Anh Hùng Bắc Cương

Chương 37 : Tích Trù Động-đình Uy Trấn Hán, -danh Lưu Thanh Sử Lực Phù Trưng

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Tích trù Động-đình uy trấn Hán, -Danh lưu thanh sử lực phù Trưng. ------ -



Dịch:



Một trận Động-đình uy rung Hán,



Tên còn thanh sử sức phù Trưng.



Mỹ-Linh hỏi Thiệu-Thái:



- Anh có nhìn ra võ công của lão Tôn không?



- Thức nhảy trên nóc điện xuống thuộc chiêu Kình ngư thăng thiên của phái Cửu-chân. Cái vung tay cho rượu bắn lên của Hồng-thiết giáo. Cái vẫy tay cho chung bay trở về cũng của Hồng-thiết giáo. Không biết lão có liên quan gì với bang Nhật-hồ Trung-quốc không?



- Em nghĩ rằng không! Với kiến thức cùng võ công hai lão, e phải làm tới Tả, Hữu hộ pháp. Mà trong các cao thủ bang Nhật-hồ, thì Tả, Hữu sứ, cùng ngũ sứ đều hiện diện cả rồi. Chỉ có mười trưởng lão ẩn làm thị vệ trong cung cho Lưu hậu sai phái. Hôm trước chúng có mặt trong đoàn đi đón chú hai, rồi giả vờ cho bọn Trường-giang thất quỷ bắt đi. Nếu trong đám đó có hai lão này, chú thím hai đã nhận ra.



- Vừa rồi lão Tôn ra tay, lão tung phấn lẫn trong chưởng. Dường như nó tên là Di-hồn. Ai hít phải, mấy khắc sau sẽ ngủ mê man trong vòng hai giờ. Lát nữa đây, mọi người bị nạn cậu hai có cho mình phản ứng không?



- Anh báo cho chú biết đi.



Thiệu-Thái vội đứng lên, lại bên Khai-Quốc vương làm như rót rượu hầu cậu. Chàng nhanh tay bỏ vào chung vương với Nguyên-Nghiễm, mỗi chung một viên thuốc. Chàng dùng Lăng-không truyền ngữ nói với vương:



- Chúng ta đều luyện thần công liên quan đến Vô-ngã tướng. Nên trong món gà hấp muối ngũ vị hương có pha chất độc nhẹ mà không việc gì. Lão họ Tôn phóng ra một ít phấn, tên Di-hồn làm cho buồn ngủ. Không chừng người pha thuốc trong thịt gà thuộc đồng bọn với hai lão cũng nên. Độc dược sắp phát tác. Cậu với Bình-Nam vương uống thuốc giải ngay mới kịp.



Khai-Quốc vương thấy chân tay vô lực, đang lo sợ, thì Thiệu-Thái tới bên rót rượu mời, rồi bỏ thuốc giải vào chung cùng dặn dò. Vương kinh ngạc, vội bảo cháu:



- Nếu thấy người của Bình-Nam vương trúng độc, các cháu cùng mợ hai cũng phải giả như thế, xem hai lão là ai? Muốn gì? Kẻ nào chủ trương đầu độc?



Vương vừa dứt lời, đám văn quan choáng váng, lắc đầu:



- Rượu mạnh quá.



Nói rồi buông chung, bỏ đũa. Có người đánh rơi chung xuống đất vỡ loảng xoảng, vội buông lời cáo lỗi.



Quách Quỳ tuy nhỏ tuổi, nhưng kinh lịch nhiều, y cảm thấy chân tay cử động khó khăn, vội vận công thử, thấy không còn lực. Y nới với Phạm Trọng-Yêm:



- Sư bá, cháu trúng độc như hôm trước ở trên Tuyệt-phong lĩnh. Chân tay vô lực.



Phạm Trọng-Yêm cũng nhận thấy thế, y đưa mắt nhìn Đông-Sơn lão nhân, lão dùng Lăng-không truyền ngữ nói:



- Chúng ta đều bị trúng độc. Đừng tỏ ra khiếp nhược. Vờ như không.



Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Bình-Nam vương:



- Đại ca! Thứ thuốc Nhuyễn-cân này đại ca đã bị bang Nhật-hồ tung ra, hại đại-ca trên núi Tuyệt-phong. Nó không có gì đáng sợ. Nhưng lão họ Tôn vờ hắt chung rượu, nhân đó tung một ít phấn Di-hồn. Phấn Di-Hồn với thuốc Nhuyễn-cân sẽ làm người ta ngủ đi đến hai giờ. Đệ bỏ vào chung rượu đại ca một viên thuốc giải. Đại ca uống đi. Sau khi uống vờ như bị ngộ độc, gục đầu xuống bàn ngủ, để thấy những sự thực về đám tùy tòng của mình.



Bình-Nam vương đang kinh hoàng vì thấy chân tay vô lực, rồi thấy mắt dí lại buồn ngủ, cái nguy đến nơi, chưa biết giải quyết sao thì nghe Khai-Quốc vương nói. Vương mừng quá bưng chung rượu uống. Rượu vào, quả nhiên người tỉnh táo như thường. Vương vờ gục đầu xuống như người ngủ say.



Dư Tĩnh cũng nhận biết ra mối nguy hiểm. Y hiện lĩnh chức Kinh-lược an phủ sứ Quảng-Đông Nam-lộ, thường gọi tắt là Quảng-Đông. Bữa tiệc cho Tuyên-vũ sứ Khúc-giang đãi, nhưng y là quan trên đầu lĩnh biên thần, chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh. Thế mà Bình-Nam vương cùng sứ đoàn Đại-Việt bị ám toán ngay trước mặt y, nhẹ thì mất đầu, nặng thì đến phải toàn gia tru lục.



Y thu tàn lực hô lớn:



- Quân bay đâu. Mau vào bảo vệ chủ tướng.



Một đội vệ sĩ gươm đao sáng choang tiến vào. Dư Tĩnh ra lệnh cho đầu lĩnh vệ sĩ:



- Các người chia nhau canh gác bên ngoài, xung quanh điện. Trong này để một đội. Bất cứ kẻ nào có hành vi kỳ lạ, lập tức băm vằm ra thành chả cho ta.



Tất cả mọi người đều cảm thấy chân tay vô lực. Khi Dư Tĩnh gọi vệ sĩ, mới an tâm.



Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cũng vờ gục đầu xuống bàn.



Chỉ lát sau, mọi người đều thiu thiu ngủ hết.



Lão họ Tôn cười ha hả, bước tới trước mặt Dư Tĩnh. Lão móc trong bọc ra cái hộp, một tay mở mở nắp ra, một tay lão nắm lấy vai Dư-Tĩnh như người trên vỗ về kẻ dưới:



- Dư kinh lược sứ. Lão phu xin mời kinh lược sứ coi dùm xem viên ngọc này có đẹp không?



Dư Tĩnh thấy một luồng hơi nóng từ tay lão tràm vào người, khiến chân tay y hết bải hoải. Y biết lão dùng thần công giải độc cho mình. Y nhìn trong hộp, không có ngọc ngà gì cả, mà chỉ có một tượng bằng ngọc xanh biếc. Thấy tượng, y biết đó là thứ tín bài cực mật của Lưu hậu. Y là cháu bà, được bà thu dụng vào phe cánh, nên y thấy nhiều lần. Khi người cầm nó, coi như thay mặt bà xử lý mọi việc. Mặt y tái nhợt, tỏ ra cung kính:



- Ngọc quý thực, trên đời vãn bối chưa từng thấy qua.



Y nói đến đây tất cả mọi người đều ngủ gục xuống bàn. Dư Tĩnh vội quỳ gối hướng về Bắc lậy:



- Kinh lược an vũ sứ Quảng-Tây Nam-lộ thần Dư Tĩnh kính cẩn tiếp chỉ của thái hậu.



Lão họ Tôn nói:



- Kinh lược sứ làm thế nào đây.



