Tống Y

Chương 301 : Cản áp tử thượng giá!

Ngày đăng: 19:21 18/04/20


Đỗ Văn Hạo e dè đáp: “Vâng, nhưng cũng không phải hoàn toàn như vậy, những bệnh lặt vặt thông thường thì có thể mở xưởng chế biến thành thuốc để bán đại trà, ngoài ra vi thần vẫn còn một số phát minh về các sản phẩm dùng trong đời sống hàng ngày, cái này có thể mở xưởng đầu tư, nhưng vi thần có một yêu cầu.”



“Yêu cầu gì?” Tống Thần Tông lạnh lùng nói.



“Ban bố chế độ luật bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo hộ bản quyền phát minh.”



Tống Thần Tông kinh ngạc cau lông mày lại tỏ ra vô cùng khó chịu: “Thế nghĩa là gì?”



“Đó chính là khi vi thần phát minh ra một sản phẩm, sau đó sẽ dán nhãn mác hiệu sản phẩm lên nó, cái này chứng tỏ rằng sản phẩm đã thuộc về vi thần, và chỉ có vi thần mới có quyền phát hành buôn bán nó, người khác nếu muốn bán sản phẩm này thì buộc phải trả tiền cho vi thần thì mới được phép bán, cái này gọi là mua bản quyền sử dụng.”



“Nếu người ta không tuân thủ như vậy, thì sẽ coi như là phạm luật, và như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm của pháp luật, và sẽ bị pháp luật trừng phạt theo quy định.”



Sắc mặt của Tống Thần Tông lúc này đã sa sầm xuống hết mức có thể, chỉ lạnh lùng hỏi lại: “Còn gì nữa không?”



Đỗ Văn Hạo cũng đã phát giác ra được thần sắc không vui của Tống Thần Tông, bất giác suy nghĩ xem mình đã nói sai ở chỗ nào, đồ của mình phát minh ra mà người khác muốn sử dụng thì dĩ nhiên phải đưa tiền cho mình rồi, lẽ nào nói như vậy cũng không đúng sao? Nghĩ vậy hắn bèn cố gắng kiên trì nói tiếp: “Vi thần cho rằng, quốc khố lúc này trống rỗng, nguyên nhân chủ yếu là do ba yếu tố, đó là: Quan, binh và phí. Quan chức hiện nay quá nhiều, quân đông mà không tinh, các công tác hành chính chi tiêu hoang phí, ba vấn đề này không giải quyết được thì những lợi ích mà biến pháp mang lại cũng chẳng khác gì một cốc nước nhỏ chẳng thể cứu nổi cả một tòa nhà đang cháy cả!”



Đối với ba yếu tố nan giải này, Tống Thần Tông dĩ nhiên cũng không phải là lần đầu tiên nghe, từ hồi Tống Nhân Tông tích cực tiến hành chính sách “Khánh Lịch Tân Chính” (là tên một chế độ cải cách của Tống Nhân Tông, nhưng hiệu quả thu lại không tốt) là một chính sách nhằm vào ba yếu tố trên, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Bởi vì để giải quyết được ba vấn đề này, thì lại liên quan đến những quốc sách cơ bản của triều Tống và cũng liên quan đến rất nhiều người nữa, hơn nữa những lợi ích của nó đem lại cơ bản cũng chẳng có những công hiệu đặc biệt nào cả.



Nhưng Tống Thần Tông nghe thấy Đỗ Văn Hạo chỉ ra những cái bất cập làm cho mình đau đầu bấy lâu nay, nên cũng có chút tán thưởng, sắc mặt lúc này cũng đã giãn ra đôi chút, sau đó còn gật gật đầu ra hiệu cho hắn nói tiếp.



Đỗ Văn Hạo thấy vậy cũng thấy vững tâm, bèn tiếp tục nói: “Thần cho rằng, muốn đất nước giàu mạnh thì nhất thiết phải phát triển mạnh hai mặt công nghiệp và thương nghiệp, đặc biệt là về mặt phát triển thương nghiệp, phải hỗ trợ, khuyến khích thương nghiệp, từ bỏ những chính sách bất lợi, kìm hãm thương nghiệp phát triển, một đất nước văn minh cao độ là một đất nước có nền thương nghiệp phát triển, dân chúng linh hoạt trong việc làm giàu.”



