Anh Hùng Bắc Cương

Chương 33 : Điểm huyệt mật pháp

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Điểm huyệt mật pháp ----- -



Khai-Quốc vương nghĩ thầm:



- Hai tên này thống lĩnh một bang trộm cướp lớn, lại kinh lịch nhiều, mà dám công khai tấn công đoàn hộ tống của triều Tống, hẳn đã nghiên cứu kỹ về mình với Thanh muội. Chúng biết ta mà còn dám làm ngang, chắc chắn chúng không đi có hai, mà còn nhiều tên khác mai phục xung quanh, chưa xuất hiện. Không biết toán kị binh hộ tống hiện ra sao? Cơ chừng trúng phục binh bị giết hết rồi cũng nên. Khi ra đi, mình đã quyết định không dùng võ công trên đất Tống. Nếu có gì sơ xẩy, triều Tống trách nhiệm. Mình cần chế chỉ tâm thần, xem truyện đi đến đâu?



Vương ung dung, hỏi lại:



- Tại hạ e giang hồ đồn kho tàng Tần-Hán chỉ hữu danh, vô thực. Thế mà hai vị Trường-giang song hùng cũng tin ư?



Thấy anh em mình uy hiếp, Khai-Quốc vương tỏ ra phong lưu, tiêu sái, không sợ hãi. Trường-giang song quỷ bắt đầu kính phục. Chúng nghĩ thầm:



- Mình nghe tên Lý Long-Bồ là nhân vật xuất chúng. Hôm đại hội Thăng-long, được tám vùng tộc Việt tôn lên làm trừ quân. Quả thực không hổ với tiếng đồn. Nhưng có điều sao y chấp nhận để bị cầm tù dễ dàng quá?



Phương Báo nói:



- Vương gia không tin ư? Thế mà hiện anh hùng thiên hạ đều tập trung về Khúc-giang tranh kho tàng này. Nào Bình-Nam vương Triệu Nguyên-Nghiễm cùng các đại cao thủ của Khu-mật viện. Nào bang Nhật-hồ Trung-quốc. Nào cao thủ Đại-lý, Cao-ly, Tây-hạ. Cho đến Lạc-long giáo cũng gửi đến hai trưởng lão cùng biết bao giáo chúng về. Không biết giáo chủ có tới hay không. Tin đồn Vương-gia đi sứ phen này không ngoài mục đích đó. Ai cũng nói, duy Vương-gia đã hợp hai người cháu. Một làm giáo chủ Lạc-long giáo Thân Thiệu-Thái, có tất cả bản đồ sông núi vùng Khúc-giang. Hai làm chưởng môn phái Mê-linh, công chúa Bình-Dương, có tất cả mật ngữ, bản đồ nơi chôn cất. Cho nên giang hồ khẳng định, ngoài Vương-gia, không ai biết nơi chôn cất kho tàng đó cả.



Y im lặng quan sát thái độ của vương, rồi tiếp:



- Vì vậy, anh em tại hạ bạo gan đón Vương-gia cùng Vương-phi đi tìm kho tàng.



Thanh-Mai lắc đầu:



- Trường-giang song hùng sao hồ đồ lắm vậy. Nếu thực sự có kho tàng, ắt Lưu hậu hay Bình-Nam vương nhà Tống đã đem đại binh tới Khúc-giang, lật từng viên ngói, đào từng gốc cây tìm kiếm rồi, đâu đến chúng ta. Trên đời, những gì đồn đại, trăm điều sai đến chín chục. Nếu như Đại-Việt có bản đồ, hẳn chúng tôi kéo đi đông đảo, có đâu chỉ hai người với năm đứa trẻ?



Phương Hổ cười ha hả, tiếng cười của y vang khắp sơn lâm:



- Khai-Quốc vương vốn tài trí nhất gầm trời. Vì vậy đi tìm kho tàng, bề ngoài chỉ có hai. Ai biết đâu, trong bóng tối, không mang hàng vạn cao thủ. Bất kể Vương-gia có đi tìm kho tàng hay không, anh em tại hạ cũng mời Vương-gia, Vương-phi cùng đi.



