Anh Hùng Bắc Cương

Chương 14 : Chính khí kẻ sĩ

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Chính khí kẻ sĩ. - -



Ba người trở lại khoang thuyền giam tù.



Thiệu-Thái lại phòng giam người đàn ông. Chàng gõ cửa ba lần. Bên trong có tiếng hỏi:



- Ai đó?



- Tôi cũng bị giam như ông. Ông là ai? Có bị cùm không?



- Không!



- Ông tên gì?



- Lê Ngọc-Phách, dạy học ở Thăng-long.



- Ông có biết tại sao bị bắt giam không? Ông học võ với ai?



- Tôi không hiểu nữa. Tôi bị bắt cóc. Không biết họ bắt cóc để làm gì. Tôi không biết võ.



- Từ hôm bị bắt đến giờ. Họ có tra hỏi ông điều gì không?



- Không. Họ trao cho tôi cuốn sách bằng chữ Khoa-đẩu, bắt tôi dịch hai trang.



- Ông biết chữ Khoa-đẩu à?



- Biết. Tôi đã dịch cho họ.



- Thôi, ông cứ an tâm ở đó. Tôi sẽ cứu ông khi thuyền tới bến. Bọn Tống bắt ông với mục đích ép ông dịch sách cho chúng. Ông dịch xong, chúng sẽ giết ông để phi tang.



Ngọc-Phách nổi máu ương nghạnh của kẻ sĩ:



- Hừ! Ngọc-Phách này không dễ gì ai uy hiếp nổi. Kẻ sĩ sẵn sàng chịu chết chứ không thể bị khuất phục.



Ông ta tự nói một mình:



- Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất. Phách mỗ nhất định không dịch, xem bọn chúng làm gì. Con bà tụi cướp nước.



Thiệu-Thái ít đọc sách. Chàng không hiểu những câu Ngọc-Phách nói. Mỹ-Linh giảng:



- Mấy câu đó nghĩa rằng: Phàm làm kẻ sĩ, khi giầu sang không dâm, lúc nghèo hèn, chí không đổi. Uy quyền không chịu khuất phục.



Thiệu-Thái khen thầm:



- Người này chỉ nên khích, chứ không thể lấy lời thuyết phục.



Mỹ-Linh ghé miệng sát cửa:



- Tôi sợ khi chúng dí dao vào cổ ông. Ông lại phải khuất phục.



Ông ta chửi tục:



- Con mẹ nó bọn Tống. Nếu chúng đem lễ tới cửa, quỳ gối khấn Con lạy ông. Con dốt nát, mong ông ban phúc dạy con thì hy vọng. Chứ áp đảo e vô ích.



Mỹ-Linh biết Ngọc-Phách thuộc loại kẻ sĩ khí tiết. Những loại ấy, chân yếu tay mềm, mà chính khí dọc ngang trời đất. Trên toàn Đại-Việt, không thôn nào, xóm nào mà không có. Họ không phải quan, cũng chẳng giầu có. Nhưng lớp kẻ sĩ ấy được quần chúng kính phục. Họ mới đích thực lãnh đạo Đại-Việt. Khắp nơi, người ta gọi họ bằng thầy.



Nàng nói nhỏ:



- Này thầy Phách. Tôi nghe đức thánh Khổng đứng nhìn giòng nước chảy mà đưa ra thuyết tùy thời. Phàm làm kẻ sĩ, khi cương, cứng như thép. Khi nhu mềm như tơ. Trong lòng toan tính, không ai rõ được. Thầy nên tìm cách nào giữ lại tấm thân hữu ích, dùng cho mai hậu.



- Cảm ơn cô nương nhắc nhở, bằng không tôi quên mất.



Mỹ-Linh bàn với Thiệu-Thái:



- Như vậy, ý đồ bọn Tống đã rõ. Chúng bắt những người biết chữ Khoa-đẩu dịch sách cho chúng. Chúng sợ người ta dịch sai, nên bắt nhiều người một lúc, rồi cùng sai dịch. Hễ thấy giống nhau, chúng mới tin. Thầy đồ Lê Ngọc-Phách, mình chưa rõ thực hư ra sao. Còn chị Thiếu-Mai, em nhìn từ ngoài vào, thấy con mắt chị ấy thoáng nét giảo hoạt. Không chừng chị ấy sẽ dịch sai cho chúng. Nếu chúng đem so sánh với bản dịch của thầy Lê Ngọc-Phách, ắt bị lộ. Phải làm sao bây giờ?