“Đủ rồi!” Tống Thần Tông lúc này đúng là đã nổi giận thực sự, đập vào bàn chát lên một tiếng khô khốc: “Ngươi muốn thần dân thiên hạ trở thành những kẻ hám lợi, bất lương hay sao? Ngươi muốn dân chúng lúc nào cũng cơ hội, có cái gì thì cũng đem ra buôn bán ư? Ừm! Ngươi còn ý nghĩ gì nữa?”



Đỗ Văn Hạo lúc này đã sợ đến xanh mét cả mặt mày, khi Hoàng Thượng vỗ bàn đập ghế cũng đã làm hắn hoảng sợ lùi về sau hai bước rồi, những câu nói của Tống Thần Tông chẳng khác nào tiếng sét giữa trời xanh giáng hẳn vào đôi tai của hắn, làm cho hắn đang chìm đắm trong việc phân tích làm cho dân giàu nước mạnh cũng phải giật mình bừng tỉnh, Đỗ Văn Hạo lúc này cuống cuồng vén áo lên quỳ xuống nói: “Vi thần biết tội!”



Trung Quốc từ hồi Thương Ưởng (còn có tên Vệ Ưởng, là người thực hành biến pháp cho nước Tần thời chiến quốc, làm cho nước Tần dân giàu nước mạnh về sau thống nhất Trung Quốc) biến pháp bắt đầu cho đến những năm cuối đời nhà Thanh đều thực hành những chính sách trọng về nông nghiệp mà kìm hãm thương nghiệp, những chính sách này không chỉ xuất phát từ tư tưởng Nho Giáo “Trọng lợi khinh nghĩa”, mà còn là tình hình trong nước của Trung Quốc ảnh hưởng lên nó nữa. Hơn nữa Trung Quốc thời cổ đại thì cũng vẫn thuộc vào một đất nước có diện tích trồng trọt, cày cấy vô cùng rộng lớn, vậy nên nông nghiệp dĩ nhiên sẽ rất phát triển. Hơn nữa theo quan điểm của người xưa thì phát triển nông nghiệp không chỉ đảm bảo vấn đề cấp thiết nhất là có cơm ăn, không bị chết đói, mà còn giải quyết được vấn đề quản lý nhân sự, vì người nông dân cả đời họ chỉ có một lý tưởng duy nhất đó là có một mẫu ruộng để cày cấy, sau đó lấy vợ sinh con, như vậy đã là quá đủ đối với họ rồi.



Còn đối với bọn con buôn hám lợi thì không những đi ngược lại hoàn toàn với tư tưởng nho giáo còn nặng nề trong tư tưởng của người Trung Quốc, mà còn làm cho nông dân vì lợi ích của đồng tiền mà bỏ rơi ruộng đất, từ bỏ công việc cày cấy mà đi buôn bán, như vậy hệ thống nông nghiệp sẽ trở nên vô cùng bấp bênh, vì chỉ cần cả nước xuất hiện một số lượng lớn người đi buôn bán thì hệ thống quản lý chính trị của nhà nước sẽ gặp phải nhiều vấn đề vô cùng nan giải, do vậy coi trọng nông nghiệp tự làm tự ăn mà kìm hãm thương nghiệp là một chính sách hàng đầu của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Cũng vì người hưởng lợi nhiều nhất trong chính sách này thì vẫn là Hoàng Đế trong chế độ phong kiến. Vậy nên Đỗ Văn Hạo mang kiến thức của người hiện đại đem đi khuyên giải cho người đứng đầu trong chế độ phong kiến từ bỏ chính sách nông nghiệp chuyển sang phát triển kinh tế là chuyện hết sức hoang đường, hoang đường chẳng khác gì người ta bắt ép gà trống đẻ trứng, bảo lợn leo cây cả.



