[Dịch]Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 107 : Chương 107

Ngày đăng: 19:14 17/09/19

Ân Lê Đình nói: - Chẳng phải ai giết y cả. Cứ theo lời của Võ Liệt của Chu Võ Liên Hoàn Trang thì chính mắt y thấy Vô Kỵ bị trượt chân ngã xuống vực, luôn cả người huynh đệ kết nghĩa của Võ Liệt là Kinh Thiên Nhất Bút Chu Trường Linh cũng rơi xuống chết luôn. Thù Nhi thở dài một tiếng, lặng lẽ ngồi xuống. Ân Lê Đình nói: - Tôn tính đại danh của cô nương là gì? Thù Nhi lắc đầu không trả lời, nét mặt ngẩn ngơ lệ rơi lã chã, đột nhiên nằm phục xuống cát khóc òa lên. Ân Lê Đình dỗ dành: - Cô nương cũng đừng quá đau lòng. Cháu Vô Kỵ nếu như không rơi xuống tuyết cốc, lúc này âm độc cũng phát tác rồi, e cũng không sống được. Ôi, nó rơi xuống tan xương nát thịt chưa hẳn đã không hay, chẳng hơn phải chịu cái âm độc đau đớn vô cùng vô tận kia mà chết hay sao. Diệt Tuyệt sư thái bỗng nói: - Tên nghiệt chủng Trương Vô Kỵ kia, chết sớm cũng là may, nếu không cũng trở thành cái mầm họa làm hại nhân gian thôi. truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y Thù Nhi nổi giận, lớn tiếng chửi: - Lão tặc ni, bà nói láo nói lếu gì thế? Quần đệ tử phái Nga Mi thấy nàng dám lên tiếng nhục mạ sư tôn, lập tức bốn năm người rút phăng trường kiếm, chỉ ngay vào ngực vào lưng cô gái. Thù Nhi không sợ hãi chút nào, vẫn tiếp tục: - Lão tặc ni, phụ thân của Trương Vô Kỵ là sư huynh của Ân lục hiệp, hiệp danh vang động thiên hạ, có gì là không phải? Diệt Tuyệt sư thái cười khẩy không trả lời. Tĩnh Huyền nói: - Ngươi nói đã hết chưa? Cha của Trương Vô Kỵ quả thật đệ tử danh môn chính phái, còn mẹ y thì sao? Ma giáo yêu nữ sinh con, không phải nghiệt chủng họa thai thì là gì? Thù Nhi hỏi lại: - Mẹ của Trương Vô Kỵ là ai thế? Sao lại là ma giáo yêu nữ? Các đệ tử phái Nga Mi cười rộ lên, chỉ một mình Chu Chỉ Nhược cúi đầu nhìn xuống đất. Thần sắc Ân Lê Đình hơi thẹn thùng còn Trương Vô Kỵ mặt đỏ tía tai, nước mắt doanh tròng, nếu không phải vì nhất quyết che dấu thân phận mình, chàng đã đứng dậy biện bạch cho mẹ vài câu. Tĩnh Huyền là người trung hậu, nói với Thù Nhi: - Vợ của Trương ngũ hiệp là con gái của giáo chủ Thiên Ưng giáo Ân Thiên Chính, tên là Ân Tố Tố… Thù Nhi "A" lên một tiếng, thần sắc đại biến. Tĩnh Huyền nói tiếp: - Trương ngũ hiệp vì lấy phải con yêu nữ này, đến nỗi thân bại danh liệt, phải tự vẫn trên núi Võ Đang. Không lẽ cô nương không nghe tới hay sao? Thù Nhi nói: - Tôi… tôi ở trên đảo Linh Xà, những việc của võ lâm Trung Nguyên, không nghe thấy gì cả. Tĩnh Huyền nói: - Thì ra thế. Cô đắc tội với sư phụ ta, mau tạ tội đi. Thù Nhi lại hỏi tiếp: - Thế Ân Tố Tố thì sao? Bà ta bây giờ ở đâu? Tĩnh Huyền nói: - Bà ta cũng tự vẫn cùng một lượt với Trương ngũ hiệp rồi. Thù Nhi lại giật bắn lên, nói: - Bà ấy… bà ấy cũng chết