Án Tử Một Tình Yêu - The Death Of A Love

Chương 6 :

Ngày đăng: 08:51 19/04/20


Đêm, Du lại là người thức sau cùng, khẽ khàng lấy cuốn nhật kí ra đặt trên bậu cửa sổ. Bầu trời không trăng không sao, ánh đèn neon tù mù trong buồng giam soi mờ lên từng dòng chữ trên trang giấy.



Tôi không nghe thấy tiếng chim hót nào, hay có thể do tôi ít để ý. Nhưng tôi cũng muốn nghe thử tiếng hót của nó. Sao cô không kể cho tôi biết về những chuyện diễn ra trong ngày? Cô đã trò chuyện được với ai chưa?



Bác sĩ Văn.



Đọc câu hỏi xong, Du thấy Văn đang bắt đầu khơi gợi cảm xúc viết trong cô. Du nghĩ nếu kể cho Văn nghe chuyện mình và con Muội đã "đánh nhau" với chị Hận cũng chẳng tệ. Thế là Du kể lại ngày đầu mình vào buồng giam, đã gặp ai và xảy ra những chuyện gì. Những dòng chữ cho lần viết nhật kí thứ hai, cô ghi rằng:



Ngày... tháng... năm...



Dường như con người luôn thích làm đau người khác, dù là người hoàn toàn xa lạ hay chỉ vừa gặp lần đầu. Ngược lại có những người thích giúp đỡ và an ủi người mới quen biết dẫu hoàn cảnh của họ cũng chẳng tươi sáng hơn.



Đêm đầu vào buồng, tôi bị chị Hận trưởng buồn đánh cho một trận, và tôi đã ngủ với vết thương đau nhức bên hông. Chị Hận còn ngáng chân khi tôi lấy cơm sáng, để miểng chai dưới chân tôi. Nhưng tôi được chị Giảo và em Muội giúp. Buổi chiều hai ngày trước, chị Hận đánh hội đồng Muội trong nhà tắm. Tôi đã nghĩ mình thật liều khi xông vào giúp em ấy. Tôi dùng vòi nước chống trả lại chị Hận, cuối cùng cán bộ đến kịp và may là tôi với Muội không bị kỷ luật.



Tôi không biết rõ về chuyện của chị Giảo và Muội, họ cũng chưa biết gì về chuyện của tôi. Tôi nghĩ tất cả muốn san sẻ với nhau nhưng thật khó khăn để nói về nỗi đau của chính mình. Khi bị tổn thương quá nhiều, người ta chẳng còn tha thiết mong người khác hiểu mình nữa, bác sĩ có nghĩ như vậy?



Nhật kí tù nhân 3969.



*****



Đêm trước và hôm nay không có tiếng chim hót dù Đồng Văn đã cố tình đứng bên cửa sổ lắng nghe thật kỹ. Có lẽ con chim quyên ấy không hót thường xuyên. Văn vừa đọc xong nhật kí của Du, lần này cô viết khá nhiều. Ngay dòng đầu tiên, Du đã khiến Văn suy nghĩ, đúng là con người có thể sẵn sàng làm tổn thương một người hoàn toàn xa lạ.



Văn cũng mang một niềm đau, một nỗi ám ảnh trong quá khứ khi vẫn còn là cậu bé. Về gã trai với đôi mắt sâu hút cùng con dao sắc bén, về người phụ nữ đẹp đẽ mang nửa dòng máu với Văn bị giết hại. Chưa từng kể cho bất kỳ người nào nghe về bi kịch khủng khiếp đó, vì Văn sợ phải đối mặt với những cơn ác mộng kéo dài. Nên cảm giác của Du khi nói về sự "né tránh tổn thương", anh hiểu rất rõ. Văn đã viết lại bằng câu ngắn gọn:



Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, khi sự tổn thương đã trở thành thói quen thì người ta sẽ biết cách sống thanh thản hơn.



Tiếng chim hót cô hay nghe là của chim đỗ quyên. Quản giáo Thái đang nuôi nó, thời điểm này là đầu hạ và nó thường hót, nhưng chỉ vào lúc chiều tối hay những đêm trăng sáng thôi. Tôi chưa nghe nó hót bao giờ.



Bác sĩ Văn.



Văn tựa người vào cửa sổ, nghe âm thanh rả rích của côn trùng giữa đêm tối tĩnh mịch cô liêu. Văn biết việc né tránh nhìn vào nỗi đau chỉ giúp người ta vờ như "thanh thản" nhưng kỳ thật, tâm hồn chưa bao giờ được cứu rỗi.