Tuy ở thời nhà Tống thì thương nghiệp cũng đã có những sự phát triển nhất định, tư bản chủ nghĩa cũng đã manh nha xuất đầu lộ diện, nhưng từ khâu sinh trưởng sản xuất đến những điều kiện xã hội và những quan hệ cho thuê đồn điền thì việc phục dịch thuế má và công thương nghiệp đều bị chế độ phong kiến cưỡng chế, kìm hãm, những nét tư tưởng văn hóa đặc trưng (chủ yếu là tư tưởng Nho Giáo) cùng với chế độ chuyên chế vô cùng cứng nhắc, thậm chí chế độ của thời nhà Tống còn cứng nhắc hơn cả thời nhà Đường nữa, điều này làm cho đại bộ phận dân chúng trở nên nghèo đói, do vậy bọn họ cũng chẳng có khả năng kinh tế mà mua bán sản phẩm, như vậy cũng chẳng thể nào hình thành được một thị trường buôn bán sản phẩm trong cả nước.



Chính vì nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp tự làm tự ăn nên cũng làm cho thị trường thời này thiếu hụt sự mua bán trao đổi và tiêu thụ hàng hóa, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chính vẫn chỉ là tơ tằm, bạc gia công, những đồ sành sứ mỹ nghệ cao cấp..vv.. Những thứ này thì lại thuộc vào những loại sản phẩm xa xỉ cao cấp chỉ dành cho giới thượng lưu sử dụng, do vậy dẫn đến phạm vi tiêu thụ mua bán sản phẩm sẽ bị thu nhỏ. Chính vì tình hình xã hội, hoàn cảnh kinh tế như vậy nên không thể mở ra những công xưởng sản xuất sản phẩm theo quy mô lớn như kiểu cạnh tranh của tư bản chủ nghĩa. Đỗ Văn Hạo không tìm hiểu cặn kẽ tình hình văn hóa cũng như chính trị của đời nhà Tống, nên bê nguyên những nguyên tắc của thời hiện đại lắp vào hệ thống này, do vậy sẽ vô cùng khập khễnh và không thực tế, chính vì thế mà Tống Thần Tông chẳng mấy hứng thú với ý tưởng này của hắn.



Cũng may mà Tống Thần Tông giữ lời của mình, nên dù ông ta vô cùng tức giận nhưng cũng tha thứ cho Đỗ Văn Hạo và những lời nói phi lý của hắn. Tống Thần Tông lúc này cũng chỉ biết căm giận trừng mắt nhìn về phía Đỗ Văn Hạo mà phất tay lên nói: “Thôi ngươi ra ngoài đi!”


Đỗ Văn Hạo lúc này mới đi ra chỗ hành lang bên ngoài trời, nhưng nhất định không chịu chui vào trong phòng nữa, hắn vẫn đứng ở hành lang, vịn vào lan can dõi mắt nhìn khắp khu vườn đang được che phủ bởi những hạt mưa nặng trĩu, thỉnh thoảng còn ánh lên bởi những tia chớp nhập nhằng, Đỗ Văn Hạo sau khi vui sướng quá độ giờ đây lại ngây dại thất thần.



Đúng là nhìn người khác gánh nước thì chẳng bao giờ cảm thấy nặng nhọc, nhưng khi chính mình đưa đòn gánh lên vai thì mới thấy đôi vai mình như muốn gẫy làm đôi vậy, khi bình phẩm một chính sách của người khác ra sao thì vô cùng dễ dàng, nhưng khi chính mình đứng ra thiết lập một chính sách khác thì mới thấy khó khăn muôn trùng. Đã mấy canh giờ trôi qua rồi, hắn khó khăn lắm mới viết được vỏn vẹn một đoạn mở đầu ngắn ngủi, nhưng hắn vẫn thấy đoạn mở đầu đó vẫn chưa làm hắn hài lòng cho lắm! Ài! Thật đúng là không biết nên hoàn thành nhiệm vụ Hoàng Thượng giao phó kiểu gì cho hợp lý đây.



