Anh Hùng Bắc Cương

Chương 25 : Trên Đỉnh Tản-viên

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Trên đỉnh Tản-viên --- -



Lê Văn chỉ vào túi mình:



- Em mang theo rất nhiều Hàn-ngọc đan. Để em đi trước. Gặp chuyện gì bất trắc, em dùng thuốc tự vệ hay hơn là dụng võ.



Nó lách người lên đầu. Tiếp theo Tự-Mai.



- Cẩn thận dò từng bước!



Thiệu-Cực dặn các em:



- Đường lên đỉnh núi Tản-viên có đến ba ngách khác nhau. Con đường này rất bí mật, chỉ chưởng môn phái Tản-viên mới biết mà thôi. Hôm trước Bảo-Hoà chỉ cho anh.



Bốn người tiếp tục theo những bậc thang, leo lên. Lát sau, có ánh sáng lùa vào. Rồi tiếng ào ào như thác nước chảy phía bên ngoài. Mùi ẩm ướt xông lên rất khó chịu. Những giọt nước từ vách đá rơi xuống lách tách. Vách đá đầy những hình kỳ dị nghìn hình vạn trạng. Ánh sáng ngọn bổi chiếu trên thạch nhũ phản chiếu long lanh như đêm trăng đầy sao.



Đi thêm đoạn nữa, Lê Văn dừng bước, nó quay lại hỏi Thiệu-Cực:



- Hang cùng rồi. Phía trước chỉ có một lỗ, con mèo may mới chui lọt. Đỉnh núi này cao nhất vùng, tại sao còn có tiếng thác nước chảy. Kể cũng lạ?



Thiệu-Cực cầm bổi lên soi. Chàng nhớ ra điều gì:



- Phải rồi, cửa hang mật thông với đỉnh núi. Phía trước khoảng ba trượng có cây đề, lớn ước năm người ôm. Nó như tấm mành mành che khuất, nên dù người sống trên Tản-lĩnh cũng khó mà biết rằng sau gốc bồ đề có đường hầm. Tiếng ào ào vọng vào chắc không phải tiếng thác, mà là tiếng gió thổi làm lá bồ đề bật thành tiếng reo đấy thôi. Cửa này bị lấp mất lối. Phải gỡ mấy tảng đá mới ra được.



Quả đúng như Thiệu-Cực nói, cửa hang được lấp bởi những tảng đá khá lớn. Lê Văn gỡ tảng thứ nhất không khó khăn gì. Nó gỡ tảng thứ nhì, rồi ba. Đến tảng thứ mười tám, thì mở ra cửa lớn. Không khí trong lành lùa vào hang. Mấy anh em cảm thấy dễ chịu, họ hít một hơi dài, cùng bật lên tiếng hoan hô. Gốc cây bồ đề to ước ba người ôm như tấm mành che cửa, thành ra đứng trong hang không nhìn thấy bên ngoài.



Lê Văn tung mình toan chui ra khỏi hang. Thiệu-Cực túm áo nó kéo lại:



- Khoan! Để hai con sói ra trước dò đường đã.



Chàng huýt sáo một tiếng. Hai con sói vọt mình tiến lên. Nó ngừng lại ở cửa hang đánh hơi mấy cái rồi chui ra, biến mình vào trong đám mây trắng mờ mờ bên ngoài. Lát sau chúng trở lại vẫy đuôi mừng.



Biết vô sự, Lê Văn lách mình ra trước. Nó núp vào gốc cây cổ thụ quan sát: Đỉnh núi có khu đất bằng phẳng ước hơn ba mẫu. Giữa khoảnh đất, toạ lạc căn nhà. Nửa dưới bằng đá xếp lại. Nửa trên bằng gỗ hun khói đen. Xung quanh, một vườn hoa, với hàng trăm thứ hoa thơm cỏ lạ, mầu sắc sặc sỡ.



Chợt nó rùng mình rên:



- Lạnh quá.



Mây trắng bàng bạc trôi, che lấp Tản-lĩnh. Thành ra khó có thể thấy toàn bộ xung quanh.



Nó dơ tay lại sau vẫy mấy cái. Thiệu-Cực cùng Tự-Mai, Tôn Đản ra theo.



Thình lình có tiếng quát tháo, rồi tiếng vũ khí chạm nhau kêu loảng xoảng đâu đó vọng lại.



