Anh Hùng Bắc Cương

Chương 23 : Chia hai thiên hạ

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Chia hai thiên hạ. --- -



Thanh-Mai thấy Phạm Trọng-Yêm ngồi bên Triệu Thành. Nàng nhìn y, tủm tỉm cười. Phạm Trọng-Yêm hỏi:



- Vương-phi! Chẳng hay Vương-phi có điều chi muốn dạy bảo?



Thanh-Mai lắc đầu:



- Hy-Văn tiên sinh hiện quản Khu-mật viện, là túi khôn của Trung-quốc. Tôi làm sao mà dạy tiên sinh? Có điều hôm nay, kỷ niệm ngày thông cảm giữa Bình-Nam vương-gia với Khai-Quốc vương. Tôi muốn tặng tiên sinh món quà.



Nàng xuất trong bọc cái túi gấm để trước mặt, rồi từ từ mở miệng túi. Nàng móc ra tập sách nhỏ. Trên bìa có mấy chữ, nét rất hoa mỹ Hy-văn thi tập. Hy-Văn là tên tự của Phạm Trọng-Yêm. Lạ thay y nhìn thấy tập sách, mặt y tái mét. Triệu Thành, Minh-Thiên, Dư Tĩnh ngơ ngác nhìn Phạm Trọng-Yêm, tự hỏi:



- Phạm Trọng-Yêm vốn sính thơ. Đi đâu y cũng mang theo tập sách nhỏ. Khi có hứng, làm thơ, rồi chép vào. Không hiểu sao tập thơ này lại nằm trong tay Thanh-Mai?



Phạm Trọng-Yêm kinh sợ cũng phải. Bởi năm trước đây, khi được Vệ-vương Đinh Toàn trao cho Triệu Thành chiếc áo của vua Đinh chép bí mật hầm đá, cất dấu thư tịch thời Lĩnh-Nam. Y thiết kế cho Triệu Thành rằng dù đền thờ Tương-liệt đại vương không hề có kinh thư, nhưng ta cứ bầy ra việc Tung-sơn tam kiệt trộm sách. Sau đó chính y giả làm gian nhân cướp kinh thư đó đi. Như vậy võ lâm thiên hạ không còn rình rập ở vùng Thanh-hoá nữa. Trong lúc y cướp sách giả từ tay Trung-sơn tam kiệt, rồi trở về chỗ trú ngụ. Y thấy trên hành lý có chữ Trần-Kiệt phái Đông-a bái kiến. Y kinh sợ tự chửi thầm:



- Thế là bao nhiêu mưu kế bị phái Đông-a khám phá ra hết rồi.



Y tìm Triệu Thành, thuật cho chủ biết, rồi thiết kế mới: Bầy ra vụ Đàm An-Hoà khám đền thờ Tương-liệt đại vương. Tôn Trung-Luận trao di thư giả cho Triệu Thành. Chính y phá nóc đền cướp lại, rồi vờ bắt sống Triệu Thành. Đến chỗ vắng, y bỏ Triệu Thành xuống giữa đồng, rồi trở về chỗ ẩn thân. Khi đi đường, y bị một nông phu chạm vào người. Đêm hôm đó, khám phá ra thi tập bị mất cắp. Y cứ tưởng bị lạc mất. Nào ngờ lại nằm trong tay Thanh-Mai.



Thanh-Mai cười rất tươi:



- Hy-Văn tiên sinh! Phụ thân tôi tuy làm chưởng môn thực. Mà người lại không phải sư phụ của tôi. Sư phụ của tôi chính là ngũ sư thúc Trần Kiệt. Hôm vu qui, ngũ sư thúc tặng cho tôi tập thơ, dạy rằng sau này sang Trung-nguyên gặp Phạm sứ, trao trả Phạm sứ, chắc Phạm sứ thích lắm.



