Anh Hùng Bắc Cương

Chương 38 : Anh linh phảng phất

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Anh Linh phảng phất ------ -



Thiệu-Thái ngơ ngác:



- Mỹ-Linh giảng cho anh nghe ý nghĩa đôi câu đối này đi.



- Vế trên nghĩa là: Trước đây, một trận hồ Động-đình oai rung động triều Hán. Vế dưới có nghĩa: Danh ghi lại trong thanh sử vì dùng sức phò vua Trưng.



Lão Tôn, Lê cũng nhận thấy thế. Lão bàn:



- Vậy có thể chùa này thờ một vị anh hùng nào trước đây từng phò vua Trưng. Anh hùng phò vua Trưng tới một trăm sáu mươi hai. Nhưng những vị đánh trận hồ Động-đình không làm bao.



Thanh-Mai tính:



- Thời vua Trưng có hai trận hồ Động-đình. Trận đầu do công chúa Phật-Nguyệt tổng chỉ huy. Ba vị anh hùng tuẫn quốc là Quách Lãng, Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương. Trận sau do Thái-hậu Hoàng Thiều-Hoa tổng chỉ huy. Quốc công Nguyễn Tam-Trinh, Giao-long đại tướng quân Nguyễn Lễ, Thần-nỏ đại tướng-quân Cao Cảnh-Hào tuẫn quốc trên hồ Động-đình. Ngoài ra các vị tử trận dọc đường từ hồ Động-đình đến đây khá nhiều: Thiên-ưng đại tướng quân Đào Ngũ-Gia, Trung-đũng đại tướng quân Lý Công-An, Xích-hầu đại tướng quân Lôi Chấn, Nhất-trung á-thánh Hắc Hổ, Nhị-trung á-thánh Hắc Báo. Có hai nữ tướng tử trận là công chúa Thiên-Tắc và Dị-Tài. Trong trận này công chúa Phật-Nguyệt, cùng công chúa Tiên-Yên tuyệt tích. Vậy chùa chỉ có thể thờ các vị đó.



Mỹ-Linh à lên một tiếng:



- Đền này thờ công chúa Phật-Nguyệt. Phải rồi. Nếu là đền, khó biết thờ ai. Nhưng là chùa thì thờ công chúa Phật-Nguyệt. Vì sau trận rút lui Trường-sa công chúa Phật-Nguyệt đi tu, rồi thành Phật. Cho nên chùa Thiên-đài thờ ngài.



Thiệu-Thái cau mặt lại, tỏ ý không bằng lòng:



- Thiên đài là di tích mấy ngàn năm trước, ghi dấu lập quốc của tộc Việt. Tại sao không thờ Tam-hoàng hay Quốc-tổ, Quốc-mẫu mà lại thờ nữ vương Phật-Nguyệt?



Thanh-Mai giải thích:



- Tôi nghe thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, chỗ này vẫn có đền thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Sau khi Mã Viện vượt qua Ngũ-lĩnh, y phá đền thờ đi, để người Việt không còn nhớ nguồn gốc nữa. Còn chùa chắc xây sau này.



Lão Tôn bật cười hỏi:



- Những kiến thức của Vương-phi, dường như do Quốc-trượng Tự-An truyền cho thì phải. Chắc Quốc-trượng cũng truyền cho công tử Tự-Mai. Cho nên khi vừa đến Quảng-Đông, công tử cùng bốn người bạn tàn phá hết đền thờ Mã Viện để trả thù.



Câu nói của lão Tôn làm Thanh-Mai giật mình kinh hãi. Vì bọn Tự-Mai phá phách trấn Khúc-giang cho đến bọn Dư Tĩnh, Phạm Trọng-Yêm cũng không biết, mà sao hai lão này lại tường? Như vậy hành trạng của sứ đoàn, ắt không qua mắt được hai lão. Nàng thản nhiên trả lời:



- Những gì tôi được học, đương nhiên xá đệ cũng được học. Chúng trẻ người non dạ, nên hành sự có hơi nông nổi.



Lão Lê lại hỏi:



- Trong tấu chương của Tuyên-vũ sứ Khâm-châu nói rằng ngoài vương gia, vương phi, còn có năm thiếu niên. Không hiểu nay năm thiếu niên đâu, mà lại có sự hiện diện của công chúa Bình-Dương với Thân giáo chủ?



Những người hiền hậu khi bị áp chế quá, thường dễ nổi cộc. Từ lúc theo Khai-Quốc vương ở Khúc-giang tới đây, Thiệu-Thái phải đóng vai bị trúng độc, rồi nghe hai lão Tôn, Lê nói năng vô phép, đôi phen chàng muốn nổi đoá, nhưng lại nén xuống được. Bây giờ y đưa ra lời cật vấn, chàng chịu sao nổi:



- Câu hỏi trên của tiên sinh là bạn đồng hành hỏi, hay quan Tiếp-dẫn sứ hỏi?



