Anh Linh Thần Võ Tộc Việt
Chương 15 : Trọng tội khi quân
Ngày đăng: 12:12 18/04/20
Một văn quan quỳ tâu:
- Thần Trần Nghiêu-Tá lĩnh Tham-tri chính sự, đồng tri Khu-mật viện xin tâu: Lý Công-Uẩn gần đây lộng quyền quá đáng. Y chỉ là một tước Nam-bình vương quận Giao-chỉ, thế nhưng y dùng võ lực ép Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua tiến cống. Tin tế tác cho biết con y là Lý Long-Bồ còn tiến xa hơn. Y muốn thống nhất tám vùng tộc Việt, rồi đem quân xâm vương thổ. Bây giờ y hiện diện ở đây, xin hoàng thượng đem y ra xử lăng trì, để an Nam-biên.
Tiếp theo bọn Hạ Tủng, Phạm Ung, Triệu Thực đều cùng một luận điệu. Nhà vua biết bọn này theo chủ trương của Lưu hậu, khó lòng bẻ gẫy lý luận của chúng, ông hỏi Định-vương:
- Hoàng thúc. Hoàng thúc vừa từ Nam-phương trở về, sự thực thế nào, Hoàng-thúc cho trẫm biết.
Định-vương nghĩ thầm:
- Hôm nay ta mà không hạ được mấy tên hủ Nho này, e rằng Tống-Lý chiến tranh khó lòng tránh khỏi. Đã vậy ta hãy làm giảm khí thế bọn chúng trước. Ta dùng nhị đệ đối phó cho chúng biết Nam-quốc không sợ chiến tranh như chúng tưởng.
Vương hỏi Khai-Quốc vương:
- Vương gia hãy trả lời các đại thần đi.
Khai-Quốc vương khoan thai bước ra, vận nội lực nói thực lớn:
- Tâu bệ hạ. Từ xưa đến giờ Hán-Việt phân Nam, Bắc lấy Ngũ-lĩnh làm ranh giới trải mấy nghìn năm có dư. Theo nghi lễ đời Thần-Nông, ngày tết em phải đem lễ tới tặng anh, đó là đạo lý áp dụng cho dân chúng. Còn giữa hoàng đế Trung-thổ với hoàng đế Lĩnh-Nam, thì hoàng đế Lĩnh-Nam làm em, nên bao đời theo lệ hằng năm tiến cống, để tỏ lòng hiếu đễ. Vì vậy dù Bắc phong chức tước gì chăng nữa, Nam vẫn có triều đình, quốc hiệu, niên hiệu riêng. Như vậy việc phụ hoàng hạ thần lấy hiệu Thuận-Thiên, quốc danh Đại-Việt chỉ theo truyền thống. Các đại thần tại đây không thể, và không được bàn đến.
Vương ngừng lại tiếp:
- Còn các đại thần coi phụ hoàng thần như một chức quan của Tống triều, xin bệ hạ cho thần được hỏi các vị ấy mấy câu.
- Vương cứ hỏi.
Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn Lã Di-Giản. Nội công Vương cực cao, ánh mắt chiếu ra tia hàn quang, khiến Giản bật lui liền ba bước. Vương hỏi:
- Ngài có phải quan cao tới tước Quốc-công, lĩnh Đồng-bình chương sự, Tả bộc xạ, Khu-mật viện sứ đó không? Triều Tống có hai cơ quan cao nhất: Tòa Bình-chương coi về nội trị, thuộc văn. Khu-mật viện coi về võ. Cả hai thường được gọi là Nhị-phủ. Đại nhân ngồi trùm cả hai phủ. Nhưng đại nhân lại phạm tội đại bất kính. Đại nhân có biết không?
Lã Di-Giản hỏi:
- Lão phu phạm tội đại bất kính ư? Thế tử thử nói ra xem. Nếu đúng, Lã này xin lột mũ từ chức ngay ngày hôm nay.
Khai-Quốc vương nói:
- Nếu coi phụ hoàng vãn sinh như một chức quan triều Tống. Mà phụ hoàng tước phong tới Nam-bình vương cao hơn hàm Quốc-công của đại nhân mấy bậc. Thế mà đại nhân cứ gọi tên phụ hoàng ra loạn lên, có phải là tội đại bất kính không? Chức văn phụ hoàng tới Khai phủ nghị đồng tam ty, đồng bình chương sự cao hơn chức Đồng-bình chương sự của đại nhân nhiều. Chức võ của đại nhân là Khu mật viện sứ, thua hẳn chức Thượng trụ quốc kiểm hiệu thái sư của phụ hoàng rất xa.