Phạm Trọng-Yêm cảm thấy rùng mình, tự nghĩ:



- Bấy lâu nay mình bị Khu-mật viện Đại-Việt, rồi phái Đông-a theo dõi, biết hết hành tung, mà nào có hay. Mình với Vương-gia còn sống về đến đây cũng may lắm rồi.



Y đứng dậy tiếp thi tập:



- Đa tạ Vương-phi ban thưởng.



Khai-Quốc vương trịnh trọng nói:



- Bình-Nam vương-gia! Chúng ta tuy tuổi tác có khác nhau, nguồn gốc cơ thể, tiếng nói bất đồng. Nhưng hiện chúng ta đều có trách nhiệm sao cho hai tộc Hán, Việt được hạnh phúc.



Triệu Thành thấy Khai-Quốc vương nói thẳng ngay vào vấn đề. Y tự nhủ:



- Bên kia lấy lòng thành đối đãi với ta. Ta chẳng nên xảo trá.



Nghĩ vậy y nói:



- Chúng ta có mấy vấn đề cần phải giải quyết. Một là tình giao hảo giữa Tống, Việt. Hai là kho tàng Tần-Hán.



Khai-Quốc vương lắc đầu:



- Theo thiển ý, chúng ta có tới ba vấn đề. Hai vấn đề Vương gia vừa nói, chỉ là phụ. Vấn thế chính mới quan trọng.



- Xin vương gia cho biết vấn đề chính là gì?



- Đó là vấn đề chính danh.



- Chính danh?



- Phải! Học trò hỏi Khổng-tử rằng: Nếu thầy được vua trao quyền cho, thấy làm gì trước? Khổng-tử đáp: Phải chính danh. Tôi dám hỏi Vương-gia. Hiện Vương-gia cầm đại quyền, nhưng trong triều gian đảng của Lưu hậu rất nhiều. Chính bọn Đặng Đại-Bằng chẳng mưu ám toán Vương-gia do chỉ dụ của Lưu hậu đó ư? Nay, sau chuyến Nam du, uy tín Vương-gia trùm hoàn vũ. Võ lâm, anh hùng, sĩ dân đều hướng về vương gia. Vì vậy Lưu hậu mưu hại Vương-gia, lẽ đương nhiên.



Triệu Thành gật đầu:



- Vấn đề chính danh phải ra sao?



- Khắp thần dân Tống, ai cũng biết Vương-gia được phụ-hoàng cực kỳ sủng ái. Song đương thời sau khi Sở-Vương rồi Chiêu-Thành thái tử bị hại, Vương-gia không muốn lên làm vua. Thế nhưng Vương-gia lại nhất tâm nhất trí phò trợ cho Thiên-Thánh hoàng-đế. Thế nhưng... Lưu hậu muốn hại Vương-gia, sai Vương-gia đi sứ. Ý bà muốn mượn võ lâm Đại-Việt giết vương gia. Thế nhưng...



Vương chỉ vào Minh-Thiên, Phạm Trọng-Yêm:



- Một là nhờ thiên mệnh, hai là nhờ anh linh các bậc Tiên-hoàng, ba là nhờ các vị đây phò tá, Vương-gia không những thoát cạm bẫy của Lưu hậu, mà còn kết thân được với võ lâm Đại-Việt. Với uy tín của Vương-gia, nay mai trở về triều sẽ có hai vấn đề xẩy ra.



- ??



- Nếu Lưu hậu không ngoan, bà sẽ để Vương-gia cầm quyền như cũ. Tống kết thân với tộc Việt. Mặt Nam yên. Tống quay mặt lên Bắc đối phó với Tây-hạ, Thổ-phồn, Khiết-đan. Trong nước trải qua thời thái bình thịnh trị. Vương-gia trở thành Y Doãn, Chu-công, Trương Lương, Khổng-Minh. Nhưng e khó thành, vì bà muốn cướp ngôi Tống lập ra Thiên-hạ Hồng-thiết giáo.