- Bất biết nhân danh gì, lão phu cũng muốn rõ sự thực.



- Vậy thì chúng tôi không trả lời.



Lão Lê cụt hứng, trở về với tính trầm ngâm của lão. Lão Tôn can thiệp:



- Xin giáo chủ bớt giận. Lê huynh chỉ tò mò mà thôi.



- Nếu do tò mò thì tôi trả lời. Cậu tôi đường đường là đấng trừ quân mang phương vật sang cống cùng kết hiếu với Đại-Tống. Đại-Tống hiện trên có thiên tử, lại thêm Lưu thái-hậu phụ chính. Bốn phương phẳng lặng. Thế mà đám hộ tống sứ đoàn không làm tròn nhiệm vụ, để bọn Trường-giang thất quỷ bắt sứ đoàn. Rồi bây giờ hai vị quan không ra quan, đạo tặc không ra đạo tặc uy hiếp chúng tôi. Sự thực, dụng võ, chúng tôi có coi bọn Trường-giang ra gì đâu? Cả mười tên trưởng lão bang Nhật-hồ giả làm thị vệ cùng hai vị chưa chắc đã là đối thủ của mỗ.



Chàng gằn từng tiếng:



- Nếu mỗ gian xảo như các vị, mỗ sẽ vu vạ rằng năm thiếu niên bị bọn Trường-giang bắt. Nhưng mỗ nói thực năm thiếu niên đã tách khỏi sứ đoàn, đi cùng Định-vương Nguyên-Nghiễm. Còn Bình-Dương với mỗ sang Tống do lời mời của quan Phụ-quốc thái-úy.



Chàng móc túi đưa ra tấm thẻ bài:



- Đây thẻ bài đây. Hai vị muốn coi, mỗ cho coi.



Lão Lê cầm lấy thẻ bài bằng vàng, trên có khắc hình con kỳ lân, biểu tượng của Định-vương Nguyên-Nghiễm, dưới có hàng chữ Công chúa Bình-Dương. Thế-tử Thân-thiệu-Thái là quốc khách. Bất cứ bách quan văn võ thấy hai vị đều phải kính trọng.



Y trả thẻ bài cho Thiệu-Thái:



- Thế tử nổi giận ư? Nếu không bị trúng thuốc Nhuyễn-cân, có lẽ Thế-tử đã dùng võ công với anh em lão phu chắc?



Khai-Quốc vương sợ Thiệu-Thái xử dụng võ công. Vương nói:



- Chúng tôi sang sứ Tống, nên không thể xử dụng võ công. Mong hai vị thứ lỗi.



Một nữ tiểu chạy ra tiếp khách:



- A-di-đà Phật. Kính mời các vị thí chủ vào chùa lễ Phật.



Cô mời mọi người vào phòng khách:



- Mời quí khách an toạ. Tiểu ni đi thỉnh sư phụ.



Cô vội vàng chạy đi. Lát sau, một sư bà tuổi khá cao đi ra. Sứ đoàn Đại-Việt đều là Phật tử, vì vậy cả bốn đứng dậy hành lễ:



- A-di-đà Phật. Chúng con đến cửa chùa ăn mày công đức chư Phật.



Sư rót nước trà đãi khách. Bà đưa mắt nhìn qua mọi người một lượt, rồi hỏi Khai-Quốc vương:



- Lý thí chủ, sao thí chủ tới trễ quá vậy? Bần ni được đức Bồ-tát báo cho biết hơn ba tháng trước rằng thí chủ sẽ tới đây viếng chùa. Mà bây giờ thí chủ mới tới.



Thế kỷ thứ mười một, mười hai; giòng Thiền-tông của Phật-giáo cực kỳ thịnh tại những vùng tộc Việt sống. Ăn chay, nhập mộng để biết những biến chuyển sắp tới của mình là thuật rất thông thường. Khai-Quốc vương, công chúa Bình-Dương đều theo học với Bồ-tát Huệ-Sinh, vì vậy khi nghe sư bà nói, cả hai thản nhiên như không.



Duy Thiệu-Thái, chàng không hiểu:



- Bạch sư bà đức Bồ-tát hiện ra dạy như vậy chăng?



- Không! Bần ni nhập thiền, được ngài khải cho biết có vị quý nhân từ Nam phương sẽ tới lễ Phật. Vị đó họ Lý tên Long-Bồ.