- Thái hậu ban chỉ, phải lục xét trong người, cùng hành lý Bình-Nam vương cũng như tùy tòng lấy hết thư từ, kinh sách trên người, mang về. Chỉ dụ truyền phải làm cách nào để họ không biết mình làm. Ngặt vì cạnh Bình-Nam vương lúc nào cũng có Minh-Thiên, Đông-Sơn, Vương Duy-Chính, Địch Thanh, sao tiểu bối có thể làm nổi? Nên đành pha thuốc Nhuyễn-cân vào món thịt gà hấp. Đợi họ mê man, ta lục lọi. Bao nhiêu tội tình ta đổ lên đầu Tuyên-vũ sứ Khúc-giang. Tiểu bối cứ việc đem toàn gia y ra chặt đầu là yên truyện.



Lão họ Tôn cười:



- Dư an phủ sứ pha thuốc Nhuyễn-cân vào món thịt gà hấp, e chỉ có thể làm cho những cao thủ bậc trung khó cử động trong một chốc lát. Còn đối với Minh-Thiên, Đông-Sơn e vô hiệu. Vì vậy lão phu phải mượn chung rượu Địch Thanh tung ra ít phấn Di-hồn mới có kết quả.



Lão chỉ vào Khai-Quốc vương:



- Ngoài ra gã Lý Long-Bồ với vợ gã thêm hai đứa cháu, bản lĩnh thực không tầm thường. Thái hậu chỉ dụ sao gây nghi ngờ bất hòa giữa Bình-Nam vương với Đại-Việt. Thế cho nên khi hai lão phu tới đây, liền có nhiều hành vi cho Khu-mật viện Tống nghi ngờ theo dõi. Bấy giờ hai lão phu mới xuống thuyền thăm y, ra cái điều ta là Việt kiều hướng về đất tổ. Như vậy tai mắt của Phạm Trọng-Yêm thế nào cũng báo cho Bình-Nam vương biết. Hôm nay ta xuất hiện đánh thuốc độc, lấy thư tín, kinh sách mang đi. Hỏi sao Bình-Nam vương không nghi ngờ tên Lý Long-Bồ sai bọn ta làm.



Lão Lê tiếp:



- Dư kinh-lược sứ có biết truyện gã Long-Bồ mang kho tàng rời Tuyệt-phong cách đây hơn nửa tháng không?



Dư Tĩnh kinh hồn động phách:



- Như vậy có kho tàng thực ư? Gã Long-Bồ nhanh tay thực!



- Gã khôn vô cùng. Bề ngoài làm như tin tưởng bọn Trường-giang thất quỷ. Gã lập kế hoạch giả sai chúng cùng các cao thủ Đại-Việt đem kho tàng đi. Ai cũng tưởng thực. Bọn mười trưởng lão bang Nhật-hồ ngu như lợn. Chúng theo dõi biết tin tức đó, tưởng thực, tấu về triều. Lưu thái hậu sai thủy quân đón ở ngoài khơi đảo Hải-Nam đánh cướp rồi chở về.
- Dĩ nhiên là thế. Qua Kinh-châu, chúng ta chỉ đi hai ngày nữa là tới Biện-kinh. Kỳ này tha hồ cho thím với Mỹ-Linh mua sắm nhé. Phải sắm thực nhiều qùa mang về dâng ông bà, cùng biếu các chú, các cô ở nhà, bằng không mình lại bị trách.



Khai-Quốc vương, vương phi, Mỹ-Linh toàn bàn những truyện tầm thường. Trong khi Thiệu-Thái ngơ ngơ ngẩn ngẩn như buồn ngủ.



Thanh-Mai thấy tiếng chân người nhẹ nhàng lảng ra xa, thì biết rằng kẻ rình rập không còn nữa.



Sáng hôm sau Tôn, Lê nhị lão đốc thúc mọi người lên đường thực sớm theo hướng Bắc. Khoảng giờ Ngọ (11-13 giờ) phía trước hiện ra một dãy núi cao mịt mờ.



Thanh-Mai hỏi lão Tôn:



- Tôn tiên sinh. Phải chăng trước mặt chúng ta là núi Ngũ-lĩnh, nơi phân định biên cương Hoa-Việt của hai triều đại Thần-Nông Bắc-Nam?