Khai-Quốc vương nghĩ rất nhanh:



- Hai tên ma đầu này, võ công cực cao. Mình với Thanh muội chống trả cũng vô ích. Lỡ trong khi đấu với nhau, năm sư đệ nhảy vào, có thể mất mạng. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái quả có bản đồ. Chúng đang trên đường đi Khúc-giang. Nếu mình đem lực lượng Đại-Việt, tranh đấu với anh hùng thiên hạ, tổn thất không ít. Mà dù có thắng, liệu Tống triều có để yên cho mình mang về Đại-Việt không? Âu là mình đi với chúng, xem chúng tìm kho tàng ra sao. Đợi cho các đoàn tìm kiếm chém giết nhau, kẻ bại chết, người sống bị thương, bấy giờ mình xuất hiện, ắt thắng lợi vào tay. Mình tạm lệnh cho Bảo-Hoà, Thông-Mai cùng bọn Tôn Đản âm thầm theo bọn này. Nếu như quả có kho tàng, thừa cơ đoạt lại. Còn không có kho tàng, cũng chẳng sao.



Nghĩ vậy Vương nói:



- Khúc-giang vốn đất của tộc Việt. Tại hạ cũng muốn đi thăm một chuyến. Đa tạ hai vị.



Vương nói với Thanh-Mai:



- Thanh muội. Chúng ta đi Khúc-giang. Thanh muội gọi năm đứa trẻ về đi.



Thanh-Mai hiểu ý chồng. Nàng đứng dậy hú một tiếng dài. Tiếng hú ngân vang khắp thung lũng.



Trường-giang song quỷ kinh hãi nghĩ:



- Con nhỏ này, tuổi bất quá mười chín, hai mươi, mà công lực đã đến dường này. Hèn chi trước đây mình bại về tay Trần Tự-An cũng phải.



Tiếng hú vừa dứt, lập tức có tiếng tù và đáp lại. Thoáng một cái, năm đứa trẻ xuất hiện. Chúng thấy Trường-giang song quỷ, không những không ngạc nhiên, mà còn nhìn nhau rồi cười khúc khích. Tôn Đản hỏi Thanh-Mai:



- Chị ba, hai ông này ban nãy đánh nhau với thị vệ phải không? Hai lão tới đây làm gì vậy? Xin tiền tiêu chăng?



Thanh-Mai đáp:



- Hai vị đây có cao danh Trường-giang song hùng. Hai vị mời chúng ta đi Khúc-giang chơi một chuyến.



Hà Thiện-Lãm thích quá, nó chạy lại nắm tay Phương Hổ gật mạnh:



- Phương tiền bối tử tế thực. Bây giờ chúng ta xuống núi, rồi đi luôn hay sao?



Phương Hổ gật đầu:



- Đúng như vậy.



Khai-Quốc vương, Thanh-Mai đổ đồi trước. Năm đứa trẻ và Trường-giang song hùng theo sau. Xuống dưới chân núi, Thanh-Mai thấy Tào Khánh bị trói, đặt ngồi trên mình ngựa. Cạnh đó có một đôi trai gái bị trói dính vào nhau theo tư thức lưng đối lưng, mắt bị vải buộc che mất.



Thanh-Mai cho rằng đôi trai gái, cũng như Tào-Minh bị Phương Hổ bắt trói. Nàng thản nhiên như không.



Phương Hổ thấy cặp trai gái bị trói, y kinh hoàng, nhảy nhót mấy cái, tay rút kiếm đưa một nhát, dây trói đứt. Đôi trai gái được tự do. Phương Hổ hỏi:



- Lục đệ, thất muội, cái gì đã xẩy ra?



Người đàn bà đáp:



- Không biết từ đâu, xuất hiện năm tên ôn con. Chúng tấn công, rồi bắt trói...