Phạm Trọng-Yêm gật đầu tỏ ý khâm phục lý luận của Khai-Quốc vương. Y nhận thấy vị Vương Đại-Việt này kiến thức, suy nghĩ giống hệt như y. Y đâu biết rằng khi từ chiến hạm vào bờ, y hiến kế cho Triệu Thành bị Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nghe hết. Hai người đã sai chim ưng truyền tin về cho Khai-Quốc vương.



Khai-Quốc vương biết Yêm mới thực sự là người hiến kế cho Triệu Thành. Vương thấy lý luận của Yêm tỏ ra người quân tử, lại rất hợp với tình thế Đại-Việt. Vì vậy nay vương dựa theo đó bàn với Thành. Ắt Thành nghe theo.



Quả nhiên nghe vương bàn, Triệu Thành đưa mắt nhìn Phạm Trọng-Yêm, rồi hỏi:



- Xin vương tiếp cho.



- Nếu Lưu hậu ngu đần, bà sẽ tìm cách chèn ép Vương. Hiện binh quyền trong tay, lại được nhân sĩ, võ lâm qui phục. Vương chẳng cần chống đối bà làm gì, cứ khuất thân cầu hiền, trọng đãi võ lâm, phủ dụ sĩ tốt. Bên ngoài chúng tôi lại chỉ biết có Vương-gia. Bấy giờ Lưu hậu có định gây khó dễ, Vương-gia chẳng muốn, người ta cũng tru diệt bà.



Khai-Quốc vương nhìn thẳng vào mặt Triệu Thành:



- Có điều vương gia chẳng muốn làm vua. Trong khi Lưu hậu muốn hại vương. Lưu hậu có điều cơ mật cực kỳ. Nếu Vương-gia muốn, chúng ta cùng đem bí mật ấy ra công bố cho sĩ dân thiên hạ, ắt Lưu hậu phải rút về hậu cung.



Triệu Thành nhìn Minh-Thiên:



- Tôi không muốn dùng binh biến, mà chỉ muốn tỉa bọn võ quan như Tào Lợi-Dụng, Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản cùng mười trưởng lão bang Nhật-hồ mà thôi. Tuy nhiên... nếu như vương gia giúp, thì Tống-Việt có thể trải qua thời gian dài thanh bình.



Thanh-Mai mỉm cười:



- Chúng ta đã có loại thần công trị Nhật-Hồ lão nhân được thì cũng trị bọn chân tay Lưu hậu được.



Triệu Thành thở phào một tiếng:



- Theo vương phi, ta nên trị bọn nào trước?



- Ta cần trị từ dưới trị lên. Mười trưởng lão trực tiếp chỉ huy mười đội thị vệ. Ta trừ bọn chúng trước, cử người vào thay thế. Sau đó trị Sử-vạn, Khiếu. Cuối cùng tới Đào, Chu.



Triệu Thành, Phạm Trọng-Yêm đều gật đầu công nhận là đúng. Phạm Trọng-Yêm tiếp lời:



- Vấn đề chính danh đã xong. Bây giờ chúng ta vì trăm họ Tống, Việt, thiết kế sao cho thái bình.



Bảo-Hoà cười:



- Vấn đề thứ nhất xong, đương nhiên vấn đề thứ hai đâu cần bàn tới. Hy-Văn tiên sinh bất tất phải đề ra nữa.



Phạm Trọng-Yêm gật đầu:



- Quả như lời quận chúa dạy.



Dư Tĩnh ngơ ngác:
Lễ nghi tất.



Triều đình Bắc-biên không tổ chức như triều Lý, triều Tống, mà giữ nguyên như triều đình Lĩnh-Nam. Trước hết trên có vua Bà, rồi tới tam công gồm tư đồ, tư không, tư mã. Dưới có lục vị thượng thư. Triều đình thống lĩnh 207 khê động, coi như 207 nước nhỏ. Mỗi khê động có tổ chức riêng biệt.



