Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 2 : Kỷ Tải Dực Trưng-vương

Ngày đăng: 12:10 18/04/20


Kỷ tải dực Trưng-vương



Kỷ tải dực Trưng-vương, Tô tặc bình dư long tướng ấn.



Ngũ thôn chiêm thánh đức, Qui trang hóa hậu ngật thần từ.



(Câu đối ở đền thờ Nguyễn Thành-Công).



Nghĩa là:



Bao phen phù vua Trưng, sau khi dẹp tan giặc Tô Định, đeo tướng ấn rỡ ràng.



Năm thôn được nhờ đức lớn, đất Tân-qui hiển hóa, đền thờ cao đẹp linh thiêng.



oOo



Mặt trời ngả bóng về Tây. Ánh nắng vàng úa đổ xuống những ngọn cau dài bên đường. Một đám trẻ con trần truồng, đang tắm ở bờ ao. Chúng chia thành hai toán, dùng tay té nước vào nhau. Có đứa vừa la hét, vừa té. Có đứa lặn xuống dùng tay vốc bùn ném. Chợt một đứa kêu lên:



- Có người đến kìa. Ngừng lại. Dấu cò xuống dưới nước.



Một chiếc xe ngựa đang trên con đường cái quan tiến tới. Đứa khác nói:



- Lại khách đi lễ Bà-vương. Người ngồi trước là sư nữ chúng mày ạ. Người ngồi kế đó là con gái. Cô này mặc áo xanh. À cô ấy đánh xe ngựa. Lại có cả hai đứa trẻ gần bằng tuổi bọn mình nữa. Ồ một đứa con gái. Một đứa con trai.



Đứa khác kêu lớn:



- Mau dấu chim đi. Con gái nó nhìn thấy thì xấu hổ chết.



Bọn bẩy đứa trẻ thụp xuống nước, chỉ còn thò lên cái đầu. Đoàn người đã đến gần. Vị sư nữ vẫy tay, chỉ vào đám trẻ nói với cô gái áo xanh:



- Thanh-Mai! Con lại hỏi thăm bọn trẻ kia xem.



Thiếu nữ áo xanh xuống xe, tiến lại gần bờ ao hỏi vọng xuống:



- Các em ơi! Các em làm ơn cho chị hỏi thăm đường nào !



Một đứa trẻ lên tiếng:



- Thằng Đản. Mày lại trả lời đi.



Đứa trẻ tên Đản bơi gần vào bờ ao ven đừơng. Song nó vẫn ngâm mình dưới nước, ngửa cổ lên, tay chỉ về phía Tây:



- Chị có thấy trái núi vòng như tay ngai kia không. Ở giữa nhô lên một mỏm. Sau mỏm đó là đền thờ.



Thanh-Mai đưa mắt nhìn vị sư nữ:



- Sư phụ. Tại sao bọn trẻ này lại biết chúng ta đi lễ đệ Tam-thánh?



Vị sư ni hỏi:



- Cháu ngoan. Tại sao cháu biết chúng ta đi lễ đền Lệ-hải Bà- vương2. Chúng ta chưa hỏi mà !



Đứa trẻ tên Đản thấy vị sư ni hỏi, vội kính cẩn khoanh tay đứng lên đáp. Nó quên mất mình đang cởi truồng:



- Bạch sư bà. Sắp tới ngày tế Bà-vương. Từ sáng đến giờ có không biết bao nhiêu người hỏi thăm đường. Vì vậy khi đệ tử thấy khách lạ thì đoán là đi lễ đền Bà-vương.



Đứa trẻ ngồi sau sư ni, thấy Đản trần truồng thì bưng mịệng cười.



Một trẻ đứa dưới ao bốc bùn ném lên nói:



- Cười cái gì? Hai đứa chúng mày ỷ có người lớn, thấy bạn tao để cu ra, cho rằng xấu xa chăng?



Cục bùn bay vèo đến gữa mặt đứa con trai. Đợi cho cục bùn sắp tới nơi. Đứa con trai trầm người xuống tránh khỏi. Miệng chửi:



- Đồ mất dạy!



