Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 27 :

Ngày đăng: 12:10 18/04/20


Bố Đại Hoà Thượng - - ---nh Nam Vũ Kinh



Chợt mùi trầm hương nhè nhẹ từ trong phòng lão hòa thượng mập đưa ra, Thiệu-Thái hít một hơi, cảm thấy trong người dễ chịu, khoan khoái. Chàng ngạc nhiên rằng tại sao lão bị giam, mà trong phòng còn có trầm hương. Mùi này hơi giống mùi từ người Bảo-Hòa. Chàng tự nghĩ:



- Không lẽ người lão sinh ra đã có mùi hương như em Bảo-Hòa của mình?



Nhà sư mập cười:



- Này con lợn. Con lợn mau ra đem cô em họ vào đây, lão chỉ cho cách cứu cô ta. Chậm trễ e khó qua khỏi.



Nghe nhà sư gọi mình là con lợn, Thiệu-Thái trợn trừng mắt nhìn lão. Chàng nghi nhà sư này đồng đảng với Nguyên-Hạnh, hỏi:



- Sao đại sư biết tại hạ có cô em họ bị thương?



- Lão biết vì lão là hòa-thượng.



Thiệu-Thái không chịu:



- Dĩ nhiên đại sư là hòa thượng rồi. Nhưng tại sao đại sư lại biết rõ ràng cô em tai hạ bị nạn?



Nhà sư lộn ngược trở lại, ngồi xuống:



- Người là một con lợn không hiểu Phật-pháp, lại chưa qui y Tam-bảo, ta không giải nghĩa cho người được. Vì có giải nghĩa thì cũng giống đàn gảy tai trâu.



Thiệu-Thái hỏi:



- Tại sao đại sư biết tại hạ chưa qui y?



Nhà sư cười khành khạch:



- Ta biết vì ta biết. Ta còn biết rõ người có vợ chưa cưới ở Bắc biên. Thế mà người lại mê cô em họ. Thôi mau đưa cô em vào đây.



Thiệu-Thái thấy nhà sư huyền bí quá, nhưng vấn đề trước mắt, Mỹ-Linh trúng chưởng của Nguyên-Hạnh, bị thương nặng đang mê man. Chàng bỏ nhà sư chạy ra ngoài. Mỹ-Linh hơi tỉnh. Nàng bảo Thiệu-Thái:



- Anh ơi, anh đưa em vào gặp vị hòa thượng bụng bự mau. Nếu chậm trễ e nguy mất.



Thiệu-Thái lại ngạc nhiên nữa:



- Mỹ-Linh, sao em biết trong kia có vị hòa thượng bụng bự? Anh thấy ông này có vẻ tà môn quá. Lỡ ông làm gì em thì sao?



Mỹ-Linh nhăn mặt:



- Trong lúc em mê man, thấy rõ ông đứng bên cạnh. Ông bảo em với ông có duyên từ vô vàn kiếp trước, rồi ông vẫy em đi theo. Anh ơi dù gì thì cũng chẳng sao. Đằng nào em cũng chết. Nếu ông cứu được em càng hay. Còn như ông giết em, em chết sớm càng đỡ đau đớn.



Thiệu-Thái tăng thêm kinh ngạc. Rõ ràng từ lúc vào đây, Mỹ-Linh nằm im một chỗ. Còn lão hòa thượng bụng bự vẫn bị giam trong phòng, làm sao lão đứng cạnh nàng được?



Tới đó Mỹ-Linh mửa ra một búng máu. Thiệu-Thái không dám đem Mỹ-Linh vào, chàng ngồi thoa bóp cho nàng. Mỹ-Linh chập chờn tỉnh dậy, nàng nói:



- Mau, đem em vào mau, nếu trễ e không kịp.



Thiệu-Thái vốn chậm chạp, chàng còn ngần ngừ. Có tiếng nhà sư từ trong vọng ra:



- Con bé không được động đậy. Thằng con lợn nó không hiểu được ta thì thôi. Ngu hơn lợn! Con bé xinh đẹp nghe đây. Người hãy dùng bàn tay phải chà lên huyệt Đản-trung, rồi hấp khí cho đầy ngực, mửa máu bầm ra. Như vậy độc chất mới không nhập tâm.



Mỹ-Linh để tay lên huyệt Đản-trung chà mạnh, rồi hít một hơi. Khí tức tràn ngập, nàng ọe một tiếng, mửa ra hai ngụm máu đen.