Vương nói chậm lại:
- Đại nhân ơi. Đại nhân làm tể thần, mà không biết giữ qui củ, luật lệ, phạm tội đại bất kính với thượng quan hỏi có đáng ngồi ở tòa Bình-chương nữa không? Đại nhân trả lời cho đi?
Lã Di-Giản cười nhạt:
- Này Lý Long-Bồ. Người nên biết rằng người đang ngồi ở sân rồng Thiên-triều. Văn quan như rừng. Võ chức như núi. Người chưa có một chút chức tước cũng như công lao nào, kể cả cái hàm thế tử con trai Nam-bình vương, người không đủ tư cách tranh luận với tể thần.
Khai-Quốc vương thấy bọn cường thần quên đi vụ Đại-Việt tiến công lên Bắc. Vương mừng thầm, vận khí phát ra tiếng cười hướng Lã Di-Giản, khiến y muốn nổ tung màng nhĩ ra. Vương nói:
- Lã quốc công có nghĩ kỹ trước khi nói không? Vãn sinh biết thân phận mình không nhận chức tước nào của Thiên-triều, nên đã tâu hoàng thượng xin phép rồi mới nói kia mà? Hơn nữa đây là cuộc đối thoại của sứ thần Đại-Việt từ xa đến kết hiếu với Hoa-hạ. Thế mà tể thần có ngôn từ của phường vô học bất thuật như thế này ư? Hơn nữa chính kim khẩu hoàng thượng cho phép vãn sinh hỏi đại nhân mà?
Vương nghĩ thầm: Đã vậy ta cứ hành xử như tước vương, để chúng biết rằng ta không sợ. Vương tiếp:
- Còn Quốc-công bảo cô-gia không có công với Tống ư? Này Quốc-công ơi, có phải từ khi đức Thái-tổ dựng nghiệp, đến nay trải bốn đời. Lúc nào triều-đình cũng lao tâm khổ tứ với dư đảng bang Nhật-hồ. Triều đình tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, mà cũng không diệt được chúng. Chúng không bị diệt thì chớ, chúng còn len lỏi lên tới tể thần. Kìa, chính công tử Tào quốc công đã học Chu-sa độc chưởng với một đại thần. Bang Nhật-hồ hoành hành như không coi thiên hạ ra gì, phải chờ đến khi trên đường đi sứ, cô-gia khuyến dụ chúng cùng bang Trường-giang qui thuận triều đình. Như vậy mà Lã quốc-công bảo cô-gia không chút công lao nào ư?
Vương gằn từng tiếng:
- Mới đây, gần ba trăm ứng sinh phò mã bị trúng Chu-sa phấn. Chắc chắn dư đảng Nhật-hồ phải lớn lắm mới làm nổi việc đó. Nếu Lã quốc-công có tài, xin trị bệnh cho các ứng sinh đi!
Khắp điện Sùng-chính im phăng phắc. Vương nói lớn:
- Cô gia xin hỏi Quốc-công: Bấy lâu trong hoàng cung có hai vụ án lớn lao vô cùng. Một là, ai hại Sở-vương Nguyên-Tá? Ai ám toán Chiêu-thành thái-tử Nguyên-Hy? Các vị đầy tài chí, ăn cơm, mặc áo chúa bấy lâu, các vị đã tìm ra thủ phạm chưa?
Nguyên trước đây, con đầu lòng vua Thái-tông tên Nguyên-Tá được lập làm thái tử tước phong Sở-vương. Anh hùng tài kiêm văn võ, bị gian nhân dùng Huyền-âm độc chưởng đánh lén, đến hóa điên, rồi bị giáng chức. Vua Thái-tông lập con thứ nhì là Nguyên-Hy làm Chiêu-Thành thái-tử. Ít lâu sau cũng bị trúng Huyền-âm độc chưởng mà chết. Vì vậy vua Chân-tông là con thứ ba mới được lập lên làm thái tử, rồi kế vị.