*****



Vào giờ nghỉ trưa ngày hôm sau, Vân Du bất ngờ khi nghe quản giáo Ngà báo có thân nhân đến thăm. Ngày gửi đồ cho con, ông Thạch có nói sẽ dẫn Hoàng Oanh đi thăm Du lần nữa, và ngay bây giờ cô đoán hẳn con bé nhất định đã theo cùng ông ngoại vào đây. Với suy nghĩ mừng rỡ ấy, Du gấp gáp bước theo quản giáo đến phòng thăm. Vừa nghe cán bộ nhắc về thời gian trò chuyện tối đa là một tiếng xong, Du vội vã bước vào trong.


Du ngừng viết bởi mắt đã nhòe nhoẹt. Nước mắt âm thầm rơi xuống trang giấy, ướt đẫm những con chữ như thể thấm vào trái tim cằn cõi vì chịu đựng.



*****



Đây là lần gặp điều trị thứ ba trong tháng giữa Vân Du và Đồng Văn. Lúc đầu họ có vẻ xa cách và chẳng ai có thể đến gần được đối phương bởi mỗi người đều mang một bí mật riêng, nhưng sau vài lần trao đổi qua nhật kí thì dường như hiện tại cả hai bắt đầu cởi mở với nhau hơn. Bằng chứng là bây giờ, Du và Văn ngồi đối diện nhau bằng dáng vẻ bình thường, không đề phòng hay tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ. Tuy vẫn chưa thân thiết nhưng chí ít họ thấy thoải mái.



Văn đặt hai tay lên cuốn nhật kí, mở đầu cuộc đối thoại trước:



- Thời gian qua tôi đã xem những gì cô viết. Tôi vui vì cô đã chịu cởi mở và san sẻ với tôi về những gì cô nghĩ, cô làm.



Du chậm rãi ngước lên, nét mặt vẫn u buồn dù vậy có chút gì đó thân thiện:



- Tôi cũng cảm ơn bác sĩ đã đọc chúng và luôn hồi âm lại.



- Nếu chỉ mỗi mình viết thì cũng tự thấy buồn, với lại tôi mong muốn đây là một cuộc trò chuyện giữa hai người nên đã viết đáp lại cô.



- Tôi có thấy bác sĩ nói về con chim đỗ quyên.



- Tôi nghĩ là cô rất muốn biết về tiếng hót ấy nên đã hỏi thử người khác. Mấy hôm nay nó không hót nữa, tôi thì lại mong được nghe thử một lần.



- Chắc bác sĩ sẽ không thích tiếng hót bi ai đó đâu.



Văn đã nghĩ, cô gái lạnh lùng ấy vừa nói đùa. Quan sát biểu hiện có chút mơ màng của Du, Văn tự nhiên hỏi:



- Đêm qua cô lại không ngủ được và khóc sao? Trông cô khá mệt mỏi.



- Ở nơi giam cầm này, có ai khỏe mạnh được chứ. Sợ hãi, ám ảnh và thương nhớ đủ vắt kiệt sức người ta.



- Nếu cô nhớ con gái như vậy thì có thể viết thư gửi cho bé.



Đôi mắt Du chợt sáng hơn, miệng lặp lại, viết thư ư? Văn gật đầu, mỗi tháng phạm nhân có thể gửi và nhận thư từ thân nhân một hoặc hai lần. Nghe xong, lòng Du bất giác nhen nhúm một niềm vui mong manh. Du sẽ gửi thư cho Oanh, và ông Thạch sẽ đọc nó cho con bé nghe. Biết đâu Oanh sẽ gửi lại mẹ một bức hình vẽ. Đang tưởng tượng về những lá thư thì Du nghe Văn đề cập đến chuyện khác:



- Thời gian tới nếu tâm lí đã ổn định thì cô sẽ đi gặp luật sư. Nếu có gì khuất tất, cô hãy giãi bày rõ với họ.



Du lặng thinh. Khuất tất ư? Bản thân có chứ, nhưng điều đó chẳng giúp ích gì cả càng không phủ định những việc đã xảy ra. Du có tội khi đã giết hai mạng người, đấy là sự thật đâu thể chối cãi. Vậy Du giãi bày điều gì đây? Trước sự im lặng đột ngột ấy, Văn liền hỏi cô có chuyện gì. Du chỉ khẽ lắc đầu.