Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea

Chương 22 : Những chuyện vụn vặt

Ngày đăng: 16:06 19/04/20


“Vậy là cháu dùng trà ở ngôi nhà đá của Lavendar Lewis?” bà Marilla hỏi trên bàn ăn sáng vào sáng hôm sau. “Giờ cô ta thế nào? Lần cuối ta gặp cô ta là mười lăm năm trước... một ngày Chủ nhật ở nhà thờ Grafton. Ta cho rằng cô ta đã thay đổi rất nhiều. Davy Keith, khi cháu cần thứ gì ở ngoài tầm tay, hãy yêu cầu người khác đưa nó cho cháu chứ đừng chồm qua bàn cái kiểu như thế. Cháu có bao giờ thấy Paul Irving làm vậy mỗi lần đến dùng bữa không?”



“Nhưng tay của Paul dài hơn tay cháu,” Davy lúng búng trong miệng. “Chúng phát triển trong suốt mười một năm, còn tay cháu mới có bảy năm thôi. Mới cả, cháu có hỏi đấy chứ, nhưng bà và cô Anne quá bận nói chuyện nên không để ý. Mới cả, Paul đã bao giờ đến ăn bữa nào khác ngoại trừ bữa trà đâu, và dễ lịch sự vào bữa trà hơn là bữa sáng. Lúc đó thì đâu có đói bằng. Khoảng cách giữa bữa tối và bữa sáng lâu khủng khiếp. Này cô Anne, cái muỗng đó trông chẳng to hơn năm ngoái chút nào, nhưng cháu thì đã lớn hơn nhiều.”



“Đương nhiên cháu không biết cô Lavendar lúc trước trông ra sao, nhưng chẳng hiểu sao cháu không nghĩ là cô ấy đã thay đổi nhiều lắm,” Anne nói sau khi đã múc hai muỗng đầy xi rô nhựa phong để cho thằng bé đừng phàn nàn nữa. “Tóc cô ấy bạc trắng nhưng gương mặt vẫn tươi tắn và trẻ trung, và cô ấy có đôi mắt nâu vô cùng dịu dàng... màu sẫm như màu gỗ với ánh vàng lấp lánh bên trong... và giọng cô ấy khiến người ta nghĩ tới xa tanh trắng, nước róc rách và tiếng chuông cổ tích hòa trộn với nhau.”



“Khi còn trẻ thì cô ta nổi danh xinh đẹp,” bà Marilla nói.“Ta không biết rõ cô ta lắm, nhưng với những gì ta biết thì ta quý cô ta. Ngay từ hồi ấy đã có người cho rằng cô ta khá kỳ quặc. Davy, nếu bà còn bắt gặp cháu giở trò như vậy thì cháu sẽ phải ăn sau mọi người đấy nhé, như đám người giúp việc người Pháp vậy.”



Đa số các cuộc trò chuyện giữa Anne và bà Marilla khi có mặt hai đứa trẻ sinh đôi đều bị đứt quãng bởi những lời trách móc hướng về phía Davy. Lần này, thật buồn khi phải kể rằng Davy khi không thể dùng muỗng vét sạch giọt xi rô cuối cùng, đã giải quyết khó khăn bằng cách cầm lấy đĩa bằng cả hai tay rồi thè lưỡi liêm. Anne nhìn nó với ánh mắt khiếp hãi đến mức kẻ tội phạm bé nhỏ đỏ bừng mặt và ấp úng nửa hối lỗi nửa bào chữa,



“Làm vậy để không bỏ phí chút nào.”



“Những ai khác người thì thường bị kẻ khác gọi là kỳ lạ,” Anne nói. “Và cô Lavendar thì quả thật là khác thường, dẫu khó mà nói rõ khác ở chỗ nào. Có lẽ bởi vì cô ấy là kiểu người không bao giờ già đi.”



“Khi tất cả những người cùng thời đều già đi thì tốt nhất là nên già theo,” bà Marilla sẵng giọng. “Nếu không thì chối mắt lắm. Theo như ta biết thì Lavendar Lewis dứt bỏ tất cả. Cô ta sống ở cái chỗ khỉ ho cò gáy đó cho đến khi mọi người quên hẳn mình. Căn nhà đá đó là một trong những căn nhà xưa nhất trên đảo. Ông lão Lewis xây nó tám mươi năm về trước khi vừa từ Anh quốc tới. Davy, đừng có lắc khuỷu tay của Dora. Ồ, ta chính mắt nhìn thấy! Đừng có làm bộ vô tội nữa. Sao sáng nay cháu lại cư xử như thế hả?”




Một tháng sau đó, một lá thư đến nơi thật. Nhưng không phải do Richard Keith gửi. Một người bạn của ông ta viết thư báo rằng Richard Keith chết vì lao phổi hai tuần trước. Người viết thư là người chấp hành di chúc của ông ta, và theo di chúc, một khoản tiền hai ngàn đô la được ủy thác lại cho bà Marilla Cuthbert giữ giùm cho David và Dora cho đến khi chúng đến tuổi trưởng thành hoặc kết hôn. Trong thời gian chờ đợi, số tiền lời được dùng để nuôi dưỡng hai đứa trẻ.



“Thật đáng sợ khi lại vui mừng về bất cứ chuyện gì có liên quan đến cái chết,” Anne bình tĩnh lại. “Cháu lấy làm tiếc cho ông Keith đáng thương, nhưng cháu thực sự vui vì chúng ta có thể giữ hai đứa trẻ sinh đôi lại.”



“Số tiền đó đến rất đúng lúc,” bà Marilla luôn thực tế.“Ta muốn nuôi hai đứa trẻ nhưng thực sự không biết lấy tiền từ đâu, nhất là khi chúng lớn lên một chút nữa. Tiền cho thuê nông trại chỉ đủ để giữ căn nhà này, và bà cương quyết không để cháu bỏ ra một xu nào cho bọn chúng. Cháu đã làm quá nhiều cho bọn chúng rồi. Dora chẳng cần cái mũ mới cháu mua tặng cũng như chẳng con mèo nào cần tới hai cái đuôi. Nhưng giờ thì con đường phía trước đã rõ ràng và bọn trẻ đã có nguồn chu cấp rồi.”



Davy và Dora rất vui sướng khi biết sẽ ở lại Chái Nhà Xanh “mãi mãi”. Cái chết của một ông cậu chưa hề gặp chẳng đáng buồn một tí xíu nào so với niềm vui đó. Nhưng Dora vẫn còn chút băn khoăn.



“Cậu Richard được chôn cất đàng hoàng phải không?” cô bé thì thầm hỏi Anne.



“Ừ, đương nhiên rồi bé cưng.”



“Cậu... cậu ấy sẽ không giống như ông chú của Mirabel Cotton chứ?” giọng thì thầm thêm phần kích động. “Cậu ấy sẽ không đi lòng vòng quanh nhà dẫu đã mồ yên mả đẹp, phải không cô Anne?”