Cũng may mà Hoàng Thượng không quy định cho hắn thời gian là bao lâu, thôi thì cứ từ từ mà tính, nhưng cũng không nên nói lung tung gì đến chuyện làm ăn buôn bán thế nào thế nào nữa, cứ tìm hiểu trước xem người xưa họ quản lý đất nước ra sao đã. Kinh tế đời nhà Tống là đi theo đường lối phát triển tiểu nông vừa và nhỏ, vậy nên muốn phát triển cũng phải nên dựa vào cái kinh tế tiểu nông này mà học hỏi, sau đó dựa trên đó mà tạo ra đường lối mới, cuối cùng là hoàn tất đem nộp cho Hoàng Thượng, ít ra cũng không đến nỗi làm Hoàng Thượng xem xong rồi chê cười lần nữa.



Sau khi có được ý tưởng mới mẻ này, Đỗ Văn Hạo liền bắt đầu đi tìm những quyển sách của người xưa bàn về chuyện quản lý đất nước như thế nào về xem. Hắn cứ suy đi tính lại suốt như vậy được một lúc thì mắt của hắn sáng lên, đúng rồi! Sao mình lại không đi tìm Tư Mã Quang thảo luận nhỉ, ông lão này không phải là đang biên soạn bộ sách có tên Tư Trì Thông Giám (đây là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của Trung Quốc, nó bao gồm lịch sử, chính trị, tư tưởng của người Trung Quốc bắt đầu từ thời nhà Chu đời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến thời Ngũ Triều) đó sao? Đây là một bộ sách tổng quát các cách thức quản lý trị nước của các triều đại trước kia. Chỉ cần nghe ông ấy giảng một hồi thôi, là cũng biết nên viết như thế nào rồi, cần gì phải mở sách dò tìm tài liệu nữa chứ!



Nghĩ đến đây thì Đỗ Văn Hạo cảm thấy chuyện phải nộp bài cho Hoàng Thượng cũng đã có cách đối phó rồi, nên thở hắt ra một cái nhẹ nhõm. Chờ đến tối cổng Hoàng Cung đóng lại rồi thì Đỗ Văn Hạo mới lên kiệu rời khỏi Hoàng Cung đi về Ngũ Vị Đường.



Lúc này Tư Mã Quang cũng đã tỉnh lại, Bàng Vũ Cầm và Tuyết Phi Nhi đang chăm sóc ông ấy, sau đó hai người cho thuốc sát trùng, chống viêm từ từ thông qua ống truyền vào trong dạ dày, nơi này còn có phu nhân của Tư Mã Quang và hai người con của ông ta nữa.



Đỗ Văn Hạo kiểm tra ống dẫn lưu, sau đó lại hỏi lượng nước tiểu, cuối cùng là bắt mạch cho Tư Mã Quang, Đỗ Văn Hạo thấy tình hình của ông ta bây giờ rất ổn, không có biểu hiện nguy cấp nào cả, do vậy hắn cũng hơi yên tâm một chút, suy cho cùng thì Tư Mã Quang cũng đã tuổi cao sức yếu, qua đợt phẫu thuật này, thân thể của ông ta trở nên vô cùng suy yếu, khi Đỗ Văn Hạo khám bệnh cho ông, Tư Mã Quang cũng chỉ mở mắt ra cười với hắn một cái rồi lại nhắm mắt lại, ngủ thiếp đi.



Đỗ Văn Hạo thấy trong lỗ mũi của ông vẫn đang cắm ống dẫn, nói chuyện không tiện nên hắn cũng biết vấn đề trị nước của hắn giờ này chưa thể phó thác được cho Tư Mã Quang được, chắc phải chờ thêm hai ba ngày nữa mới giải quyết xong.



Mưa rơi đúng đủ một đêm, đến ngày hôm sau thì ngớt. Đỗ Văn Hạo vào cung đem dâng lên bức tranh mà hắn vẽ hình dáng của Đông Trùng Hạ Thảo lên cho Tống Thần Tông. Tống Thần Tông hôm nay lên triều thì văn võ bá quan đều bàn luận rằng chính vì do tạm dừng tân pháp mà trời mới đổ mưa.



Tống Thần Tông lúc này cũng chẳng hỏi han đến chuyện hắn viết ý tưởng đường lối quản lý, cai trị đất nước ra sao nữa, dường như Tống Thần Tông biết rằng Đỗ Văn Hạo nhất thời cũng chẳng viết ra được cái gì ra hồn cả.



