Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 23 :

Ngày đăng: 12:05 19/04/20


Ngay buổi chiều ngày 25 tháng 8 ông Hòe được lệnh niêm yết tại Phu Văn Lâu “Chiếu thoái vị và tuyên chiếu gửi hoàng tộc”, đồng thời sao gửi các Khâm sai Bắc Bộ, Nam Bộ và các tỉnh trưởng tại Trung Bộ.



Ngày 26 tháng 8, thêm một bức điện nữa từ Hà Nội gửi vào, lần này là của Uỷ ban Dân tộc giải phóng:“Hoan nghênh Nhà vua đã thoái vị, nhường chính quyền cho Việt Minh là đại biểu của các tầng lớp dân chúng. Ngày 27 tháng 8 đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời sẽ lên đường đi Thuận Hoá”(9).



Tất cả dường như đã kết thúc. Chiều 26 tháng 8, Nhà vua làm lễ cáo yết thoái vị với tổ tiên tại Thế miếu, có thông báo mời đông đủ “văn võ bá quan” đến dự, nhưng chẳng có ai đến trừ có mấy người còn ở lại đến phút chót. Sau đó họ đến điện Kiến Trung để bái yết Nhà vua và Hoàng hậu lần cuối cùng. Họ xếp hàng đôi hai tay chắp trước bụng, vái chào. Bảo Đại nét mặt vẫn lạnh lùng, thản nhiên nhưng Nam Phương lặng lẽ khóc thầm, để yên những giọt nước mắt lăn trên gò má.



Bà cho người đem trả chiếc mũ có đính chín con phượng hoàng bằng vàng cho Ngự tiền văn phòng nhưng Phạm Khắc Hòe không nhận, lấy lý do là tài sản quốc gia sẽ được kiểm kê sau… Nhưng ông vui vẻ nhận chiếc cặp da láng bóng của bà và bộ cúc áo chẽn bằng hổ phách nạm vàng của Bảo Đại tặng riêng ông Hòe làm kỷ niệm. Trong buổi trò chuyện tâm sự chiều hôm đó với ông Hòe về cuộc sống dân thường sau khi rời bỏ ngai vàng, Bảo Đại cảm thấy trong người nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi một tình huống khó xử. Ông không có nhiều tài sản cá nhân. Tất cả những gì ông được hưởng đều thuộc về nhà nước. Ông không có gì ngoài chiếc xe 11 CV Citroen tậu bằng tiền được bạc khi sang Pháp chữa chân năm 1939. Ông còn sở hữu một đồn điền chè và hai chiếc xe tải còn tốt. Chè có thể khai thác để bán. Xe tải có thể cải tạo thành xe chở khách. Và sẽ lại đi săn không chỉ là thú vui mà đem thú săn được làm thịt bán. Sừng hươu, nai và xương hổ sẽ nấu cao, đem bán làm thuốc bổ và chữa được nhiều bệnh(10).



Mấy hôm sau ông Tổng lý văn phòng kiểm kê các đồ châu ngọc trong kho báu vật của Hoàng cung được tàng trữ trong căn hầm lớn đặt dưới mái sau điện Cẩn Chánh. Hàng năm vào ngày hai mươi tháng chạp âm lịch, triều đình làm lễ đưa báu vật ra lau chùi, kiểm kê. Chỉ có các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ này và phải tự tay mình đưa ra lau chùi quét sạch bụi bặm sau đó lại đưa xuống hầm chờ đến năm sau.



***




Ông Trưởng đoàn đại biểu chính phủ lâm thời Trần Huy Liệu nói lên ý nghĩa quan trọng của buổi lễ long trọng hôm nay không những chỉ là lễ thoái vị của Nhà vua, chuyển giao chính quyền cho cách mạng mà còn đánh dấu sự sụp đổ chế độ phong kiến vua quan đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử. Ông vui mừng báo tin chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng đầu là chủ tịch Hồ chí Minh sẽ ra mắt quốc dân ngày 2 tháng 9 để đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Tiếp đến Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng đọc “Chiếu thoái vị”. Ông xúc động không nói nên lời. Khán giả dù có nghe qua loa phóng thanh vẫn không nghe rõ. Có thể ông ít nói tiếng Việt, nhất là trước đám đông. Tuy nhiên quần chúng hiểu rằng Bảo Đại chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân chủ và ông thỉnh cầu:



1. Đối với tôn miếu và lăng tẩm của Liệt thánh, chính phủ mới xử trí như thế nào cho có sự thể.



2. Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát phong trào dân chúng, chính phủ sẽ lấy sự ôn hoà xử trí đế những phần tử ấy cũng có thể giúp vào sự kiến thiêt quốc gia và tỏ rằng chính phủ Dân chủ Cộng hoà nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.



Đối với hoàng tộc, Nhà vua kêu gọi: “bà con trong hoàng tộc… ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ cộng hoà, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc…”.



Bảo Đại kết thúc bản tuyên bố thoái vị bằng câu nói nổi tiếng. “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ, quyết không đế cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia đế lung lạc quốc dân ” và hô: “Việt Nam độc lập muôn năm! Dân chủ Cộng hoà muôn năm!”. Hai báu vật biểu tượng của quyền lực, thanh kiếm vàng nạm ngọc, chiếc quốc ấn nặng gần tám kilô đúc từ thời Minh Mạng được Nhà vua thay mặt cho quân quyền trịnh trọng trao tận tay cho đại biểu chính phủ cách mạng. Sau khi cờ vàng quẻ ly tượng trưng cho quân quyền hạ xuống – lần này thì vĩnh viễn, ngay lập tức, tiếng súng lệnh nổ vang trong lúc lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho chính thể dân chủ cộng hoà kéo lên. Tiếng hoan hô lại vang lên ầm ầm như sấm. Đối với vài trăm quan lại, công chức chính quyền Nam triều cũ, việc thoái vị thế là đã hoàn tất. Không còn Hoàng đế, không còn Bảo Đại. Chỉ có một công dân mới mang tên Nguyễn Vĩnh Thuỵ, cái tên trong sổ Tôn nhơn phủ, chỉ được gọi khi còn đi học lúc nhỏ… Tiếp đến vị Trưởng phái đoàn chính phủ Trần Huy Liệu phát biểu nói lên ý nghĩa quan trọng của lễ thoái vị chính thức chuyển sang quyền hành chính phủ dân chủ cộng hoà, một sự kiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử kết thúc chế độ phong kiến tồn tại từ nghìn năm nay.