Đứa trẻ ném hụt tức qúa, bốc bùn lên nói:



- Câu mất dạy tao trả lại mày.



Cục bùn lại bay lên, song không trúng đứa trẻ lỡ miệng mà trúng thân cây bên đừơng. Bùn bắn tung tóe vào một chiếc xe ngựa vừa từ sau trờ tới. Đứa trẻ ngồi đánh xe, xổ ra một tràng âm thanh ộp ạp như ếch kêu.



Một trong đứa trẻ dưới ao cười lớn:



- Ê! Lãm! Mày cho nó ăn bùn. Nó là ếch hay sao ấy, nó kêu như con chão chuộc.



Thanh-Mai quay lại bảo đứa bé đi cùng:



- Tự-Mai, em mau xin lỗi đi. Người ta vì thủ lễ với sư phụ mà để lộ thân thể ra, đâu có gì xấu. Thế mà em lại cười, như vậy không xứng đáng đệ tử danh gia.



Đứa trẻ lỡ miệng, tên Tự-Mai vội vàng đến bên bờ ao chắp tay hướng vào thằng Đản:



- Thưa anh, tôi tên Trần Tự-Mai, vì không biết tự chế chỉ tâm thần, nhạo báng anh. Kính mong anh rộng lựơng khoan thứ cho.



Đản chắp tay đáp lại:



- Tôi không dám đâu.



Nói xong cả bọn lên bờ, chui vào bụi cây mặc quần áo. Đản đến trước vị sư ni, kính cẩn chắp tay:



- Đệ tử Tôn Đản, pháp danh Tiểu Nhẫn xin kính cẩn ra mắt sư thái. Đệ tử không dám thỉnh pháp danh sư thái.



Vị sư ni thấy Tôn Đản, hành sự cẩn trọng, nói năng lễ phép, xưng hô đúng như một đệ tử nhà Phật, cũng chắp tay đáp lễ:



- A-Di-Đà Phật! Thì ra cháu cũng là Phật tử đấy. Hèn chi tư cách khác thường. Bần ni pháp danh Tịnh-Huyền. Chẳng hay bổn sư của cháu là ai?



Tôn Đản chưa kịp đáp thì bốp một tiếng, đứa trẻ đánh xe đã tát thằng Lãm một cái. Thằng Lãm bị ngã ngửa xuống đất.



Thằng nhỏ đánh xe, đắc thắng cười:



- Mày lém mùn vào tao. Tao chưa lính tội, thế mà mày còn ngạo tao là ếch nhái. Cho mày cái tát để mày chừa lến gìa.



Đám trẻ bạn với thằng Lãm la hét ầm lên. Thì nhanh như chớp thằng nhỏ đánh xe đạp chân lên ngực thằng Lãm, quát lớn:



- Tất cả lứng im. Đứa nào xông vào, tao lạp vỡ ngực thằng lày liền.



Tự-Mai vọt người lên cao. Chân phải đá vào ngực, chân trái đá vào mặt thằng bé đánh xe. Thằng bé đánh xe vội lùi lại. Nó quát lên một tiếng lớn, trầm người xuống, hai tay bắt chân Tự-Mai. Tự-Mai co chân lại, uốn cong người đáp xuống cạnh thằng Lãm. Thằng bé đánh xe chỉ mặt Tự-Mai:



- Mày thực không biết điều. Tao với mày bị ló ném mùn. Tao lánh ló trả thù cho mày. Tại sao mày lại mênh ló?



Tự-Mai chắp tay từ tạ:



- Xin lỗi. Anh Lãm ném bùn chúng mình chẳng qua vui đùa với nhau, đâu phải trọng tội mà anh đánh anh ấy quá đau như vậy?



Thằng Lãm đã đứng dậy. Nó ngoạc mồm ra chửi:



- Con bà thằng chó Ngô cắn trộm. Có giỏi chơi lại keo khác?



Thằng bé đánh xe không trả lời. Nó vung tay phóng quyền vào mặt Lãm. Nó xuất thủ nhanh qúa, Lãm bị ngã bật về sau. Cả bọn đi trên chiếc xe ngựa cùng cười ồ lên. Lão râu dài ngồi sau xe lên tiếng:



- Thấy thằng Việt cẩu thách đấu với Quách Quì. Ta cứ tưởng nó có bản lĩnh. Nào ngờ chỉ là cái bị thịt.



