[Dịch]Ỷ Thiên Đồ Long Ký
Chương 96 : Chương 96
Ngày đăng: 19:14 17/09/19
Xong quyển này, bấm đốt ngón tay, hạn kỳ Hồ Thanh Ngưu cho rằng y sẽ bị hàn độc phát tác mà chết đã qua, lúc này y chỉ thấy thân thể nhẹ nhàng khỏe mạnh, toàn thân chân khí lưu động, không có dấu hiệu gì bệnh tật cả, ngay cả việc trước kia hàn độc luôn luôn phát tác, bây giờ cách một tháng mới bị một lần, mà có cũng thật là nhẹ. Chẳng bao lâu y đọc quyển thứ hai tới câu:
Hô hấp cửu dương, bão nhất hàm nguyên, thử thư khả danh cửu dương chân kinh
(Đóng mở chín mạch dương, ngậm chặt nguyên khí, cuốn sách này được gọi tên là Cửu Dương Chân Kinh)
Mới biết quả thực đúng là Cửu Dương Chân Kinh, bộ bảo điển mà thái sư phụ ngày đêm khắc khoải không lúc nào quên nên vui mừng vô hạn, tập luyện càng chăm chỉ hơn nữa. Con vượn bạch cảm cái ơn trị bệnh, thường hái bàn đào đem đến cho y, là một loại trái cây bổ nguyên kiện thể. Đến khi y luyện xong một nửa quyển kinh thư thứ hai, âm độc trong người đã bị khu trừ không còn tăm hơi đâu nữa.
Mỗi ngày ngoài thì giờ luyện công, y chơi đùa với bầy khỉ vượn, mỗi khi hái được trái cây lại chia cho Chu Trường Linh một nửa, sống cuộc đời không lo không phiền, tự do tự tại. Còn Chu Trường Linh ở trên cái bình đài nho nhỏ, một ngày dài như moạt năm, mỗi khi mùa đông núi đầy băng tuyết, gió lạnh thấu xương, cái cảnh khổ kể sao cho xiết. Y tuy không ăn đồ chín, thanh tĩnh vô ưu, nội công đã có thể đạt tới cảnh giới, có điều y ở bên kia vách đá, trong lòng vẫn mong bắt được Trương Vô Kỵ, buộc chàng dẫn đi giết Tạ Tốn, đoạt được thanh đao Đồ Long, trở thành võ lâm chí tôn, mọi người phải nghe theo hiệu lệnh mình. Thân mặc dù tĩnh, tâm lại không yên, chung quy cũng không thể luyện được đến nội công thượng thừa.
Trương Vô Kỵ luyện xong quyển kinh thư thứ hai không còn sợ nóng sợ lạnh. Có điều càng về sau việc tập luyện càng thêm gian nan áo diệu, tiến triển rất chậm, cuốn thứ ba mất cả một năm mới xong, còn đến cuốn thứ tư mất hơn ba năm mới hoàn toàn thành tựu. Mép kinh tuy nói phải qua một ải đại quan mới đại công cáo thành, nhưng ải quan này cực kì khó khăn, y không có người chỉ điểm, không biết cách nào để vượt qua, thử đi thử lại vài ngày đều không được, y liền bỏ qua không để ý tới.
Y ở trong u cốc băng giá này sống đến nay đã hơn năm năm, từ một đứa bé đã biến thành một thanh niên thân thể cao to. Hai năm sau cùng, thỉnh thoảng có hứng, cùng bọn khỉ vượn trèo lên vách núi, trên cao nhìn xuống bốn bề, với công lực của y lúc này, nếu muốn vượt núi mà ra không còn là chuyện khó khăn gì nữa. Thế nhưng nghĩ đến thế nhân bụng dạ âm hiểm gian trá, y không khỏi rùng mình nghĩ thầm việc gì phải ra ngoài cho thêm phiền não, chui đầu vào rọ? Chi bằng ở trong cái u cốc mỹ lệ này cho tới già, tới chết, có phải hay hơn không? Chỉ là thỉnh thoảng nhớ tới thái sư phụ cùng các sư thúc bá, trong đầu lại muốn ra khỏi cốc lên núi Võ Đang.
