1976
Chương 12 :
Ngày đăng: 06:09 19/04/20
Cả chú thím và Vương Câu Đắc Nhi đều vô cùng kinh ngạc, không biết trong thư viết cái gì. Vì mọi người không biết chữ nên vội vàng bảo tôi đọc cho họ nghe.
Trong thư nói, vào ngày tôi đi thì ông nội cũng qua đời, toàn bộ Lâm gia sụp đổ trong chớp mắt. Ông nội vốn đã bị bệnh tim, lúc chia tay hôm ấy có gặp một nhóm hồng tiểu binh, cuối cùng tụi nó cũng tìm đến nhà chúng tôi, hung hăng đập hết đồ đạc trong nhà, còn chỉ vào ông nội chửi ầm lên. Đồ vật trong nhà đều là đồ cổ hoặc vật trang trí phong cách Tây Dương, tất nhiên không thể tránh khỏi kiếp nạn này. Ông nội thấy vậy thì tức đến thở không nổi, ngã xuống đất rồi không tỉnh lại được nữa.
Cha mẹ tôi sau đó cũng bị bắt vào trại tạm giam, liên tục viết kiểm điểm. Một Lâm gia rộng lớn tráng lệ trong trí nhớ của tôi cứ thế mà biến thành khu hoang phế, thậm chí còn có mấy đứa nhỏ trèo cửa sổ vào, gọi đó là thám hiểm quỷ lâu. Nhà chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn một mảnh đất hoang phế, những bần nông đã từng được ông nội giúp đỡ giờ đây cũng vì mảnh đất đó mà tranh đoạt đến đầu rơi máu chảy.
Trong thư còn nhắc đến cha mẹ Vương Câu Đắc Nhi, tư liệu nhiều năm trước của nhà họ cũng bị lật lại, dì Vương bị bắt vào trại tạm giam, cùng viết “kiểm điểm” với cha mẹ tôi.
Trong phòng thoáng cái trở nên yên tĩnh, hết thảy âm thanh giờ đây chỉ còn tiếng đốt pháo bên ngoài.
Cái năm mới này đúng là tồi tệ đến cực điểm.
Lúc đầu thím còn lặng lẽ lau nước mắt, sau đó thì khóc đến nghẹn ngào. Vương Câu Đắc Nhi ngồi lặng trong bóng tối, bàn tay xoắn lấy góc áo, không biết là đang suy nghĩ cái gì.
Chú thở dài một hơi: “Chú của tôi —— haiz, mà cha Mộ Đông cũng thật là, sao lại đem những việc này nói với con nít chứ…”
Cuối cùng tôi đã biết được vì sao cha mẹ lại gấp rút đưa tôi đi rồi, vì chỉ như thế tôi mới có thể tránh được một kiếp. Nhưng tôi không muốn ở chốn tha hương này mà nhung nhớ người thân, tôi thà được chết một cùng một chỗ với gia đình!
Tôi vẫn cảm thấy cuộc biệt ly này rất kỳ lạ, giống như một cơn gió lốc vậy, không đợi chúng tôi kịp trở tay thì đã bị thổi tan. Vì thế tôi mới một mực ôm hy vọng được về nhà. Tôi vẫn luôn tin có một ngày mình trở về, cha mẹ và ông nội sẽ ra đón tôi, một lần nữa tôi được trở về Liên Vân Cảng, trở lại Lâm gia, hết thảy khác biệt chỉ là tóc mai của cha mẹ sẽ tấm tấm hoa râm.
Nhưng đến ngày hôm nay thì hy vọng trở về của tôi có lẽ đã rất xa, bởi vì nhà đã không còn nữa rồi. Có người nói nhà tựa thân nhân, giờ đây tôi không có ước muốn xa vời gì nữa, chỉ cần có thể liếc mắt nhìn lại chỗ ở lúc xưa đã đủ rồi – có điều, nhà không phải cũng đã bị đập rồi sao? Bên trong chắc hẳn chỉ còn lại một đống phế tích mà thôi!
Tôi thật sự muốn khóc, dưới loại tình huống này, không có đứa trẻ bảy tuổi nào mà không khóc cả. Tôi còn ra dáng đại thiếu gia để làm gì nữa chứ? Làm một “đại thiếu gia thành thục” là để người nhà xem, giờ người người đi cũng đã đi rồi, tôi còn giả cho ai xem nữa?
Sau khi rời khỏi nhà đến giờ chỉ có hai thứ giúp tôi chống đỡ: Một cái là hy vọng về nhà, một cái khác là có Lý Ngôn Tiếu dạy tôi kiến thức và kỹ năng. Trong đó cái thứ nhất chiếm tỉ lệ chủ yếu. Mỗi ngày của tôi đều thời thời khắc khắc muốn về nhà, mỗi tối đau lòng tôi lại ngồi bật dậy, ôm chân co lại thật nhỏ để ép lại nỗi nhớ đang mãnh liệt trào dâng.