Bà đưa mắt nhìn Mỹ-Linh, rồi nắm tay nàng:



- Bần ni pháp danh Diệu-Huệ. Phúc đức! Phúc đức! Chúng ta có tiền duyên cộng nghiệp, thế mà xa nhau hai mươi năm, bây giờ mới gặp lại. Dường như thí chủ mệt lắm rồi thì phải. Hãy ngủ đi một lát cho lòng thanh tịnh.


Ghi chú



(3) Tương-giang phát xuất từ Nam hồ Động-đình chảy qua hai tỉnh Hồ-Nam, Quảng-Tây, đài 811 cây số. Lưu vực tới 92.500 cây số vuông. Dọc bờ sông có các thị trấn du lịch sau: Tương-âm, Trường-sa, Tương-đàm, Chu-Tương, Chu-châu, Hành-sơn, Hành-Đông, Hồng-kiều, Linh-lăng, Toàn-châu, Dư-an, Quế-lâm.



Nó phát xuất từ Nam hồ Động-đình chảy theo chiều Bắc-Nam cho tới Quảng-Tây-Nam lộ. Nó là mẹ của hơn chín mươi con sông nhỏ. Từ Bắc xuống Nam, cứ khoảng mấy chục dặm lại chia nhánh rẽ ra con sông theo chiều Tây-Đông. Cho nên có người ví nó với con rồng uốn khúc với hàng trăm chân. Mỗi chân là một nhánh sông con.



- Tại sao sông không chảy từ Nam lên Bắc, mà lại chảy từ Bắc xuống Nam.



Mỹ-Linh lắc đầu. Nàng hỏi lão Lê:



- Lê quốc-công! Quốc-công kinh lịch, bác học đa năng, xin quốc công đừng tiếc lời chỉ dẫn cho hậu học.



Tiếng nói Mỹ-Linh vốn ngọt như cam thảo, giọng nàng kéo dài như gió thoảng, lời lẽ nhũn nhặn, khiến lão Lê bớt thù nghịch đi nhiều. Trước đây nàng đã thành công với Minh-Thiên, bây giờ đến lượt lão Lê. Lão đáp:



- Để lão phu trình bầy cho công chúa nghe. Vùng Nam sông Trường-giang được gọi là Giang-nam, đất vốn thấp hơn Giang-bắc, vì vậy lưu lượng nước sông Trường-giang đều chảy về Nam.



Mỹ-Linh lại hỏi:



- Vãn sinh nghe có người nói sông Trường-giang phát xuất từ Thanh-hải lại có người bảo phát xuất từ Tây-tạng. Thực sự ra sao?



- Thưa công chúa, Trường-giang là tên chung. Nhưng mỗi đọan lại có một tên khác nhau. Thực sự nó phát xuất từ Thanh-hải. Đoạn ở Thanh-hải gồm hai con sông Mộc-lỗ Ô-tô-hà, Sở-ô Mi-hà đổ vào vùng Khúc-mê-lai thành đoạn Thông-thiên-hà, theo chiều Tây sang Đông. Đến khi vào địa giới Tứ-xuyên, Tây-tạng lại mang tên Kim-sa-giang. Đoạn trên Kim-sa-giang chia ranh giới Tây-tạng với Tứ-xuyên. Đoạn dưới nó chia ranh giới giữa Lĩnh-Nam với Thục. Nay là Tứ-xuyên với Vân-Nam.



Mỹ-Linh bật reo lên:



- À ! Vãn sinh hiểu rồi. Kim-sa-giang tới Độ-khẩu gặp sông Nhã-long-giang rồi chảy theo chiều Nam lên Đông-Bắc xuyên qua Kinh-châu, Đàm-châu ra tới vùng Ngô-Việt. (4)



Ghi chú



(4) Sông Trường-giang dài 5.800 cây số. Lưu vực tới 1.808. 500 cây số vuông, chảy qua các tỉnh Thanh-hải, Tứ-xuyên, Tây-tạng, Vân-Nam, Hồ-Bắc, Hồ-Nam, Giang-Tây, An-huy, Giang-tô, Thượng-hải.



Thình lình viên kỵ binh dẫn đầu trở lại trình với lão Tôn:



- Trình Quốc-công, phía trước có ba kị mã trang phục theo lối công tử bậc nhất, họ dàn hàng ba ruổi ngựa rất chậm. Dù thấy kỵ binh, họ vẫn không chịu tránh. Xin Quốc-công quyết định.



Thời Tống, việc ấn định y phục rất rõ ràng, chia làm năm bậc. Bậc một dành con các thân vương, Phò-mã, Công-chúa. Bậc hai dành cho con các quan từ Kinh-lược sứ, Chuyển-vận sứ tới Tể-tướng. Bậc ba dành cho con các bậc từ cấp huyện trở lên đến tư mã các châu. Bậc bốn dành cho con các quan thấp còn lại, cùng thư sinh. Bậc năm dành cho con nhà dân dã. Vì vậy tuy bọn kị binh hách dịch, nhưng thấy công tử bậc một đều úy kị.