Buổi chiều hôm đó, Vô Kỵ đem bốn quyển kinh thư từ đầu đến cuối đọc lại một lần. Đọc xong quyển cuối cùng chàng thấy tác giả chân kinh tự thuật lại quá trình viết chân kinh. Y không nói tính danh, xuất thân, chỉ nói chính y không biết theo nho theo đạo hay theo tăng. Một hôm ở Tung Sơn đấu rượu thắng tổ sư phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, được mượn đọc Cửu Âm Chân Kinh, mặc dù bội phục võ công tinh diệu trong kinh thư nhưng một mặt tôn sùng Lão Tử học, chỉ thiên về lấy nhu thắng cương, lấy âm thắng dương, không bằng âm dương hòa hợp, vì thế ở bên lề bốn cuốn kinh Lăng Già lấy chữ Hán viết nên bộ Cửu Dương Chân Kinh do chính mình sáng chế, cảm thấy so với Cửu Âm Chân Kinh thuần âm thì có âm dương điều hòa, cương nhu trung hòa, hỗ trợ nhau. Trương Vô Kỵ bội phục sát đất đạo lí võ học không thiên lệch, nghĩ thầm bộ kinh này phải gọi là Âm Dương Hỗ Tế Kinh, nếu chỉ gọi là Cửu Dương Chân Kinh thì vẫn không phải không thiên lệch.
Y khoét một cái hang sâu chừng ba thước nơi vách núi bên trái cái hang, đem cả bốn quyển Cửu Dương Chân Kinh, cùng với cuốn Y Kinh của Hồ Thanh Ngưu, cuốn Độc Kinh của Vương Nạn Cô, tất cả gói lại trong tấm vải dầu lấy từ trong bụng con vượn trắng ra, chôn xuống đó, vùi đất lại, nghĩ thầm: "Ta lấy được bộ kinh thư từ trong bụng con vượn ra, thật là một cơ duyên thật lớn, không biết nghìn năm, trăm năm sau, có ai lạc loài đến chốn này, có được ba bộ kinh thư này không?". Y nhặt một hòn đá nhọn vạch lên vách đá sáu chữ: "Nơi Trương Vô Kỵ Chôn Kinh".
Khi y còn luyện công, ngày ngày có việc để chú tâm vào làm nên không cảm thấy tịch mịch, đến nay đại công cáo thành rồi, trong lòng lại thấy trống trải, hơn nữa thần công đã xong, đảm khí gia tăng, nghĩ thầm: "Lúc này Chu bá bá có muốn hại ta, ta cũng không sợ, chi bằng qua nói chuyện với ông ta chơi". Nghĩ thế y bèn uốn mình chui vào hang. Khi y từ hang chui ra mới có mười lăm tuổi, thân hình nhỏ bé, nay trở vào đã hai mươi tuổi, cao to thành người lớn rồi, làm sao chui qua được cái hang hẹp nữa. Y liền hít một hơi, vận công phu co rút xương lại, xương cốt toàn thân rút lại chạm nhau, các đầu xương không còn chổ nào xa rời, nhẹ nhàng luồn vào trong động.
Chu Trường Linh đang dựa lưng vào vách đá ngủ say, mơ thấy mình được Đồ Long đao, đang ở nhà mở tiệc, gia nhân đầy tớ ra vào, người quen tâng bốc, thật là uy phong khoái hoạt, đột nhiên đầu vai có ai vỗ nhẹ, choàng tỉnh dậy, mở mắt ra, thấy một bóng người cao lớn chắn ngay trước mặt. Chu Trường Linh nhảy nhổm lên, đầu óc chưa được tỉnh táo hoàn toàn, kêu lên:
- Ngươi… ngươi…
Trương Vô Kỵ mỉm cười:
- Chu bá bá, tôi đây, Trương Vô Kỵ đây mà.