Ông nội không còn, tôi liền như cỏ cây héo rủ, không còn nhà để về, không còn chỗ chôn thây.
Nghĩ đến đó, nước mắt tôi đã chảy xuống, đột nhiên có một cánh tay từ phía sau vòng qua tôi, âm thanh rất dỗi dịu dàng vang lên: “Khóc cái gì?”
Là Lý Ngôn Tiếu. Chú thím và Vương Câu Đắc Nhi đang lặng im trong nhà, tôi kéo anh ra ngoài, đẩy anh một cái, nước mắt vẫn rơi lã chã: “Anh thì hiểu cái gì mà không cho em khóc! Ngày ngày anh được ở cùng với người thân, anh có biết nhà em đã xảy ra chuyện gì không… Em không còn nhà nữa rồi! Làm sao anh có thể hiểu được chứ…”
Tôi nghẹn ngào đến mức nói không thành lời.
Lý Ngôn Tiếu kéo tôi dựa vào cửa lớn nhà anh, cùng tôi mặt đối mặt, anh nhẹ nhàng lau đi nước mắt trên mặt tôi. Tôi ngẩng đầu nhìn, không biết anh muốn làm gì.
“Em nghe anh nói này.” Anh nói: “Anh biết em nhớ nhà rất nhiều. Nhưng mà… không phải khóc là sẽ tốt. Sau khi cai sữa thì anh không còn khóc nữa, bị người ta đánh, bị giội nước bẩn nhổ nước bọt, anh chỉ cắn chặt môi đến chảy máu chứ không khóc lên.”
Tôi không muốn nghe chuyện cũ của anh, nhưng nước mắt đã ngừng chảy.
Lý Ngôn Tiếu đặt hai lên vai tôi, làm bộ thần thần bí bí cười nói: “Năm nay là năm tuổi của anh đấy.”
“Thế thì sao?”
Tôi lại viết về nhà một bức thư, địa chỉ vẫn là chỗ ở trước kia, nhưng đều không thấy hồi âm mà tựa như kim rơi đáy biển, nháy mắt đã bị chôn vùi. Về sau tôi mới nghĩ, cha mẹ đều bị bắt đi viết kiểm điểm rồi, đương nhiên không nhận được thư của tôi.
Thời gian cứ trôi qua từng ngày, thời tiết bắt đầu ấm dần lên, chim én đã bay về Thanh Đảo. Kỹ thuật đánh đàn của tôi tiến bộ rất nhanh, đã có thể đàn nhiều ca khúc Tây Dương. Những bài này không giống với cung thương giác trưng vũ của Trung Quốc, ca khúc ngoại quốc bình thường đều dùng đến phím đen, hơn nữa điều khiển ngón tay cũng rất phức tạp. Lý Ngôn Tiếu cơ hồ đã dạy hết những gì anh biết cho tôi rồi, mỗi ngày tôi trừ luyện tập ra cũng chỉ có luyện tập.
Đến khi không kiên trì nổi, tôi lại nhớ đến bà nội – đây là lẽ đương nhiên rồi, ngoài ra tôi còn nghĩ đến Lý Ngôn Tiếu – anh luyện ném gạch đã bốn tháng trời, cùng thời điểm khi tôi luyện dương cầm, mỗi ngày đều không gián đoạn. Tôi thật sự bội phục sự kiên trì của anh, tôi biết rõ trong lòng anh chỉ có hai chữ “báo thù”, làm tôi không khỏi lo lắng cho những thằng nhóc kia.
Tiếng Anh của tôi cũng nói được kha khá rồi, tôi lại có hứng thú với một thứ khác – chính là đọc từ điển Hán Anh. Tôi và Lý Ngôn Tiếu say sưa đọc từ điển đến trưa, đọc đến mức líu cả lưỡi. Từ vựng của tôi dần dần nhiều hơn, thậm chí còn biết được “bệnh mề đay”, “máy bay ném bom”, “nuôi trồng thủy sản” và những từ ít gặp khác.
Còn một sự kiện đáng để ghi lại là có một lần Lý Ngôn Tiếu đưa tôi đến bờ biển.
Mùa xuân ở Thanh Đảo tới rất trễ, nhất là vùng ven biển, lúc chúng tôi đi đã đầu tháng ba nhưng vẫn cảm thấy rét đến thấu xương, cứ như đang mùa đông vậy. Chúng tôi đi dọc bờ biển Lao Sơn. Lý Ngôn Tiếu chỉ về phía xa xa, nói kia chính là Thạch Lão Nhân, là một khối đá ngầm đặc biệt có hình người.
Ngày đó sương mù mờ mịt, tôi không nhìn rõ mà chỉ ẩn ẩn thấy một khối đá mờ mờ nên liền nói không giống. Lý Ngôn Tiếu cười ha ha, nói tất cả những vật như vầy chỉ có ba phần tương tự, bảy phần còn lại là tưởng tượng.