- Khải vương phi đúng vậy. Nơi đây bốn nghìn năm trước vua đế Minh, cháu ba đời vua Thần-Nông đã lập đàn tế cáo trời đất phân chia lãnh thổ cho hai thái tử. Từ Ngũ-lĩnh về Bắc chia cho con trưởng tức vua đế Nghi cai trị sau thành Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam chia cho vua Kinh-Dương cai trị sau thành Lĩnh-Nam.



Khai-Quốc vương hỏi:



- Ngài phân chia như vậy. Thế sao lãnh địa vùng Bắc Ngũ-lĩnh như Trường-sa, hồ Động-đình sau thuộc Lĩnh-Nam?



Lão Tôn cười:



- Tiếng rằng dùng núi phân cương vực, nhưng núi khó định giới rõ ràng, nên hai vua đế Nghi, Kinh-Dương lấy sông Trường-giang cho dễ. Vả lại vua Kinh-Dương cưới công chúa con vua Động-đình. Vì vậy Động-đình thuộc triều Nam Thần-Nông.



Một trưởng lão bang Nhật-hồ luôn ruổi ngựa cạnh xe Khai-Quốc vương hỏi:



- Tôn lão gia! Tại hạ nghe nói bấy giờ có vua Nghi, Kinh-Dương, sao còn có vua Động-đình?



- Vua Kinh-Dương cai trị Lĩnh-Nam, với hơn trăm chư hầu. Trong đó có nước Động-đình. Vua Động-đình cũng như vua Tống, Tề, Lỗ đều thống thuộc vua Chu. Như vua Chiêm, Lão, Chân, đều là chư hầu vua Hùng.



Thanh-Mai hỏi:



- Ngũ-lĩnh gồm năm ngọn là Đại-dữu, Thủy-an, Lâm-gia, Quế-dương, Yết-dương. Ngọn trước mặt kia là ngọn nào?



- Ngọn Quế-dương. Vượt qua Quế-dương, chúng ta đi vào địa phận Tương-giang rồi tới Trường-sa, hồ Động-đình. Ngọn Quế-dương có chín cái đèo. Qua đèo thứ chín đến một địa danh mà lão phu cam đoan vương gia, Vương-phi sẽ hoan hỉ lắm. Bởi nó là di tích linh thiêng của tộc Việt.



Thanh-Mai hỏi:



- Có phải đồi Thiên-đài không?



- Vương phi thực bác học.



- Tôi nghe Thiên-đài là ngọn đồi trên đỉnh bằng phẳng, tròn trịa. Nơi đó Đế-Minh lập đàn tế cáo trời đất. Từ đấy tộc Việt coi Thiên-đài như khu đất linh. Hằng năm cứ rằm tháng giêng các vua Hùng, sau đến vua An-Dương, vua Trưng đều đến tế cáo Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Cũng chính vì vậy thời vua Trưng đã xẩy ra trận đánh kinh thiên động đia giữa quân Hán với quân Việt.



Lão Tôn kinh ngạc:



- Lão phu xa đất nước đã lâu, thiếu sách đọc, nên không biết rõ chi tiết lịch sử này.



- Trận đánh diễn ra vào niên hiệu vua Trưng thứ ba. Bấy giờ sau trận Nam-hải, vua Quang-Vũ nhà Hán xuất binh nghiêng nước quyết diệt Lĩnh-Nam. Binh Hán chia làm năm đạo. Đạo thứ nhất đánh vào Nam-hải, nay thuộc Quảng-Đông. Đạo thứ nhì từ Thục đánh xuống Độ-khẩu. Đạo thứ ba do vua Chiêm đánh lên. Đạo thứ tư do vua Lão-qua đánh sang. Đạo thứ năm do Mã Viện đánh thẳng từ Kinh-châu qua. Lĩnh-Nam binh ít, thế cô, vua Trưng ban chỉ cho nữ vương Phật-Nguyệt rút khỏi Trường-sa.