Bấy giờ khắp triều thần không ai biết hung thủ thuộc loại người nào. Sự việc dần dần lãng quên theo thời gian. Nhưng mấy năm trước, khi biết mình sắp lìa trần, Sở vương gọi Định-vương lại nói cho biết rằng ông bị Lưu hậu ám hại. Ông khẩn khỏan nhờ Định-vương trả thù cho. Định-vương đã bàn với Minh-Thiên, nhưng vẫn chưa xuống tay được, vì thế lực Lưu hậu quá lớn.
Bây giờ Khai-Quốc vương nhắc lại truyện cũ, trong ý Vương tỏ cho triều thần biết rằng ông đã tìm ra hung thủ hai vụ án lớn. Tào Lợi-Dụng nghe Khai-Quốc vương nói, y kinh hoảng. Nhưng rồi y tự nhủ:
- Ngay đương thời, vua Thái-Tông còn tìm không ra thủ phạm, huống hồ tên này mới qua Biện-kinh mấy ngày.
Nhà vua nghe Khai-Quốc vương nói, ông hỏi:
- Khai-Quốc vương đã biết hung thủ là ai rồi phải không? Vương có thể nói ra cho triều đình cùng nghe, hầu tru di tam tộc kẻ đó.
- Dĩ nhiên hạ thần biết. Hạ thần cam đoan hôm nay sẽ bắt hung thủ để các đại thần đây biết rằng thần nhất tâm nhất trí kết hiếu giữa hai tộc Hoa-Việt.
Nói đến đây vương biết mình đã khai chiến với bọn phe đảng của Lưu hậu chủ xâm Nam phương. Mà bọn chúng hầu hết bị khống chế bằng Chu-sa ngũ độc chưởng. Chi bằng đem vụ Thiệu-Thái trị được họa này nói toẹt ra, để lôi kéo những nạn nhân về với mình. Nghĩ vậy vương tiếp:
- Cô-gia xin nói rõ, có rất nhiều vị hiện diện tại đây bị trúng Chu-sa ngũ độc chưởng, đã được Thân Thiệu-Thái trị dứt vĩnh viễn. Hành động đó của sứ đoàn có thể coi là tốt hay xấu? Công hay tội?
Lã Di-Giản tím mặt lại, y hỏi:
- Đâu? Ai trong chúng ta bị trúng Chu-sa độc chưởng đã được Thân Thiệu-Thái trị khỏi? Chứng cớ ở đâu?
Định-vương đứng dậy nói bằng giọng khoan thai:
- Chính cô-gia cùng sứ đoàn đi Nam-thùy đều bị trúng Chu-sa độc đến hai ba lần, được Thân giáo-chủ cứu trị. Khai-Quốc vương còn gửi công chúa Bình-Dương với thế tử Thân Thiệu-Thái theo sứ đoàn Tống về triều để trị cho bất cứ ai bị trúng chưởng này. Nhưng vì sứ đoàn Đại-Việt chưa điện kiến, nên cô-gia không thể tâu lên Hoàng thượng.
Vương gằn từng tiếng:
- Thế nhưng sứ đoàn vừa tới triều kiến thiên tử, thì các đại thần tự hào về văn minh Hoa-hạ, tự hào về Nho, tự hào về đủ thứ lại lên tiếng vấn nạn sứ đoàn, coi Đại-Việt như man di. Hỡi ôi.
Khắp triều Tống nghe Định-vương nói, đều hiện ra vẻ hân hoan không bút nào tả xiết. Vì họ hy vọng sẽ được giải thoát khỏi cái ách độc chưởng đè lên người bấy lâu.
Định-vương tiếp:
- Những người đã được trị Chu-sa độc chưởng trong sứ đoàn gồm bản sư Minh-Thiên. Đông-Sơn đạo sư, Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Địch Thanh, Triệu Anh, Triệu Huy, Quách Quỳ. Cũng chính Thân thế tử trị cho Trường-giang thất quỷ, cùng bang chúng Nhật-hồ vì vậy khi nghe Vương thuyết phục họ cảm động, qui phục triều đình.
Từ khi nghe tin sứ thần Đại-Việt thuyết phục hai bang Nhật-hồ, Trường-giang quy phục triều đình. Trên từ Lưu hậu, Hoàng-đế cho tới quần thần không hiểu bằng cách nào mà Vương nói cho bọn đại ma đầu nghe theo. Bây giờ Định-vương nói ra, mọi người mới hiểu. Họ nghĩ thầm:
- Thì ra thế. Bọn Nhật-hồ dùng bá đạo khống chế người. Đại-Việt dùng ân đức thu phục nhân tâm chúng.
