Truy Tìm Dracula

Chương 15 :

Ngày đăng: 13:57 19/04/20


Khi đọc xong lá thư cuối cùng của thầy Rossi, cha kể, cha lại cảm thấy phiền muộn, tựa như thầy đã biến mất lần thứ hai vậy. Nhưng đồng thời cha cũng tin rằng việc mất tích của ông chẳng liên quan gì đến chuyến xe buýt đến Hartford ấy, hoặc chuyện người thân của ông bị bệnh ở Florida (hoặc Luân Đôn), như cảnh sát đã cố tình mặc nhận. Cha gạt bỏ những ý tưởng này ra khỏi đầu và bắt đầu xem xét những thứ giấy tờ khác của thầy. Trước tiên phải đọc kỹ, nhận thức hết mọi chuyện đã. Sau đó sắp xếp theo thứ tự thời gian và bắt đầu - nhưng phải từ từ - rút ra những kết luận. Cha băn khoăn tự hỏi liệu thầy Rossi đã từng có linh cảm nào rằng nhờ đào tạo cha, ông có thể đảm bảo được sự tồn tại của chính bản thân mình hay không. Như một kỳ thi tốt nghiệp đầy gian nan - mặc dù cha hết sức mong muốn nó chẳng phải là kết cuộc cho cả ông ấy và cha. Cha tự nhủ mình sẽ không dự tính hành động cho đến khi đọc xong tất cả các tài liệu, nhưng cha đã mơ hồ đoán ra những gì mình có lẽ phải làm. Cha lại mở nó ra, cái gói nhỏ đã bạc màu vì năm tháng.



Ba món kế tiếp là những tấm bản đồ, như thầy Rossi đã hứa, tấm nào cũng được vẽ bằng tay, và không có tấm nào trông cũ hơn những lá thư. Đương nhiên rồi: đây là những phiên bản được ông vẽ lại theo trí nhớ từ những tấm bản đồ ông đã tận mắt nhìn thấy trong trung tâm lưu trữ tư liệu thành phố Istanbul, sau những chuyến phiêu lưu đến đó. Trên tấm bản đồ đầu tiên cha cầm lên, cha nhận ra một khu vực núi non rộng lớn được thể hiện bằng những dấu chữ V nhỏ hình tam giác. Chúng hình thành hai đường bán nguyệt dài suốt trang giấy theo hướng Đông-Tây và tụm lại dày đặc ở phía Tây. Một dòng sông lớn uốn khúc ở rìa phía Bắc tấm bản đồ. Không thấy có thành phố, dù ba hay bốn dấu chữ X ở vùng núi phía Tây có lẽ là để đánh dấu những thị trấn. Bản đồ không ghi các địa danh, nhưng thầy Rossi - cùng một lối như trong bức thư cuối cùng - đã viết quanh đường viền bản đồ: “Kẻ nào không có đức tin và chết khi còn vô đạo sẽ bị lời nguyền rủa của Thánh Allah, của các thiên thần và của con người giáng xuống đầu (Kinh Koran)” và nhiều đoạn văn tương tự. Cha băn khoăn tự hỏi không biết dòng sông cha nhìn thấy ở đây liệu có thể là dòng sông mà dường như ông ấy cho rằng đã được biểu tượng hóa bằng hình ảnh cái đuôi rồng trong cuốn sách của ông. Nhưng không; trong trường hợp đó ông hẳn sẽ đề cập đến tấm bản đồ có tỷ lệ lớn nhất, chắc chắn nó có trong số những tấm bản đồ này. Cha nguyền rủa những tình huống - tất cả các tình huống - đã ngăn cản không cho cha được cầm tận tay nhìn tận Fắt những tấm bản đồ gốc; bởi chắc chắn vẫn có những điểm thiếu sót hoặc không nhất quán giữa bản sao và bản gốc, dù Rossi có khéo léo và trí nhớ của ông có tuyệt vời đến đâu.



Bản đồ kế tiếp có vẻ tập trung nhiều hơn vào khu vực rừng núi phía Tây đã được vẽ trên tấm bản đồ thứ nhất. Một lần nữa cha lại thấy dấu chữ X được ghi nơi này nơi kia, đánh dấu những vị trí tương đương những vị trí trên tấm bản đồ thứ nhất. Nhưng xuất hiện một dòng sông nhỏ hơn, chảy ngoằn ngoèo qua vùng núi. Và lại không ghi tên địa danh nào. Thầy Rossi đã ghi chú suốt phía trên tấm bản đồ này: “(Lặp lại câu trích Kinh Koran trong tấm bản đồ thứ nhất).” Chậc, hồi đó ông ấy cẩn trọng đúng kiểu thầy Rossi mà cha hằng quen biết. Nhưng dù có thế, những tấm bản đồ này vẫn quá đơn giản, một bản phác thảo quá sơ sài để có thể gợi ra bất kỳ khu vực cụ thể nào đó mà cha đã từng nhìn thấy hoặc từng nghiên cứu. Nỗi chán nản trào dâng trong cha như một cơn sốt, nhưng một cách khó khăn, cha đã cố nén nó xuống để buộc bản thân tập trung trở lại.