rồi ư? Ân Lê Đình nói: - Nếu không phải cô ta hại chết ngũ sư ca ta, vì sao phái Võ Đang ta vừa nghe đến họ Ân của Thiên Ưng giáo thì giận không kìm được? Lại còn Du tam sư ca ta cũng bởi vì cô ta cướp Đồ Long đao mà hại đến tàn phế! Thù Nhi lẩm bẩm: - Chẳng trách tôi vừa đến núi Võ Đang nghe ngóng thì đã bị người ta đuổi xuống núi, chẳng nói được câu nào… Ngay lúc đó, từ phía đông bắc một ngọn lửa xanh bay vọt lên tận mây. Ân Lê Đình nói: - Ối chà, cháu Thanh Thư của ta bị vây đánh rồi. Ông ta quay mình khom lưng hành lễ với Diệt Tuyệt sư thái, ôm quyền chào tất cả mọi người, rồi chạy về hướng ngọn lửa bốc lên. Tĩnh Huyền phất tay một cái, các đệ tử phái Nga Mi liền chạy theo. Mọi người chạy đến gần, thấy ba người đang vây đánh một người. Ba người đó đội mũ vải, mặc áo ngắn theo lối đầy tớ, tay cầm đơn đao. Mọi người chỉ coi vài chiêu đã thấy kinh hãi, ba người kia tuy ăn mặc như gia nhân, nhưng ra tay độc địa không kém gì những cao thủ hạng nhất, tài nghệ cao siêu hơn ba đạo nhân Ân Lê Đình mới giết nhiều. Ba người chạy như đèn cù vây quanh một thanh niên thư sinh, xông ra xông vào tấn công, thanh niên nọ tuy kém thế hẳn nhưng thanh trường kiếm trong tay bảo vệ môn hộ kín đáo lạ thường. Đứng cách bốn người một quãng có sáu người mặc áo bào màu vàng, trên áo ai cũng có thêu một ngọn lửa màu đỏ, rõ ràng là người trong ma giáo. Sáu người đó đứng xa xa, không vào tham chiến, thấy Ân Lê Đình và người của phái Nga Mi chạy đến, một người lùn lùn mập mập trong sáu người liền nói: - Anh em nhà họ Ân ơi, các ngươi xem ra không xong rồi, hãy cúp đuôi chạy đi thôi, để chúng ông giữ mặt sau cho. Một người mặc áo đầy tớ tức giận nói: - Hậu Thổ Kỳ chậm như con rùa, họ Nhan kia bọn mi chạy trước đi. Tĩnh Huyền lạnh lùng nói: - Chết đến nơi rồi còn cãi nhau. Chu Chỉ Nhược nói: - Sư tỉ, những người này là ai thế? Tĩnh Huyền nói: - Ba người ăn mặc theo lối đầy tớ là nô bộc của Ân Thiên Chính, tên là Ân Vô Phúc, Ân Vô Lộc, Ân Vô Thọ. Chu Chỉ Nhược kinh hãi kêu lên: - Ba tên đầy tớ mà đã… tài nghệ ghê gớm đến thế sao? Tĩnh Huyền đáp: - Họ vốn là những tên cướp thành danh trong hắc đạo, không phải bọn tầm thường đâu. Còn bọn mặc áo vàng kia là yêu nhân trong Hậu Thổ Kỳ của ma giáo. Tên mập mập lùn lùn kia không chừng là chưởng kỳ sứ Hậu Thổ Kỳ Nhan Viên. Sư phụ nói năm chưởng kỳ sứ của Ngũ Kỳ trong ma giáo tranh chấp địa vị với Thiên Ưng giáo, cho nên bất hòa… Lúc đó thanh niên thư sinh đã gặp phải nguy hiểm, nghe soẹt một tiếng, tay áo bên trái bị đơn đao của Ân Vô Thọ cắt mất một mảnh, chảy máu. Ân Lê Đình hú lên một tiếng thanh thoát, trường kiếm tung ra nhắm ngay vào Ân Vô Lộc. Ân Vô Lộc vung đao ra đỡ, đao kiếm chạm nhau. Lúc này nội lực của Ân Lê Đình rất là ghê gớm nghe choang một tiếng, đơn đao của Ân Vô Lộc liền cong lại, biến