Hầu hết các quan văn thần đều có thiện cảm với sứ đoàn Đại-Việt. Còn những người bị trúng Chu-sa độc chưởng lại mong Hoa-Việt thân thiện để được giải ách. Bởi bị độc chưởng hành hạ bấy lâu, họ như sống trong địa ngục. Nếu không có Lưu hậu ngồi trong màn, có lẽ họ đã chạy tới xin Thiệu-Thái trị bệnh cho rồi.
Bỗng nhà vua lên tiếng:
- Bách quan nghe cho rõ.
Tất cả mọi tiếng xì xầm đều tắt hết. Nhà vua tiếp:
- Chính trẫm cũng bị trúng độc chưởng này. Cách đây hai ngày, Thân thế-tử đã trị cho trẫm rồi.
Từ trước đến giờ quần thần đều nghe biết nhà vua cũng bị trúng chưởng này, nhưng không ai dám nói ra. Bây giờ chính miệng nhà vua tuyên phán, thì còn sai thế nào được? Khi nhà vua đã nói ra, chắc chắn bọn bang Nhật-hồ tiềm ẩn trong triều sẽ bị chỉ mặt điểm tên.
Yến Thù vái Khai-Quốc vương:
- Thưa vương gia, vương gia nói trong triều có nhiều dư đảng bang Nhật-hồ, thế chúng là những ai?
Khai-Quốc vương nghĩ thầm:
- Yến Thù biết rõ mọi biến cố nội cung. Khi y dám nói câu này, có nghĩa là Thái-hậu đã bị kiềm chế hoàn toàn. Phe đảng hiếu chiến không còn nữa. Đã đến lúc nên công khai hạ chúng đây. Ta phải can đảm mới được.
Vương chắp tay vái Yến:
- Đa tạ đại-học sĩ hỏi đến. Vãn sinh xin thưa: Hiện có những đại thần bậc nhất bậc nhị xuất thân Hồng-thiết giáo. Cao nhất là ngài Thái-tử thiếu phó, Kinh-hồ tiết độ sứ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Tổng-quản ngự-lâm quân, Tổng-lĩnh thị vệ, Ngô quốc-công Tôn Đức-Khắc. Tôn quốc-công nguyên có tên Đào Tường-Phúc lĩnh Tả hộ pháp của Hồng-thiết giáo Đại-Việt.
Khai-Quốc vương không nói, thì cả triều đình nhà Tống đều tưởng Tôn Đức-Khắc là dư đảng bang Nhật-hồ Trung-quốc, mà Lưu hậu dùng y khống chế quần thần. Muôn ngàn lần họ không bao giờ ngờ y lại chính là Đào Tường-Phúc, một đại ma đầu, một khâm phạm từ đời vua Thái-tông. Vì vậy khi vương nói xong, họ kinh ngạc đến nỗi không ai dám bật lên tiếng súyt xoa.
Khai-Quốc vương tiếp:
- Nhân vật thứ nhì là ngài Thái-tử thiếu bảo, Tả-vệ thượng tướng quân, Nam-thiên kinh lược sứ, Việt-quốc công Lê Lục-Vũ. Lê quốc-công nguyên có tên Chu Bội-Sơn lĩnh Hữu hộ-pháp của Hồng-thiết giáo Đại-Việt.
Sử-vạn Na-vượng kêu lên:
- Oan uổng! Oan uổng, thần chưa từng biết dinh Kinh-lược sứ, cũng chẳng hề giao chiến với ai tên Trần Trung-Đạo. Vậy Trần Trung-Đạo là vị nào?
Quần thần thấy y lờ vụ bị tố là người Hồng-thiết giáo, tức y mặc nhiên công nhận rồi.
Trần Trung-Đạo từ võ ban bước ra, tay chỉ vào mặt Sử-vạn, Khiếu:
- Tâu, đêm đó thần cùng chư tướng nghe tiếng báo động bên dinh Kinh-lược, vội chạy sang. Thần có giao chiến với hai người, tướng mạo tương tự như hai vị này. Sau khi giao chiến mấy chiêu, kiếm của hai người đó bị gẫy. Chúng quẳng kiếm lại, tháo chạy. Hiện tang vật thần có mang theo.
