Truy Tìm Dracula

Chương 37 :

Ngày đăng: 13:57 19/04/20


“Quả thực Helen đã rất mệt mỏi, cha đành miễn cưỡng để cô ở lại nhà nghỉ để chợp mắt một lát. Cha không muốn để cô ở đó một mình, nhưng Helen nói rằng ánh nắng giữa ban ngày chắc chắn đã đủ bảo vệ cho cô rồi. Thậm chí nếu biết chúng ta ở đâu, vào giữa thanh thiên bạch nhật thế này gã thủ thư xấu xa kia cũng chẳng dám xâm nhập vào phòng đã khóa kín, vả lại cô đã mang theo cây thánh giá nhỏ rồi. Chúng ta còn nhiều giờ rảnh rỗi trước khi Helen có thể gọi lại cho bác cô, và chúng ta cũng không thể làm gì để thu xếp cho chuyến đi, cho đến khi nhận được chỉ dẫn của bà. Cha để cặp xách lại cho Helen trông chừng và cố ép mình rời khỏi phòng trọ, vì chắc hẳn cha sẽ điên lên mất nếu cứ cố nán lại đó mà vờ như đang đọc sách hoặc suy nghĩ chuyện này chuyện kia.



“Có vẻ như đây là một cơ hội thuận tiện để ngắm nhìn một vài thứ khác của Istanbul, vì vậy cha đã hướng về khu Cung điện Topkapi, đầy những mái vòm và rối rắm như mê cung, được Quốc vương Mehmed ra lệnh xây dựng để làm nơi an tọa của ông trên vùng lãnh thổ mới chinh phục. Ngay từ buổi chiều đầu tiên tạiIstanbul, cha đã lưu ý đến khu cung điện này, khi nhìn từ xa và cả khi đọc cuốn sách hướng dẫn. Cung điện Topkapi bao phủ một diện tích lớn trên mỏm đất nhô ra biển của Istanbul, ba bề là mặt nước: kênh Bosphorus, mũi Golden Horn và biển Marmara. Cha thầm nghĩ nếu bỏ qua nơi này, cha cũng sẽ bỏ qua một phần cốt lõi của lịch sử thành phố Istanbul dưới thời Ottoman. Có lẽ lại một lần nữa cha để cho tâm trí lang thang, quên bẵng đi thầy Rossi, nhưng hồi tưởng lại, cha nghĩ chính thầy Rossi hẳn cũng sẽ hành động như vậy nếu có một vài giờ rảnh rỗi ngoài dự kiến.



Khi tản bộ qua những công viên, các khoảnh sân nhỏ phía bên trong, và các sảnh đường, những nơi từng in dấu nhịp đập của trái tim đế quốc Ottoman hàng trăm năm, cha đã thất vọng khi thấy có rất ít hiện vật thời Mehmed được trưng bày tại đó - chỉ có vài món trang sức lẻ tẻ trong kho báu của Quốc vương và vài thanh kiếm của Người Chinh phục, đã sứt mẻ vì sử dụng quá nhiều hoặc quá lâu. Cha nghĩ mình đã quá kỳ vọng khi muốn nắm bắt nhiều hơn về vị Quốc vương có đạo quân từng đánh bại Vlad Dracula ấy, vị Quốc vương có những vị triều thần từng lo lắng về vấn đề trị an phát sinh từ ngôi mộ được cho là của Dracula ở hồ Snagov. Cha nghĩ - nhớ lại trò chơi cờ shahmat của mấy ông già trong khu chợ nọ - như thế khá giống với việc cố gắng xác định vị trí quân vua của đối thủ bằng cách chỉ biết vị trí quân vua của mình.



“Tuy nhiên, vẫn còn vô số những thứ khác trong cung điện khiến đầu óc cha bận rộn. Dựa theo những gì Helen đã kể với cha ngày hôm qua, đây là một thế giới nơi có hơn năm ngàn kẻ hầu người hạ được phong chức danh Đại Mão Quan(1) chỉ để phục vụ ý muốn của Quốc vương; nơi có vô số thái giám ngày đêm canh giữ đức hạnh cho khu hậu cung khổng lồ của các vị Quốc vương, mà thực chất nơi này chẳng khác gì một nhà tù lộng lẫy; nơi mà Quốc vương Sleyman Vĩ đại, trị vì vào giữa thế kỷ mười sáu, đã thống nhất vương quốc, hệ thống hóa luật pháp và biến Istanbul thành một kinh thành tráng lệ không kém gì dưới thời các hoàng đế Byzantine. Cũng giống các hoàng đế xưa kia, mỗi tuần một lần, vị Quốc vương này xuất hành vào thành phố, đến thánh đường Hagia Sophia để tế lễ - nhưng vào ngày thứ Sáu, ngày thiêng liêng của tín đồ đạo Hồi, chứ không phải là Chủ nhật. Đó là một thế giới của những nghi thức khắt khe và những bữa tiệc xa hoa lãng phí, của gấm vóc lụa là và những công trình lát đá làm say đắm lòng người, của những loại trang phục màu xanh lá dành riêng cho vị tể tướng và màu đỏ cho các thị thần khác, của những đôi ủng đủ màu sắc và những chiếc khăn xếp cao ngất ngưởng.