Nhà sư bụng phệ lại nói tiếp:



- Hấp khí, dẫn khí vào trung đơn điền, rồi thổ khí, trong khi thổ phân tán khí ra chân tay. Làm liền ba mươi sáu thức.



Thiệu-Thái kinh ngạc, vì từ phòng nhà sư bụng phệ bị giam đến chỗ Mỹ-Linh nằm có đến ba khúc quẹo, làm sao nhà sư nhìn thấy nàng, mà ra lệnh như vậy?



Chàng nhìn Mỹ-Linh thổ nạp, sau đúng ba mươi sáu thức. Nàng cảm thấy chân tay bớt tê dại. Nhà sư tiếp:



- Con lợn. Bây giờ người có đưa cô em vào đây không?



Thiệu-Thái đã tin nhà sư bụng phệ phần nào. Chàng bế bổng Mỹ-Linh đem đến chỗ ông bị giam. Nhà sư bảo Mỹ-Linh:



- Con nhí ngồi gần vào đây, ta xem mạch cho.



Mỹ-Linh ngồi sát vào cửa sổ. Nhà sư cầm lấy bàn tay nàng bắt mạch, rồi nói:



- Con nhí này bị trúng Kim-cương chưởng của phái Thiếu-lâm. Nội công Thiếu-lâm phát xuất từ Thiền-công nhà Phật. Trong khi con nhí luyện Vô ngã tướng thần công cũng đặt trên căn bản kinh Kim-cương. Đáng lẽ khi bị trúng Kim-cương chưởng, người có thể hút nội lực của đối thủ làm nội lực mình. Ngặt vì Vô-ngã tướng thần công của người lại pha trộn với nội công Long-biên .Trong khi nội lực đối thủ qúa thâm hậu. Tuy vậy có trúng chưởng cũng không hề gì. Sau đó con nhí lại đấu chưởng với Nguyên-Hạnh, bị trúng Chu-sa độc chưởng của bang Nhật-Hồ. Vô-ngã-tướng thần công hút độc chất vào người, mới nên nỗi.



Bốn tiếng Chu-sa độc chưởng làm Mỹ-Linh nhớ lại thảm kịch cách đây mấy năm. Hồi ấy vương-mẫu của nàng bị một người nào đó trong bóng tối dùng độc chưởng này đánh bà. Người đó ép bà phải làm một việc gì đó cho y. Nhưng bà không chịu, vì vậy bà đau đớn đến điên dại trong bốn mươi chín ngày, rồi chết. Bấy giờ trong triều không ai biết bệnh gì. Mãi cho đến khi viếng Vạn-thảo sơn trang, nghe Lê Văn thuật chính Hồng-Sơn phu nhân cũng bị đau đớn như vậy. Cho đến ngày sắp chết, bà mới thổ lộ ra bị người ta dùng Chu-sa độc chưởng đánh bà, bắt bà tuân theo mạng lệnh mới được thuốc giải. Bằng không sẽ đau đớn trong bốn mươi chín ngày rồi chết. Bà đành chịu chết, chứ không chịu phản chồng. Bấy giờ Mỹ-Linh mới biết mẹ mình cũng bị chết về chưởng này. Song bà cắn răng hy sinh cho chồng, mà không chịu thố lộ nguyên do.



Hôm ấy nàng với Lê Văn thảo luận, rồi cùng tin rằng cả hai bà cùng bị một ác nhân hại, mà chưa tìm ra ác nhân đó là ai. Bây giờ nghe nhà sư nói nàng bị Chu-sa độc chưởng của Nguyên-Hạnh đánh trúng, tâm tư nàng rung động mạnh. Người nàng run run, vì đã tìm ra được ánh sáng soi vào mặt ác nhân.



Lão hòa thượng bắt mạch lần nữa, rồi tiếp:



- Người còn tham lam, luyện cả nội công phái Tản-viên, thời Lĩnh-Nam, rồi nội công phái Cửu-chân nữa. Thế là thế nào?



Mỹ-Linh tường thuật từ đầu đến cuối việc luyện võ của nàng khởi đầu bằng phái Tiêu-sơn của chú với Huệ-Sinh. Sau có cơ duyên luyện Vô ngã tướng thần công của Trần Năng thời Lĩnh-Nam. Mà Vô-ngã-tướng thần công của Trần Năng đã bị pha lẫn nội công Tản-Viên. Còn nội công Long-biên, thì hoàn toàn đo Tịnh-Huyền dạy, và nàng bổ khuyết bằng nội công trong bộ Lĩnh-Nam vũ kinh.