Chu Trường Linh vừa mừng vừa sợ, vừa hận vừa tức, nhìn y hồi lâu mới nói:
- Ngươi cao lớn quá rồi. Hừ, sao bấy lâu nay ngươi không ra đây nói chuyện với ta? Ta cầu khẩn thế nào ngươi cũng không lý đến là sao?
Trương Vô Kỵ nhếch mép:
- Tôi sợ bá bá hành hạ tôi.
Chu Trường Linh tay phải chộp ra, thi triển cầm nã thủ pháp, nắm chặt đầu vai y, sẵng giọng hỏi:
- Thế sao hôm nay lại không sợ nữa?
Đột nhiên lòng bàn tay nóng bỏng, không kìm nổi cánh tay giật một cái, vội buông ra, ngực ngâm ngẩm đau, sợ quá lùi lại ba bước, ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn y, lắp bắp:
- Ngươi… ngươi… công phu này là gì thế?
Từ khi luyện thành Cửu Dương thần công đây là lần đầu Trương Vô Kỵ sử dụng thấy uy lực đến thế, Chu Trường Linh là cao thủ bậc nhất vậy mà bị thần công của y chấn động phải buông tay. Thấy Chu Trường Linh mặt mày hốt hoảng kinh sợ, trong lòng đắc ý, cười nói:
- Bác thấy công phu này ra sao?
Chu Trường Linh chưa hoàn hồn ấp úng:
- Cái này… cái này là công phu gì thế?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Đó là Cửu Dương thần công.
Chu Trường Linh kinh hãi, hỏi lại:
- Làm thế nào mà ngươi luyện thành?
Trương Vô Kỵ không dấu diếm việc làm sao trị bệnh cho con bạch viên, lấy được kinh thư từ trong bụng nó thế nào, rồi theo đó mà tu tập kể lại từ đầu chí cuối.
Câu chuyện đó chỉ khiến cho Chu Trường Linh thêm đố kỵ, lại thêm tức tối, nghĩ thầm: "Ta ở trên tuyệt phong này năm năm qua biết bao khổ sở, còn thằng tiểu tử này lại luyện thành tuyệt thế thần công". Y chẳng nghĩ đến chính mình mưu toan hại người nên mới bị rơi vào đây, cũng chẳng nhớ đến cái ơn năm năm qua đối phương hái trái cây cho mình ăn, không sót ngày nào mới nuôi y sống đến hôm nay, chỉ nghĩ là thằng nhỏ này sao may mắn quá, còn mình xui xẻo, thực là chẳng công bằng chút nào, nên cố dằn cơn giận, cười hề hề hỏi lại:
- Thế bộ Cửu Dương Chân Kinh đó đâu rồi? Cho ta xem một tí được không?
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Cho ngươi xem một tí thì đã sao, không lẽ chỉ một chốc ngươi nhớ hết được sao?", liền nói:
- Tôi chôn ở trong động, ngày mai tôi đem ra cho bá bá coi.
Chu Trường Linh nói:
- Ngươi cao lớn như thế, làm sao chui lọt qua cái hang?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Cái hang đó cũng không hẹp lắm đâu, chỉ cần co rút mình lại dùng sức ẩy một cái, là qua được ngay.
Chu Trường Linh hỏi lại:
- Thế ngươi xem ta có chui qua được không?
Trương Vô Kỵ gật đầu:
- Để mai mình thử xem sao, bên trong động rộng lớn lắm, chứ ở trên cái bình đài nho nhỏ này quả thật là không vui chút nào.
Y nghĩ thầm nếu mình vận công ép đầu vai, xương sườn, mông và những khớp xương, may ra có thể giúp y chui lọt qua cái hang. Chu Trường Linh cười nói:
- Tiểu huynh đệ, ngươi thật tốt, người quân tử không nhớ chuyện ác cũ, trước đây ta có nhiều điều không phải với cậu, xin cậu lượng thứ cho.
Nói xong vái dài một cái. Trương Vô Kỵ vội vàng hoàn lễ, nói:
- Chu bá bá không phải đa lễ, ngày mai mình cùng nhau nghĩ cách rời khỏi nơi này.