Tự-Mai đoán:



- Dường như có cuộc giao tranh thì phải. Không biết ai với ai đang đấu chiến?



Gió đưa mùi hôi nồng nặc xông ra, rồi có tiếng gầm gừ. Hai con cọp mun nhe răng tiến lại. Lê Văn, Tự-Mai vận công, chuẩn bị đả hổ. Bỗng Thiệu-Cực cũng gầm gừ như hổ mấy tiếng. Hai con hổ nghe tiếng Thiệu-Cực, chúng ngừng lại quan sát. Khi nhìn thấy chàng, chúng lao mình đến, vẫy đuôi mừng như chó. Thiệu-Cực ôm đầu chúng, tỏ vẻ thân ái.



Tự-Mai hỏi:



- Cọp này quen với anh chăng?



- Đúng thế. Chúng thuộc đội hổ binh canh núi Tản-viên. Hơn năm trước bị mất tích. Anh cho rằng chúng đi lạc vào rừng, không ngờ chúng lại ở đây.



Tôn Đản xua tay:



- Em nghi chúng bị người ta bắt trộm e đúng hơn! Anh hỏi chúng xem!



- Hỏi vấn đề khó khăn như vậy, chúng không biết trả lời đâu. Vả hùm này khôn hơn người. Người ta có thể giết chúng, chứ không bắt được đâu. Chúng ta cần dò la xem, sự thể ra sao?



Chợt chàng à lên một tiếng lớn:



- Phải rồi, không ai bắt chúng cả. Nguyên hai con hổ này luôn theo bên cạnh Bảo-Hoà. Hồi Bảo-Hoà lên làm chưởng môn phái Tản-viên, chắc dẫn chúng theo. Nay, hẳn vì vắng Bảo-Hoà, chúng đánh hơi lên đây tìm chủ mà thôi.



Lại có tiếng reo hò, rồi tiếng vũ khí chạm nhau.



Thiệu-Cực vẫy tay chỉ vào ngôi nhà ra lệnh cho con sói. Nó băng mình tới. Chàng bảo các em:



- Anh với Tự-Mai thám thính bên trái căn nhà. Đản với Lê Văn thám thính bên phải. Tuyệt đối không nên dụng võ. Trên trời ta có chim ưng tuần phòng. Nó luôn lao xuống phía sau căn nhà. Vậy tại đó ắt có sự gì kỳ quái chứ không bình thường đâu. Phải cẩn thận. Để anh bảo cặp hùm đi hộ vệ.



Lê Văn, Tôn Đản men theo những bụi hoa, lần đến phía phải căn nhà. Căn nhà khá đồ sộ. Nửa dưới xây bằng những tảng đá xanh xếp vào nhau, khít khao đến độ mới nhìn qua, tưởng như một vách thiên tạo. Cửa chính rộng đến hơn hai trượng. Cánh cửa mở rộng. Trên cánh cửa, tạc hình nổi. Liếc qua Tôn Đản thấy nhiều hình người, hình trâu, sống động như thực. Các cửa sổ mở rộng.



Nó nghĩ thầm:



- Bố ta thường nói: Tổ sư Sơn-Tinh xuất thân nông dân, cùng tiều phu. Nay cứ nhìn hình này thì rõ. Không biết cửa chạm trổ từ bao giờ, mà nét đẹp đến thế kia? Làm sao mang gỗ lim, gỗ gụ từ dưới lên đây xây cất? Đỉnh núi cao quá, mây che khuất, người dân đứng dưới nhìn, khi thấy ngôi nhà, khi không. Vì vậy ca dao bình dân nói rằng đỉnh núi Tản có thành do tiên xây là thế. Hôm nay mình mới được biết sự thực.



Nó nhớ lại lời Hồng-Sơn đại phu nói:



- Tản-lĩnh là nơi linh thiêng nhất Lĩnh-Nam. Xưa Cao Biền đi khắp non cùng, thủy tận ếm, phá hết các thế đất linh. Chỉ có hai nơi y không làm nổi. Một là thế đất Cổ-pháp được phái Tiêu-sơn bảo vệ, sau táng tổ tiên họ Lý. Do vậy họ Lý lên làm vua trong hơn hai trăm năm. Còn thần Tản-viên nức tiếng linh. Cao Biền yểm không xong, hút nữa bỏ mạng.