Lão hòa thượng bảo Mỹ-Linh:



- Con nhí có muốn thoát khỏi đau đớn chăng?



Mỹ-Linh quỳ xuống hành lễ:



- Đệ tử kính xin đại sư làm phúc, cứu khổ cứu nạn cho đệ tử.




Thiệu-Thái tỏ vẻ thương hại lão bà Đỗ Lệ-Thanh:



- Họ hành hạ tiền bối bằng cách nào?



Đỗ Lệ-Thanh nghiến răng kèn kẹt:



__ Thông thường khi hai tiện nhân hành lạc, chúng sai tỳ nữ bắt ta đem đến Vọng-nguyệt-đài, bịt miệng, trói vào cái cột. Sau đó hai đứa vào phòng hành lạc với nhau cho ta nhìn, để uất ức mà chết. Nhưng ta vẫn không chết được. Hành lạc chán, chúng ngồi ăn uống cùng nhau, bắt ta nhịn đói. Mỗi khi uất ức quá, ta nghiến răng rên rỉ, chúng tỏ vẻ sung sướng vô cùng.



Đỗ Lệ-Thanh nhìn Mỹ-Linh thương hại:



- Tiểu cô nương. Tiểu cô nương liệu mà tự tử đi thôi, bằng không con tiện nhân Cao Thạch-Phụng sẽ đem tiểu cô nương cho hàng chục người hành lạc. Nó thích ngồi nhìn cảnh con gái lương gia bị hiếp dâm lắm.



Mỹ-Linh nói với Bố Đại hòa thượng:



- Thái sư thúc tổ. Bằng vào luật nhân quả, phái Tiêu-sơn nhà ta thành lập đã mấy trăm năm nay, chỉ chuyên làm phúc. Không hiểu sao nay lại nảy ra vụ Nguyên-Hạnh?



Bố Đại hòa thượng cười:



- Con bé này chỉ nhìn một mặt. Người không nhìn thấy nhiều mặt khác. Ta hỏi người nhé. Khi vua Đinh thống nhất sơn hà. Phái Tiêu-sơn gửi hàng ngàn cao thủ giúp người. Trong hàng trăm trận đánh đó, biết bao nhiêu người bị giết dưới kiếm đệ tử Tiêu-sơn. Nghiệp báo từ đó sinh ra chứ đâu.



Ông toét miệng cười, hai mắt nhắm lại:



- Lại khi Vạn-Hạnh giúp Lê Hoàn đánh Tống, hai mươi vạn quân, ba mươi vạn dân phu chết ở Chi-lăng, chìm ở Bạch-đằng...Oan khí biết bao nhiêu mà kể. Vả lại cái tâm nguyện của chúng ta là dựng lại nước Việt. Khi có tâm nguyện, ắt phải theo. Mà đã theo ắt có nghiệp quả. Vì thế mới có câu Thầy tăng mở nước.



Mỹ-Linh hỏi:



- Thái sư thúc tổ. Đệ tử thường nghe người đời nói Thầy tăng mở nước. Không biết từ đâu mà có câu này?



Bố Đại không cười nữa, ông ngồi ngay ngắn lại:



- Khi nhập môn, Huệ-Sinh đã nói cho con nghe về cuộc truyền tâm ấn của đức Thích-ca mâu-ni cho ngài Ma-ha ca-diếp rồi phải không?



- Vâng. Từ ngài Ma-ha ca-diếp đến ngài Tăng-giả Nan-đà là chín đời, thầy truyền cho trò, theo lối tâm truyền tâm:



1. Ca-Diếp (Kacyapa).



2. A-Nan (Ananda).



3. Thương-na-hòa-tu .(Canavasa).



4. Ưu-ba-cúc-đa (Upaguta)



5. Đề-ca-đa (Dhritaka).



6. Di-già-ca (Micchaka).



7. Bà-tu-mật (Vasusmitra).



8. Phật-đà-nan-đề ( Bouddhanandi).



9. Tăng-giả-nan-đà (Samghananda) và Phật-đà-mật-đa (Bouddhamitra).



Ngài Tăng-giả Nan-đà đến Lĩnh-Nam đúng vào lúc vua Trưng khởi nghĩa, hoằng dương đạo pháp. Sử sách còn ghi ngài qui y cho Trưng Nhị, Hồ Đề. Ngài truyền giới cho Hoàng Thiều-Hoa, Tiên-Yên nữ hiệp, Phật-Nguyệt, và Nghiêm Tử-Lăng. Ngài dạy Thiền-công cho Trần Năng. Nhưng sử không ghi ngài truyền tâm ấn cho ai. Giòng tâm ấn coi như tuyệt. Nhưng Thiền-công thì vẫn còn.