Chu Trường Linh mừng quá, hỏi:
- Ngươi bảo có thể rời khỏi đây ư?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Khỉ vượn có thể trèo ra trèo vào thì mình cũng làm được.
Chu Trường Linh nói:
- Vậy sao mình không ra sớm hơn?
Trương Vô Kỵ mỉm cười:
- Trước kia tôi không nghĩ tới chuyện ra khỏi đây, e ngại người ta hà hiếp, bây giờ thì không còn sợ nữa rồi nên nghĩ đến chuyện về thăm thái sư phụ và các sư bá, sư thúc.
Chu Trường Linh cười ha hả, vỗ tay nói:
- Hay quá, hay quá.
Y lùi lại hai bước, đột nhiên trượt chân, chao đi một cái kêu lên:
- Ối chà.
Chân y đạp vào khoảng không, từ trên mỏm đá rơi tõm xuống bên dưới. Y vì vui mừng quá hóa ra sơ sẩy, sự việc xảy ra thật độ ngột, Trương Vô Kỵ kinh hoảng vội cúi xuống nhìn, gọi lớn:
- Chu bá bá có sao không?
Chỉ nghe từ bên dưới vọng lên hai tiếng rên thật yếu ớt. Trương Vô Kỵ mừng quá, nghĩ thầm: "May quá bác ta không rơi hẳn xuống đáy, không biết bị thương có nặng không?". Nghe tiếng rên không quá mấy trượng, y nhìn kỹ hơn, thì may sao dưới huyền nhai này có một cây tùng mọc nhô ra, Chu Trường Linh rơi nằm vắt ngang thân cây, không động đậy. Trương Vô Kỵ xét hình thế này, với công lực hiện tại, y có thể nhảy xuống bế Chu Trường Linh nhảy trở lên không mấy khó khăn, bèn hít một hơi, nhắm ngay một cành cây to bằng bắp tay nhẹ nhàng nhảy xuống.
Chân y còn cách cành cây khoảng chừng nửa thước, bất ngờ cành cây đó rơi ngay xuống dưới, ở trên không trung làm gì có chỗ nào để mượn sức, dù y luyện thành thần công tuyệt đỉnh, nhưng người chứ đâu phải chim chóc, nên làm thế nào mà bay trở lên được? Trong đầu y xẹt qua như một ánh chớp, lập tức hiểu ngay: "Thì ra Chu Trường Linh lại dùng gian kế hại ta, y đánh gãy cành cây, cầm trên tay, đợi ta vừa nhảy xuống liền buông tay cho cành cây rơi xuống". Y hiểu được như thế thì đã muộn, thân hình tiếp tục rơi thẳng xuống dưới.
Chu Trường Linh ở trên cái bình đài nho nhỏ đó hơn năm năm, diện tích không quá mươi trượng, ở đó dù cành cây ngọn cỏ, một hòn đá, một viên sỏi cũng đều biết rõ. Y trong đêm tối giả vờ trượt chân bị thương, định rằng Trương Vô Kỵ sẽ nhảy xuống cứu, quả nhiên gian kế của y thành công khiến cho Trương Vô Kỵ rơi xuống vực sâu vạn trượng.
Chu Trường Linh cười ha hả, nghĩ thầm: "Hôm nay cho tên tiểu tử đó thành một đống thịt nát mới thỏa cái mối hận năm năm qua của ta". Y níu cái dây leo ở bên cạnh cây tùng, nhảy ngược trở lên huyền nhai tự nhủ: "Kỳ trước ta không chui lọt vào trong hang được, cũng vì quá gấp gáp nên dùng sức quá mạnh nên mới gãy xương sườn. Tên tiểu tử này thân thể còn to cao hơn ta nhiều, nếu y qua được thì mình cũng sẽ qua được. Ta lấy được Cửu Dương Chân Kinh rồi sẽ tìm đường trở về, sau này luyện thành thần công, vô địch thiên hạ, không phải sướng lắm sao? Ha ha, ha ha".