“Cha đặc biệt ấn tượng với lời mô tả của Helen về các Janissary, những quân đoàn vệ binh thiện chiến, được tuyển chọn từ những thiếu niên bị bắt giữ trên khắp đế quốc Ottoman. Trước đây cha đã có đọc về họ, những cậu bé này sinh ra là người Thiên Chúa giáo trong những vùng như Serbia và Wallachia nhưng lại lớn lên trong xã hội Hồi giáo, được huấn luyện để thù ghét chính những dân tộc mà từ đó họ xuất thân và khi đến tuổi trưởng thành, giống như những chú chim ưng đã đủ lông đủ cánh, họ sẽ gây chiến chống lại những dân tộc đó. Thực ra, cha đã nhìn thấy hình ảnh của đám vệ binh này ở đâu đó rồi, có lẽ trong một tuyển tập tranh vẽ thì phải. Khi nghĩ đến những khuôn mặt non nớt vô cảm đang quần tụ lại để bảo vệ vị Quốc vương của họ, cha cảm thấy cung điện vốn đã lạnh lẽo này càng trở nên lạnh lẽo thêm xung quanh mình.



“Khi lang thang từ phòng này sang phòng khác, một ý nghĩ chợt lóe lên trong cha: chàng trai trẻ Vlad Dracula hẳn có thể là một Janissary xuất sắc. Ở đấy, đế quốc Ottoman đã bỏ qua một cơ hội, một cơ may để tăng thêm chút nữa tính tàn bạo cho sức mạnh khổng lồ của mình. Cha nghĩ, họ nên bắt hắn lúc hắn còn rất trẻ, thay vì trả hắn về cho cha hắn, lẽ ra họ nên giữ hắn ở lại vùng Tiểu Á. Sau khi được trả về, hắn đã trở nên quá độc lập, một kẻ phản bội, không trung thành với bất kỳ ai ngoài bản thân mình, hành hình những người từng đi theo mình cũng nhanh chóng và dễ dàng như khi tàn sát những kẻ thù người Thổ. Giống như Stalin vậy - khi nhìn ra mặt nước lấp lánh nắng của dòng kênh Bosphorus, chính cha cũng thấy ngạc nhiên khi mình lại chuyển hướng liên tưởng như thế. Stalin đã chết năm ngoái, và lại có thêm tin đồn về những hành động tàn bạo của ông ta rò rỉ đến giới báo chí phương Tây. Cha nhớ câu chuyện về một vị tướng có lẽ là trung thành nhưng đã bị Stalin buộc tội - ngay trước khi chiến tranh xảy ra - là muốn lật đổ ông ta. Nửa đêm, vị tướng đó đã bị lôi ra khỏi nhà và bị treo ngược lên xà ngang của một ga xe lửa nhộn nhịp bên ngoài Matxcơva nhiều ngày liền cho đến chết. Hành khách của các chuyến tàu đều trông thấy, nhưng không ai dám liếc nhìn về hướng ông ta lần thứ hai. Nhưng sau này, ngay cả những người trong khu vực quanh đó cũng không thể xác nhận chuyện này có thật là đã xảy ra hay không.



“Ý tưởng khó chịu đó cứ bám riết lấy cha lúc cha rảo bước khắp các căn phòng kỳ diệu trong cung điện; chỗ nào cha cũng cảm nhận thấy có gì đó quái gở hoặc nguy hiểm, thứ gì đó rất có thể trong quá khứ chỉ đơn giản là để thể hiện một cách áp đảo quyền lực tối thượng của Quốc vương, một quyền lực không những không được che giấu mà còn trưng ra ở những hành lang nhỏ hẹp, những lối đi vòng vèo, những khung cửa sổ có chấn song, trong những khu vườn nằm tách biệt. Cuối cùng, để tìm đôi chút khuây khỏa khỏi cảnh pha trộn giữa cảm giác dễ chịu đến mê mẩn và bức bối như bị cầm tù, giữa sự tao nhã và áp chế ấy, cha lững thững đi ngược trở lại ra mảnh sân phía ngoài, đến bên hàng cây chan hòa ánh nắng.