Đỗ Lệ-Thanh nói sẽ:



- Điều cần nhất, chúng ta phải điều tra xem thầy đồ Lê Ngọc-Phách là ai đã. Lỡ ra y làm gian tế cho Tống thì sao?



Mỹ-Linh lắc đầu:



- Tôi không tin như vậy. Nếu Lê Ngọc-Phách làm gian tế cho Tống, việc gì Tống phải bắt cóc Thiếu-Mai cho thêm nguy hiểm. Tuy vậy ta cũng nên tìm hiểu y trước đã.



Mỹ-Linh lại bên phòng giam Phách:



- Thầy Phách ơi! Sáng mai, chúng tôi được lên làm bếp. Tôi lén gửi thư về nhà. Thầy có muốn viết thư báo cho nhà biết, hầu trình quan giải cứu, vậy thầy viết đi. Tôi sẽ gửi cho thầy.



- Ở đây không bút, không mực, viết sao được?



Mỹ-Linh đưa ra cục than củi:



- Hồi chiều, lúc làm bếp, tôi dấu được cục than này. Ông xé vạt áo viết thư, rồi tôi gửi cho. Ông định viết thư cho ai?



- Tôi có người bạn, hiện làm Lữ-trưởng trong đạo quân Bổng-nhật của đức Hoàng-đế. Tôi viết thư cho y. Y trình với ngài Điện-tiền chỉ-huy sứ, hy vọng mới cứu được tôi.



Mỹ-Linh nhủ thầm:



- Bổng-nhật là một trong mười đạo Thiên-tử binh. Như vậy bạn anh ta làm dưới quyền anh hai Tạ Sơn. Ta dễ xác nhận.



Nàng hỏi:



- Thầy có biết điện tiền chỉ huy sứ tên gì không?



- Dường như ngài họ Tạ tên Đức-Sơn, thường gọi tắt bằng danh xưng Tạ Đức, Tạ Sơn.



Ngọc-Phách xé áo viết liền. Viết xong, ông trao cho Mỹ-Linh. Nàng cầm lên đọc:



"Đệ Lê Ngọc-Phách, khóc chảy máu mắt viết thư cho nghĩa huynh Hoàng Hy, Lữ-trưởng sáu, thuộc đạo binh Bổng-nhật. Đệ bị sứ đoàn Tống bắt giam dưới chiến hạm thuộc hạm đội Động-đình. Sống chết trong chốc lát. Mong nhân huynh cứu đệ. Đệ khấp bái".



Mỹ-Linh lấy dao nạy cửa, chuồn lên trên sàn thuyền. Thấy con chim ưng của Khu-mật viện đậu trên cột buồm, nàng gọi nó xuống, cột mảnh vải vào chân, rồi huýt sáo ra lệnh cho nó bay đi.



Ba người lăn ra ngủ.



Có tiếng đập cửa ầm ầm. Đội Đam hiện ra, y thò đầu vào:



- Ba người đi học thuốc đâu. Mau lên làm bếp.



Mỹ-Linh ra hiệu, cả ba người chui ra khỏi hầm thuyền. Hôm nay trong bếp có tất cả hai mươi người phụ trách hỏa đầu quân. Tên trưởng bếp Tu liếc mắt nhìn ba người, rồi cúi xuống, không nói gì.



Chợt Mỹ-Linh để ý đến đội Đam, chiếc cúc áo cổ, có sợi chỉ đỏ. Nàng chửi thầm:



- Mình đáng chết thực. Người của Khu-mật viện ngay trước mắt mà không biết. Ta phải hỏi cho rõ căn cước y.



Nàng ghé tai đội Đam:



- Thầy đội! Nhà thầy đội có trồng hoa lan không?



Đội Đam giật mình:



- Không, nhà tôi không trồng hoa lan, mà chỉ trồng hoa đào. Cô cần mấy nhánh.



- Tôi cần hai nhánh.



Đội Đam kinh hãi:



- Khổ quá, nhà tôi chẳng có nhánh nào cả. Mùa này, cây đào còn bốn chiếc lá.




Thiếu-Mai hiểu ý Thành. Nàng nghĩ nhanh:



- Đời nào y chiếm được ngôi vua. Chi bằng ta nói lợi cho y thì xong.