- Tưởng gì chứ chi tiết này, lão phu nhớ rồi. Khi nữ vương Phật-Nguyệt ban lệnh rút quân, thì quốc công Đào Hiển-Hiệu, Đào Quí-Minh cùng các đại tướng thuộc Tây-vu nhất định không chịu rút lui. Sau nữ vương Phật-Nguyệt phải trao quyền chỉ huy cho Thuần-chính hoàng thái hậu Hoàng Thiều-Hoa. Thái-hậu truyền đánh một trận, làm cho binh tướng Hán hao hụt rồi rút lui. Ngài trao cho quốc công Hiển-Hiệu phục binh tại Thiên-đài, chặn đường tiến quân của mười vạn thiết kị Hán. Đợi cho quân Việt qua núi Quế-dương rồi mới rút. Không ngờ khi đến Quế-dương, quốc công viếng Thiên-đài, người thuật về di tích này cho tướng sĩ nghe.



Lão ngừng lại thở dài:



- Tướng sĩ nghe kể sự tích Thiên-đài, xin với quốc công cố thủ không chịu bỏ. Thế là hơn vạn binh Việt tử chiến với mười vạn thiết kị Hán. Trận chiến kéo dài ba ngày, quân Hán chết hơn ba vạn mà không chiếm được. Vua Quang-Vũ nhà Hán biết rằng nếu không chiếm được Thiên-đài, thì tuyệt vọng đánh Lĩnh-Nam. Y nổi giận thân tới đốc chiến. Sau hơn mười ngày, toàn bộ nghĩa sĩ Việt tử thương. Trong khi Hán thiệt mất bẩy vạn.



Đoàn người đã vượt qua hết chín ngọn đèo. Xe đổ đèo thứ chín, thì hiện ra cánh đồng xanh tươi trải dài tới chân trời. Xa xa con sông Tương uốn khúc dài vô tận.



Ngay dưới chân đèo, một ngọn đồi tròn, đỉnh bằng phẳng hiện ra. Xung quanh đèo có đường đi lên như trôn ốc. Thấp thoáng trên đỉnh như có ngôi nhà.



Thanh-Mai hỏi:



- Tôn tiên sinh. Dường như tiên sinh đã lên Thiên-đài du ngoạn nhiều lần rồi thì phải. Bóng ngôi nhà kia phải chăng đền thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu?



Lão Tôn lắc đầu:



- Chưa. Lão phu đi qua đây nhiều lần, nhưng chưa bao giờ lên Thiên-đài chơi cả. Còn đền thờ trước kia có hay không lão phu không biết. Nhưng hiện nay trên đó có ngôi chùa. Chùa làm từ đời nào cũng không rõ nữa.



Lão Tôn lệnh cho đám trưởng lão bang Nhật-hồ cùng thiết kị nghỉ dưới chân đồi. Chỉ hai xe chở sứ đoàn đi lên mà thôi.



Xe lên tới đỉnh.



Quả như lão Tôn nói, giữa đỉnh Thiên-đài có ngôi chùa. Xe đậu ở trước cửa Tam-quan. Gió thổi, thông reo vi vu như muôn nghìn linh hồn chúng sinh tụ về. Sau tam quan, một ngôi chùa gạch rất cổ kính. Mái ngói đỏ sẫm, nổi bật lên giữa khu rừng xanh tươi.



Thanh-Mai nhìn trên vách đá thẳng đứng. Sau lớp rêu phong trước chùa có đôi câu đối. Nàng đọc lớn lên:



Thiên-đài đại đại phân Nam-Bắc.



Lĩnh-địa thanh thanh dữ Việt-thường



Thiệu-Thái hỏi:



- Hai câu này nói gì vậy?



- Vế trên nói: Sau khi tế trời tại đây, thì Thiên-đài đời đời chia triều Thần-Nông thành Nam-Bắc. Vế dưới ý nói núi Lĩnh-Nam xanh tươi mãi với giòng giống Việt-thường.



Thiệu-Thái chỉ vào đôi câu đối trên cổng tam quan, rồi đọc lớn lên:



Tích trù Động-đình uy trấn Hán,



Danh lưu thanh sử lực phù Trưng.



Chàng hỏi Mỹ-Linh:



- Cái gì mà lại có vua Trưng ở đây?



Mỹ-Linh vốn thông văn học, nàng kinh ngạc hỏi Thanh-Mai:



- Thím hai này. Chùa thờ Phật, mà sao đôi câu đối này khống dính dáng gì tới đạo pháp cả vậy kìa.