“Tuy nhiên, ở ngoài đó, cha chỉ gặp những hồn ma đáng sợ nhất, vì cuốn sách hướng dẫn đã ghi rõ đó là khu vực hành quyết và giải thích cặn kẽ thói quen của Quốc vương: chặt đầu các quan chức và bất cứ người nào làm ông ta phật lòng. Đầu của họ bị bêu trên những cây cọc nhọn trước cổng cung điện, một bài học khắc nghiệt dành cho kẻ khác. Vị Quốc vương ở đây và kẻ nổi loạn ở Wallachia đều một giuộc như nhau, cha nghĩ, ghê tởm quay mặt đi. Cha cảm thấy đã tỉnh táo trở lại sau một lúc dạo quanh khu công viên xung quanh, hình bóng mờ đen của một chiếc tàu chạy ngang qua dưới ánh chiều đỏ yếu ớt như nhắc nhở trời đã về chiều và cha nên quay về với Helen, có lẽ lúc này cô cũng đã nhận được tin tức từ bà bác.



“Lúc cha về đến, Helen đang chờ trong sảnh nhà nghỉ với một tờ báo tiếng Anh. ‘Đi dạo vui chứ?’ cô ngước nhìn lên, hỏi.



“ ‘Kinh khủng lắm,’ cha trả lời. ‘Tôi đã đến Cung điện Topkapi.’
“ ‘Rất tuyệt,’ cô ôn tồn nói. ‘Tôi rất mừng vì anh sắp gặp bác tôi, bà ấy rất tuyệt, và cả mẹ tôi nữa, cũng rất tuyệt, nhưng nói cách khác, tôi vui vì họ cũng sắp được gặp anh.’



“Cha liếc nhanh về phía cô - sự dịu dàng trong giọng nói của cô chợt khiến tim cha loạn nhịp - nhưng gương mặt cô đã trở lại vẻ mỉa mai thận trọng thường lệ. ‘Vậy thì bao giờ chúng ta lên đường?’ cha hỏi.



“ ‘Sáng mai chúng ta lấy thị thực và sẽ bay vào ngày kia, nếu chuyện vé không có gì trở ngại. Bác tôi bảo sáng mai chúng ta phải đến lãnh sự quán Hungary trước giờ mở cửa và bấm chuông - vào khoảng bảy giờ ba mươi. Từ đó, chúng ta có thể đi thẳng đến đại lý du lịch để đặt vé máy bay. Nếu hết chỗ, chúng ta sẽ đi tàu, một chuyến hành trình rất dài đấy.’ Cô lắc đầu, nhưng cha bất chợt hình dung ra đoàn tàu đang gầm rú, xình xịch hướng về vùng Balkan, vượt qua hết thủ đô cổ xưa này đến thủ đô cổ xưa khác, và trong khoảnh khắc cha bỗng hy vọng là chuyến bay đã hết vé, dù như vậy chúng ta có thể mất nhiều thời gian hơn.



“ ‘Liệu có chính xác nếu tôi hình dung cô giống bác cô hơn là giống mẹ cô không?’ Có lẽ cuộc phiêu lưu tưởng tượng bằng tàu hỏa kia đã làm cha mỉm cười với Helen.



“Cô lưỡng lự chỉ trong giây lát. ‘Lại chính xác nữa rồi, anh Watson. Ơn Chúa, tôi rất giống bác tôi. Nhưng anh sẽ thích mẹ tôi hơn - ai cũng vậy cả. Và giờ tôi mời anh ăn tối tại nhà hàng ưa thích của chúng ta rồi làm việc về bài thuyết trình của anh trong bữa ăn được chứ?’



“ ‘Tất nhiên rồi,’ cha đồng ý, ‘miễn là đừng có cô ả Gypsy nào ở đó nữa.’ Cha khuỳnh cánh tay ra, vẻ vô cùng trịnh trọng, cô tì nhẹ vào tờ báo để đứng dậy. Khi chúng ta bước ra ngoài, trong ánh nắng chiều hanh vàng trải dài trên những con đường của thành phố Byzantine đó, cha ngẫm nghĩ và thấy thật kỳ lạ khi ngay cả trong những hoàn cảnh lạ lùng nhất, những giai đoạn khó khăn nhất trong đời một con người, những cuộc chia ly đau lòng nhất với gia đình và những gì thân thuộc, vẫn có những khoảnh khắc của niềm vui không sao phủ nhận được.”



Vào một buổi sáng đầy nắng ở Boulois, Barley và tôi đáp chuyến tàu sớm đi về Perpignan.



Chú thích:



1. Nguyên văn: Great Turban Winder - quan chức có nhiệm vụ trông nom những chiếc mũ khăn xếp của Quốc vương Hồi giáo.