Nàng đáp:



- Không thể có chiến tranh Hoa, Việt. Tiểu nữ xem thiên văn, thấy vương gia với Khai-Quốc vương sẽ trở thành đôi bạn thân sau này. Có điều, hiện vận số hai vị đều chưa tới thời nên hiểu lầm nhau đấy thôi.



Vương Duy-Chính chau mày:



- Vương gia! Vương gia chẳng nên tin tướng số huyền hoặc, e hư việc nước.



Dư Tĩnh cũng nói:



- Dường như Lê cô nương định cài bẫy vương gia thì phải.



Triệu Thành hơi chột dạ. Y truy đến cùng:



- Cô nương thử đoán xem, bao giờ tại hạ với Long-Bồ xích lại gần nhau?



- Đến nơi rồi. Xích hay không, do vương gia. Tự vương gia chưa chính vị, sao Khai-Quốc vương đến với vương gia?



- Tại hạ không hiểu!



- Này nhé, vương gia là chính mệnh thiên tử Trung-nguyên. Nhưng vương gia chỉ vẫn cam phận làm thân vương. Như thế chưa chính vị. Vương gia ơi, phàm một chính mệnh thiên tử, có hàng trăm, hàng ngàn thần linh theo phò tá. Bởi vậy thiên tử làm gì cũng thành. Vương gia chưa nghĩ tới, tức chưa chính vị, chẳng thần nào phù trợ vương gia cả. Nếu như bây giờ, vương gia khấn trời, nguyện thuận mệnh cai trị muôn dân. Lập tức chư thần kéo đến phù trợ vương gia ngay.



Nàng ngừng lại một lát, tiếp:



- Như Khai-Quốc vương. Cho đến hôm đại hội, vương mới được anh hùng cử vào ngôi trừ quân. Đó là vương đã chính vị. Chư thần ắt đưa đường cho vương gần với thiên tử Trung-quốc.



- Cứ như cô nương luận. Nếu tại hạ khấn trời, ắt giữa tại hạ với Khai-Quốc vương sẽ gần nhau.



- Đúng thế. Ngọc-Hoàng thượng đế sai hai đồng tử giáng sinh. Ngài cũng cho thiên tướng giáng sinh theo hầu phù tá. Như Khai-Quốc vương được Đại-Việt ngũ long, công chúa Bình-Dương, thế-tử Thiệu-Thái, quận chúa Bảo-Hòa theo về. Còn vương gia, được các vị anh hùng có mặt đây qui tâm. Nếu như vương gia khấn trời xin ngồi vào chính vị xong, sau đó nếu vương gia gặp bọn Bình-Dương, Thiệu-Thái, ngay cả Khai-Quốc vương... họ đều có hành động thuận tiện cho vương gia.



Dư Tĩnh đứng lên chắp tay hướng Lê Thiếu-Mai:



- Nếu sau đây đúng năm ngày, vương gia tự nhiên khỏi bệnh, bọn tại hạ nguyện báo đáp cô nương. Bây giờ xin cô nương trở về phòng nghỉ, dịch sách cho bọn tại hạ.



Thiếu-Mai đứng lên chắp tay từ tạ, rồi trở về phòng mình. Đội Đam bảo Mỹ-Linh:



- An! Người theo hầu Lê cô nương.



Y chỉ Thiệu-Thái:



- Bình! Người theo hầu thầy đồ Ngọc-Phách.



Y chỉ Lệ-Thanh:



- Tĩnh! Người theo ta.



Ba ngày trôi qua. Thiếu-Mai, Ngọc-Phách hằng ngày dịch sách. Còn Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Lệ-Thanh đóng vai thủy thủ theo hầu. Thuyền vẫn đi về phía Bắc. Ngày nào Thiếu-Mai cũng dùng châm cứu trị đau nhức cho bọn Tống. Hôm ấy, thủy thủ báo với Dực-Thánh vương:



- Thuyền đi vào địa phận Tiên-yên. Chỉ còn mấy giờ nữa tới lãnh hải Trung-quốc. Xin vương gia định liệu.



Dực-Thánh vương truyền lệnh:



- Cả hạm đội neo ở Tiên-yên lấy nước ngọt, thực phẩm đã, rồi hãy liệu.



Cả bọn kéo nhau lên sàn thuyền. Thiếu-Mai, Ngọc-Phách cũng được lên để hóng gió. Triệu Thành đối với Thiếu-Mai bằng tất cả sự kính trọng khác thường. Y nói với Dực-Thánh vương:



- Vương gia có thể cho chúng tôi lên bờ dạo chơi chăng?