Lão Tôn vẫy tay gọi một thị vệ:



- Lão Thất, người lên trước xem sao. Chẳng nên dụng võ.



Mỹ-Linh biết lão Thất là người đứng thứ bẩy trong hàng mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Tuổi y tương đối trẻ, khoảng bốn mươi lăm. Y dạ một tiếng, rồi rời hàng ngũ, tiến về phía trước.



Lão Tôn, Lê cũng đánh xe ngựa theo sau lão Thất. Phía trước, ba con ngựa cao lớn hùng vĩ đang khoan thai vỗ móng xuống đường kêu lốp cốp. Trên lưng ngựa, ba người lỏng buông tay khấu, nói truyện với nhau cười đùa hồn nhiên.



Lão Thất phi ngựa tới sau ba kị mã nói lớn:



- Ba kị mã kia, mau tránh đường cho quan binh đi.



Tiếng lão quát lên muốn nổ màng nhĩ. Thế mà ba kị mã vẫn cười nói dòn dã như không biết gì đến truyện xung quanh. Lão lại quát lên:



- Tránh đường.



Rồi vọt ngựa xung vào giữa hai ngựa phía trước. Hai kị mã phía trước giật cương ra roi cho ngựa tung vó lên. Thế là ba ngựa song song, ngựa lão Thất ở giữa. Lão Thất tức mình ra roi cho ngựa chạy thực nhanh. Hai ngựa với ngựa lão thất chạy song song hàng ba. Kị mã còn lại cũng phi ngựa theo. Thoáng một cái, bốn ngựa qua khúc quẹo mỏm núi phía trước, mất hút.



Lão Tôn hỏi Thanh-Mai:



- Vương-phi! Lão phu mất kém, không nhận ra tung tích ba kị mã phía trước. Vương-phi xuất thân danh gia đệ tử, chắc Vương-phi nhận được tung tích chúng.



Thanh-Mai mỉm cười:



- Ngô quốc công thực quá khiêm tốn. Rõ ràng ba người đó xử dụng võ công Trung-quốc. Này nhé kị mã ở giữa rung roi ngựa, tay hơi quay tròn là chiêu kiếm Nhạn lạc thu phân của Nga-mi kiếm biến ra. Kị mã phía trái nhổm người dậy, hai gối cặp vào lưng ngựa, thuộc chiêu Hạc xung sơn lĩnh thuộc võ công Võ-đang. Kị mã bên phải tụt lại sau, rồi vòng tay vỗ lưng ngựa là biến chiêu trong Di-Đà chưởng của phái Thiếu-Lâm.



Lão Tôn khâm phục:



- Vương phi thực tinh mắt.



Đến đó ngựa quẹo qua mỏm núi, ba kị mã hiện ra phía trước, ngựa vẫn khoan thai bước đều. Còn lão Thất thì biến đâu mất. Lão Tôn kinh hãi quay lại sau vẫy tay:



- Lão Bát, lão Cửu, hai người lên xem lão Thất ra sao rồi.



Hai trưởng lão bang Nhật-hồ lại vọt ngựa lên trước. Y nói lớn:



- Ba vị, xin ngừng bước.



Ba kị mã gò cương cho ngựa dừng lại. Thanh-Mai nhận ra khuôn mặt họ khoảng hơn hai mươi tuổi. Một người hỏi:



- Hai tướng quân muốn chúng tôi giúp điều chi?



- Tôi muốn biết người bạn đồng hành của tôi đâu?



Một kị mã tươi cười:



- Có phải một quan gia trang phục như tướng quân không?



- Đúng vậy. Ban nãy y phi ngựa song song với hai trong ba vị.



Một kị mã lắc đầu:



- Tôi có thấy vị tướng quân đó phi ngựa giữa hai kị mã, phía sau một kị mã nữa. Dường như ba kị mã hộ vệ vị tướng quân đó thì phải. Họ mới vượt qua mặt chúng tôi không lâu.



Đến đấy lão Tôn cũng nhận thấy ba kị mã này có hơi khác với ba kị mã trước. Vì họ đều cỡi một loại ngựa, yên cương, y phục giống nhau. Nên thoáng nhìn tưởng là một. Lão kinh ngạc hỏi:



- Dường như ba kị mã trước với các vị vốn cùng môn hộ chăng?



- Chúng tôi không hề quen biết họ.



- Thế sao...



- Tướng quân thấy chúng tôi trang phục giống nhau, thì cho rằng chúng tôi cùng môn hộ chăng? Tướng quân ơi, không phải thế đâu. Ba người kia thuộc loại đối đầu với chúng tôi?