Quan sát tầng trên bằng gỗ gụ đen bóng. Mái lợp ngói tráng men xanh. Lê Văn nói nhỏ:



- Bố em thường nói: Căn nhà trên đỉnh núi Tản do tổ sư Sơn-Tinh dùng biết bao tâm huyết cùng đệ tử kiến tạo. Lúc đầu ngài cùng công chúa Mỵ-Nương hưởng thanh phúc. Sau khi ngài qua đời, đệ tử dùng làm tổng đàn thờ cúng người. Căn nhà này trải qua hơn nghìn năm, không biết đã phải tu bổ bao nhiêu lần, mà vẫn con đẹp thế này?



Có tiếng nói vọng ra. Hai đứa trẻ vội tới sát cửa sổ, ghé mắt nhìn vào. Trong căn phòng lớn, trang trí cực kỳ uy nghiêm. Giữa phòng, một pho tượng lớn, bằng đồng đen bóng loáng. Pho tượng tạc hình một tiều phu ngồi bên con trâu trong tư thế nằm. Người tiều phu tay cầm búa, tay để lên u trâu, chân duỗi, chân co.



Không ai bảo ai, hai trẻ đều biết đó là tượng thánh Tản. Chúng đưa mắt quan sát, lòng đầy tự hào:



- Đất Việt mình quả thực địa linh. Nơi nơi đều có linh thần bảo quốc. Thánh Tản ngự trên này, ngài phóng tầm mắt nhìn khắp Hoa-Nam, nhất cử nhất động của Bắc phương ngài đều thấy rõ.



Lại có tiếng reo:



- Lão già Đặng Đại-Khê kia! Mi chịu thua đi thôi! Hay mi muốn lão gia hóa kiếp cho mi.



Tiếng nói ấm ớ, tỏ ra không phải do người Việt phát âm. Tự-Mai, Thiệu-Cực cũng đã đến bên Tôn Đản, Lê Văn. Tự-Mai chỉ phía sau căn nhà:



- Dường như Đặng sư bá đang giao chiến với ai! Không biết bọn ấy thuộc loại người nào, mà dám buông lời nhục mạ Đặng sư bá.



Bốn người vòng ra phía sau. Quả nhiên trên khoảng đất bằng phẳng, dùng làm sân luyện võ. Trong sân chia ra hai nhóm người đứng đối diện nhau. Mỗi nhóm đều có tăng, tục, nam, nữ. Họ đeo nhiều thứ vũ khí kỳ dị. Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn nhận ra một nhóm thuộc phái Tản-viên. Trong nhóm, có Đào Nhị-Bách, Đào Tam-Bách. Phân nửa đám đệ tử Tản-viên đã tham dự đại hội Lộc-hà, nên chúng quen mặt. Họ cũng nhận ra chúng. Còn nhóm kia trang phục theo người Tống. Giữa đám Tống, hai người mặc quần áo Việt. Đó là mụ già Anh-Tần, hội trưởng hội Vu-sơn vùng Yến-vĩ sương-sen. Cạnh mụ, một tên nữa, làm Tự-Mai, Tôn Đản nhìn nhau cười, chính thị gã Nguyễn Qúy-Toàn.



Lạ một điều, giữa đám võ lâm Tống, có một người mặc theo lối quan lại.



Hai nhóm người chăm chú theo dõi trận đấu giữa sân. Hai đối thủ đang vận công đấu nội lực. Tự-Mai nhận ra một người chính là Đặng Đại-Khê. Một người nữa tuổi cũng khá già, râu tóc bạc phơ, oai phong lẫm lẫm, nó không biết rõ căn cước.



Mọi người chú tâm đến trận đấu, nên bốn đứa trẻ đến, mà không ai chú ý.



Bọn Tự-Mai đứng vào với phái Tản-viên.



Đặng Đại-Khê hiển uy thần lực, mặt đỏ như uống rượu. Còn lão già kia, râu tóc dựng đứng. Trên đầu lão có khói bốc lên.



Một mụ già trong nhóm Tống quát lên the thé:



- Lão Đặng Đại-Khê kia! Người không phải đối thủ của Nam-Sơn lão nhân phái Hoa-sơn đâu. Mi mau quỳ gối xin hàng, lão nhân gia sẽ thu làm đệ tử.



Mụ vừa dứt lời, chính Nam-Sơn lão nhân lùi liền hai bước. Vì vậy, mụ ngậm mồm, không nói thêm gì nữa.