Nguồn gốc khê động do di sản thời Lĩnh-Nam còn lại. Thời vua Hùng phong cho một trăm con cai trị trăm vùng khác nhau, bao quát từ phía Nam núi Ngũ-lĩnh xuống tận cùng biển Nam-hải. Ngày nay gồm Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-Nam bên Trung-quốc. Toàn bộ lãnh thổ Việt-nam, Thái-lan, Cao-miên, Ai-lao hiện tại. Sau đó các Hoàng-tử lại cắt lãnh thổ mình thành nhiều mảnh nhỏ phong cho con cháu. Mỗi mảnh đó, do một lạc hầu cai trị, theo chế độ cha truyền con nối. Khi vua Trưng thành đại nghiệp, vẫn duy trì chế độ đó.



Mã Viện chiếm được Lĩnh-Nam, y bãi bỏ chế độ lạc hầu, lạc tướng, vì đó là nguồn gốc duy trì tinh thần tộc Việt. Nhưng Viện chỉ thành công ở vùng đồng bằng. Còn vùng núi non, các lạc hầu vẫn biên thùy một cõi. Truyền đến đời Lý, còn 207 lạc ấp, sử gọi là khê động, nằm trấn biên giới phía Bắc Đại-Việt. Đây là thành trì bảo vệ biên giới Hoa-Việt trong hơn nghìn năm Bắc thuộc không bị đồng hoá.



Các khê động vẫn giữ tinh thần cũ, họp nhau, tôn một phụ nữ làm vua. Thời vua Đinh, Lê vẫn tôn trọng, không đổi. Khi vua Lý Thái-Tổ lên ngôi, phong con gái thứ nhì làm:



Lĩnh-Nam bảo quốc hoà dân công chúa gọi tắt bằng danh xưng công chúa Bảo-Hoà, gả cho Thân Thừa-Quý. Công chúa dùng đức, thống nhất khê động, được tôn làm vua Bà Bắc-biên.



Về quân đội, Bắc-biên có hai loại. Một là quân của các động chủ, lạc hầu. Loại quân này, vừa làm ruộng, vừa tuần phòng trộm cắp. Hai là quân của Bắc-biên, có năm đạo mang tên Tiền-đạo, Tả-đạo, Hữu-đạo, Trung-đạo và Hậu-đạo. Mỗi đạo có bẩy ngàn hai trăm người. Đơn vị nhỏ nhất là một Thập, gồm mười người. Ba thập Bộ, một thập Kị, một thập Thú thành một Lượng. Ba lượng Bộ, một lượng Nỏ thành một Đội. Mỗi đội có hai trăm người. Một Lữ có ba đội Bộ, một đội Kị, một đội Thú. Cộng tám trăm người. Một Sư có ba Lữ. Một Đạo có ba Sư. Ngoài ra còn ba Thủy-đội, và đạo Tế-tác hơn nghìn người. Tổng cộng năm vạn.



Trong đại sảnh đường, hơn 207 Động-chủ khê động đều tề tựu, chờ đón Vương.



Vương ngỏ lời chào mừng các Động-chủ rồi nói:



- Lãnh thổ tộc Việt hiện giờ chia làm nhiều khu vực khác nhau. Thuộc hẳn Tống như Quảng-nam lộ. Quảng-nam lộ chia làm hai khu vực Quảng-nam Tây-lộ, Quảng-nam Đông-lộ. Thường gọi tắt bằng Quảng-Tây, Quảng-Đông. Tây-Bắc Quảng-nam lộ thuộc Đàm-châu, khu vực đất linh phát tích tộc Việt cũ, tức Trường-sa, hồ Động-đình. Sau gần nghìn năm Bắc thuộc, tộc Việt tại đây đã nhiều lần nổi lên dành tự chủ được một thời gian, rồi bị xâm chiếm.