Bố Đại nghe Mỹ-Linh nói, ông hỏi Thiệu-Thái:



- Con lợn, hiểu không?



- Thưa, đệ tử hiểu.



- Khá đấy. Tại Thiên-Trúc, truyền tâm ấn đến đời thứ 28.



Thiệu-Thái tỏ vẻ hiểu biết, chàng gật gật đầu. Bố Đại hòa thượng hỏi:



- Con lợn, người hiểu gì, nói ta nghe.



- Giai đoạn này tiểu bối biết rồi. Tổ thứ 28 là Bồ-đề Đạt-ma cỡi thuyền qua Trung-nguyên, lập ra chùa Thiếu-lâm. Đạt-Ma truyền cho Huệ-Khả. Huệ-Khả truyền cho Tăng-Sán. Tăng-Sán truyền cho ngài Tỳ-ni Đa-lưu chi. Ngài Tỳ-ni Đà-lưu-chi đến Đại-Việt vào năm Canh-Tý (580). Khi ngài đến chùa Pháp-vân gặp tổ Pháp-Hiền, bèn thu làm đệ tử cùng truyền tâm ấn cho. Đó là nguồn gốc phái Tiêu-sơn.



- Rồi sao nữa?



- Tiểu bối nghe nói ngài Tỳ-ni đà-lưu-chi chỉ truyền Thiền-công cho ngài Pháp-Hiền. Võ công vốn có hai phần. Một phần là sức lực tức nội công. Một phần là chiêu thức. Ngài Tỳ-ni đa-lưu-chi chỉ truyền Thiền-công tức nội công. Vậy các chiêu thức của phái Tiêu-sơn ở đâu mà ra?



Bố Đại hòa thượng hỏi Mỹ-Linh:



- Con có biết không?



- Không. Con nghe nói ngoại công phải Tiêu-sơn xuất từ phái Đông-a. Sự thực ra sao?



- Tổ Pháp-Hiền thu nhận đến 300 đệ tử, ngài dạy Thiền-công, giảng kinh cho tăng, chứ không dạy tục gia đệ tử.



Ông ngưng lại:



- Thế nhưng tổ có duyên với chú bé thợ săn. Thành ra tổ không dạy, rồi cũng phải dạy. Chú bé thợ tên Trần Tự-Viễn mồ côi, nhà gần chùa. Chú thường lên chùa lễ Phật nghe kinh. Chú thấy các tăng ngồi ngoài vườn thở hít, thì muốn vào xem. Chú bị đuổi ra. Tức qúa, đêm đêm chú núp trong vườn trộm nghe tổ giảng Thiền-công. Về nhà chú tự luyện. Chẳng bao lâu Thiền-công chú tăng tiến lạ thường. Một ngày vào rừng săn, chú thấy con ưng bắt con rắn. Con rắn chống lại. Chú kiên nhẫn theo dõi, rồi chế ra Ưng-Xà quyền.



Thiệu-Thái gật đầu:



- À phải rồi, cháu đã được coi người ta biểu diễn Ưng-Xà quyền một lần. Cứ tay phải giống như ưng vồ mồi. Tay trái giống như xà tấn công. Thì ra gốc từ đấy.



- Trần Tự-Viễn thường núp coi hổ đánh nhau. Từ đó ông chế ra Hổ-quyền. Ông trở thành thợ săn thiện nghệ. Ông có thể bắt sổng hổ, báo, voi, trăn đem về dạy dỗ hàng đàn trong vườn. Một ngày kia ông vào rừng thấy con nai con, bèn dương cung bắn trúng chân nó, định bắt. Thì một nhà sư nhảy ra vồ con nai, nhảy sang bên kia suối, nhổ tên, thả cho nó đi. Trần Tự-Viễn nổi giận đuổi theo nhà sư, định bắt để trị tội. Nhưng nội công ông thấp hơn nhà sư, nên đuổi không kịp. Ông nhìn xa xa thấy nhà sư chạy vào chùa Tiêu-sơn. Biết trong chùa đông người. Ông trở về nhà dẫn đội binh hổ, báo, voi, chó sói bao vây chùa. Đệ tử trong chùa náo loạn lên, mang gậy chống cự, nhưng không lại. Tổ Pháp-Hiền ra lệnh không được đánh nhau với thú, lên bảo điện nhập thiền hết.