Qua một vài khắc, thình lình Đặng Đại-Khê lùi liền ba bước. Rồi tay trái chĩa thẳng vào mặt Nam-Sơn lão nhân điểm một chỉ. Nam-Sơn lão nhân thấy chỉ của Đại-Khê chĩa vào ngực, y kinh hoảng, nội lực yếu đi. Tay trái y từ tư đưa ra gạt chỉ của Đại-Khê. Chỉ của Đại-Khê trúng giữa cườm tay lão. Lão choáng váng bật lui, rồi oẹ một tiếng, miệng phun máu có vòi, người lộn đi ba vòng, nằm bất động.



Một người trong nhóm đối diện chạy ra bồng lão về. Một người khác, tuổi khoảng năm mươi bước ra hướng Đại-Khê xá một xá:



- Đặng tiên sinh quả xứng danh đứng trong Đại-Việt ngũ-long, một lúc đả bại Bắc-Sơn, Nam-Sơn trong Hoa-sơn tứ lão. Lão phu Tây-Sơn, xin Đặng đại hiệp chỉ điểm cho mấy cao chiêu.




- Ta phải buông lời chữa thẹn, cho mụ đánh nữa, hầu Tự-Mai hút hết công lực mụ.



Ông xá Kim-Qui một xá:



- Giáp nữ hiệp. Đa đạ nữ hiệp nhẹ tay với Tự-Mai.



Ông nói với nó:



- Giáp nữ hiệp chỉ muốn khảo nghiệm võ công cháu. Vậy cháu đừng nề hà gì, hãy hãy dùng tất cả bình sinh sở học, lĩnh giáo mấy chiêu nữa của Giáp tiền bối đi.



Ông dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Tự-Mai:



- Vận thần công Yên-lãng bằng kinh mạch, xuất chiêu Ác-ngưu nan độ đánh mụ.



Ác-ngưu nan độ là chiêu thuộc pho chưởng trấn môn của phái Tản-viên. Chiêu này đánh về trước như đẩy con trâu dữ cản đường. Vì vậy lực đạo trực chỉ. Tuy chiêu số mạnh, nhưng khi đấu phải ước lượng xem công lực mình mạnh hơn hay bằng đối thủ hãy xử dụng. Chiêu này tuyệt đối không thể, không nên dùng khi công lực đối thủ cao hơn, bởi khi công lực đối thủ cao hơn, kình lực đánh ngược lại thân mình, sẽ mất mạng. Nhưng người xử dụng thần công Yên-lãng, giống như mở cửa, đón nhận hết vàng ngọc của đối phương biếu mình.



Tự-Mai được Bảo-Hoà dạy cho mười chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Bây giờ thấy Đại-Khê khuyên như vậy, không nghĩ ngợi, nó xuất chiêu liền.



Giáp Kim-Quy bị thất bại chiêu đầu, mụ cho rằng mình vận chưa hết công lực. Bây giờ mụ vận đủ bình sinh sở học, vung tay đỡ thẳng vào chưởng của nó. Bộp một tiếng. Hai chưởng dính liền vào nhau. Tự-Mai thấy chân khí đối phương theo Thủ-tam dương kinh tràn vào người. Nó chuyển về huyệt Mệnh-môn rồi đưa vào thận.



Nếu Giáp Kim-Quy không vận hết công lực. Nếu Tự-Mai xuất chiêu khác, chân khí mụ rót vào người Tự-Mai như ấm nước rót vào bát, phải khoảng một nửa giờ mụ mới kiệt quệ. Đây Tự-Mai xuất chiêu Ác-ngưu nan độ, mở rộng Lục-kinh. Giống như một cái hồ. Còn Kim-Quy lại dồn chân khí ra hết, chẳng khác gì chậu nước hắt xuống hồ. Vì vậy khoảng mười tiếng đập tim, chân khí mụ hoàn toàn dồn vào người Tự-Mai. Mụ lảo đảo, ngã ngồi xuống.



Đám người phái Hoa-sơn la hoảng. Vì võ công Giáp Kim-Qui đâu có thua Hoa-sơn tứ lão làm bao, thế mà bị một thiếu niên đánh hai chiêu, khiến mụ kiệt quệ, mất hết sức lực.