Mụ chưa nói hết câu, thấy bọn Tự-Mai đang đứng đấy cười. Mụ chỉ mặt Tôn Đản:



- Mấy thằng nhãi con. Ta phải lột da mi mới được.



Mụ vung tay chụp Tôn Đản. Nó trầm người tránh khỏi, rồi núp sau Thanh-Mai:



- Chị ba, cứu em với.



Phương Hổ hỏi người đàn bà:



- Thất muội! Cái gì vậy?



- Năm thằng ôn vật này đã bắt trói muội.



Phương Hổ chỉ mụ đàn bà giới thiệu:



- Thưa vương gia, bản bang được lãnh đạo bởi bẩy người. Tại hạ đứng đầu, vị này có tên Xuyên Dung, đứng hàng thứ bẩy của bản bang.



Y chỉ người đàn ông trang phục như Nho sinh:



- Vị này đứng hàng thứ sáu trong bản bang, họ Phi tên Lịch.



Sau đó y giới thiệu từ Khai-Quốc vương cho tới Lê Văn. Rồi hỏi Xuyên Dung:



- Cái gì đã xẩy ra? Chúng ta là người nhà cả.



Xuyên Dung chỉ Lê Văn:



-- Tên ôn con này bắn vào người muội với lục huynh hai viên thuốc khiến chân tay không cử động được, rồi chúng trói lại, bỏ lên ngựa.



Phương Hổ xua tay:



- Các vị đây là sư đệ của Khai-Quốc vương, tính tình hiếu động, hay đùa nghịch. Thất muội chấp làm gì? Ta cho thất muội biết, Vương-gia, Vương-phi cùng ngũ vị công tử sẵn sàng đi với chúng ta tìm kiếm kho tàng Tần-Hán. Chỉ nguyên truyện này, dù các tiểu công tử có đùa cợt đến đâu, thất muội cũng nên bỏ qua.



Y nói với Khai-Quốc vương:



- Mời Vương-gia, cùng Vương-phi lên ngựa cho.



Mọi người lên ngựa.



Phương Hổ hô lớn:



- Đi!



Ngựa phi như gió. Phương Báo phi trước, Phương Hổ phi sau cùng. Ý chừng chúng sợ có ai chạy trốn chăng.



Ngựa Tôn Đản, Lê Thuận-Tông phi song song phía trước. Ngựa Thiện-Lãm, Tự-Mai phi thành cặp phía sau. Lê Văn phi sau cùng. Đang phi ngựa, Lê Văn hô lớn:



- Lên!



Tự-Mai vọt người lên cao. Hai chân nó đáp lên vai Tôn Đản. Trong khi Thiện-Lãm đáp lên vai Lê Thuận-Tông. Tài tình ở chỗ, ngựa vẫn phi như bay, mà hai đứa trẻ đứng rất vững. Ngựa Đản, Tông vẫn phi song song sát nhau.



Lê Văn hô lớn:



- Phát chiêu!



Thiện-Lãm, Tự-Mai cùng rút kiếm chiết chiêu với nhau.



Thanh-Mai đưa mắt cho Khai-Quốc vương, nàng mỉm cười:




Khai-Quốc vương hỏi Lê Văn:



- Chú mười! Em giỏi y khoa. Em có biết huyệt nào trị cho người ta khỏi điếc không?



- À, nhiều lắm. Các huyệt Thính-cung, Nhĩ-môn, Thính-hội, Ế-phong dùng để trị điếc. Còn như muốn thông hoàn toàn, có thể dùng Ngoại-quan, Trung-chử hay Chi-cấu. Còn muốn trị cho người ta khỏi cấm khẩu, khỏi câm thì dùng Á-môn.



Khai-Quốc vương hỏi:



- Như muốn cho người ta ngủ được nên dùng huyệt nào?



- À khá nhiều đấy: Phong-trì, cùng các huyệt trên tâm hay tâm bào kinh.



