Tống Y

Chương 108 : Phu nhân bị đau khớp

Ngày đăng: 19:18 18/04/20


Cung Minh vuốt râu, nói: "Bệnh do xuất hiện lâu ngày mà thành huyết hư là điều tất nhiên, nhưng người đã bị thương quá mức, chứng huyết khô của hắn đã có hiện tượng âm dương thoát li, không cứu nghịch thì không được. Trừ bổ huyết bổ khí ra, lão hủ thật sự không nghĩ ra được biện pháp nào khác có thể trị bệnh này."



Tiễn Bất Thu gật đầu nói: "Có đạo lý, cứu nghịch và đồng thời bổ khí bổ huyết. Sư phụ, người thấy thế nào?"



Cung Minh ha hả cười nói: "Không cần phải hỏi, cách nghĩ của hắn khẳng định là khác với hai lão gia hỏa chúng ta."



Đỗ Văn Hạo cười cười, nói: "Xấu hổ quá, cách nghĩ của ta và của hai vị đích thực là có chút không giống nhau. Ta cho rằng, huyết hư chỉ là biểu hiện của bệnh này mà thôi, là hậu quả của hư lao chứ không phải là nguyên nhân. Nếu chỉ bổ huyết khí, thì là trị ngọn chứ không phải trị gốc."



Tiễn Bất Thu và Cung Minh nhìn nhau, Cung Minh cười nói: "Thấy chưa? Ta nói có sai đâu? Đỗ lão đệ, ngươi nói tiếp đi, như thế nào mới có thể trị cả ngọn lẫn gốc?"



Trị liệu chứng thiếu máu không thể tái sinh luôn luôn là một nan đề lớn phải đối mặt trong cộng đồng Trung Tây y. Trung y đối với việc trị loại bệnh này đã trải qua một quá trình phát triển dài đằng đẵng, từ cổ đại đến hiện tại, trong một thời kỳ lịch sử rất dài, tận đến khi Trung Quốc hiện đại được thành lập, phương pháp gần như đều lấy bổ dưỡng khí huyết làm chủ. Về sau, theo sự phát triển của khoa học nghiên cứu Trung y, xuất hiện thêm phương pháp bổ tì thận hoặc là bổ gan thận.



Sau này Trung Tây y kết hợp khai triển, phát hiện cơ chế phát bệnh thiếu máu không thể tái sinh chủ yếu là có liên quan tới thận, đại đa số thuộc về thận âm hao tổn, khí huyết đều hư nhược. Thế là, xuất hiện phương pháp lấy việc tư âm bổ thận làm chủ, kiêm bổ khí dưỡng huyết. Đây là cách nghĩ chủ yếu trong cách trị liệu của Trung y, cho nên Đỗ Văn Hạo quyết định bắt đầu từ quan điểm này.



Đỗ Văn Hạo nói: "Bệnh này tim đập nhanh và bị hụt hơi, cả người vô lực, sắc mặt trắng xanh, môi nhợt nhạt, giáp sàng (lớp da dưới móng tay và móng chân) trắng bệch, tay chân nóng rực, đổ mồ hôi trộm, răng, mũi, và dưới da bị chảy máu, mạch đập yếu, lưỡi nhạt. Huyết thuộc âm, âm hư bao gồm cả huyết hư, tâm huyết không đủ, tâm dương lại cao, cho nên tim đập nhanh. Huyết lại là mẹ của khí, huyết hư thì khí cũng hư, cho nên bị hụt hơi, vô lực. Máu không đủ cung cấp cho da, cho nên sắc mặt trắng xanh, môi nhợt nhạt, giáp sàng trắng bệch; âm hư huyết hư sinh ra nóng trong cho nên thấy chân và tay đều nóng; hư nhiệt tổn thương tuyến nước bọt, cho nên khát nước. Nhiệt làm tổn thương huyết lạc hoặc bức máu chảy lung tung, cho nên nhiều bộ vị bị xuất huyết. Mạch đập yếu là vì hiện tượng âm hư nội nhiệt. Tổng kết lại các chứng trên, biện chứng là thuộc thận âm hư nhược."



Cung Minh và Tiễn Bất Thu liên tục gật đầu. Cung Minh hỏi: "Đỗ lão đệ chỉ nói biện chứng, chưa nói phải trị cả gốc lẫn ngọn như thế nào?"