Tấm bản đồ thứ ba sáng sủa hơn, dù đến lúc đó cha vẫn không chắc nó có thể cho biết chính xác điều gì. Đường viền tổng quát của nó quả thực là hình bóng dữ dội qà cha đã quen thuộc trong hai cuốn sách có hình con rồng của cha và thầy Rossi, dù vậy cha hẳn không thể nhận ra ngay nếu không được thầy Rossi tiết lộ chi tiết này. Tấm bản đồ cũng cho thấy cùng một vùng núi non vẽ bằng hình tam giác. Trong tấm này đã thể hiện chúng rất cao, tạo thành những đỉnh san sát nhau theo hướng Bắc-Nam, một dòng sông uốn khúc chảy qua vùng núi và đến cuối nở rộng ra thành một cái gì đó giống như một hồ chứa. Đó có thể là hồ Snagov của Rumani như các truyền thuyết nói về nơi chôn cất Dracula đã gợi ý, tại sao không? Nhưng, như thầy Rossi đã ghi chú, không có hòn đảo nào ở chỗ dòng sông nở rộng, và dù sao chăng nữa nơi đó trông cũng không giống một cái hồ. Những dấu X một lần nữa lại xuất hiện, lần này được ghi chú bằng những mẫu tự Cyrillic nhỏ li ti. Cha nghĩ rằng đó là các tên làng Fà thầy Rossi đã đề cập.



Giữa những tên làng rải rác này cha thấy có một hình vuông, được thầy Rossi ghi chú: “(Chữ Ả-rập) Hầm Mộ Tội Lỗi của Kẻ Tiêu Diệt Người Thổ.” Phía trên hình vuông này là một con rồng nhỏ, được vẽ khá đẹp, trên đầu nó là hình một lâu đài, ở phía dưới cha còn đọc được nhiều chữ Hy Lạp khác, thầy Rossi đã dịch chúng sang tiếng Anh: “Ở nơi chốn này, hắn bị giam giữ trong cái ác. Hỡi độc giả, bằng một lời, hãy đào mồ hắn lên.” Những dòng chữ này có một sức hấp dẫn lạ lùng, giống như một câu thần chú, cha đã kịp ngậm chặt môi lại khi vừa định mở miệng đọc to từng từ ấy. Tuy nhiên, như những vần thơ ma quái, trong một thoáng chốc, chúng nhảy múa điên cuồng trong đầu óc cha.



Cha đặt cả ba tấm bản đồ qua một bên. Thật khủng khiếp khi nhìn thấy chúng ở đó, chính xác như thầy Rossi đã mô tả, càng lạ lùng hơn khi chúng không phải bản gốc qà chỉ là những bản sao do chính tay thầy vẽ ra. Rốt cuộc, cha phải lấy gì để chứng minh với mình rằng ông ấy đã không dựng lên mọi chuyện và vẽ ra những tấm bản đồ này như một trò chơi khăm đây? Cha chẳng hề có tư liệu gốc nào về vấn đề này, ngoại trừ những lá thư của ông ấy. Cha nhịp nhịp ngón tay lên mặt bàn. Đêm nay, đồng hồ trong phòng làm việc của cha hình như gõ nhịp to một cách bất thường, và thứ bóng tối chập choạng của chốn thành thị có vẻ như vẫn ở sau bức màn che cửa sổ. Từ nhiều giờ qua, cha đã không có gì bỏ bụng và đôi chân bắt đầu đau nhức, nhưng bây giờ chưa phải là lúc nghỉ ngơi, cha liếc vội vào tấF bản đồ đường sá vùng Balkan, nhưng không thấy có dấu hiệu bất thường nào, có vẻ như vậy - chẳng hạn như các ghi chú bằng tay. Tập quảng cáo về nước Rumani cũng không có gì đặc sắc, ngoại trừ thứ tiếng Anh kỳ cục in trên đó, chẳng hạn như “Hãy thưởng thức miền quê trù phú và kinh hoàng của chúng tôi”. Những thứ duy nhất còn lại chưa được xem đến là các ghi chú viết tay của thầy Rossi và bao thư nhỏ được niêm kín mà cha đã để ý ngay khi vừa lật qua những trang giấy đầu tiên. Vì bì thư đó được niêm lại nên cha đã định sẽ xem xét nó sau cùng, nhưng cha không còn chờ đợi được nữa. Tìm con dao rọc giấy giữa đống giấy tờ trên bàn viết, cha cẩn thận mở niêm phong, rút ra một tờ giấy dùng để viết thư.
Trong cơn nôn nóng, tôi đã bạo gan nêu ra một câu hỏi thẳng thừng. “Bắt ư?”



Cha liếc nhìn tôi, vẻ nghiêm trọng, tựa như đang cân nhắc những rủi ro đến từ câu trả lời mình có thể đưa ra. “Đường rất dốc,” cuối cùng cha nói. “Cha không muốn phải tìm đường trở về trong đêm tối giữa các lùm cây kia. Con cũng vậy chứ?” Nhưng tôi thấy nếu thế thật thì cha cũng đủ gan thôi.



Tôi nhìn xuống rừng cây ô liu, lúc này đã ngả màu xám trắng thay vì Fàu hồng bạc. Cây nào cũng vặn vẹo, như muốn vươn lên cao, hướng lên cái pháo đài phế tích kia, dù sao chăng nữa cũng từng một thời đứng canh gác cho chúng - hoặc tổ tiên chúng - khỏi những ngọn đuốc của bọn Saracen(1). “Không,” tôi trả lời, “con cũng không muốn.”



Chú thích:



1. Saracen: dân du mục ở vùng sa mạc bán đảo Ả-rập; ở đây ám chỉ quân Ả-rập Hồi giáo thời kỳ Thập tự Chinh.