- Bây giờ anh muốn dạy các em khoa điểm huyệt. Dù chúng ta nói tiếng Việt, tuy vậy cũng cần phòng bọn Trường-giang thất quỷ học lóm. Ta cần làm cho chúng điếc, cũng như ngủ say.



Tôn Đản reo lên:



- Hay lắm! Chú mười chỉ cần điểm vào những huyệt chữa điếc, chúng sẽ trở thành điếc. Rồi điểm vào huyệt ngủ, chúng mê man ngay.



Khai-Quốc vương mỉm cười, về trí thông minh của người em. Lê Văn chỉ vị trí cảc huyệt cho anh em. Sau đó nó điểm vào huyệt Ế-phong, Nội-quan của Trường-giang song hùng. Hai người lăn ra mê man.



Tự-Mai, Tôn Đản, Thuận-Tông, Thiện-Lãm cùng điểm huyệt năm quỷ còn lại. Chúng cũng mê man.



Tự-Mai reo lên:



- Chúng ta hãy nghiên cứu thành một thứ võ công mới. Trong khi giao chiến, chỉ cần điểm vào một vài huyệt, khiến cho đối phương tê liệt. Như vậy dù công lực thấp, mình cũng thắng được đối thủ công lực cao.



Năm đứa trẻ reo lên mừng rỡ.



Lê Văn hỏi Khai-Quốc vương:



- Anh cả! Phương pháp làm tê đối thủ do võ công gì vậy?



Vương giảng:



- Phương pháp dùng chân khí của mình, đẩy vào huyệt đạo, khiến kinh khí đối phương bị gián đoạn, hóa ra tê liệt nguyên phát xuất từ Bố-Đại hoà thượng. Ngài dùng Thiền-công, đẩy ma công, cứu Mỹ-Linh khỏi đau. Thiệu-Thái học được, đem áp dụng cứu Đàm Can. Tự-Mai áp dụng ngược lại, Đàm Can được phong bế huyệt đạo khỏi đau. Y xoa tay vào huyệt, làm tan Thiền-công, khiến ma công lưu thông như thường. Từ đấy, anh chú tâm nghiên cứu, thử nghiệm phương pháp này rộng ra, thành hệ thống.



Rồi Vương giảng chi tiết cho các em. Tuy Vương đã nghiên cứu, phát minh thực rộng. Trong khi vương giảng, Thanh-Mai, Lê Văn giỏi y học, bổ khuyết rất nhiều chỗ.



Trời vừa sáng. Tự-Mai bàn:



- Chúng ta vào xem bọn Trường-giang ra sao? Giải khai huyệt đạo cho chúng ăn uống. Để chúng tê lâu như vậy, e nguy đến tính mệnh.



Có tiếng nói trầm trầm:



- Đa tạ Trần công tử. Anh em tại hạ tỉnh từ lâu rồi.



Trường-giang thất quỷ dàn ra trong tư thế uy hiếp. Phương Hổ cười nhạt:



- Bây giờ các vị muốn anh em tại hạ trói lại hay các vị tuân lệnh đây?



Y vung tay tấn công Khai-Quốc vương. Thanh-Mai lạng người một cái, nàng phát chiêu Phong ba hợp bích đỡ. Bình một tiếng. Cả hai người lảo đảo lui lại. Thuyền chao đi một cái. Bọn thuyền phu la hoảng. Y không nhân nhượng tấn công chiêu thứ nhì. Kình phong cực kỳ trầm trọng. Thanh-Mai, Tôn Đản, Tự-Mai la hoảng. Cả ba muốn nhảy vào đỡ cho Vương, nhưng Phương Hổ ra tay thần tốc quá. Mọi người chỉ còn biết hét lên mà thôi.



Chưởng của Phương Hổ chụp xuống người Khai-Quốc vương. Vương thản nhiên, nhẹ nhàng bước xéo sang phải một bước, tay xuyên vào chưởng lực của đối thủ, quay một vòng như con cá vẫy đuôi, rồi lui lại.