"Tư âm bổ thận!"



"Tư âm bổ thận?" Cung Minh và Tiền Bất Thu hai người đều ngây ra.



"Không sai! Dùng tư âm bổ thận phương phối hợp với đương quy bổ huyết thang gia giảm. Các gọi là âm không sinh thì dương không trường, dương sinh thì âm trường. Cho nên trong phương thuốc dùng bổ âm làm chủ, còn cần phải thêm một ít thuốc bổ dương. Ý ở dương sinh âm trường."




"Ừ, còn chỗ nào không khỏe nữa?"



"Sốt, đau họng..., miệng khô."



Đỗ Văn Hạo sau khi chẩn mạch và nhìn lưỡi cho bà ta, giải thích cho Bàng Vũ Cầm ở bên cạnh: "Lưỡi đỏ, bựa lưỡi vàng, mạch đập yếu, đây là phong hàn xâm nhập vào kinh lạc, lưu lại ở khớp xương, hóa thành nhiệt tý ."



Tuyết Phi Nhi ở bên cạnh nói: "Không đúng, trời lạnh thế này, phong hàn thấp tà xâm nhập, phải lạnh mới đúng chứ, sao lại sốt?"



Đỗ Văn Hạo bật cười, nói: "Ngươi tưởng là giống như tưới nước, lúc tưới nước lạnh vào thì là lạnh sao? Tý chứng (bệnh đau khớp xương do phong, hàn, thấp khớp) ngoại trừ loại nhiệt tý ra thì quả thực còn hàn tý và hàn nhiệt hỗn hợp nữa. Loại khác nhau thì cách chữa cũng khác nhau. Sự khác nhau của ba loại này chính là có phát sốt hay không, loại nhiệt tý thì phải thanh nhiệt giải độc làm mát máu, loại hàn tý thì làm ấm kinh mạch, trừ đi cái lạnh và thông kinh mạch."



Bàng Vũ Cầm nói: "Ta nghĩ mau trị cho bà ta trước đã, nhìn bà ta đau quá kìa."



Tý chứng cũng chính là loại viêm khớp mãn tính, là một loại bệnh bản thân có tính miễn dịch, từ góc độ Tây y mà nhìn, nguyên nhân của bệnh này luôn không rõ ràng. Từ phương diện trị bệnh, bất kể là Trung y hay Tây y đều thuộc vào loại bệnh chứng khó chữa, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp trị liệu đặc biệt. Trị liệu cũng chỉ giới hạn trong làm thuyên giảm các triệu chứng như khớp xương đau nhức và thần cương (sáng sớm thức dậy hoặc khi lâu không hoạt động thì các khớp xương bị tê cứng), khống chế bệnh tình phát triển, bảo trì và khôi phục công năng của khớp xương. Do Tây dược sẽ dẫn tới việc làm tổn thương nghiêm trọng dạ dày, gan, thận và thần kinh, nên ở phương diện này Trung y so với Tây y hiệu quả trị bệnh rõ rệt hơn nhiều, tác dụng phụ cũng ít hơn.



Đỗ Văn Hạo nói với phu nhân trung niên: "Ta trước tiên sẽ châm cứu giảm đau cho bà, sau đó dùng thuốc và từ từ điều dưỡng, bệnh ngày không được gấp, đau đớn vô cùng, bà sẽ phải thường tới để châm cứu giảm đau, kiên trì dùng thuốc, một đoạn thời gian sau sẽ có thể thuyên giảm."



"Hay quá! Đa tạ Đỗ đại phu."



Đỗ Văn Hạo bảo bà ta nằm lên giường, châm cứu các huyệt như Hạ quan ở khớp xương hàm, Dương trì, Dương cốc, Dương khê ở khớp xương cổ tay, Bát tà ở khớp ngón tay, Tất nhãn, Khúc tuyền, Tất dương quan, Dương lăng tuyền ở khớp đầu gối. Châm cứu khoảng một nén hương thì thu châm lại.



Phu nhân trung niên hoạt động cổ tay: "Ối, không đau nữa rồi. ha ha, Đỗ đại phu ngài đúng là thần đó! Ấy, ta nói cũng lưu loát hơn rồi."