thành một cái móc. Ân Vô Lộc giật mình kinh hãi vội nhảy ra ngoài ba bước. Đột nhiên Thù Nhi nhảy vọt lên, ngón trỏ tay phải phóng ra, trúng ngay sau ót Ân Vô Lộc, rồi nhảy vọt trở về chỗ cũ. Ân Vô Lộc võ công không phải tầm thường, nhưng mới bị Ân Lê Đình dùng nội lực hất ra, khí huyết đang trộn trạo, chân đứng chưa vững, nên Thù Nhi đâm một chỉ trúng ngay. Y đau đến cúi gập người lại, chỉ biết há mồm rên rỉ, toàn thân run lên bần bật. Ân Vô Phúc, Ân Vô Lộc kinh hãi, không còn dám tiếp tục đánh thanh niên kia, chạy đến bên cạnh Ân Vô Lộc đỡ y đậy, thấy y quằn quại không ngừng, hiển nhiên bị thương rất nặng. Hai người đưa mắt nhìn Thù Nhi, đột nhiên kêu lên: - Thì ra là Tam tiểu thư. Thù Nhi đáp: - Hừ, còn nhận ra ta ư? Mọi người ai nấy tin chắc hai người kia sẽ xông lên thí mạng với Thù Nhi, nào ngờ chỉ ôm Ân Vô Lộc lên, không nói một lời, chạy về hướng bắc. Biến cố đó xảy ra thật đột ngột, ai nấy trợn mắt há mồm, không hiểu chuyện gì. Gã lùn mập mặc áo bào vàng kia tay trái vẫy một cái trong tay đã cầm một đại kỳ màu vàng, năm người kia cũng lấy cờ ra phất, tuy chỉ sáu người nhưng các lá cờ kêu lên phần phật, khí thế thật là uy võ, chầm chậm lui về hướng bắc. Người của phái Nga Mi thấy kỳ trận cổ quái, đều đứng ngẩn người ra. Hai nam đệ tử liền rống lên một tiếng, phóng mình đuổi theo. Ân Lê Đình lắc một cái, đi sau mà tới trước, chuyển thân chặn ngay hai người kia lại, giang tay đẩy, hai người đó không chịu nổi phải lùi lại ba bước, mặt mày đỏ bừng. Tĩnh Huyền quát lên: - Hai vị sư đệ trở lại ngay, Ân lục hiệp có hảo ý, bọn Hậu Thổ Kỳ này không đuổi theo được đâu. Ân Lê Đình nói: - Mấy hôm trước tôi và Mạc thất đệ đuổi theo Liệt Hỏa kỳ trận, một phen thua to, Mạc sư đệ đầu tóc, lông mày bị cháy xém một nửa. Nói xong vén tay áo tay trái lên, chỉ cho mọi người xem những vết phỏng. Hai người nam đệ tử của phái Nga Mi không khỏi kinh sợ thầm. Đôi mắt lạnh lẽo sắc như dao của Diệt Tuyệt sư thái nhìn vào mặt Thù Nhi mấy lần, lạnh lùng hỏi: - Có phải Thiên Thù Vạn Độc Thủ đó chăng? Thù Nhi đáp: - Chưa luyện xong. Diệt Tuyệt sư thái nói: - Nếu luyện xong rồi thì còn ghê gớm đến đâu? Sao ngươi lại đả thương gã đó? Thù Nhi nói: - Tiếc rằng không đâm chết được y. Diệt Tuyệt sư thái hỏi: - Sao thế? Thù Nhi đáp: - Chuyện riêng của tôi mắc mớ gì đến bà? Diệt Tuyệt sư thái thân hình hơi nghiêng qua, đã cầm được thanh trường kiếm trong tay Tĩnh Huyền, nghe keng một tiếng, Thù Nhi đã nhảy vọt về sau, mặt trắng bệch. Thì ra Diệt Tuyệt sư thái trong nháy mắt đã dùng kiếm chém vào ngón tay trỏ bàn tay phải Thù Nhi, thủ pháp nhanh lạ thường, không một ai nhìn rõ cả. Nào ngờ Thù Nhi vì gãy cổ tay chưa khỏi hẳn, bàn tay không sức lực, lại thêm Thiên Thù Vạn Độc Thủ luyện chưa thành, kỳ này trước khi ra tay đã bao ngón tay bằng một cái bao