Ra khỏi thành phố, họ đi lấn xuống sa mạc Nevada. Anh mở nóc chiếc xe Sebring lật mui. Họ ngả ghế nằm nhìn trời. Đêm trên sa mạc trong vắt. Sao kết dày đặc như những mắt lưới của một tấm lưới đen khổng lồ. Bất thần, M đưa tay lên trời, nhấp nhấp ngón cái với ngón trỏ. Anh hỏi M đang làm gì.



- Bắt sao – M cười – trước khi bọn nó chết.



Anh ngã người sang rất nhanh. Một tay anh áp vào một bên má M và khẽ xoay mặt nàng ra phía anh. Anh hôn vào môi nàng.



Khi M lên 15 thì bố mẹ nàng ly dị hẳn. Nàng sống với mẹ.



Biết câu chuyện này, anh thấy thương M và anh ngầm kinh ngạc vào sức mạnh nào đó của nàng. Bởi vì bất chấp những bất hạnh trong quá khứ (hay chính vì những bất hạnh trong quá khứ?), nàng lớn lên thành một người lạc quan, cứng cỏi. Và giàu tình cảm một cách lạ lùng. Đặc điểm cuối cùng này là điều Duy biết ơn nhất. Và anh cứ thấy ở trong sâu, M giống anh lạ lùng. Nàng nhìn cuộc sống giống anh, trân trọng những điều giống anh, và cũng khinh rẻ những điều giống anh. Nàng “sạch” hơn. M “nhẹ” hơn anh nhiều – anh thường mơ hồ nghĩ thế.



Không lâu sau khi biết nhau thì anh chuyển đến sống với M. Anh thuê luật sư giỏi. Anh trả tiền cho cô gái Honduras để làm thủ tục ly dị thật nhanh. Anh ráo riết tìm cách ly dị như người tìm cách rũ một cơn bệnh chết người.



Rồi anh và M cưới.



Một buổi sáng thứ Bảy, hai người đến tòa thị chính của thành phố New York. Họ lấy số rồi kiên nhẫn đứng chờ sau một hàng người dài – chủ yếu là dân bản xứ nghèo và dân nhập cư. Khi số của ược gọi, họ vào một gian phòng nhỏ quét vôi xám. Anh và M đứng song song trước một thẩm phán da đen mặc áo choàng dài ngồi sau một chiếc bàn gỗ cũ. Ông thẩm phán đều đều hỏi hai người câu hỏi thủ tục: “Anh/chị có đồng ý lấy nhau làm vợ chồng nguyện suốt đời chung sống lúc vui cũng như lúc buồn đau ốm cũng như khỏe mạnh?”. Anh nói có. M nói có. “Tôi tuyên bố anh chị là vợ chồng theo luật pháp của bang New York”. Nhân chứng cho đám cưới của họ cũng là một nhân viên của tòa thị chính đứng sẵn trong phòng từ sáng.



Duy viết một lá thư ngắn gửi về nhà. “Con đã lấy vợ”. Chỉ có thế. Không ăn hỏi. Không đám cưới chính thức. Không liên quan đến ai khác ngoài anh và M.



Duy và M. Anh cất cái cuống vé máy bay từ New York đi Los Angeles vào trong ví.



Mùa đông đầu tiên họ sống cùng nhau trong căn hộ trên phố La Salle, họ ở lỳ trong phòng suốt những ngày tuyết lớn. Anh từ chối những lời mời đi làm xa. Có khi anh không rời khỏi nhà trong 2 tuần liền.



Anh đã không bao giờ kể cho M về tai nạn kia. Anh chỉ ngấm ngầm nghĩ rằng mọi việc từ nay ổn rồi. Anh vẫn không dám kéo lưới lên. Nhưng anh biết bên trong ấy có gì.



Từ lúc ấy, cuộc sống của Duy bước vào một khúc khác. Anh thấy mình như con thác cô độc trên núi cao, cuối cùng đã đổ ra đến bể và choáng ngợp trước sự bao la của nó – tình yêu của M, lòng tốt và sự can đảm ở nàng, sự kiên quyết theo đuổi cái đúng và cái công bằng, sự thấu hiểu và vị tha, sự chung thủy tuyệt đối và sự chia sẻ tuyệt đối mà nàng mang lại, thậm chí cả những thói quen lặt vặt của nàng. Anh chưa bao giờ biết rằng con người ta có thể hạnh phúc như thế với một người khác, theo một lối giản dị và tràn đầy như thế. Anh cứ nghĩ chỉ có thể có hạnh phúc tuyệt đối với chính mình, cứ có thêm một người khác nữa là hỏng, là phải nhượng bộ và đánh mất bản thân – điều mà anh không thể chấp nhận. Nhưng anh với M: cái ràng buộc, tin tưởng hoàn toàn khác hẳn. Họ tuy hai mà là một, tuy một mà là hai.