Tiếu Ngạo Giang Hồ
Chương 22 : Bên bờ suối Nghi Lâm gặp nạn
Ngày đăng: 14:12 18/04/20
Bên bờ suối Nghi Lâm gặp nạn
Giải khai huyệt đạo cho tiểu ni. Tiểu ni lập tức nhẩy về phía cửa động để toan chạy trốn. Ngờ đâu thân pháp gã kia còn mau lẹ hơn nhiều. Tiểu ni đang hấp tấp nhẩy xổ ra, không ngờ gã đứng chắn ngoài cửa sơn động. Tiểu ni đụng đầu vào ngực gã. Gã cười ha hả nói:
- Tiểu sư thái còn toan chạy trốn được ư?
Tiểu ni lùi lại rút cây trường kiếm ra toan đâm gã một nhát nhưng lại nghĩ rằng gã không gia hại mình, mình đã là người xuất gia phải lấy từ bi làm gốc. Sao lại cố giết người.
Tiểu ni nghĩ thế rồi không phóng kiếm đâm nữa, dừng tay lại hỏi gã:
- Ngươi cản đường ta làm chi? Nếu ngươi không tránh ra thì thanh kiếm này sẽ đâm chết ngươi đó.
Gã cười nói:
- Tiểu sư thái! Tiểu sư thái là người có lương tâm chẳng nỡ giết tại hạ phải không?
Tiểu ni lên tiếng đáp:
- Ta với ngươi vốn không thù oán thì giết ngươi làm chi?
Gã kia nói:
- Thế thì hay lắm! Vậy tiểu sư thái hãy ngồi xuống nói chuyện được không?
Tiểu ni đáp:
- Sư phụ và sư tỷ đang kiếm ta ở ngoài kia. Hơn nữa gia sư không cho phép ta được nói chuyện với đàn ông.
Gã kia nói:
- Những điều tiểu sư thái muốn nói ra đầu môi cả rồi. Bây giờ nói thêm vài câu hay bớt đi mấy lời cũng chẳng có gì phân biệt.
Tiểu ni lại giục:
- Tránh ra mau! Ngươi có biết sư phụ ta lợi hại thế nào không? Lão nhân gia mà thấy ngươi vô lễ như vậy thì sẽ chặt cặp giò của ngươi đó.
Gã nói:
- Tiểu sư thái muốn chặt đứt cặp giò của tại hạ thì tại hạ để cho tiểu sư thái cứ việc tùy liệu mà chặt, còn lệnh sư phụ ư? Y là một bà già, tại hạ thấy "không ngon" chút nào hết.
Ðịnh Dật sư thái quát lên:
- Nói càn! Những lời điên khùng đó mà mi cũng ghi nhớ vào lòng ư?
- Dạ! Ðệ tử cũng biết không nên cười mà không hiểu lúc đó tại sao lại phì cười. Ðiền Bá Quang lún mình xuống lén lén đi ra cửa động. Gã chỉ đợi người kia cười lên là lập tức xông ra. Không ngờ người ngoài động rất tinh ranh. Y ẩn mình, không phát ra một tiếng động. Ðiền Bá Quang rón rén từng bước một đi ra ngoài. Ðệ tử lo thầm người kia mà bị bắt thì mọi việc đều hỏng hắt. Ðệ tử thấy Ðiền Bá Quang xông ra liền la lên:
- Phải cẩn thận! Hắn đã ra đấy!
Người kia ở đằng xa lại cười ha ha ba tiếng rồi nói:
- Ða tạ tiểu sư thái, hắn không đuổi kịp tại hạ đâu. Khinh công hắn còn kém lắm.
Mọi người đều nghĩ bụng, Ðiền Bá Quang mang ngoại hiệu là "Vạn lý độc hành" thì khinh công phải ghê gớm lắm, trên chốn giang hồ ít người bì kịp. Thế mà người kia dám cả gan bảo gã khinh công tầm thường là cố chọc giận gã.
Nghi Lâm lại kể tiếp:
- Tên ác nhân Ðiền Bá Quang đột nhiên quay lại bẹo má đệ tử một cái. Ðệ tử đau quá la làng rồi gã lại đi ra quát lên:
- Quân cẩu tặc kia! Ngươi có giỏi thì ra đây tỷ thí khinh công với ta!
Ngờ đâu gã làm như vậy là mắc mẹo. Nguyên người kia ẩn ở bên sơn động. Y thấy Ðiền Bá Quang xông ra rồi chuồn vào trong động khẽ bảo đệ tử:
- Cô đừng sợ! Tại hạ đến cứu đây. Gã điểm những huyệt đạo nào?
Ðệ tử đáp:
- Huyệt "Kiên Trinh" và huyệt "Hoàn Khiêu". Tôn giá là ai?
Người kia đáp:
- Hãy giải khai huyệt đạo rồi hãy nói chuyện.
Y liền đưa tay để giải khai huyệt Kiên Trinh và huyệt Hoàn Khiêu cho đệ tử, đồng thời nắn bóp huyết mạch cho lưu thông.
Ðịnh Dật sư thái nghe tới đây thì không khỏi lông mày dựng ngược nghĩ đến câu "Nam nữ thọ thọ bất thân", huống chi Nghi Lâm là một nữ ni. Huyệt "Hoàn Khiêu" ở trên đùi cô mà để cho đàn ông nắn bóp thì thật là không ổn.
Tuy nhiên mụ cũng nghĩ rằng lúc đó rất nguy cấp, huyệt đạo không giải khai thì khó bề trốn chạy và sẽ mất thân về tay Ðiền Bá Quang. Trong hai cái hại cô cân nhắc mà chịu lấy cái nhẹ hơn. Ðã là nhân sĩ võ lâm thì không thể cố chấp tiểu tiết được. Rồi mụ giả vờ không để ý đến điểm này mà cũng không hỏi vặn.
Nghi Lâm lại nói tiếp:
- Không ngờ chỉ lực tên ác nhân Ðiền Bá Quang cực kỳ lợi hại. Ðệ tử bị gã điểm huyệt rồi, tuy người kia đã hếắt sức thúc đẩy mà thủy chung vẫn không giải khai được. Bên tai vẫn nghe tiếng Ðiền Bá Quang hô hoán không ngớt. Gã lại quay về. Ðệ tử bảo người kia:
- Tôn giá mau trốn đi. Gã mà trở về sẽ giết chết tôn giá đó.
Người kia đáp:
- Ngũ nhạc kiếm phái đã đồng thanh đồng khí thì như cây liền cành. Sư muội gặp nạn khi nào ta lại không cứu?