Y vẫy tay. Một thị vệ bưng tới gói vải để giữa điện. Trung-Đạo mở ra, trong có hai cán kiếm cùng mảnh kiếm gẫy. Sử-Vạn trông thấy vội chạy lại cầm kiếm lên xem. Bất giác mặt y tái xanh, vì đúng là kiếm của y với Khiếu. Hai thanh kiếm này chúng để ở Biện-kinh, chứ nào có mang theo. Chứng cớ sờ sờ như thế này còn chối vào đâu?
Vương Đức-Dụng tiếp:
- Khai-Quốc vương nói rằng nhị vị dùng thuốc Di-hồn ngũ-hoa phấn đầu độc sứ đoàn, rồi lại còn nói đó là chỉ dụ của Thái-hậu. Sau đó dùng Chu-sa ngũ độc chưởng đánh Trần Bảo-Dân. Hiện sứ đoàn Đại-Việt cũng như Trần Bảo-Dân có mặt ở đây. Hai vị hãy đối chất với sứ đoàn đi.
Khiếu Tam Bản nghĩ rất nhanh:
- Khi Thái-hậu ban chỉ dụ cho bọn ta, có dặn rằng không được cho người khác biết. Nhưng nay không biết ma quỷ nào hai ta, không chừng là Định-vương. Chứng cớ sờ sờ, ta không chối nổi. Muốn thoát chết chỉ có cách đổ cho Thái-hậu, rồi sau đó cao chạy xa bay. Với võ công của ta, dễ gì ai làm địch nổi?
Nghĩ vậy Khiếu tâu:
- Muôn tâu, Thái-hậu không ban chỉ trực tiếp cho thần đánh thuốc độc sứ đoàn. Người dạy rằng phải bắt sứ đoàn lai kinh. Vì võ công nhân vật trong sứ đoàn rất cao thâm, nên thần phải đánh thuốc, mới bắt nổi.
Chợt nhìn thấy Lê Văn đứng sau nhà vua, Khiếu kinh hãi nghĩ:
- Rõ ràng tên này phi ngựa trêu chọc bọn mình. Y là đồ đảng của tên Đặng Tông. Tại sao y lại đứng sau nhà vua? Thôi rồi, người hại ta là nhà vua chứ không phải Định-vương.
Bất giác đưa mắt nhìn nhà vua, Khiếu nhận ra nhà vua là thiếu niên đi cùng Tôn Đản vào tửu lầu hôm trước, khiến y càng tin tưởng thêm rằng nhà vua sai bọn này hại mình. Y chú ý thấy trong đám sĩ tử ứng tuyển phò mã có Tôn Đản, máu giận sôi lên, y nghĩ thầm:
- Hoàng-đế hại mình, nhưng mình không có chứng cớ. Bây giờ chỉ cần bắt tên này, dùng Chu-sa ngũ độc chưởng tra khảo, hy vọng y khai sự thực. Như vậy ta đổ cho Hoàng-đế mưu hại Thái-hậu. Tất Thái-hậu sẽ truất phế Hoàng-đế, lập một vua bù nhìn khác lên thay.
Thấy cử chỉ, con mắt của Sử-vạn, Khiếu. Khai-Quốc vương đoán ra y muốn làm gì rồi. Vương dùng lăng không truyền ngữ nói với Tôn Đản:
- Cẩn thận! Bọn Khiếu muốn bắt sống em đấy. Đừng chống lại, để cho Hoàng-đế sai các tướng bắt y. Như vậy sẽ có trận đấu của những người trong triều đình. Ta ở giữa làm ngư ông hưởng lợi.
Tiếng Vương vừa dứt, Khiếu Tam Bản lạng người đến chộp Tôn Đản. Tôn Đản thản nhiên cười hô hố. Khiếu tức qúa quát:
- Con bà mi! Mi mới đích là thủ phạm hại ta. Mi có chạy đằng trời. Bây giờ mi phải nói thực, ai xui mi hại lão gia. Bằng không lão gia phải bóp chết mi ngay lập tức.
Tôn Đản thản nhiên:
- Tôi là ứng sinh phò mã, nhưng gốc thuộc sứ đoàn Đại-Việt. Đây là Sùng-chính điện, tôi không thể và không nên dùng võ. Bằng không đại tướng quân đâu có thể bắt được tôi?
Hôm trước, nhà vua thấy Tôn Đản đấu hai chưởng với Sử-vạn ngang tay. Mà bây giờ y đành để cho Khiếu Tam Bản bắt. Ông tin ngay rằng Đản không dám dụng võ trong Sùng-chính điện. Nhà vua quát:
- Khiếu Tam Bản! Bỏ ngay Tôn Đản xuống.
