Tướng Dạ

Chương 148 : Nha dịch bị thương, đạo sĩ già đứng bên tế đàn

Ngày đăng: 03:01 19/04/20


Cố Tiểu Cùng choáng váng nói:



- Tứ gia, ngài chơi không đẹp rồi, sao lại phá giá như vậy?



Tề tứ gia quát:



- Đẹp cái mẹ ngươi! Các người muốn cướp sản nghiệp của đại ca ta còn đòi ta chơi đẹp à!



Cố Tiểu Cùng bị chửi tím mặt, hắn cắn răng đề nghị với Ninh Khuyết:



- Giá chót, năm trăm lượng bạc! Nói thật với ngươi, số tiền này ta phải lấy từ hai cửa hàng khác đập vào, cao thêm nữa thì ta bó tay.



Tề tứ gia cười nhạt, mỉa mai nhìn hắn:



- Xem thằng nhãi keo kiệt chưa kìa, Tống Thiết Đầu sao lại dạy dỗ ra loại người như vậy nhỉ? Làm việc không có lấy một tý hào phóng, để ông mày cho biết thế nào là trả giá.



Nói đoạn quay sang nhìn Ninh Khuyết cười ngạo nghễ:



- Ông chủ nhỏ, chỉ cần ngươi chịu tiếp tục kinh doanh trên con đường này thì Tề tứ gia ta còn sống một ngày, sẽ không thu một đồng tiền...



Mấy chữ cuối cùng quan trọng nhất chưa thoát ra khỏi miệng gã thì Ninh Khuyết đã giơ tay lên cắt lời, hắn cười điềm đạm, hỏi:



- Tứ gia, lúc nãy ngài nói sẽ miễn một năm tiền thuê đúng không?
Ninh Khuyết thầm than thở trong lòng, nhân dân Trường An quả nhiên ai cũng chí khí vô song, cho dù là một nha dịch nho nhỏ trong hoàn cảnh bất lợi thế này vẫn giữ được thói ngang ngạnh.



Tề tứ gia ngồi xổm xuống, khinh miệt vỗ vỗ lên mặt gã:



- Ngươi làm ta sợ quá đi thôi, con mẹ nó, cả lũ chúng ta thì khác gì nhau, đều là chó được bề trên nuôi dưỡng, hai con chó các ngươi cũng chỉ mặc nhiều hơn ta một bộ quần áo công sai thôi, đương nhiên, bộ quần áo của các ngươi rất có giá nên giết thì không dám chứ chó cắn chó trên đường thì bậc bề trên kia quan tâm làm khỉ gì?



Nói xong, Tề tứ gia đứng dậy, quay người thi lễ với Ninh Khuyết rồi dẫn đám đàn em nghênh ngang bỏ đi, hội du côn nam thành Cố Tiểu Cùng chụm lại thì thào bàn tán một lúc rồi đỡ hai gã nha dịch ly khai, không kẻ nào thèm liếc chủ tớ Ninh Khuyết lấy một cái, bởi lẽ ai cũng biết Tề tứ gia đã lên tiếng rồi thì trước khi áp chế thậm chí giết chết được đối phương, mọi hành động đe dọa đối với Ninh Khuyết ngoại trừ khiến phe mình tỏ vẻ bỉ ổi nhỏ mọn ra thì chẳng còn tác dụng gì khác.



Câu chuyện tranh chấp ngõ 47 đã chấm dứt theo cách như vậy, không có hồi sau, đúng như Tề tứ gia đã nói, ông chủ sau lưng hai phía đều không có hứng thú can thiệp vào cuộc cắn lộn giữa chó và chó, tuy vậy vẫn có một số điều khiến Ninh Khuyết cảm thấy khó hiểu.



Nha dịch tuy là nhân vật nhỏ xíu nhưng họ mặc áo quan, đeo đao nhà quan, đại diện cho bộ mặt của triều đình, tôn nghiêm của đế quốc, cho dù ông chủ đứng sau Tề tứ gia - cũng chính là người trung niên trú mưa trong cửa hàng ngày trước - có chỗ dựa vững chắc đến mấy nhưng hành động đánh đập quan sai ngay giữa đường giữa chợ thật quá hung hăng càn rỡ, càng lạ hơn là Tề tứ gia không hề động chạm đến đám du côn nam thành lại ra tay một cách vô lý với người trong cửa quan, điều này khiến người ta khó mà lý giải được.



Trừ phi hai bên vốn có thù oán cực sâu.



Suy đoán đến đây, Ninh Khuyết hơi nhăn trán rồi lại giãn ra ngay, bữa nay ra đường là để tới Hồng Tụ Chiêu vui chơi đồng thời tiêu bớt khoái cảm mà bước thành công đầu tiên trong cuộc báo thù đã mang lại, những suy nghĩ rối rắm, những bước tiếp theo của cuộc báo thù, thôi để mai tính.



Quãng đường từ ngõ 47 đến Hồng Tụ Chiêu khá xa xôi, thường ngày Ninh Khuyết vẫn ngồi xe ngựa hai đồng một chuyến, giờ có Tang Tang làm bạn tất nhiên không lo buồn chán nên hắn chọn cuốc bộ, hai chủ tớ chẳng ai thèm để trận giằng co lúc nãy trong lòng, Ninh Khuyết quá quen với đâm chém đánh lộn, Tang Tang thì chẳng bao giờ cho vào đầu mấy thứ mà nàng nghĩ rằng không quan trọng, vì vậy dọc đường đi cả hai đều vui phơi phới.



Họ qua phường Thịnh Hoa, đường Thông Đạt, lượn vào hiệu sách một vòng rồi mua cơm nắm gói trong lá sen ăn, vội vội vàng vàng vượt qua đường Chu Tước, sau đó phát hiện có chỗ náo nhiệt. Một ông già mặc đạo bào dẫn đầu hơn mười người dân thành Trường An quỳ lạy trước tế đàn, Ninh Khuyết khều tay hỏi người cũng đứng xem náo nhiệt bên cạnh mới biết thì ra đạo quan nào đó của Nam môn Hạo Thiên đạo đang tiến hành nghi lễ cầu phúc, hy vọng đem mưa xuân từ thành Trường An chuyển lên tưới miền bắc đang khô hạn.



Đạo sĩ đứng bên tế đàn râu tóc bạc phơ, đạo bào tung bay trong gió, quả thật rất có dáng tiên phong đạo cốt, thanh kiếm gỗ trong tay lão rung lên u u giữa không trung, mũi kiếm chỉ vào mấy lá bùa viết chữ đỏ tươi, lát sau nghe “vút” một tiếng, thanh kiếm phá không bay ra cắm phập xuống bồn cát vàng đặt trước tế đàn, mấy lá bùa cũng đột nhiên bùng cháy, tro tàn theo gió rải kín trên mặt cát.