Vương ngừng lại cho cử tọa theo kịp, rồi tiếp:



- Khu phía Tây, tức lãnh thổ Tượng-quận cũ. Người Việt nổi lên thành lập nước Đại-lý, trải mấy trăm năm. Họ Đoàn được tôn lên làm vua. Các vua đời trước, đã nhiều công liên lạc tộc Việt tại những vùng khác, mong thống nhất, mà chưa đạt được. Phía Nam gồm hai nước Chiêm-thành, Chân-lạp. Thời Triệu Đà chiếm Âu-lạc, các Lạc-hầu phía Nam Nhật-Nam dựa vào núi non hiểm trở, hùng cứ một phương, rồi thành lập hai nước.



... Cho đến thời Lĩnh-Nam, vua Trưng thành đại nghiệp, cử sứ vào bàn việc thống nhất. Vua Chiêm từ chối, vì nghĩ rằng mình vốn nhỏ bé, thống nhất sẽ bị Lĩnh-Nam khống chế. Chiêm-vương còn đem quân giúp Hán đánh phía sau Lĩnh-Nam, bị anh hùng Lại Thế-Cường, Trương Thủy-Hải, Trương Đằng-Giang đánh bại. Chân-lạp ở phía Nam Chiêm-quốc, thành ra không thể thống nhất với Lĩnh-Nam.



Vương đưa mắt nhìn bộ tộc Thái, rồi tiếp:



- Tộc Việt giữ được nguyên thủy tính hiền hoà phải kể giòng Thái, hậu duệ của ngài Lang-Tiêu, tổ bánh chưng, bánh dày. Giòng Thái hiện chiếm đa số ở Đại-lý, và bao trùm vùng Lão-qua, Xiêm-la. Các nơi ấy, thành lập hai nước khác nhau. Tuy hai nước khác, song họ vẫn là con rồng cháu tiên như chúng ta.



Vương nhìn phò mã Thân Thừa-Quý:



- Lạc hầu, Lạc tướng các nơi đều đã biến mất, để thành quốc-gia. Duy khu vực Bắc-biên ta, vẫn duy trì được Lạc-hầu, nay gọi bằng danh xưng khê động. Bây giờ tôi muốn biết rõ tình hình 207 khê động ra sao?



Thân Thừa-Quý vẫy tay ra hiệu. Hai viên quan đem ra cuộn trục lớn, treo lên trên tường. Trục lụa mở ra, trên vẽ tấm bản đồ Bắc-biên lớn hơn cái chiếu.



Ông chỉ lên bản đồ:



- Bắc-biên bao gồm toàn thể khu rừng núi phía Bắc Đại-Việt. Kể từ bể, Bắc giáp châu Khâm thuộc Quảng-Tây lộ, chạy dài sang Tây thuộc châu Ung, rồi tới Đại-lý. Như vậy biên giới Bắc-biên hai phần giáp Tống, một phần giáp Đại-lý. Phần giáp Tống hoàn toàn thuộc Quảng-Tây lộ.



Trong năm thiếu niên theo Khai-Quốc vương, Lê Thuận-Tông vốn tính thâm trầm nhất. Trong những ngày ở Thăng-long, nó ăn ở ngay trong Khu-mật viện, ngày đêm đọc các tấu chương về Bắc-biên.



Nó dơ tay xin hỏi:



- Thưa Phò-mã! Trước kia Đại-lý, Quảng-Tây đều thuộc lãnh thổ mình. Thời vua Trưng, từ Tả-giang, Hữu-giang trở xuống thuộc Giao-chỉ. Sự phân chia biên giới hiện thời do đâu mà có. Có từ bao giờ? Mà đến nỗi biên giới Đại-Việt phải lùi xuống Nam đến hơn hai trăm dặm như vậy?



Mọi người trố mắt nhìn đứa trẻ tuổi mười lăm, mười sáu, mà có câu hỏi thực sâu sa.