Khiếu Tam Bản còn ngần ngừ, thì từ phía võ ban, một người nhảy ra chụp lưng y. Y vội trầm người xuống tránh, rồi vòng tay ra sau gạt. Hai tay chạm nhau đến bộp một tiếng. Cả hai người đều bật lui.
Mọi người nhìn lại, thì ra quan Chuyển-vận sứ Vương Duy-Chính thuộc Quảng-Tây. Duy-Chính phóng chưởng đánh thẳng vào mặt Khiếu. Khiếu thấy chưởng lực hùng hậu, vội tung Tôn Đản lên cao, rồi vung chưởng đỡ. Bình một tiếng cả hai đều lảo đảo lui lại.
Còn Tôn Đản, nó cảm thấy trong người bứt rứt, biết bị Khiếu nhả độc chưởng vào vai. Nó lạng người qua chỗ Thiệu-Thái. Thiệu-Thái vỗ vai nó một cái. Bao nhiêu bứt rứt hết. Nó trở lại chỗ cũ, tiếp tục viết...bài.
Duy-Chính, Khiếu đấu đến chiêu thứ mười, vẫn ngang tay. Bỗng hai chưởng chạm nhau đến binh một tiếng. Sử-vạn bật lui liền ba bước. Y cười lớn:
- Mi bị trúng Chu-sa chưởng của ta rồi.
Chính nhảy lui lại ôm tay nhăn nhó, miệng mắng:
- Đồ hèn hạ. Mi dùng Chu-sa ngũ độc chưởng hại ta.
Thị vệ đã xuất hiện bao vây kín xung quanh Sùng-chính điện. Trần Trung-Đạo hô:
- Khiếu, Sử-vạn. Hai vị xử dụng Chu-sa ngũ độc chưởng, như vậy lời tố cáo của Khai-Quốc vương rằng hai vị là Đông, Nam sứ Hồng-thiết giáo Đại-Việt là đúng rồi. Hai vị chịu trói đi. Bằng không tôi hô lên một tiếng, hai vị sẽ bị bằm nát ra như chả ngay.
Một liều ba bẩy cũng liều. Khiếu Tam Bản nghĩ thầm:
- Sự đã ra thế này, chỉ có cách khống chế Hoàng-đế, mới mong sống sót ngày hôm nay.
Y đưa mắt cho Sử-vạn, cả hai cùng nhảy bổ về phía Hoàng-đế. Dư Tĩnh đứng sát ngai vàng. Y vung tay phát chưởng đánh vào người Sử-vạn. Phía bên kia Địch Thanh phát chưởng cản Khiếu Tam Bản. Bình, bình hai tiếng. Khiếu, Sử lảo đảo lui lại. Trong khi Dư Tĩnh, Địch Thanh đều cảm thấy cánh tay ê ẩm.
Nhà vua kinh hãi truyền lệnh:
- Dư an phủ sứ. Người bắt ngay tên Sử-vạn cho trẫm. Trẫm sẽ tha tội đánh thuốc mê sứ đoàn Đại-Việt ở Khúc-giang cho người.
Dư Tĩnh vung tay tấn công Sử-vạn. Trong khi phía bên này Địch Thanh đang khai diễn trận đấu với Khiếu Tam Bản. Chưởng phong tràn ngập điện. Bọn văn quan vội lui lại, để tránh áp lực chưởng. Thị vệ vây kín vòng trong vòng ngoài.
Trong khi đó, sứ đoàn Đại-Việt đều được lệnh dụ của Khai-Quốc vương tuyệt đối không được can thiệp. Chỉ can thiệp khi có lời yêu cầu của Hoàng-đế.
Nhìn trận đấu nhà vua hỏi Tự-Mai:
- Nhị đệ. Nhị đệ liệu Dư, Địch có thắng được hai lão Sử-vạn, Khiếu không?
Tự-Mai lắc đầu:
- Bàn về công lực, thì Dư dư sức thằng Sử-vạn. Địch hơi thấp hơn Khiếu một chút. Nhưng trong hai trăm chiêu trở đi, Khiếu sẽ bị bại, vì Khiếu già rồi, trong khi đó Địch còn trẻ. Cuộc đấu này khó nói trước, vì Sử, Khiếu xử dụng Chu-sa ngũ độc chưởng. Lỡ ra Dư, Địch chạm vào chưởng Sử, Khiếu, ắt nguy ngay.