Lạ thay chưởng của Phương Hổ hùng hậu như vậy, mà biến mất tăm mất tích. Y như người say rượu, quay một vòng. Y cố gắng lắm mới đứng vững. Mặt y nhợt nhạt, đứng chết sững nhìn vương.



Không những Trường-giang thất quỷ mà từ Thanh-Mai trở xuống đều ngẩn người ra. Tất cả không hiểu vương dùng thứ võ công gì mà kỳ lạ như vậy. Tự-Mai nghĩ thầm:



- Cái vẫy tay vừa rồi rõ ràng trong đó có Vô-ngã-tướng thiền công, lại thêm nội công Cửu-chân khắc chế võ công Trung-nguyên, pha đôi chút nội công Đông-a, dùng sức địch đánh địch.



Phương Hổ lắc đầu:



- Khai-Quốc vương là anh hùng đời nay. Cớ sao ban nãy dùng tà thuật làm cho anh em tại hạ tê liệt, mê man, rồi bây giờ lại dùng võ công tà môn?



Tôn Đản bước tới, chỉ vào mặt Phương-Hổ:



- Phương bang chủ. Uổng cho bang chủ võ công kiến thức hơn đời, mà không phân biệt được đâu là ân, đâu là oán, đâu là chính, đâu là tà. Quý bang bắt chúng tôi, để đi kiếm kho tàng. Rồi trên đường đi bị nạn. Anh cả không những tha tội cho các vị, còn ra lệnh chữa trị cho. Sau đó chúng tôi điểm huyệt để các vị ngủ đi, tránh cái đau hành hạ. Nếu như chúng tôi không đại lượng. Khi các vị mê man, chúng tôi ném các vị xuống sông, liệu các vị có còn sống không? Còn võ công chúng tôi mà bang chủ bảo thuộc tà môn ư? Bang chủ không thấy nó đặt trên căn bản y khoa với thiền hay sao? Y với thiền mà bảo rằng tà môn, e trên thế gian này, không ai đáng chính phái nữa!



Tuy nói vậy, mà nó tự hỏi rằng sao bọn kia đang mên man, lại tỉnh dậy được. Nó hỏi bằng tiếng Việt:



- Anh cả. Tại sao chúng đang mê man, mà tỉnh lại được?



- Anh cũng không rõ nữa.



Lê Văn giải thích:



- Em hiểu rồi! Khi chân khí mình làm bế tắc kinh mạch chúng, cũng như phóng thuốc tê vào người chỉ hai giờ hết hiệu nghiệm. Vì vậy chân tay chúng cử động được. Từ nay chúng ta điểm huyệt ai, phải nhớ nguyên tắc này.



Tôn Đản vẫy tay cho Lê Văn ngưng lại. Nó nói:



- Bên các vị bẩy người. Bên tôi cũng bẩy người. Hôm rồi chúng tôi nhân lúc các vị trúng độc mà ra tay, thực không đúng qui luật võ lâm. Vậy bây giờ thế này. Chúng ta dùng võ công đánh cuộc.



- Đánh cuộc như thế nào?



- Mỗi bên cử ra ba người đấu với nhau. Hễ bên nào thắng hai cuộc coi như thắng.



- Rồi sao?



- Nếu bên các vị thắng. Chúng tôi phải giúp các vị đi tìm kho tàng. Ngược lại các vị bại. Toàn bang Trường-giang phải quy phục Nam-triều.



- Được! Nhưng đấu trên thuyền e thuyền bị vỡ. Vậy chúng ta lên bộ đấu với nhau, nên chăng?



- Đúng thế.



Phương Hổ ra lệnh cho thuyền ghé vào bờ. Đó là khu đồng hoang, cỏ cây vàng úa một mầu.



Cả hai phe cùng lên bờ. Tự-Mai bàn bằng tiếng Việt:



- Anh cả! Chúng ta trực diện đấu với chúng, hay dùng mưu thắng?



Khai-Quốc vương hỏi ngược lại:



- Đản! Theo ý em ta nên dùng phương pháp nào?