thép, mà kiếm của Diệt Tuyệt sư thái dùng lại không phải Ỷ Thiên bảo kiếm, nên nhát kiếm đó chém không đứt ngón tay cô gái. Diệt Tuyệt sư thái ném trả thanh kiếm cho Tĩnh Huyền, hừ một tiếng: - Lần này ta tha cho, lần sau mà còn dùng loại tà ác công phu đó nữa thì sẽ biết tay. Bà ta đánh tiểu bối một chiêu không trúng nhưng tự trọng thân phận, không ra tay lần thứ hai. Ân Lê Đình thấy Thù Nhi luyện môn võ công âm độc đó, vốn là điều đại kỵ của con nhà võ, thế nhưng nàng lại đâm một chỉ vào Ân Vô Lộc là giúp đỡ phe mình, sau nữa lòng mang một mối tình sâu khắc khoải Trương Vô Kỵ, không khỏi cảm động, chẳng nỡ để Diệt Tuyệt sư thái giết cô nàng, liền lên tiếng khuyên bảo: - Sư thúc, đứa trẻ này học sai lầm công phu, thôi mình từ từ sẽ nói cô ta tìm minh sư, ôi, hoặc giả… hoặc giả… Ông nghĩ nếu như Diệt Tuyệt sư thái thu cô ta gia nhập phái Nga Mi thì thật hay nhưng chợt nghĩ cô bé này vừa mới chửi bà ta là "lão tặc ni", nên vội ngừng lại không dám nói ra, nắm tay thư sinh kia dẫn lại, nói: - Thanh Thư, mau bái kiến sư thái cùng các vị sư bá sư thúc. Thư sinh nọ tiến lên ba bước, quỳ xuống hướng về Diệt Tuyệt sư thái hành lễ, đến khi quay sang Tĩnh Huyền hành lễ mọi người đều vội nói không dám, ai cũng trả lễ lại. Trương Tam Phong tuổi đã hơn trăm, tính vai vế còn cao hơn Diệt Tuyệt sư thái không phải chỉ một hàng. Ân Lê Đình chỉ vì đã có hôn ước với Kỷ Hiểu Phù nên mới coi như kém Diệt Tuyệt sư thái một vai, chứ nếu tính Trương Tam Phong và tổ sư phái Nga Mi Quách Tương ngang hàng mà luận, thì Diệt Tuyệt sư thái phải gọi Ân Lê Đình là sư thúc. Tuy nhiên hai phái Võ Đang và Nga Mi khác biệt, không tính chuyện vai vế được, ai nấy chỉ so tuổi tác, tùy miệng mà gọi thôi. Thế nhưng thanh niên thư sinh kia gọi các đệ tử phái Nga Mi là sư bá sư thúc thì Tĩnh Huyền không thể nào dám nhận. Mọi người thấy chàng thanh niên một mình đấu với ba anh em họ Ân, pháp độ nghiêm cẩn, chiêu số tinh kỳ, quả thực là phong phạm của danh môn đệ tử. Trong khi bị ba tên kia vây đánh, mặc dầu ở vào thế hạ phong nhưng chàng vẫn trấn tĩnh cự địch, không thấy hoảng loạn chút nào thật không phải dễ. Lúc này thanh niên đó tới gần hơn, mọi người không khỏi tấm tắc khen thầm: "Anh chàng này đẹp trai thực". Chàng thanh niên mi mục thanh tú, trong cái tuấn mỹ còn có ba phần khí độ hiên ngang, khiến cho người nào thoạt nhìn cũng đâm nể vì. Ân Lê Đình nói: - Đây là con trai duy nhất của đại sư ca chúng ta, tên là Thanh Thư. Tĩnh Huyền nói: - Mấy năm qua đã từng nghe hiệp danh của Ngọc Diện Mạnh Thường, trên giang hồ ai cũng nói Tống thiếu hiệp khẳng khái trượng nghĩa, tế nhân giải khốn, hôm nay may gặp nơi đây thật là vinh hạnh. Các đệ tử của phái Nga Mi ai nấy thầm bàn tán, người nào cũng thấy đúng thật là "danh bất hư truyền". Thù Nhi đứng bên cạnh Trương