Anh kể cho tôi câu chuyện về Thạch Lão Nhân, nhưng tôi không quá thấy hứng thú, bởi vì Thanh Đảo tuy đẹp đấy, nhưng dù sao cũng chỉ là chốn tha hương. Chỉ có Liên Vân Cảng mới cho tôi cảm giác nhìn sao cũng vừa mắt.
Thanh Đảo cũng nhận được vận động trùng kích.
Bọn hồng tiểu binh không chỗ nào là không có, hình như bọ nó không đi vận động nhà bần nông nên nhà chú và thím không xảy ra chuyện gì. Bọn nó từng đến nhà Lý Ngôn Tiếu, đứng trước cửa chính mà đập, âm thanh rầm rầm nghe đến dọa người. Nhưng chúng cũng đành chịu vì sau cánh cửa đã bị chặn, người trong Lý gia lại sống chết không ra mở cửa, nói cho cùng thì bọn họ không tránh được kiếp này.
Về sau tôi mới biết rằng, “Ngu Cơ” và Lý Ngôn Tiếu đều là con hát, nhưng không hát “Dạng bản hí”, không hát hồng ca nên có thể sẽ bị phê đấu. Lý Ngôn Tiếu dù sao cũng là một đứa trẻ nên được bỏ qua, nhưng còn “Ngu Cơ” thì sợ rằng không thể tránh khỏi vòng xoáy này, làm tôi không khỏi thấy lo cho bọn họ.
Cuối tháng hai đầu tháng ba, chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày khai trường, tôi cùng chú và thím thương lượng chuyện học. Vương Câu Đắc Nhi thấy thế thì nói cậu cũng muốn đến trường. Chú và thím biết số tiền học là ba đồng thì phát sầu, tôi thấy vậy mới lấy ra mười đồng đưa cho họ, nói trước tiên dùng để giải quyết chi phí phát sinh. Hai người nhìn thấy mười đồng thì cả hai mắt đều trừng lớn, hỏi tôi tiền này ở đâu ra.
Tôi có chút xấu hổ, nói là mang đến từ Liên Vân Cảng. Cũng may họ không truy cứu mà chỉ hỏi tôi tại sao lúc đầu không đưa người lớn giữ cho đảm bảo. Nhưng nhìn đến ánh mắt của chú, tôi lại cảm thấy trong đó mang theo ý tứ khác.
Lý Ngôn Tiếu đã hẹn thời gian dẫn tôi và Vương Câu Đắc Nhi đến gặp cô hiệu trưởng, còn xếp lớp cho hai chúng tôi. Nhưng Vương Câu Đắc Nhi không có nền tảng trước, sợ rằng đến tháng chín mới có thể học chung với học sinh lớp một. Lý Ngôn Tiếu dẫn tôi đi mua vở và bút chì, còn mua cho tôi một cái bút máy giá cả xa xỉ và một hộp mực nước.
Số tiền này là tiền mừng tuổi năm nay của anh, nhìn cái bộ dáng đắc ý của anh kia kìa, dường như anh nghĩ mình là một đại thiếu gia thật vậy. Tôi nhìn anh thì không khỏi thấy buồn cười. Hơn nữa, tôi còn có một khát khao rất lớn đối với việc học.
Có một lần tôi đi ngang qua trạm xá, đột nhiên nhìn thấy mấy đứa nhóc ở bên trong, tên đầu lĩnh béo tròn mặt mũi toàn máu là máu. Tôi cả kinh, len lén liếc vào cửa nghe ngóng, tên béo nói rằng mình bị “một cục gạch từ trên trời rơi xuống trúng đầu.” Tôi nghe xong thì cười thầm trong lòng, vậy mà thằng này còn có thể nói “từ trên trời rơi xuống” được nữa chứ?
Mấy đứa nhóc đó đều không có chuyện gì, nhưng nét mặt đã hiện lên nỗi hoảng sợ khó giấu. Tôi nhìn cổ tay mình vẫn còn chuyển động được, thầm nghĩ rằng tụi bây sẽ có ngày lần lượt bị vỡ đầu hết thôi, bởi vì Lý Ngôn Tiếu vĩnh viễn cũng không bỏ qua. Hơn bốn tháng khắc khổ luyện tập, đổi lại chỉ là một cái thở phào này đây. Quân tử báo thù, mười năm chưa muộn.
Đương nhiên, cái này để nói sau.
cung thương giác trưng vũ: ký hiệu của năm âm của TQ, tương tự 1, 2, 3, 5, 6 của hiện tại. Tương đương cung – 1 (Do), thương -2 (Re), giác – 3 (Mi), trưng – 5 (sol), vũ – 6 (la)
Bản mẫu hí: Là các vở hí theo mô hình cách mạng trong những năm 1967-1976
Chương sau →