Tôn Đản đáp ngay:



- Bọn bẩy người này, chắc chỉ có Phi Lịch đáng mặt trượng phu. Còn lại tất cả đều thuộc lũ đầu trộm đuôi cướp, dùng mưu với chúng vô ích, chúng sẽ không phục. Trước hết mình dùng lực thắng, rồi lấy lợi nhử chúng theo mình. Sau này, khởi sự đánh lên Bắc ắt ta có một bang lớn làm chân tay cho.



Thanh-Mai, Khai-Quốc vương nghe Đản bàn, cả hai cùng hiện lên mặt nét vui không bút nào tả siết. Hơn ai hết, Khai-Quốc vương lo lắng làm sao cho các sư đệ mình trở thành người mưu trí, trông rộng nhìn xa. Nay thấy mới chỉ gần mình hai năm, mà Đản đã có suy nghĩ như một người lớn tuổi, mưu lược. Vương hỏi Thiện-Lãm:



- Lãm! Em nghĩ ai bên mình nên xuất trận trước?



Lãm không nghĩ ngợi đáp ngay:



- Cầm đầu bọn này là anh em họ Phương. Cả hai tên đều luyện Hồng-thiết công. Như vậy chị Thanh-Mai, hay anh Tự-Mai nên dùng nội công Đông-a đẩy ngược lại người chúng. Sau đó ta trị cho chúng. Như vậy chúng mới chịu phục.



Phương Hổ chắp tay hướng Khai-Quốc vương:



- Bên thiểm bang, anh em chúng tôi với lục đệ Phi Lịch xin lĩnh giáo. Không biết bên Đại-Việt, ai sẽ ra tay?



Tự-Mai nhảy xổ vào giữa đám bẩy người bang Trường-giang. Tay nó phát một chưởng của phái Đông-a tấn công Phi Lịch. Phi Lịch vung tay đánh một chiêu từ trên, chụp xuống đầu Tự-Mai. Nó xuống trung bình tấn, rồi chĩa ngón tay xuyên vào chưởng của y. Bàn tay Phi Lịch đánh xuống, vô tình y tự đưa huyệt Nội-quan vào ngón tay nó. Véo một tiếng, y ngã lăn ra, mắt trợn ngược. Chân tay không cử động được.



Tự-Mai nhảy lui lại cười:



- Trận đầu kết thúc. Chúng ta đấu trận nhì.



Cả hai phe đều thấy công lực Tự-Mai ngang Phi Lịch, nhưng Phi Lịch thấy nó hở phần trên đầu, y đánh xuống. Chưởng tuy mạnh, nhưng phát ra rộng lớn. Trong khi đó chỉ của Tự-Mai phát ra nhỏ, nên mạnh hơn. Lại nữa y tự đưa huyệt Nôi-quan vào ngón tay, nên mới ra nông nỗi.



Đúng ra, nếu khoa điểm huyệt ra đời lâu rồi, Phi Lịch đâu đến nỗi lạc bại! Chỉ vì khoa này vừa ra đời xong, Tự-Mai áp dụng, Phi Lịch gặp bất ngờ mà bị thua.



Ghi chú



Đây là nguồn gốc phát minh ra phương pháp điểm huyệt. Khởi đầu từ Bố-Đại hoà thượng. Sau Khai-Quốc vương nghiên cứu thành hệ thống. Nhóm Thuận-thiên thập hùng cùng bổ khuyết. Sau này khoa điểm huyệt truyền sang Trung-nguyên. Võ lâm Trung-nguyên tự nhận do họ chế ra. Người sau xử dụng, mà không biết ai đã tìm ra, và tìm ra trong trường nào. Chỉ độc giả Anh-hùng Bắc-cương mới biết tường tận mà thôi. Ứng dụng phương pháp điểm huyệt, ngày nay (1970-2001) người ta dùng châm cứu làm tê để giải phẩu, mà không cần gây mê.