Đến buổi chiều tối khi Đỗ Văn Hạo trên đường về Ngũ Vị Đường thì thấy mưa lại bắt đầu rả rích rơi.



Bệnh tình của Tư Mã Quang lúc này cũng đã ổn định khá nhiều, không có hiện tượng nguy hiểm nào xuất hiện làm cho người khác phải lo lắng nữa, điều này làm cho Đỗ Văn Hạo cảm thấy được an ủi đi rất nhiều, mặc dù điều kiện chữa trị thời nhà Tống này vô cùng lạc hậu, thiếu thốn, nhưng chế độ tiệt trùng của hắn lại vẫn tiến hành một cách nghiêm khắc và thành công. Ống thông vào dạ dày của Tư Mã Quang đã được rút xuống, ông ta vẫn đang nằm mê man trên giường có vẻ vẫn rất mệt mỏi, Đỗ Văn Hạo thấy vậy nên cũng không tiện hỏi chuyện Tư Mã Quang nữa.



Ngày hôm sau trời lại mưa cả ngày, chờ cho Đỗ Văn Hạo về đến nhà thì trước thềm nhà hắn đã xuất hiện rất nhiều vũng nước lõng bõng.



Đối với ca phẫu thuật của Tư Mã Quang mà nói, thì khi trời nóng sẽ làm cho vết mổ trở nên vô cùng khó chịu, bởi vì trời nóng thì sẽ dễ ra mồ hôi, mà ở thời cổ đại này mà làm phẫu thuật thì ra mồ hôi rất dễ dẫn đến vết mổ bị nhiễm trùng, do vậy trời cứ mưa mãi thế này cũng là một điều tốt lành, tuy là có chút ẩm ướt nhưng cơ hội xảy ra nhiễm trùng sẽ giảm đi trông thấy, đúng là ông trời có mắt.



Đỗ Văn Hạo vào đến bên trong phòng bệnh của Tư Mã Quang, thì đã thấy ông ta đã xuống giường đi lại được rồi, mặc dù vẫn có người dìu đỡ nhưng bệnh tình của ông ta lúc này cũng khá khả quan. Phu nhân của Tư Mã Quang cũng đang ngồi khâu vá lại quần áo cho ông, mặc dù ông chức vụ rất cao, nhưng lại vô cùng liêm khiết, làm quan bao năm như vậy mà cũng chẳng có bao nhiêu tiền của, đến cả quần áo của ông cũng phải khâu vá lại mà dùng chứ không mua đồ mới. Đỗ Văn Hạo lúc này mới để ý phu nhân của Tư Mã Quang, tuy bà nhỏ hơn ông ta những mười tuổi, nhưng mấy ngày gần đây vất vả chăm ông mà đầu tóc cũng đã bạc phơ hết cả, sắc mặt cũng tiều tụy đi khá nhiều.



Đỗ Văn Hạo thấy vậy liền đi đến chắp tay nói: “Phu nhân! Xin phu nhân cứ nghỉ ngơi cho khỏe, những việc nữ công như thế này vô cùng nhức mắt, phu nhân cứ sai một đứa nha hoàn đó nào làm là được rồi, phu nhân ngày nào cũng phải chăm sóc Tư Mã đại nhân như vậy rất mệt đấy, phu nhân cần phải cẩn thận không thì ngã bệnh mất!”



Ngô Thị nghe xong Đỗ Văn Hạo nói liền đặt đồ nữ công trên tay mình xuống, gật đầu cười nói với Đỗ Văn Hạo: “Không sao đâu! Làm phiền Đỗ đại nhân nhiều quá, nếu không nhờ y thuật thần thông của đại nhân, e rằng lão gia của ta đã không còn hy vọng gì nữa rồi!”



Khi hai người vẫn đang nói chuyện thì từ bên ngoài có một tiếng nói của một cô gái nói vọng vào: “Mẫu thân! Con đã bảo là việc đó cứ để con làm rồi mà con mới vào bếp có một lúc mà mẫu thân đã dành lấy việc của con rồi!” Tiếp sau đó là một cái đầu tết tóc bím cùng với gương mặt tươi cười ló vào nhìn Đỗ Văn Hạo và Ngô Thị, đó chính là Tuệ Nhi.