Y càng nghĩ càng đắc ý, liền theo cái hang đó mà chui vào, chẳng mấy chốc đã đến chỗ năm năm trước đây bị gãy xương sườn. Y trong bụng chỉ có một ý nghĩ duy nhất: "Tên tiểu tử đó cao to hơn ta mà chui lọt, thì ta nhất định cũng sẽ lọt". Nghĩ thế cũng đúng nhưng có một điểm y chưa nghĩ tới là Trương Vô Kỵ đã luyện thành phép rút xương trong Cửu Dương thần công.
Y bình tâm tĩnh khí tại chỗ hẹp của cái hang đó từng tấc, từng tấc trườn tới, nội công y quả nhiên tăng tiến, so với năm năm trước đi thêm được hơn một trượng, thế nhưng đến đây rồi dù dùng lực cách nào để tiến thêm nửa tấc cũng rất khó khăn. Y biết nếu lại làm mạnh cũng chỉ đi vào vết xe đổ năm năm trước, ắt sẽ lại gãy thêm vào cái xương sườn nên định thần, hết sức thở ra cho kỳ hết, quả nhiên người thu nhỏ lại một chút, lại tiến vào thêm được ba thước nữa. Thế nhưng vì y nhịn thở nên người mỗi lúc một ngộp, tim đập như trống hộ đê, dường như muốn xỉu, biết là không ổn, chỉ còn nước trở ra rồi tính sau.
Nào ngờ khi tiến vào chân có thể tựa vào những chỗ lồi lõm trên hang đá mà đạp, lúc trở ra không có gì để tựa cả. Khi tiến vào y giơ hai tay thẳng về trước để cho dễ thu hẹp hai vai, bây giờ hai tay bị bốn bề đá giữ chặt không thể nào mở ra nên không có một chút lực khí nào, trong bụng vẫn nghĩ: "Tại sao tiểu tử đó thân thể to lớn hơn mình nhiều mà lại có thể qua lọt, mình phải qua được. Tại sao mình lại bị kẹt ở đây, sao lại như thế được?".
Y có ngờ đâu có những chuyện không ai ngờ tới, nên một người văn tài võ công đều ở mức thượng thừa, thông minh cơ trí vào bậc nhất, nay bị kẹt trong cái sơn động hun hút này, tiến không được mà lui cũng không xong.
Trương Vô Kỵ bị trúng gian kế của Chu Trường Linh từ trên mỏm núi rơi thẳng xuống, nhất thời hối hận không để đâu cho hết: "Trương Vô Kỵ ơi là Trương Vô Kỵ, ngươi là một tên tiểu tử thực vô dụng. Ngươi đã biết Chu Trường Linh gian trá không ai bằng, vậy mà vừa gặp đã bị y lừa, thật đáng chết, đáng chết".
Y tự mắng mình đáng chết nhưng lại hết sức mong được sống, chân khí trong cơ thể lưu động, vận kình cố nhảy lên, cốt để giảm bớt sức rơi xuống, may ra rơi xuống tới đất không tan xương nát thịt. Thế nhưng đang ở trên không rơi vùn vụt, đâu có do mình, không có một chút lực nào có thể dựa vào, chỉ thấy bên tai gió vù vù thổi, trong khoảnh khắc hai mắt nhức nhối, ánh sáng từ tuyết trắng bên dưới phản chiếu vào.
