Án Tử Một Tình Yêu - The Death Of A Love
Chương 12 :
Ngày đăng: 08:51 19/04/20
Đêm khuya, mọi người đều chìm trong giấc ngủ thì mỗi mình Du vẫn thức. Ngồi tựa đầu vào ô cửa, Du chỉ thấy một màu đen kịt. Vài ngày nữa mới đến rằm, trăng sẽ sáng. Nhưng để làm gì khi lòng cô vẫn là vực sâu thăm thẳm. Du nghĩ về cuộc gặp với luật sư, nghĩ về những người mẹ mang nỗi đau mất con.
Giả như bé Oanh bị giết oan ức, chắc hẳn Du cũng sẽ oán hận và quyền rủa tên thủ phạm. Vậy ngay lúc này khi đang ở trong vai kẻ giết người, liệu Du có đáng nhận sự tha thứ? Du co người tựa đầu lên hai đầu gối, nước mắt ứa ra chảy len qua hàng mi trĩu nặng.
*****
Sáng hôm sau, Vân Du đến phòng gặp luật sư.
Một cách bình tĩnh, Du ngồi xuống ghế rồi đặt hai tay bị còng lên bàn. Đối diện, vị luật sư trung niên sửa lại gọng kính, chuẩn bị hỏi những câu cần thiết. Du luồn những ngón tay vào nhau siết chặt như tiếp thêm sức mạnh cho bản thân.
Buổi gặp mặt luật sư diễn ra không lâu, chưa đầy một tiếng đã kết thúc.
Đang ngồi đính hạt cườm cùng các phạm nhân nữ khác thì chị Giảo chợt thấy Du xuất hiện. Sáng nay chị có nghe nói Du đi gặp luật sư, giờ trông nét mặt cô em gái không vui nên chị mới hỏi: Bộ luật sư tra hỏi ghê quá hả? Du khẽ lắc đầu, làm gì có chuyện tra hỏi như người ta bắt giam gián điệp thế kia. Chị Giảo chậc lưỡi sốt ruột:
- Thì tại ngó mặt em buồn xo nên chị mới lo lắng.
- Không có gì đâu chị, cũng xong hết rồi.
- Mà em có khuất tất gì phải nói rõ ràng để người ta giảm án cho nghen. Cán bộ có báo khi nào mở phiên tòa xét xử em không?
- Chưa ạ nhưng em nghĩ chắc cũng nhanh thôi. Chị này, em quyết định sẽ tham gia buổi văn nghệ cùng chị và em Muội.
Chị Giảo chưng hửng:
- Giờ này mà em mới quyết định về chuyện đó hả? Chẳng cần nữa đâu vì chị đã đăng ký tên em trước đấy lâu rồi!
Du cười phì đồng thời đưa mắt nhìn ra ngoài hiên với những làn gió thổi hiu hiu.
*****
Hôm sau, Đồng Văn đi gặp Phó giám thị Dũng để báo về tình hình điều trị của Du. Đưa tay gõ cửa vài cái, Văn nghe tiếng nói phát ra từ trong phòng liền bước vào. Thấy Phó giám thị Dũng đang ngồi chờ, Văn tiến đến bên bàn đưa hồ sơ bệnh lí ra.
- Đây là tình hình điều trị tâm lí của phạm nhân Vân Du thời gian qua. Kết quả khá tốt, hiện tại tinh thần phạm nhân đã ổn định, không còn ý muốn tự tử nữa.
Phó giám thị Dũng xem qua một lúc thì gấp hồ sơ lại, hướng mắt vào Văn:
- Bác sĩ làm tốt lắm, tôi biết phạm nhân Du khá hơn rồi vì thời gian qua ở buồng giam phạm nhân đã có những biến chuyển tích cực.
Rồi Văn bỗng nghe Phó giám thị báo một tin:
- Phiên tòa sơ thẩm xét xử phạm nhân Du sẽ sớm diễn ra.
Du ngạc nhiên, từ trước đến giờ bà Nhuệ không khi nào gọi nó bằng "mày", vẫn mẹ mẹ con con rất ngọt. Thấy Du cứ đứng ngây ra, bà Nhuệ gắt:
- Mày còn không đi nấu cơm để lát cha mày về đói à?