Tôn Đản đến trước xe hỏi lão râu dài:



- Thưa ông, ông là người Hán. Chúng tôi gọi ông là Hán. Hà cớ gì ông gọi ngừơi Việt chúng tôi là chó?



Quách Quỳ cười:



- Tụi bay là chó thì sư phụ tao gọi là chó. Không lẽ bọn bay là chó mà lão nhân gia lại gọi



là người sao?


- Có em nào biết truyện vua Bà khởi binh đánh đuổi giặc Hán, lập lại Lĩnh-nam không nào?



Hà Thiện-Lãm nói:



- Ở làng này, ai cũng biết truyện đó cả. Vua Bà nguyên là công chúa trên thượng giới giáng sinh, để cứu dân Việt khỏi bị Hán hóa. Ngài cùng 162 tướng khởi binh. Trong một tháng chiếm lại 65 thành, tái lập Lĩnh-nam. Hết hạn bị lưu đày. Ngọc-Hoàng thượng đế gọi về trời. Ngài cùng em là Trưng Nhị đến sông Hát-giang, thì bay lên thiên cung.



Tôn Mạnh nói:



- Mày kể còn thiếu. Đúng lý ra Ngọc-Hoàng thượng đế cho vua bà cai trị cả Lĩnh-nam lẫn Trung-quốc. Nhưng vì công chúa Phật-Nguyệt đánh trận hồ Động-đình giết quân Hán thây lấp sông Trường-giang, oán khí bốc lên đến trời. Ngọc-Hoàng thượng đế nổi lôi đình truyền phạt dân Lĩnh-nam phải chịu người Hán cai trị trong bẩy trăm năm.



Tôn Trọng tiếp:



- Công chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa đánh trận Tượng-quận, giết quân Hán trên 20 vạn. Xác ngập bến Bồ-lăng. Ngọc-Hoàng thựơng đế phạt vua bà giảm thọ một kỷ. Đúng ra vua Bà sống tới 80 tuổi. Vì vậy chỉ còn 70 tuổi.



Hà Thiện-Lãm hỏi:



- Thế tại sao vua Bà về trời mới có trên 30 tuổi?



Tôn Qúi xì một tiếng:



- Thì đã hết đâu. Sau này công chúa Thánh-Thiên đánh trận Nam-hải, giết quân Hán trên bốn mươi vạn. Thây rải suốt từ Thường-sơn đến Phụng hoàng. Lại còn đại tướng Đào Nhất-Gia dùng hổ, báo, rắn, ong, voi, sói, ưng, khỉ ăn thịt quân Hán hàng mấy vạn. Ngọc-Hoàng thượng đế lại truyền phạt vua Bà giảm thọ hai kỷ nữa, còn có 50 tuổi.



Trần Anh tỏ vẻ hiểu biết hơn:



- Trong trận Lãng-bạc. Công chúa Gia-Hưng đốt quân Hán hơn mười vạn. Oán khí ngất trời. Ngọc-Hòang thượng đế truyền bắt vua Bà về trời tức thì. Còn cái tội giết người nhiều của các tướng Lĩnh-Nam, Ngọc-Hoàng thượng đế truyền dân Việt phải chịu nạn vong quốc bẩy trăm năm.



Nguyên sau khi vua Trưng tuẫn quốc. Dân chúng Lĩnh-Nam chịu không biết bao nhiêu đau khổ do bọn tham quan người Hán gây ra. Vì vậy, họ thường huyền thoại hóa những di tích cũ, hầu dậy con cháu dừng quên tổ tiên. Cho nên những truyện tường thuật ngày càng phong phú, mỗi nơi một khác. Các anh hùng thời vua Trưng hầu hết đi vào huyền-sử. Đám trẻ này được phụ huynh kể cho nghe, rồi chúng tin là thực. Hôm nay nhân có người lạ, chúng thi nhau kể, để tỏ cái hiểu biết của mình.