Y biết rằng sống hay chết cũng ở phút này, thấy cách khoảng một trượng có một đống tuyết, lúc này đâu còn phân biệt được là tuyết hay là một khối đá màu trắng, nên đang trên không liền lộn ba vòng, nhắm ngay đống tuyết đó lao vào. Thân hình y xeo xéo một hình vòng cung, hơi rơi xuống thì chân trái đã điểm vào, nghe ầm một tiếng cả người rơi ngập vào đống tuyết. Y khổ luyện Cửu Dương thần công hơn năm năm, nay mới phát sinh uy lực, mượn sức phản đạn của đống tuyết, búng người lên cao. Thế nhưng y rơi từ trên cao vạn trượng xuống đất sức ghê gớm là dường nào, thấy đùi đau nhói, cả hai xương đùi đều gãy cả. nguồn t r u y ệ n y_y
Y bị thương tuy nặng nhưng đầu óc vẫn tỉnh, thấy củi cỏ bay tung tóe, hóa ra cái khối tuyết đó là nơi nông gia chứa rơm và củi, không khỏi kêu thầm: "Nguy hiểm quá, nguy hiểm quá. Nếu như đống này không phải là củi và rơm, mà là một tảng đá lớn, thì cái mạng của Trương Vô Kỵ đã ô hô rồi". Y dùng hai tay chầm chậm bò ra khỏi đống củi, lăn về phía mặt tuyết, xem lại vết thương, hít sâu một hơi, tiếp lại chỗ gãy của xương đùi, nghĩ thầm: "Ta phải nằm đây không động đậy gì ít nhất một tháng mới có thể đi lại được. Thế nhưng nơi đây không có gì cả, đành phải lấy tay làm chân chứ không lẽ chịu nằm đây chết đói hay sao?".
Y nghĩ tiếp: "Đống củi rơm này do nông gia tích trữ, chung quanh hẳn phải có người ở". Y đã định kêu lên gọi người ta tới cứu, nhưng nghĩ lại: "Trên đời này kẻ ác thật nhiều, ta một mình nằm trên bãi tuyết dưỡng thương cũng được. Nếu kêu lên lại gặp ác nhân tới, hóa chẳng khốn khổ hay sao?". Nghĩ thế y bèn lặng yên nằm trên bãi tuyết chờ cho xương đùi từ từ liền lại.
Y nằm như thế ba ngày, bụng đói sôi lên từng chập. Y biết rằng tiếp cốt những ngày đầu không được cử động, nếu như chỗ gãy lệch đi, cả đời sẽ đi khập khiễng, thành thử bề gì cũng cố nhịn, không dám cử động chút nào, đến khi đói quá không còn chịu nổi thì bốc vài nắm tuyết bỏ vào mồm. Trong ba ngày đó y chỉ nghĩ: "Từ nay trở đi ta ở trên đời chuyện gì cũng phải cẩn thận, không để cho kẻ ác lừa mình nữa. Ngày sau chắc gì còn được may mắn, gặp đại nạn mà lại không chết như thế này".
Đến chiều ngày thứ tư, y nằm yên vận công, thấy trong lòng trống không minh lãng, toàn thân thoải mái, vết thương trên đùi tuy nặng thật, việc luyện thần công dường như vẫn tiến triển đều. Đang trong cảnh tịch mịch, bỗng nghe từ xa truyền tới mấy tiếng chó sủa, rồi càng lúc càng gần, hiển nhiên những con chó này đang đuổi theo một con dã thú. Trương Vô Kỵ giật mình kinh hãi: "Không lẽ đâu là những con ác khuyển của Chu Cửu Chân tỉ tỉ nuôi chăng? Ồ, những con chó dữ đó đã bị Chu bá bá đánh chết rồi, nhưng đã lâu năm, chắc nàng ta lại nuôi chó khác".
Y chăm chú nhìn trong bãi tuyết, thấy một người đang chạy như bay, đằng sau có ba con chó vừa đuổi theo vừa sủa vang. Người đó rõ ràng đã hết hơi kiệt sức, bước chân loạng choạng, chạy vài bước lại ngã một cái, nhưng vì sợ nanh nhọn vuốt sắc của bầy chó dữ nên vẫn chạy thục mạng. Trương Vô Kỵ nghĩ đến mấy năm trước mình cũng bị bầy chó vây cắn, nên trong ngực không khỏi sôi lên.
Y có ý ra tay cứu người nọ, chỉ khổ là hai chân bị gãy không thể đi lại bỗng nghe người kia kêu lên thảm thiết, nằm lăn ra đất, hai con chó đã cắn vào y không nhả. Trương Vô Kỵ giận dữ kêu lên:
- Chó dữ, lại đây xem nào.