Im lặng chốc lát, Du lại hỏi:
- Mẹ đang làm gì vậy?
- Tao đánh đề, mày không thấy hả?
- Đánh đề? Chẳng phải cha đã nói mẹ không được làm thế ư?
- Cái con nhỏ này thiệt phiền phức, tao đánh đề để kiếm thêm tiền cho cái nhà này. Cha mày đi phụ hồ thì được bao nhiêu? Mày khỏi lo, ổng cũng biết rồi.
Du ngạc nhiên lần hai, cha nó biết chuyện mà không ngăn ư? Du chẳng tin, một người vất vả kiếm tiền như vậy thì làm sao để vợ làm cái chuyện "dễ dính vào nợ nần" thế này. Nó đi thẳng vào bếp nấu cơm và tự nhủ sẽ hỏi rõ khi ông về nhà.
Nhưng Du đã lầm, sự thật là ông Thạch biết vợ đánh đề mấy ngày qua rồi. Du chớp mắt nhìn ông khá lâu mới có thể cất tiếng hỏi:
- Cha đưa tiền cho bà ấy đánh đề sao?
- Bả đánh chút đỉnh thì có sao đâu nào.
- Cha kiếm được bao nhiêu tiền mà lại nghĩ như vậy?
- Cha để bả thử vận may, lỡ gỡ gạc được thì cũng có thêm tiền.
- Cha có biết bao nhiêu người đã mắc nợ vì đánh đề không?
- Mày nói ít thôi con ạ! Mày đừng dạy khôn cha nữa! Làm sao cha không biết mấy vụ đó! Thỉnh thoảng bả đánh đề thì có chết ai!
Du đứng sững ra đó, còn ông Thạch thì hầm hè bỏ lên trên gác ngủ. Mệt mỏi vì cảm giác khó chịu đè nặng trong lồng ngực, Du tựa người vào kệ bếp thấp chủn để đứng vững. Đưa mắt nhìn gian nhà nhỏ tối om, cô bé mười sáu tuổi tự hỏi rồi chuyện tồi tệ nào sẽ xảy ra với cái gia đình này đây?
*****
Và khoảng thời gian tiếp theo, bà Nhuệ càng ngày càng lộ rõ bản chất tham lam. Ban đầu bà Nhuệ còn giả vờ yêu thương Du, giả vờ là một người mẹ kế hiền lành ở trước mặt ông Thạch nhưng dần dà, bà cũng chẳng cần vờ vịt nữa mà tỏ rõ thái độ cay nghiệt dành cho Du để mặc chồng chứng kiến tất cả. Nhưng điều khiến đứa con gái mới lớn ấy đau đớn chính là sự im lặng của cha mình.
Không rõ từ khi nào, từ một người đàn ông bình thường mà ông Thạch trở nên nhu nhược trước bà Nhuệ. Là do ông không địch nổi sự chanh chua đanh đá của vợ hay vì bản tính ông vốn dĩ yếu đuối nên mới sợ bà ta? Bà Nhuệ chẳng làm gì ngoài việc ở nhà nằm chờ chồng đưa tiền, bà lại ăn xài phung phí và tiếp tục đánh đề. Cái gia đình nghèo khó bao nhiêu năm qua đều chắt chiu từng đồng, vậy mà giờ đây tiền ra như nước, tháng nào cũng thiếu hụt đến nỗi lao đao.
Nhiều lần Du bảo ông Thạch đừng đưa bà Nhuệ tiền nữa nhưng vô ích. Ông mắng Du đừng xen vào chuyện người lớn thế mà lại lặng thinh đưa tiền cho bà vợ tham lam. Nếu Du lên tiếng nói với bà Nhuệ thì chỉ nhận được cái liếc mắt cay nghiệt, những lời mắng mỏ đay nhiến từ mẹ kế. Du bất lực trước cảnh gia đình mỗi lúc một khó khăn chồng chất, tiền bạc rơi vào túi tham không đáy của người đàn bà này. Du không có khả năng giải quyết mọi chuyện khi tuổi vẫn còn nhỏ, vẫn còn lệ thuộc vào ông Thạch.