Thanh-Mai để cho bọn trẻ bầy tỏ hết kiến thức rồi nàng mới chậm chạp kể:



- Đức ông họ Nguyễn húy Thành-Công, xuất thân phái Tản-viên. Ngài là sư thúc của vua Trưng. Niên hiệu Lĩnh-Nam thứ 3 (43 sau TL), tháng chạp, sau khi công chúa Gia-Hưng Trần Quốc đại phá Mã Viện tại hồ Lãng-bạc. Mã Viện đem đại quân định tràn ngập thủ đô Mê-linh. Triều đình thể theo kế họach của Cửu-chân vương Đô Dương, phân tán quân đội, ẩn vào rừng kháng chiến như thời Âu-lạc đánh quân Tần. Vua Trưng cùng triều đình rút về Cẩm-khê. Ngài truyền đức ông ở lại tổng trấn Mê-linh. Ngày mồng 8 tháng 2, vua Trưng cùng triều đình bị bọn Lê Đạo-Sinh phục kích, tuẫn quốc ở Cẩm-khê. Ngày mồng chín, Bắc-bình vương Đào Kỳ, cùng vương phi Nguyễn Phương-Dung đem quân từ Long-biên lên cứu viện, nhưng đã trễ. Ngày mồng 10, Mã Viện đem đại quân vây Mê-linh.



Thanh-Mai ngừng lại. Đám trẻ ngơ ngác hỏi:



- Rồi sao nữa? Đức ông có chạy thoát không?



- Không, đức ông không chạy. Mã đem quân vây đánh suốt 3 tháng không được. Y sai sứ vào thành thuyết đức ông. Mã hứa nếu đức ông hàng, sẽ được giữ nguyên chức tước cũ.



Thằng bé Trần Anh ngồi im từ đầu đền cuối bỗng lên tiếng:



_ Tên Mã Viện thực xảo quyệt. Nó đánh Đông dẹp Bắc cũng chỉ được phong Tân-tức hầu, làm sao nó có thể tâu xin vua Hán phong cho đức ông tước Vương?



Ghi chú



Theo Hậu-hán thư quyển 24 Mã Viện liệt truyện trang 827-867 thì Viện được phong Tân-tức hầu. Song khi Viện tử trận, ấn bị thu, chức tước bị bãi. Đời sau các vua Hán mới thương tình tái truy phong.



Tôn Đản hỏi:



- Thế đức ông có đầu hàng không?



Thanh-Mai hỏi đám trẻ:



- Nếu các em là đức ông. Các em sẽ hành động ra sao? Vì giữ thì không nổi, bởi triều đình bị đánh tan. Còn đánh thì quân ít, lương tuyệt.



Hà Thiện-Lãm vung tay:



- Em chặt đầu sứ gỉa, rồi thủ thành. Một mặt cầu cứu với các nơi khác.



Tôn Đản lắc đầu:



- Không ổn! Đánh như vậy chỉ tổ chết hết quân, mà giặc vẫn lấy được thành. Chi bằng gỉa kế đầu hàng. Một mặt dặn dò binh sĩ chuẩn bị tác chiến. Chờ đêm giặc không phòng bị, bất thần đổ quân ra phá vòng vây vào rừng kháng chiến.



Thanh-Mai lắc đầu:



- Đức ông không làm thế. Các em thử nghĩ xem, còn cách nào nữa không?



Trần Anh nói:



- Em giả đầu hàng. Thế nào Mã Viện cũng đãi tiệc ăn mừng, thình lình bóp cổ cho nó chết.



Thanh-Mai cười:



- Đức ông hành động như em nghĩ. Đức ông hẹn hôm sau sẽ đem quân ra ngoài thành đầu hàng. Mã Viện tưởng thực, tiếp đón đức ông cực kỳ chu đáo. Y tiến quân vào tiếp thu thành trì, kho tàng, sau đó bầy tiệc ăn mừng. Trong tiệc Mã hỏi đức ông kế sách làm thế nào để đánh vùng Cửu-chân. Đức ông ậm ừ một lúc rồi nói:



- Hàng tướng, văn không thông, võ không giỏi, đâu còn giám mở miệng bàn đại kế?