Dực-Thánh vương cung kính:



- Nếu thiên sứ đại vương thích, tiểu vương xin kính thỉnh.



Thuyền từ từ đi vào cảng Tiên-yên.



Thời bấy giờ cảng Tiên-yên có căn cứ thủy quân Bắc-biên của Đại-Việt. Lúc nào cũng có một hạm đội đóng ở đây. Cảng Tiên-yên là nơi thuyền buôn Đại-Việt xuống hàng, rồi chở sang Trung-quốc. Nó cũng thuộc trạm thuyền buôn Trung-quốc chở hàng đến bán. Vì vậy trấn này thuyền bè đậu san sát.



Soái thuyền từ từ đi vào cảng. Thiếu-Mai nói với Triệu Thành:



- Vương gia! Tiểu nữ có thể theo vương gia dạo chơi cảng Tiên-yên không?



- Được chứ! Tại hạ hân hạnh được đi cùng cô nương.



Dực-Thánh vương cản:



- Vương gia cẩn thận. Lỡ Lê cô nương lên bờ, rồi trốn biệt thì sao?



Thiếu-Mai cười:



- Bình-Nam vương đã khấn trời, chính vị, tiểu nữ cầu theo phò tá còn không xong. Việc gì phải trốn.



Nàng nói với Triệu Thành:



- Từ nay vương gia gặp lại những người đối đầu với vương gia ở Đại-Việt, xin vương gia đổi thái độ. Bởi trước kia, họ chống một vương tước Đại-Tống. Bây giờ vương gia chính vị, tự nhiên họ qui tâm. Vương gia hãy quên truyện cũ. Như vậy mới đúng đạo đế vương.



Triệu Thanh gật đầu. Y nói với Dực-Thánh vương:



- Vương gia không nên cho dân chúng biết căn cước bọn tôi. Có như vậy, chúng tôi mới được ngao du tự do. Xin vương gia cho đội Đam dẫn chúng tôi cũng được rồi.



Dực-Thánh vương biết bọn Triệu-Thành có mưu đồ gì đây. Tuy vậy vương cũng không thể trái ý y.



Thuyền ghé vào cảng. Triệu Thành quay lại nói:



- Đội Đam! Người dẫn theo ba thủy thủ cùng bọn ta dạo cảng Tiên-yên.



Triệu Thành chỉ cho Địch Thanh, Dư Tĩnh theo y mà thôi. Còn lại tất cả ở trên thuyền. Y sóng vai Thiếu-Mai lên bờ. Phía sau y, Địch Thanh, Dư Tĩnh. Đội Đam đi trước cùng Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Lệ-Thanh dẫn đường. Dân chúng thấy ba người mặc quần áo theo lối quý phái Tống, cùng một thiếu nữ Việt. Phía trước có ba thủy thủ dẹp đường. Họ đoán đây chắc phú thương Tống, chứ không ngờ là sứ đoàn thiên triều.



Tới một tửu lâu, Triệu Thành chỉ tay lên nói:



- Tại hạ bạo gan, muốn mời Lê cô nương lên trên kia uống chén rượu, nên chăng?



Thiếu-Mai nói nhỏ:



- Đa tạ vương ban cho ăn.



Vừa vào tửu lâu, Mỹ-Linh nhận thấy hai tửu bảo rất trẻ ra tiếp. Trên nút áo của họ đều có sợi chỉ đỏ. Đội Đam kính cẩn nói:



-- Thỉnh vương gia cùng các vị lên lầu xơi rượu. Bọn tiểu nhân xin ở dưới này canh gác.



Bọn Triệu Thành lên lầu rồi. Đội Đam kêu tửu bảo:



- Người cho ta một bàn dưới này.



Nói rồi y khoằm khoằm ngón tay làm hiệu. Tửu bảo nháy mắt với Mỹ-Linh:



- Mời đại ca vào nhà rửa tay.



Mỹ-Linh đồ chừng tửu bảo đã biết rõ nàng. Nàng đứng lên theo y. Y chỉ vào một phòng tối:



- Đại ca vào đó rửa tay đi.



Nàng vừa bước vào. Y đóng cửa lại. Nàng nhìn bên trong, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn, có hai người. Nàng bật lên tiếng kinh ngạc.