Đạo cô Vương Lệ-Ngọc lạng người tới. Mụ xuất chiêu trong Hoa-sơn chưởng đánh thẳng vào mặt Tự-Mai, với ý định đẩy lui nó lại, rồi ôm Giáp Kim-Quy về.



Tự-Mai vốn gan lỳ, lại can đảm. Ai nó cũng dám so tay hết. Ngày nọ, đại hội Lộc-hà ở Thăng-long, võ công còn kém bây giờ xa, mà nó còn dám so tay với Nhật-Hồ lão nhân, huống hồ vị đạo cô này.



Thấy chưởng của mụ cực kỳ hùng hậu, có lẽ ngang với bọn trưởng lão Lạc-long giáo, nó vội hít một hơi chân khí vận Yên-lãng thần công vào Thủ-tam dương kinh, phát chiêu Ác-ngưu nan độ đỡ.



Binh! Một tiếng. Người nó choáng váng, nhưng tay nó với Lệ-Ngọc dính liền nhau. Lần này, công lực nó, thêm công lực mới nhận được của Giáp-kim-Qui, nên hút mau hơn lần trước. Chỉ nửa khắc, Vương Lệ-Ngọc như người say rượu, ngã ngồi xuống.



Sau khi thu nội lực của hai đại cao thủ, người Tự-Mai cảm thấy bứt rứt, căng thẳng, cực kỳ khó chịu. Đặng Đại-Khê nhắc nó:



- Mau ngồi xuống, xếp chân thu liễm chân khí, trong khi trụ tâm đọc bài kinh Bát-nhã.



Kinh Bát-nhã gốc từ Thiền-tông. Người theo đạo Phật, hoặc tập thiền đều thuộc nằm lòng. Phàm sau khi tụng kinh, tập thiền, đều đọc một lần, để lòng trong sáng. Công lực do đó trở về đơn điền. Tự-Mai là đệ tử của sư thái Tịnh-Huyền, một ni sư uyên thâm Phật-pháp, nên kinh Bát-nhã nó thuộc nằm lòng.



Đám cao thủ Hoa-sơn kinh ngạc đến ngẩn người ra. Tất cả cùng tự hỏi:



- Cho rằng thằng bé này, xuất thân danh môn. Lẽ nào cứ mỗi chiêu, hạ một đại cao thủ?



Chu Chiếu-Anh, Trí-Thành đỡ Giáp, Vương về trận mình. Tây-Sơn lão nhân hỏi:



- Vương muội! Cái gì đã xẩy ra?



Vương Lệ-Ngọc thở hào hển như người kiệt sức:



- Không rõ nữa. Kình lực mất hết. Trong người trống rỗng.



Lê Văn rất quan tâm đến Tự-Mai. Nó đến bên anh, bắt mạch. Nhưng khi tay vừa chạm vào tay Tự-Mai, nó cảm thấy như bị người ta ngoạm một miếng đau thấu tâm can. Nó dụt tay lại á lên tiếng lớn.



Đặng Đại-Khê bảo nó:



- Tự-Mai không sao đâu. Cháu đừng lo.



Thiếu nữ lại chạy ra chỉ mặt Tự-Mai:



- Tiểu tử hôi thối kia! Mi mi lại làm hai vị sư thúc ta bị thương rồi. Mi to gan lớn mật thực. Ta phải chặt cái đầu củ chuối rẻ tiền của mi mới được.



Nàng cười mà không phải cười, tay nàng rút kiếm đâm vào ngực Tự-Mai. Thấy thiếu nữ vô lý, nhưng Tự-Mai nhủ thầm:



- Bố ta thường nói: Vua chúa, quan quyền cũng như người đẹp thường vô lý. Cái gì mình làm họ cũng bắt lỗi cả. Ta chẳng nên quan tâm làm gì.



Nghĩ vậy nó đứng im, không tránh, đưa hai ngón tay kẹp cứng sống kiếm lại. Thiếu nữ thấy kiếm mình như đinh đóng cột, không nhúc nhích được. Nàng nổi giận, nhưng mặt vẫn như cười:



- Mi lại định cướp kiếm của ta ư? Ta cho mi đó.



Nàng buông kiếm nhảy lui lại. Tự-Mai cầm kiếm lên coi, chuôi kiếm có khắc chữ Hoa-sơn Triệu Thuận-Tường. Chuôi kiếm của nàng dát đầy ngọc, ngọc bích, kim cương, lại có hai tua bằng những sợi chỉ kết lại. Một tua mầu đỏ, một tua mầu xanh. Nó mỉm cười:



- Cô này tên Thuận-Tường đây.



