Ba Lần Đi Thi Thái Tử Phi

Chương 12 : Nỗi lòng thiếu niên (trung)

Ngày đăng: 15:19 18/04/20


Đại đa số các Chủ mẫu, khuê tú đều có không ít các món ăn đặc sắc không truyền ra ngoài, chỉ thỉnh thoảng dùng để hiếu kính cô cậu hoặc vào những dịp cúng tế trong nhà thì mới làm. Bình thường công việc bếp núc chỉ là sở thích, không xuống nhà bếp cũng là đương nhiên.



Cho dù các đức ông chồng của bọn họ, mở miệng nói “Nàng đi làm cho ta vài món đồ ăn”, đó cũng là một việc rất thiếu lễ độ —– đương gia chủ mẫu cũng có bổn phận của đương gia chủ mẫu, làm sao mà có thể bắt họ đi làm loại việc của bọn hạ nhân?



Tất nhiên, vấn đề này trong những nhà nghèo khó lại khác.



Bởi vậy, khi mà bọn Tạ Liên, Vệ Lang ăn đồ điểm tâm do Vương Diễm mang đến, chỉ cảm thấy mỹ vị, mà không hề biết là do tỷ tỷ của Vương Diễm tự tay làm.



Vương Diễm lại là người không thích khoe khoang, chỉ là cùng bằng hữu ăn một chút đồ ăn mà thôi, mà lại phải làm quá lên “Ta đã mang một món vô cùng đặc biệt chiêu đãi các ngươi” sao? Tất nhiên sẽ càng không nói.



Vương Diễm thuộc dạng người thanh phong lãng nguyệt (là dạng người vô tâm), không hiểu các việc hiểm ác cũng như phỏng đoán nhân tâm. Nhưng cũng có thể cảm nhận được rằng, giữa Tư Mã Dục cùng với Tạ Liên có một chút gợn sóng ngầm.



Cũng không phải nói rằng quan hệ giữa hai bọn họ có gì kỳ quái, mà là nói…….. có nhiều khi bọn họ quá mức tận lực.



Trong nhóm bạn này, Tư Mã Dục cũng được coi là đứa nhỏ tuổi nhất, so với Vương Diễm chỉ lớn hơn một chút. Lại là Thái tử đương triều. Chính vì vậy, đối với cậu ta mọi người đều cố ý vô tình nhường nhịn, ai cũng sẽ không cố ý vượt trên cậu một cái đầu.



Tâm tư hắn nhạy bén, tự nhiên cũng sẽ có cảm giác, nên cũng lười cùng người khác tranh chấp —– dù sao thì dù có thắng cũng không có ý nghĩa.



Còn Tạ Liên, mặc dù cậu ta không phải là người nhiều tuổi nhất, lại vô cùng khoan dung độ lượng, nên cũng không đem chuyện thắng thua để ở trong lòng. Gặp một vài chuyện không nên đứng trên người ta một cái đầu, cậu cũng chỉ cười trừ, tùy ý nhường cho.



Nhưng mà tư chất của cậu ta quả thật rất tốt. Thí dụ như chơi cờ, ngay cả khi cậu thường xuyên bị thua Thẩm Điền Tử, nhưng mọi người đều biết, nếu thực sự  so cậu với Thẩm Điền Tử thì cao minh hơn rất nhiều, chỉ là không tranh thôi —– bởi vì cậu đã có thể cùng Tạ Thái Phó – một danh thủ quốc gia bàn chuyện thắng thua.



Vì vậy, hai người kia dù nghĩ như thế nào, cũng đều rất không có khả năng trở nên đối chọi gay gắt.



Thế nhưng, trên thực tế Tư Mã Dục có thể coi thường bất kỳ kẻ nào, lại cứ nhất định phải cùng Tạ Liên tranh cao thấp. Mà Tạ Liên, người mà có thể tùy ý để thua bởi bất kỳ kẻ nào, chỉ mỗi Tư Mã Dục là cự tuyệt nhượng bộ.



———- Cơ hồ ở bất kỳ sự kiện nào, bọn họ đều phải so kè cao thấp. Học bài cũng tranh, cưỡi ngựa cũng tranh, văn chương chũng tranh, tri thức cũng tranh, ngay cả ném thẻ vào bình rượu (*) đến đánh cờ, câu cá, leo núi cũng đều cạnh tranh….. Cũng chả phải mục đích là chỉ vào mũi đối phương để đánh cuộc “Nếu thua, ta làm con ngươi”, mà lúc nào cũng âm thầm không lên tiếng mà đối phó nhau, sau đó liên tiếp nghẹn khẩu khí, không thể so ra thắng thua thì ai cũng không chịu ngừng nghỉ. Giống như nhượng bộ một bước sẽ bị sét đánh không bằng.



(*) là một dạng trò chơi phạt uống rượu trong những buổi tiệc thời xưa.