Vô Kỵ, nói nhỏ: - A Ngưu ca, anh chàng này đẹp trai hơn huynh nhiều. Trương Vô Kỵ đáp: - Đương nhiên, còn gì phải nói. Thù Nhi hỏi: - Huynh có ghen không? Trương Vô Kỵ đáp: - Nực cười nhỉ, ta ghen cái gì? Thù Nhi đáp: - Anh ta cứ nhìn Chu cô nương, huynh không ghen à? Trương Vô Kỵ nhìn về hướng Tống Thanh Thư, quả nhiên anh chàng đang nhìn Chu Chỉ Nhược nhưng cũng không để tâm. Chàng từ khi biết được Thù Nhi chính là cô bé A Ly năm xưa gặp tại Hồ Điệp Cốc, trong lòng bồi hồi xao xuyến, khi đó Thù Nhi cưỡng ép chàng lên Linh Xà đảo, chàng vùng vẫy không thoát được, chỉ còn cách cắn một cái ngay lưng bàn tay cô nàng, nào ngờ nàng lại nhớ nhung mãi mãi không quên, khiến lòng chàng càng thêm cảm kích. Ân Lê Đình nói: - Thanh Thư, mình đi thôi. Tống Thanh Thư nói: - Phái Không Động hẹn trưa nay sẽ ở nơi này hội họp, thế nhưng bây giờ vẫn chưa thấy đâu, e rằng có chuyện gì. Ân Lê Đình mặt lộ vẻ lo lắng nói: - Chuyện đó cũng đáng lo thật. Tống Thanh Thư nói: - Ân lục thúc, chi bằng mình cùng đi với các vị tiền bối phái Nga Mi về hướng tây có hay hơn không? Ân Lê Đình gật đầu: - Phải lắm. Diệt Tuyệt sư thái và bọn Tĩnh Huyền đều nghĩ thầm: "Những năm gần đây Trương Tam Phong chân nhân không còn coi sóc những tục vụ nữa, vai trò chưởng môn thực tế ra chính là do Tống Viễn Kiều đảm đương. Xem ra chưởng môn đời thứ ba của phái Võ Đang sẽ do vị Tống thiếu hiệp này tiếp nhiệm, Ân Lê Đình tuy là sư thúc nhưng lại phải nghe lời sư điệt". Họ có biết đâu Ân Lê Đình tính tình ôn hòa, không mấy khi tự mình quyết định điều gì, người khác nói sao, ông ta nghe vậy không phản đối. Đoàn người đi về hướng tây chừng mười bốn mười lăm dặm thì đến một đồi cát lớn. Tĩnh Huyền thấy Tống Thanh Thư rảo bước chạy lên trên đồi, cũng không chịu kém phái Võ Đang, liền vẫy tay một cái, hai tên đệ tử phái Nga Mi cũng chạy lên theo. Ba người lên rồi, không khỏi hoảng hốt kêu la, thấy ở trên sa mạc về phía tây nằm la liệt khoảng chừng ba mươi xác chết. Đoàn người thấy ba người kinh hoàng đều vội vã chạy lên đồi cát, thấy đám người chết già có trẻ có, không bị vỡ đầu thì cũng lõm ngực, tưởng chừng như bị đánh bằng những cây gậy thật lớn. Ân Lê Đình kiến thức rộng rãi, nói: - Phiên Dương bang ở Giang Tây bị chết sạch là bởi Cự Mộc Kỳ của ma giáo đánh đó. Diệt Tuyệt sư thái nhíu mày nói: - Phiên Dương bang đến đây là gì? Quý phái gọi họ đến chăng? Trong lời nói có chiều không vui. Trong võ lâm, các danh môn chính phái đối với các bang hội có chiều rẻ rúng, Diệt Tuyệt sư thái không muốn cùng chung với họ thành một phe. Ân Lê Đình vội nói: - Không ai mời Phiên Dương bang cả, có điều Lưu bang chủ của Phiên Dương bang là đệ tử ký danh của phái Không Động, chắc là họ nghe thấy lục đại môn phái vây đánh Quang Minh Đỉnh, nên tự nguyện đến giúp, vì sư môn góp một tay.