Thân Thừa-Quý đáp:



- Cháu hãy nhìn hai con sông Tả-giang, Hữu-giang. Từ biên giới Hoa-Việt đến đây thuộc đồng bằng. Thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng thuộc Giao-chỉ. Sau khi Mã Viện chiếm Lĩnh-Nam, y vẫn duy trì biên giới đó.



Thuận-Tông hỏi tiếp:



- Cháu có thắc mắc nữa. Từ khi Tống lên ngôi, họ thường sai sứ sang tìm di tích cột đồng trụ trên lãnh thổ Đại-Việt. Mà hồi Mã Viện chiếm Lĩnh-Nam. Y trồng một cây đồng trụ ở biên giới Quế-lâm và Giao-chỉ. Bấy giờ biên giới là sông Hữu-giang. Vậy muốn tìm cột đồng trụ, phải tìm ở khu này, chứ có đâu ở mãi vùng biên giới hiện tại?



Suy luận của Lê Thuận-Tông làm cả đại sảnh đường đều mở to mắt ra kinh ngạc. Chính Khai-Quốc vương cũng tự chửi thầm:



- Người xưa nói rằng: Lời trẻ con ứng như thần ứng không sai. Ừ nhỉ, bao lần sứ Tống sang kiếm truyện đòi tìm cột đồng trụ, hầu định biên giới Hoa-Việt, mà cả triều đình không tìm ra lẽ từ chối. Bây giờ Thuận-Tông mới khai sáng ra. Lần sau họ sang, đuổi họ về vùng Tả-giang mà tìm.



Thân Thừa-Quý tiếp:



- Biên giới hiện tại bắt đầu từ thời vua Ngô. Trước đó, Hoa-Việt không có biên giới. Vì tất cả đều thuộc Hoa, thì phân ra làm gì? Khi vua Ngô đánh đuổi Nam-Hán, chúng chạy về Bắc, vượt qua núi non hiểm trở thì ngừng lại. Vua Ngô muốn đem quân truy kích lên Tả-giang, nhưng đem quân qua rừng núi, rất khó khăn. Trong khi vùng Tả-giang thuộc đồng bằng thông với lãnh thổ Nam-Hán. Quân Nam-Hán dễ dàng tấn công ta. Vì vậy từ đó về sau biên giới Hoa-Việt lấy vùng núi non làm ranh giới.



Ông chỉ lên bản đồ tiếp:



- Ta có 207 khê động. Tất cả thuộc Việt tộc. Thường mỗi trại do một họ sinh sống. Nhưng những khê động gần Tống, thường bị quan Tống uy hiếp, nên trại trưởng theo Tống. Quanh những khê động này, Tống cho đồn quân đề phòng. Đây, kể từ biển, các động Hợp-phố, Như-tích, Để-trạo bị Khâm-châu khống chế, thành ra thuộc Tống. Còn trại Vĩnh-an, thuộc Việt. Đau một điều cả bốn trại đều thuộc họ Hoàng. Do Hoàng Lư thống lĩnh. Họ Hoàng rất trung thành với Đại-Việt. Kế tiếp trại Thiên-long, Cổ-vạn, Tư-minh bị Ung-châu khống chế. Mà những trại đó, cũng như những châu bên Đại-Việt như Tô-mậu, Na-dương, Đình-lập, An-châu đều do họ Vi sinh sống. Thủ lĩnh hiện thời là Vi Thủ-Đan. Hôm nay Vi huynh có về đây họp, xin Vi huynh trình bầy với Khai-Quốc vương.