Bọn họ như là hai đấu thủ, ngoài mặt thì ung dung mỉm cười, luôn duy trì dáng vẻ tao nhã, mà lại dùng tốc độ chạy như điên để truy đuổi, mặc kệ xuyên tường, chỉ kịp bỏ lại hai bên đường bụi mù cuồn cuộn.



Làm một đám quần chúng đứng phía sau không biết nói gì đến nghẹn họng.



Dần dà lâu ngày, còn có người nói, A Hồ của Tạ gia cùng với Thái tử không hòa thuận, chỉ lo không phải là chuyện tốt —– Mai này, e là trong hai người thì luôn có một người đắc thế (có quyền có thế), còn người kia không chừng sẽ không được như nguyện.



Theo phe Thái tử hay là theo phe họ Tạ – A Hồ …… Đó là một vấn đề khó khăn.



Đối với việc này Vệ Lang chỉ cười nhạt, bình tĩnh gặm chim cút “Hai tên ngu xuẩn. Cả một đám ngu ngốc”.




Cuối cùng cũng tống được Tư Mã Dục về nhà, trông thấy cậu ta đã ra tới xe ngựa, đi về thành, Vương Diễm mới nhẹ nhàng thở ra.



Vương Diễm là người quân tử, đã đáp ứng, tất nhiên phải làm. Quay trở về liền đi tìm A Ly, trao lại bó hoa anh thảo.



Đã vào mùa rét đậm. Không biết ai gửi tặng một nhánh hồng mai, cành lá tinh mịn tự nhiên, hoa nở sum suê, tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp phòng.



A Ly đang cùng mẹ nói chuyện, vừa ngồi vừa động tay. Cô ngồi bên cạnh làm ra vẻ thêu thùa, mà trên tay thì đang cầm một tấm bái thiếp. Phong thư thì để trong sọt đựng kim, chỉ thêu.



Vương Diễm cúi đầu nhìn xuống, thấy chữ viết trên phong thư trong vẻ phóng khoáng lại hiện ra vẻ tú lệ, chắc là bút tích của nữ hài tử, dịch xuống phía dưới, bên trái có một chữ “Tạ”. Cùng với phong thư, là một nhánh hồng mai, nụ hoa chằng chịt, chỉ có một vài đóa lóng lánh nở ra, hết sức đơn giản và thanh lịch. Ngược lại, một bó lớn hoa anh thảo trong tay, tuy cũng tươi đẹp nhưng lại quá bình dân.



Hai người nhìn thấy Vương Diễm đi vào, bèn ngừng câu chuyện.



Mẹ A Ly nhân đó nói: “Ôi chao, A Diễm mà cũng mang hoa đến này”.



Vương Diễm xấu hổ ——- cậu thực tình chưa hề nghĩ tới, liền úp úp mở mở nói “Là………… do bằng hữu tặng, cảm thấy có thể a tỷ sẽ thích”.



A Ly cong khóe mắt gật đầu, bước lên nhận lấy bó hoa vào tay. Trước đó, nha hoàn đã đổ nước vào một bình hoa mang đến, A Ly tự tay cắm vào.



“Nếu hoa này mà giao vào tay một người giỏi hơn, có khi sẽ bắt mắt hơn”. A Ly thấy rằng, thời đại này con người sống quá thanh nhã, khiến cho cô rất có áp lực.



Hoa anh thảo này thật là đáng yêu, người đã tặng hoa này, nhất định cũng là một người bình dị dễ gần. Có thêm nhiều người bình dị như thế này, thế giới mới có tư vị được.



Vương Diễm thần hồn nát thần tính, đợi chờ Vệ Lang xuất chiêu, kết quả giống như là Vệ Lang căn bản đã quên mất chuyện này, rất là bình tĩnh và an phận.



Vương Diễm:…….. Nhà ngươi muốn chơi ta có phải không!



Đảo mắt đã sang tháng chạp.



Sau mồng tám tháng chạp, trong nhà bắt đầu chuẩn bị đồ tết, các thôn trang cũng gửi đến một vài nghệ nhân. Mẹ A Ly cũng bận rộn hơn.



Đến hôm nay, khi A Ly còn đang thêu hà bao để tặng, đột nhiên lão ma ma ở hậu viện đến báo lại: “Bên ngoài có hai bà cháu nọ muốn cầu kiến, nói là……. muội tử của đại tiểu thư”.



A Ly không nói gì, nha đầu bên cạnh miệng lưỡi lợi hại, chỉ trích: “nhận họ hàng lung tung. Nhìn xem đó là kẻ nào, người ngoài đến thì chỉ việc báo cho quản gia thôi. Tìm đại tiểu thư để làm gì chứ?”.



Lão ma ma kia hơi hơi xấu hổ, một mặt đáp lời cáo lui, một mặt nói thầm: “Ta thấy có vài phần giống…..”.



A Ly khẽ động lòng, cân nhắc một lát, nhân tiện nói: “Dẫn vào đi”.