Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Chương 24 :
Ngày đăng: 12:05 19/04/20
Mọi việc coi như đã xong. Nhưng những người có mặt trên lễ đài có một phút bối rối. Một khoảng trống nhỏ. Còn thiếu một cái gì đó chăng? Một lời nói, một cử chỉ hữu nghị, cảm thông? Thấy vậy đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nhanh trí gài trên ngực ông chiếc huy hiệu màu đỏ tượng trưng cho quốc kỳ có ngôi sao vàng ở giữa, chắc hẳn là sát hình tượng con rồng thêu trên hoàng bào Vua đang mặc trên người.
Một lần nữa quần chúng lại vỗ tay hoan hô sau khi nghe ông trưởng đoàn Trần Huy Liệu phát biểu: “Từ nay cựu Hoàng đế Bảo Đại được gọi là công dân Vĩnh Thuỵ”. Các quan khách trên lễ đài chắp tay nghiêng mình vái chào người công dân mới Vĩnh Thuỵ, có người ngượng nghịu nâng nắm tay phải lên ngang tai chào theo kiểu Việt Minh.
Buổi lễ thoái vị kết thúc. Mọi người hân hoan hồ hởi diễu qua lễ đài rồi mới giải tán vui vẻ ra về. Cựu hoàng lặng lẽ trở về điện Kiến Trung. Bà Nam Phương đang rầu rĩ, sụt sùi giọt lệ chờ đợi. Ngạc nhiên thấy chồng trở về yên lành, không bị cách mạng dẫn đi sau lễ thoái vị nhưng bà không che giấu nổi niềm chua xót thấy triều đại nhà Nguyễn thế là chấm dứt hẳn.
Nhưng cộng đồng quốc tế ngay cả ở khu vực châu Á có vẻ như dửng dưng trước sự kết thúc của triều đại phong kiến Việt Nam. Tin Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, chiến tranh Thái Bình Dương chấm dứt, các chính quyền thân Nhật trong khu Thịnh vượng chung Đại Đông Á theo nhau sụp đổ không làm mấy ai bận tâm bằng trăm công nghìn việc trong những tuần lễ hoà bình đầu tiên ở chính nước họ.
Có phải Bảo Đại đã chấp nhận lý tưởng dân chủ cộng hoà của Việt Minh không? Tại sao không thể có giải pháp dung hoà, giữ lại ngôi báu làm tượng trưng nhưng vẫn giao thực quyền cai trị cho cụ Hồ? Ai cũng biết trong chương trình Việt Minh nhiệm vụ giải phóng dân tộc lật đổ chế độ thống trị thuộc địa được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng trong chương trình Việt Minh đã nêu lên khẩu hiệu thành lập chế độ dân chủ cộng hoà, vậy liệu có chấp nhận một chế độ quân chủ lập hiến không? Ông Hồ Chí Minh trong thâm tâm có tính đến một công thức thoả hiệp, ít ra là trong thời gian đầu khi nền độc lập chưa được củng cố từ bên trong và chưa được thế giới công nhận từ bên ngoài hay không? Đối với Đồng minh, Bảo Đại là kẻ hợp tác với quân phiệt Nhật, dù chỉ vẻn vẹn trên năm tháng, liệu họ có chấp nhận chính quyền mới do Bảo Đại đứng đầu không. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ này, không tìm đâu ra một nhân vật trong hoàng tộc có tinh thần chống Nhật nghĩa là đứng về phe Đồng Minh để có thể cùng với Việt Minh đứng ra nói chuyện với phe Đồng Minh, vận động họ công nhận chính quyền mới. Duy trì thêm một thời gian nữa chế độ quân chủ dù là dưới hình thức quân chủ lập hiến, hoãn lại sự thoái vị một thời gian có thể góp phần nâng cao uy thế của cách mạng, hạn chế sức phản kháng của các thế lực đối lập, nhưng không đủ để bào chữa cho một chế độ đã quá nhiều bê bối, đàn áp phong trào nông dân Tây Sơn và nhiều phong trào nông dân khác từ thế kỷ XVIII, đã để mất nước cho thực dân Pháp sau đó lại cam chịu làm tay sai ngoan ngoãn cho chế độ bảo hộ hết Pháp lại Nhật. Không nên quên rằng lý tưởng dân chủ cộng hoà không phải chỉ nảy nở trong nhân dân Việt Nam từ khi có phong trào Việt Minh, có Đảng Cộng sản mà rất lâu trước đó, từ khi phong trào Đông Du tan rã.
Cùng ngày 30 tháng 8, thông tấn xã Nhật Domei loan tin: “Nhà vua Việt Nam định lập một chính phủ mới. Ông mời đảng cách mạng vào Huế để lập chính phủ mới, lập nên đa số cánh tả trong chính quyền mới”.
Quả thật, sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ chức mồng 5 tháng 8, Bảo Đại đã giao Trần Trọng Kim mời một số cựu chính trị phạm cũ tham gia chính phủ mới, nhưng không một ai hưởng ứng.
(6) Tố Hữu, “Nhớ lại một thời”, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004 (ND).
(7) Bốn nhà trí thức đã ký tên vào kiến nghị là Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường. Cuộc họp của trí thức và sinh viên Hà Nội ở Việt Nam học xá ngày 21 tháng 8 cũng như bức điện có bốn nhà trí thức ký tên là hoạt động tự phát. Không có gì chứng tỏ là do Việt Minh giật dây (N.D).
(8) Báo Cứu quốc sốngày 27 tháng 8 năm 1945, và Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.
(9) Báo Đông Phát, xuất bản tại Hà Nội ngày 29 tháng 8 năm 1945.
(10) Phạm Khắc Hòe, sách đã dẫn.
(11) Trần Huy Liệu, Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 18, tháng 9 năm 1960.