Một trung niên nam tử, thân thể hùng vĩ đứng dậy hành lễ với cử tọa, rồi nói:



- Họ Vi chúng tôi đời đời sống trong vùng bẩy châu Thiên-long, Cổ-vạn, Tư-minh, Tô-mậu, Na-dương, Đình-lập, An-châu. Bốn châu sau thuộc Đại-Việt, vì vậy chúng tôi tổ chức thống nhất thành châu Tô-mậu, cai quản ba động Na-dương, Đình-lập, An-châu. Còn ba động Thiên-long, Cổ-vạn, Tư-minh thuộc Tống, họ chia rẽ, không cho thống nhất. Đã vậy họ bắt học tiếng Quảng, không cho học, nói tiếng Việt. Vì vậy lâu ngày, ba châu này gần như thành người Hoa cả.



Khai-Quốc vương hỏi:



- Tôi nghe thủ lĩnh bốn châu Vĩnh-bình, Tây-bình, Lộc-châu thuộc Ung-châu bên Tống, mà nhất định chống Tống. Việc đó ra sao?



Một trung niên nam tử, dáng người như thư sinh đứng dậy hành lễ:



- Thần Vi Đại-An xin tham kiến Vương-gia. Đúng như Vương-gia phán. Quan nhà Tống không cho thần thống nhất bốn châu thuộc quyền. Thần nhất định cãi, tổ chức thống nhất quân đội, giáo dục, thương mại. Cho nên hiện quan Tống đang đe dọa. Mong Vương-gia định liệu cho.



Khai-Quốc vương vừa dứt lời, cử tọa vỗ tay vang dội. Vương tiếp:



- Bốn châu của Vi Đại-An tiếp giáp với Lạng-châu, Quang-lang, Môn-văn, Vạn-nhai của Đại-Việt. Bốn châu này hiện do ai thống lĩnh?



Thân Thừa-Quý chỉ vào một người mặt đen như nhọ chảo, nhưng giống ông như hai giọt nước. Ai trông thấy cũng biết là hai anh em:



- Thống lĩnh bốn châu này là chú Thân Thừa-Phú. Chú Phú hiện lĩnh chức Binh-bộ thượng-thư Bắc-biên.



Thân Thừa-Phú đứng dậy hành lễ.



Khai-Quốc vương hỏi vua Bà Bắc-biên:



- Em nghĩ anh Phú lĩnh chức Binh-bộ thượng-thư quá bận rộn. Vậy ta cho thống nhất năm châu của anh với bốn châu của Vi Đại-An làm một, trao cho Vi Đại-An cai quản. Như vậy thử xem quan Tống có dám gây sự không? Nếu họ gây, anh Phú lấy cớ bảo vệ đất mình, mang đại quân ra chống.



Nùng Dân-Phú chỉ lên bản đồ:



- Họ Nùng của thần sinh sống trong châu Thất-nguyên bên Đại-Việt gồm bẩy mươi động. Châu Thái-bình gồm ba mươi sáu động thuộc Ung-châu nhà Tống. Do vậy mới có nạn chia ra Nùng Việt, Nùng Tống. Lại còn nạn Nùng Quảng-nguyên, Tư-lãng nữa.



Khai-Quốc vương kinh ngạc:



- Tại sao còn có nạn ấy?



Thân Thừa-Quý đáp:



- Họ Nùng rất lớn, còn sống ở vùng Quảng-nguyên, Tư-lãng, Thượng-dung, Hạ-dung. Bốn châu này thống thuộc Lưu Nguyên. Lưu Nguyên tuy người Việt, nhưng được Tống phong chức. Lão cai trị ba châu Hoành-sơn, Ôn-nhuận, Qui-hoá. Nghiã là y cai trị bốn châu thuộc Việt, ba châu thuộc Tống. Trong bốn châu đó họ Nùng sinh sống. Ba châu sau họ Lưu sinh sống. Hiện y bị đau nặng. Theo luật lệ, y cho tổ chức đấu võ, tuyển người thay thế.



- Thể lệ tuyển như thế nào?



- Tất cả thiếu niên tuổi từ mười hai, tới mười bẩy, con cháu của dân chúng trong 207 khê động đều được tham dự.