Nó vung tay một cái, thanh kiếm bay vọt lên cao, phản chiếu ánh sáng lấp lánh như sao lạc, rồi chui tuột vào bao kiếm phía sau nàng. Nó chắp hai tay hướng nàng:



- Triệu cô nương, xin hoàn trả kiếm cho cô nương.



Mọi người vỗ tay hoan hô thủ pháp tuyệt vời của Tự-Mai. Thiếu nữ dậm chân tỏ vẻ bực tức:



- Tên tiểu tử ngu dốt kia, mi thực đần độn hết chỗ nói. Mi... mi chẳng hiểu gì cả.



Từ đầu đến cuối Tây-Sơn lão nhân không nói một lời. Bỗng lão ngửa mặt lên trời ngâm hai câu ca dao của người Việt:



Yêu nhau cởi áo cho nhau,



Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.



Tự-Mai nghe lão ngâm, nó tỉnh ngộ, nghĩ thầm:



- Lão này học tiếng Việt bao giờ, mà biết cả câu ca dao tình tứ của người mình. Dường như lão muốn nhắn nhủ mình rằng Triệu cô nương yêu thương mình, muốn tặng kiếm cho mình, mà sợ sư phụ, sư thúc biết, nên phải giả bộ tức giận. Mình thực ngu quá, lại đem trả về, thực phụ lòng nàng. Trách nào nàng không giận. Nàng mắng mình cũng đáng.



Nó chắp tay hướng Thuận-Tường:



- Triệu cô nương. Tại hạ... tại hạ quả tình ngu dốt thực.



- Như vậy cho mi mở mắt ra.



Chu Chiếu-Anh xem mạch cho Vương Lệ-Ngọc, Giáp Kim-Qui rồi lên tiếng:



- Trần công tử. Không ngờ phái Đông-a, nổi tiếng đạo đức, mà lại dùng công phu tà môn của bọn Liêu-Đông, làm tiêu hao công lực hai sư muội của ta!



Tôn Đản bước ra, chắp tay xá Chu Chiếu-Anh:



- Lão bà lầm rồi. Sư đệ của tại hạ đâu có đánh hai vị Vương, Giáp tiền bối? Chính hai vị đánh sư đệ của tại hạ, rồi bị thất bại. Bây giờ cả hai bên đều bị thương. Nội công mà sư đệ của tại hạ dùng vốn của tiền nhân phái Tản-viên. Vị tiền bối này đã hợp thần công Tản-viên với Thiền-công mà thành. Thần công Tản-viên với Thiền-công mà là tà môn, thì trên thế gian này, không có nội công nào quang minh chính đại nữa.



Nhà sư Vạn-Quang chống thiền trượng bước ra:



- Tiểu thí chủ. Xin tiểu thí chủ cho biết cao danh quý tính cùng sư thừa?



Tôn Đản khởi học võ công với bố. Nhờ có cơ duyên, nó vào động Xuân-đài cùng Lý Long, Tự-Mai luyện võ công Cửu-chân. Sau này nó được Thiên-trường ngũ kiệt, rồi Thanh-Mai, Tự-Mai, Mỹ-Linh chỉ điểm cho, nhưng không ai là sư phụ nó. Vì vậy nó trả lời:



- Tiểu sinh họ Tôn tên Đản, không có sư phụ.



Câu trả lời của Tôn Đản vượt ra ngoài ý nghĩ mọi người. Chính Đặng Đại-Khê cũng kinh ngạc:



- Hôm đại hội Thăng-long, rõ rằng thiếu niên này với Tự-Mai lên đài phá bọn Tống đến điên đầu lên. Võ công của nó đâu thua Tự-Mai, Lê Văn làm bao. Tại sao lại không có sư phụ?



Vạn-Quang thấy Tôn Đản gọi Tự-Mai bằng sư đệ. Y cho rằng nó xuất thân từ phái Đông-a. Y muốn Tôn Đản xuất chiêu, để có thể biết nội công mà Tự-Mai dùng đánh bại hai sư tỷ của y. Y vẫy tay bảo một thiếu niên:



- Khúc-Chẩn! Cháu hãy lĩnh giáo mấy cao chiêu của Tôn thiếu hiệp.



Lời nói của y đầy khách sáo.