Đấu được trên trăm chiêu, các võ quan đều kinh hãi nghĩ thầm:
- Bản lĩnh Dư Tĩnh, Địch Thanh là thế, mà không đàn áp được Khiếu với Sử-vạn. Hèn gì Thái-hậu chẳng xử dụng y vào chức vụ thống lĩnh thị vệ.
Bàn cho thực, công lực Dư Tĩnh ngang với Sử-vạn. Nhưng vì y úy kị Chu-sa độc chưởng, nên không dám đỡ vào chưởng của y. Vì vậy cuộc chiến kéo dài. Sử-vạn cũng biết thế. Y tìm trăm phương ngàn kế để hai chưởng chạm vào nhau. Y phát liền ba chiêu đánh thẳng vào mặt Dư. Dư vung chưởng đỡ. Bình, bình, bình. Sử-vạn bật lui liền ba bước, lưng y chạm vào tường. Dư Tĩnh mừng thầm phát chưởng như trời long đất lở, mong kết liễu tính mệnh Sử. Sử-vạn Na-vượng chỉ chờ có thế. Y vận độc công, đẩy cả hai tay ra đỡ. Bộp một tiếng, mùi hôi tanh bay khắp điện.
Dư Tĩnh biết nguy, đưa tay lên nhìn, thấy cả bàn tay tím bầm. Nhờ lúc Dư kinh hoảng, Sử-vạn nhảy ra giữa sân điện, miệng cười ha hả:
- Dư Chuyển-vận sứ, người trúng độc chưởng rồi, mau ngồi xuống vận công, may ra sống được. Còn như cố xử dụng võ công càng mau chết.
Nhà vua hỏi đám ứng sinh:
- Ai bắt được tên Sử-vạn, thì muốn giai nhân nào trẫm sẽ gả cho.
Một ứng sinh dạ tiếng lớn. Y nhảy vọt ra phóng chưởng đánh Sử-vạn. Chưởng của y hùng hậu vô cùng. Mọi người cùng kinh ngạc:
- Người này còn trẻ, mà sao công lực đã đến mức thượng thừa?
Đó là một thiếu niên tuổi khoảng hai mươi, nước da trắng, mặt đẹp như ngọc. Nhà vua nhìn Tự-Mai, Lê Văn rồi cười phán nho nhỏ:
- Hai hiền đệ có thấy thiếu niên này không? Y đẹp trai đâu thua gì hai hiền đệ.
Tự-Mai tâu nhỏ:
- Y đẹp hơn đệ với Văn nhiều. Nhưng kém đại ca xa.
Nhà vua bật cười. Tự-Mai nói câu đó là nói thực. Cứ như trong Tống sử chép, Tống Nhân-tông là một Hoàng-đế đẹp trai hiếm có.
Lễ-bộ thượng thư tâu sẽ với nhà vua:
- Y tên Trương Ngọc thuộc phái Không-động.
Trương Ngọc đánh liền ba chưởng vào Sử-vạn. Sử-vạn lùi lại đỡ. Bình, bình, bình. Cả hai lảo đảo lui lại. Tự-Mai đưa mắt cho Lê Văn:
- Võ công Trương Ngọc thực chẳng kém bọn trưởng lão Lạc-long giáo. Không biết y có khống chế nổi Sử-vạn không?
Về phía Khiếu Tam Bản, càng đấu công lực y càng giảm. Nhưng y lợi dụng Địch Thanh úy kị độc chưởng, nên thẳng tay tấn công. Địch Thanh cứ phải lui hoài. Khiếu thấy thế lại tiến về phía Hoàng-đế. Y nghĩ thầm:
- Cơ chừng này, mình sẽ bị bại mất thôi. Chi bằng mình dương Đông kích Tây, giả tấn công Hoàng-đế, khiến Địch phải đỡ. Mình sẽ đẩy độc chất vào người y.
Nghĩ vậy y nhảy bổ về phía nhà vua, tay phát một chưởng như sét nổ. Quả nhiên Địch Thanh vội lạng mình đỡ cho nhà vua. Bình một tiếng. Cả hai đều bật lui. Bấy giờ Địch Thanh mới biết mình trúng kế Khiếu Tam Bản. Y từng bị trúng Chu-sa độc, nên biết lợi hại của nó