Mã Viện nghĩ được một kế độc. Y định sai đức ông đi tiên phong, đem bản bộ quân mã tiến chiếm Cửu-chân. Đức ông ngần ngại một lúc rồi nhận lời.



Lê Thuận-Tông vỗ đùi một cái suýt xoa:



- Mưu kế hay thực. Thế Mã Viện có bị trúng kế không?



- Bị.



Tôn Mạnh hỏi:



- Mưu kế gi?



Lê Thuận-Tông cười:



- Thế này nhé: Thằng Mã Viện là con cáo già. Nếu Đức-ông tỏ vẻ ta đây giỏi, bầy kế nọ, mưu kia, ắt Mã Viện nghi ngờ. Vì vậy Đức-ông phải làm bộ ra vẻ chán đời. Tuy vậy đã hết đâu. Mã còn sai Đức-ông đem người Việt đánh người Việt. Nếu Đức- ông hoan hỉ đi ngay, hầu thoát nạn, ắt Mã nghi ngờ. Vì thế Đức-ông làm bộ ngần ngại không muốn mình đem người Việt giết người Việt. Mã không nghi ngờ, càng ra sức ép Đức-ông.



Thanh Mai tiếp:



- Đức-ông mật cho chim ưng liên lạc với Đô đại vương, để khỏi bị ngộ nhận. Đô đại vương hẹn rằng: Khi Mã đem quân vào đánh Cửu-chân. Đêm Đô đại vương đem quân cướp trại. Đức-ông mở cổng trại cho quân Cửu-chân vào. Mã Viện để Lê Đạo-Sinh cùng đám đệ tử ở lại vây Long-biên. Y cùng Đức-ông tiến quân. Mặt biển Lưu Long đem chiến thuyền, chở quân đổ bộ lên biển Nghi-sơn, Biện-sơn.



Thanh-Mai ngừng lại. Hà Thiện-Lãm hỏi:



- Rồi sao nữa?



----------------------



Ghi chú :



1) Câu đối trên đây chép ở đền thờ anh hùng Nguyễn Thành-Công. Hiện còn nhiều nơi thờ ngài. Hai nơi quan trọng nhất:



- Quê hương của ngài tại năm thôn Tư-đình, Nha-thôn, Sài-đồng, Trạm-thôn, Ô-cách thuộc xã Gia-thụy. Nay thuộc xã Gia-thụy, Long-biên, huyện Gia- lâm, tỉnh Hà-nội.



- Tại nơi ngài tuẫn quốc thuộc xã Tân-qui, huyện Tống-sơn tỉnh Thanh- hóa.



2) Sử không chép bà Triệu tuẫn quốc hay chết năm nào. Huyền sử kể rằng khi Lữ Đại đem quân vây hãm thành Cửu-chân (Thanh-hóa), bà cùng 300 đệ tử rút lên núi Chung-chinh. Lữ Đại hao binh tổn tướng không biết bao nhiêu mà lên núi không được. Lữ vây hơn năm, lúc lên được núi, thì chỉ thấy doanh trại điêu tàn, người không một bóng.



Sau dân chúng nhớ công đức xây hai ngôi lăng tượng trưng. Một trên núi Chung-chinh. Lăng này bị Trương Phụ phá hủy hồi 1408. Còn lăng ở núi Sơn-trang, nay vẫn còn, cùng với đền thờ. Dân chúng gọi núi này là núi Gai hay núi Tùng, thuộc xã Phú-điền, nay là xã Triệu-lộc huyện Hậu-lộc, tỉnh Thanh-hóa.



Độc giả có thể tham khảo tài liệu viết về bà, các sách viết bằng chữ Hán :



° ĐVSKTT, Ngoại kỷ 4.



° KĐVSTGCM, Tiền biên 3.



° Các tỉnh địa dư chí.



° Ái-châu bi ký.



° Thanh-hóa tỉnh chí.



° ĐNNTC.



° Đối liên thị văn tạp biên.



Ngày hai mươi mốt tháng hai là ngày diễn ra trận đánh cuối cùng của bà với Lữ Đại. Nhân đó dân chúng lấy làm ngày giỗ.