Trí Tuệ Đại Tống

Chương 136 : Phạm Trọng Yêm hại người

Ngày đăng: 18:42 19/04/20


Những tưởng rằng cứ thế sống yên ả hai năm, đến khi đủ tuổi rồi tiếp tục tham gia khoa cử, nhưng Vân Tranh nhanh chóng phát hiện chuyện không đơn giản như thế.



Xem ghi chép của Lâm huyện lệnh mới biết, cuộc cải cách của Phạm Trọng Yêm đã thất bại, năm ngoái ông ta vì an ủi người bạn xui xẻo Đằng Tử Kinh của mình, đã viết bài Nhạc Dương Lâu ký vang danh thiên cổ.



Ông ta là một nhà cải cách được tôn kính, cũng là một vị thánh nhân thuần túy, nhưng trước khi bị biếm quan mất chức, ông ta ban bố tân học chính gây khó khăn lớn cho Vân Tranh, đó là huyện học phải có 200 người mới cho phép lập trường, điều này không khác gì mây đen bao phủ tiền đồ của y.



Khoa cử thời Tống đã có bước tiến dài so với thời Đường, do kinh tế phát triển và đại bộ phận thế tộc lâu đời suy yếu, chuyện đọc sách không còn là đặc quyền hào môn đại tộc nữa, giờ đây cả tầng lớp bình dân, thậm chí thương nhân cũng được tham gia thi thố tài năng. Cũng chính vì thế Đại Tống yêu cầu mỗi người đọc sách đều phải là thánh nhân, vậy thước đo là gì? Dựa vào đánh giá quá trình người đó học tập ở trường của các vị tiên sinh, nói đơn giản giống sổ học bạ sau này, không thể không nói, điều này rất tiến bộ.



Thế nhưng nhân khẩu Đậu Sa huyện vốn ít, đại bộ phận là người dân tộc, phóng mắt nhìn khắp huyện chỉ có 16 người đủ tư cách tham gia huyện học, trong đó 8 vị làm việc ở huyện nha, một bị đọc sách tới điên chỉ có thể ở nhà làm ruộng, chính là vị ở thôn Quang Lĩnh. Còn lại mấy vị khác đang làm thương nhân, chỉ có hai người đang học ở châu học, chính là Tiêu Vô Căn, lấy đâu ra đủ 200 người như yêu cầu của Phạm Trọng Yêm đây? Chẳng trách tên đó nhìn mình là lạ, hắn sớm biết mình không thể thi lên được nữa.



Không có huyện học, tức là Vân Tranh không có được đánh giá hạnh kiểm của tiên sinh, y không thi lên, tuy còn con đường nữa là làm môn hạ đại nho, có thư tiến cử của họ thì cũng được tham gia khoa cử, nhưng con đường này cũng mù mờ không kém, mỗi năm chỉ được một suất tiến cử, họ giành cho con cháu trong nhà hay cho người ngoài?



Chẳng có cái giới hạn 15 tuổi nào hết, Tiêu chủ bạ nói với mình như thế là một lời nói dối thiện ý mà thôi, ông ta nghĩ rằng mình lớn thêm vài tuổi, trưởng thành hơn sẽ hiểu được nỗi khổ trong lời nói dối của ông ta.



Vân Tranh lảo đảo đứng lên, nheo mắt lại nhìn núi xanh đằng xa, lửa giận bốc lên ngùn ngụt.



Y từ nhỏ đã phải gian nan mưu sinh, vật lộn với đời, cho nên không từ chối bất kỳ thiện ý nào, nhưng thiên địa bất nhân coi vạn vật như sô cẩu, làm ruộng săn bắn không mất mặt, y chỉ coi khoa khảo thành một cục đá gõ cánh cửa sĩ đại phu, thêm chút đảm bảo cho cuộc sống của mình và Vân Nhị thôi.
Đất đai của Vân gia được phân giữa lưng núi, không ao, không suối, không kênh, muốn trồng lúa cũng chẳng được. Trước kia nghe nói người ta nuôi cá trong ruộng lúa, gọi là cá hoa lúa, vừa tươi vừa ngọt, nhưng y nhìn ruộng người khác chẳng có con nào, càng bỏ tâm tư trồng lúa.



Rau cải tất nhiên phải trồng rồi, trồng từ lúc nhập đông, giờ cao cả xích, lá to xanh đậm, chứng tỏ đất đai màu mỡ, chỉ thiếu nước thôi.



Vân Tranh đi trước cuốc đất, Tịch Nhục theo sau nhổ cỏ, còn Vân Nhị thì đuổi bướm, thủ pháp cực kỳ thuần thục, trong ống trúc đã đựng đầy bướm màu trắng, không biết nó bắt nhiều bườm thế làm gì.



Mảnh đất dài 20 mét, rộng ba mét, vậy mà cuốc xong ngẩng đầu lên mới phát hiện cả buổi sáng đã lặng lẽ trôi qua từ bao giờ.



Tịch Nhục đưa ống nước đưa cho Vân Tranh, còn nàng dùng xẻng nhỏ đi đào rau dại, cả hai huynh đệ đều thích rau dại, làm nàng hoang mang rau trồng trong ruộng không thích ăn, lại thích mấy thứ không đáng tiền, nàng quy hết điều mình không hiểu cho nhã thú của người đọc sách.



Núi quá cao, trâu không leo lên được, Vân Tranh và Tịch Nhục đeo thừng cật lực kéo bừa, Vân Nhị ngồi trên cái bừa cầm cành liễu quát hai người họ nhanh hơn, nó chơi tới nghiện rồi.



Hương nông đi qua nhìn thấy cành này đều cười vui vẻ, bà nương nhà Nhị gia gia đi qua đặt bên ống nước một bó hẹ, đứa lớn trong nhà đã đếm được từ 1 tới 20, đây coi như tạ lễ.



Bừa xong, chỉ còn đợi mai xuống giống, sương núi trong một đêm sẽ mang tới lượng nước dư dả cho mảnh đất này. Giống như những nhà khác, Vân Tranh oai phong chân đất vác cuốc đi đầu, Tịch Nhục đầu buộc khăn vải lam, tay đeo giỏ trúc, lưng cõng Vân Nhị cúi đầu theo sau, không cúi đầu không được, lúc nào cũng có phụ nhân lắm mồm chỉ chỉ chỏ chỏ, nàng sợ Vân Tranh nghe được lời họ nói, vì họ lúc nào cũng chỉ có đề tài đấy, muốn nàng chui vào chăn thiếu gia, sau đó kể lại cho họ nghe.